“Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa” để học sinh phát huy vai trò trung tâm

05/09/2024 - 04:56 PM
Sáng nay 5/9, hơn 23 triệu học sinh trên cả nước hòa mình trong không khí từng bừng ngày khai giảng năm học mới 2024 - 2025. 
 
Theo số liệu tính đến ngày 04/9/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2024-2025, cả nước có khoảng 25,2 triệu học sinh, sinh viên theo học tại gần 54.000 cơ sở giáo dục; trong đó có hơn 23 triệu học sinh. Bậc tiểu học có số lượng học sinh nhiều nhất với hơn 8,8 triệu học sinh, còn lại là bậc THCS, mầm non. Cả nước có gần 1,66 triệu giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động trong ngành giáo dục.
 
Năm học 2024-2025 có ý nghĩa quan trọng đặc biệt với nhiều nhiệm vụ và thử thách lớn. Năm học này đánh dấu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hoàn thành chu trình đầu tiên, triển khai ở tất cả các khối lớp từ lớp 1 đến lớp 12 và cũng là năm đầu tiên học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông theo chương trình mới. Với chủ đề năm học được ngành giáo dục xác định là: "Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương", năm học 2024-2025 là một hành trình đầy thách thức nhưng sẽ mở ra cơ hội để nâng cao chất lượng giáo dục, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của học sinh.

Tham dự lễ khai giảng tại trường Nguyễn Đình Chiểu - Hà Nội, t
rong không khí hân hoan, phấn khởi của ngày khai trường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng toàn ngành Giáo dục đã đạt được những kết quả trong năm học 2023-2024, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
 
Năm học mới 2024-2025, Thủ tướng nêu rõ, ngành giáo dục nói riêng và cả nước nói chung cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo với phương châm "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể - Thầy cô giáo là động lực - Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa - Xã hội là nền tảng".
 
“Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa” để học sinh phát vai trò trung tâm
Năm học mới 2024-2025 tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo với phương châm
"Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể - Thầy cô giáo là động lực - Nhà trường làm bệ đỡ
- Gia đình là điểm tựa - Xã hội là nền tảng" 

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành, địa phương phải là nền tảng, góp phần quan trọng tạo môi trường lành mạnh về pháp lý, văn hóa, đạo đức, kiến thức, tạo ra xã hội học tập, nhất là điều kiện thuận lợi đối với các cháu học sinh khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, ngành quán triệt và tổ chức triển khai hiệu quả Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo; tập trung thực hiện tốt các phương hướng, nhiệm vụ đề ra cho năm học 2024 - 2025. Đồng thời chú trọng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông gắn với đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy tính cực, chủ động của học sinh; thường xuyên cập nhật, vận dụng phương pháp giáo dục tiên tiến, kế thừa được thành tựu của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin, phát triển phù hợp với xu hướng giáo dục hiện nay trên thế giới.
 
Thủ tướng cũng chỉ đạo hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, công bằng, bình đẳng, thúc đẩy xã hội học tập và tạo cơ hội học tập suốt đời; trong đó khẩn trương hoàn thành Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Cùng với đó, nâng cao chất lượng giáo dục, đa dạng hóa mô hình, chương trình đào tạo, phương thức học tập phù hợp với người học; tăng cường giáo dục hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; chú trọng giáo dục hòa nhập trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông nhằm đảm bảo quyền học tập bình đẳng, chất lượng và phù hợp để các cháu phát triển khả năng của bản thân, được hòa nhập, tăng cơ hội đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội.
 
“Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa” để học sinh phát vai trò trung tâm 1
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, công bằng, bình đẳng,
thúc đẩy xã hội học tập và tạo cơ hội học tập suốt đời

Thủ tướng mong muốn, các bậc phụ huynh hãy luôn là điểm tựa vững chắc, là chỗ dựa tinh thần, vật chất, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, thấu hiểu khó khăn, thách thức. Nhà trường phải là bệ đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị, điều kiện học tập, môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, bình đẳng và thuận lợi cho các cháu học sinh, đặc biệt không có bạo lực học đường, ma túy học đường. Đồng thời, ngành giáo dục cần quan tâm chăm lo, phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo để các thầy, cô giáo thực sự là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo cho các thế hệ học sinh noi theo./.
 
P.V 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top