Nhiều chuyển biến trong giáo dục đại học

22/11/2019 - 08:36 AM
Với quan điểm coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước ta thời gian qua nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước và đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Trong đó giáo dục đại học (GDĐH) giữ một vai trò đặc biệt quan trọng, cung cấp hàng triệu nhân lực có trình độ, giữ vai trò nòng cốt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là trước yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hoá, GDĐH cần tiếp tục có sự đổi mới mạnh mẽ, đđáp ứng ngày càng tốt hơn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
  
 
Đổi mới để cải thiện vị trí xếp hạng trong khu vực và thế giới
Theo Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục (2013-2018) của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có 236 trường đại học, học viện (không tính các trường thuộc khối quốc phòng - an ninh), trong đó có 171 trường đại học công lập và 65 trường đại học ngoài công lập, thực hiện đào tạo cho khoảng 1,7 triệu sinh viên. Hiện số trường đại học trên cả nước đã vượt so với chỉ tiêu đặt ra tại Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006-2020 là đến năm 2020 cả nước có 224 trường đại học, cho thấy mạng lưới đào tạo GDĐH nước ta phát triển mạnh mẽ trong những năm vừa qua.
 
Bên cạnh việc phát triển mạng lưới các trường đại học rộng khắp cả nước, chất lượng GDĐH được cải thiện đáng kể và có nhiều chuyển biến tích cực. Thực hiện chủ trương đổi mới công tác xây dựng chương trình đào tạo, trong đó có sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà sử dụng lao động; xây dựng và công bố chuẩn đầu ra theo từng ngành đào tạo, hầu hết các cơ sở GDĐH đã điều chỉnh, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, phù hợp với từng ngành, nhóm ngành đào tạo và việc phân tầng của hệ thống giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Bên cạnh đó, các cơ sở GDĐH đã tích cực, chủ động đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực, tăng cường kỹ năng ứng dụng và thực hành, chú trọng đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết xã hội; quan tâm hơn đến phát triển các kỹ năng mềm, hoạt động ngoại khóa giúp sinh viên phát triển năng khiếu và tính sáng tạo, chủ động hội nhập và chấp nhận cạnh tranh.
 
Nhiều chuyển biến trong giáo dục đại học
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Đđáp ứng nhu cầu giáo dục, đào tạo trong nền kinh tế tri thức mà Việt Nam đang hướng đến, với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin nói chung và internet nói riêng, nhiều cơ sở GDĐH nước ta đã đưa mô hình đào tạo trực tuyến vào giảng dạy kết hợp mô hình đào tạo truyền thống. Điều này đã mở ra cơ hội học tập tốt hơn cho thế hệ trẻ Việt Nam để họ có thể có được một tương lai vững chắc và làm chủ trong thời đại công nghệ số.
 
Một trong những câu chuyện luôn được nhắc tới trong thời gian qua trong GDĐH là sinh viên ra trường không tìm được việc làm, trong khi đó các doanh nghiệp lại gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng được những lao động có thể đáp ứng nhu cầu công việc do phần lớn sinh viên ra trường yếu kỹ năng thực hành hoặc thiếu những kiến thức, kỹ năng mềm. Để khắc phục tình trạng này, các cơ sở GDĐH đã đẩy mạnh công tác đào tạo gắn kết với nhu cầu lao động của địa phương, với các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động, nhằm kết nối quan hệ cung - cầu trong thị trường lao động. Theo đó, trên cơ sở khảo sát, dự báo nhu cầu đào tạo, các cơ sở GDĐH đã có sự điều chỉnh về cơ cấu ngành nghề; nhiều trường đã tập trung vào mở mới nâng cao chất lượng các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sức khỏe và du lịch là những ngành đem lại nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ở trong nước cũng như việc dịch chuyển lao động trong khu vực ASEAN. Theo Bộ GD&ĐT, tổng số ngành mở mới ở trình đđại học là 184 ngành, tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành Kỹ thuật, Công nghệ kỹ thuật, Máy tính và Công nghệ thông tin, Khoa học xã hội và hành vi, Kinh doanh quản lý, Pháp luật. Mô hình gắn kết giữa trường đại học với doanh nghiệp trong đào tạo đại học đã phát huy tính hiệu quả, xóa bỏ dần khoảng cách giữa trường ĐH và việc đáp ứng nhu cầu thực tế của DN về nguồn nhân lực trình độ và chất lượng cao.
 
Bắt nhịp với xu hướng quốc tế hóa GDĐH, các trường ĐH Việt Nam đã và đang thực hiện khoảng 500 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Trong đó, nhiều cơ sở GDĐH phát triển chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế: Mô hình đào tạo theo định hướng năng lực đầu ra trong các trường ĐH kỹ thuật (CDIO); Chương trình giáo dục định hướng nghề nghiệp - ứng dụng (POHE); Chương trình Đào tạo Kỹ sư chất lượng cao PFIEV; Chương trình tiên tiến; Chương trình chất lượng cao và các chương trình liên kết quốc tế khác; bước đầu rà soát chương trình đào tạo tiếp cận tiêu chuẩn Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á - Đảm bảo chất lượng (ASEAN University Network - Quality Assurance - AUN-QA). Qua đó từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
 
Tự chủ trường đại học hiện được xem là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo. Trong thời gian qua, vấn đề tự chủ trong GDĐH Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ngoài việc tự chủ về tài chính và nhân sự, thực hiện sứ mệnh sáng tạo ra tri thức, các trường ĐH đã từng bước tự chủ về chuyên môn, hình thành mô hình đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao tiếp cận chuẩn quốc tế, bồi dưỡng nhân tài; đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước nhờ nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động KH-CN.
 
Với những nỗ lực đổi mới hình thức, phương pháp đào tạo, số lượng cơ sở GDĐH được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng đã tăng lên đáng kể. Tính đến tháng 6/2018, cả nước có 117 cơ sở GDĐH được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng bởi các tổ chức kiểm định trong nước và 06 cơ sở giáo dục đại học được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) và Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA). Ngoài ra, có 112 chương trình đào tạo đại học đã được đánh giá và công nhận, trong đó có 08 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước; 104 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài và công nhận bởi các tổ chức kiểm định quốc tế, 16 chương trình đánh giá theo chuẩn của Uỷ ban Bằng Kỹ sư Pháp (CTI); 2 chương trình đánh giá theo chuẩn của Hội đồng Kiểm định kỹ thuật và công nghệ, Hoa Kỳ (ABET); 6 chương trình đánh giá theo chuẩn của Hội đồng Kiểm định các trường và chương trình đào tạo về kinh doanh, Hoa Kỳ (ACBSP).
 
Nhiều chuyển biến trong giáo dục đại học 1
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Các kết quả trên đã giúp cải thiện xếp hạng của các trường ĐH Việt Nam trên thế giới. Theo bảng xếp hạng thế giới năm 2018 của Quacquarelli Symonds (QS) - một tổ chức xếp hạng đại học của Anh, lần đầu tiên Việt Nam có hai trường ĐH nằm trong nhóm 1.000 trường danh tiếng nhất thế giới. Cụ thể, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh nằm trong nhóm 701-750 và ĐH Quốc gia Hà Nội được xếp vào nhóm 801-1000 của bảng xếp hạng QS 2019. Trong khu vực châu Á, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 291-300, Trường ĐH Cần Thơ thuộc nhóm 301-350 và ĐH Huế thuộc nhóm 351-400 các trường tốt nhất. Mặc dù còn ở vị trí khá khiêm tốn so với nhiều trường ĐH trong khu vực và trên thế giới, song đây là một sự khích lệ lớn để các trường đại học Việt Nam tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo cho những năm tiếp theo. 
 
Chủ trương mới để tháo gỡ những nút thắt
Bên cạnh những kết quả trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại của GDĐH Việt Nam hiện nay. Đó là, hệ thống được mở rộng nhanh chóng nhưng đã có dấu hiệu chững lại trong 10 năm gần đây; chất lượng đào tạo thấp và mức độ phù hợp chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là chưa bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng của cách mạng công nghiệp 4.0. Nghiên cứu khoa học ở các cơ sở GD ĐH còn chưa được quan tâm đúng mức và kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Số lượng nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu quốc tế dù đã có cải thiện nhưng vẫn còn bị bỏ khá xa so với các nước láng giềng, như Singapore, Thailand và Malaysia; các hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả. Năng lực quản trị, quản lý của các cơ sở GD ĐH chưa theo kịp yêu cầu của phát triển GD ĐH và hội nhập quốc tế…
 
Ngoài ra, hiện mức chi đầu tư cho GDĐH ở nước ta khá thấp so với các bậc học khác và so với các nước trên thế giới. Theo thống kê, trong khi Chính phủ đầu tư cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông ở mức khá cao thì chỉ dành 0,33% GDP cho giáo dục đại học. Đây là một trong những mức đầu tư thấp nhất trên thế giới khi mức trung bình của các nước thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) là 1,1%. Chi tiêu cho mỗi sinh viên đại học, tính theo % GDP bình quân đầu người, chỉ bằng 2/3 so với giáo dục phổ thông và 1/3 so với các nước OECD. Đây được cho là một thách thức lớn cho mục tiêu trở thành nền kinh tế dựa trên tri thức trong tương lai.
 
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hiện nay, lợi thế cạnh tranh lớn nhất không phải tài nguyên, công nghệ mà là con người, thì GDĐH cần được xem là động cơ chính để chuyển đổi tiềm năng thành nguồn nhân lực lao động có tay nghề cao. Để GDĐH có được những bước đột phá, đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế, ngày 15/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 69/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025”, với mục tiêu tổng thể là “tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của hệ thống giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực; góp phần nâng cao chất lượng và năng suất lao động, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, tăng cường năng lực cạnh tranh của quốc gia trong khu vực và trên thế giới”.
 
Có 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp được đưa ra để thực hiện được mục tiêu này là: (1) Đẩy mạnh thực hiện tự chủ, đổi mới quản trị giáo dục đại học gắn với cơ chế quản lý và giám sát hiệu quả; (2) Tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng và đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học; (3) Đổi mới quản lý đào tạo, chương trình, phương pháp đào tạo; (4) Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng; (5) Đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục đại học; (6) Xây dựng và triển khai Hệ thống thu thập thông tin, phân tích và dự báo cung - cầu nguồn nhân lực trình độ cao; (7) Xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn lực, động lực và môi trường cạnh tranh lành mạnh phát triển giáo dục đại học.
 
Ngoài chủ trương trên, để có một chiến lược phát triển dài hạn cho GDĐH, Bộ GD&ĐT đã và đang phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cùng nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển GDĐH Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2035. Đây sẽ là cơ sở để GDĐH Việt Nam ngày càng phát triển và hội nhập cùng giáo dục toàn cầu./.

Mục tiêu cụ thể của Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025”
 
Về chất lượng sinh viên tốt nghiệp: 100% sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra, bao gồm cả chuẩn trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm.
Về điều kiện bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục:
100% giảng viên đại học có trình độ thạc sĩ hoặc tương đương trở lên;
100% cơ sở giáo dục đại học (đủ điều kiện) thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục,
Trên 35% chương trình đào tạo được kiểm định trong nước hoặc nước ngoài.
 
Về tự chủ đại học: 100% cơ sở GDĐH thực hiện tốt cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình.

Về hội nhập quốc tế:
- 100% cơ sở khai thác và sử dụng các chương trình đào tạo, học liệu mở được chia sẻ trực tuyến bởi các trường đại học có uy tín trên thế giới;
- Trên 70% cơ sở có hoạt động trao đổi giảng viên, sinh viên với các trường ĐH trong khu vực và trên thế giới;
- Trên 70% cơ sở có ngành đào tạo trong số 8 ngành đã được công nhận lẫn nhau trong khu vực ASEAN;
- Có ít nhất 02 cơ sở được xếp hạng trong nhóm 100; 10 cơ sở thuộc nhóm 400 trường đại học tốt nhất Châu Á;
- Có ít nhất 04 cơ sở được xếp hạng trong số 1.000 trường ĐH hàng đầu thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.

Về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng
- Hàng năm có trên 30% cơ sở có ít nhất 03 đề tài, chương trình hoặc dự án hợp tác với nước ngoài;
- Trên 50% cơ sở thực hiện được ít nhất 02 đề tài nghiên cứu khoa học hoặc chuyển giao công nghệ cho các tổ chức trong và ngoài nước;
- Trên 50% cơ sở tổ chức được ít nhất 01 hội thảo quốc tế hằng năm;
- Có ít nhất 10 tạp chí khoa học của các cơ sở trong nước được nâng cấp đạt chuẩn của các tạp chí quốc tế trong khu vực ASEAN và thế giới.

Về chương trình đào tạo
- Trên 50% cơ sở sử dụng toàn bộ hoặc tích hợp một phần nội dung chương trình đào tạo và giáo trình của nước ngoài;
- 100% chương trình đào tạo có mục tiêu, nội dung được thiết kế đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thị trường lao động.
 
 Ngọc Linh

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top