Thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 3
Bão số 3 (Yagi) là cơn bão lịch sử có sức càn quét kinh hoàng khi đổ bộ vào Việt Nam. Đây cũng là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông. Mặc dù đã có công tác chuẩn bị, ứng phó chu đáo, nhưng siêu bão này vẫn để lại những tổn thất và hậu quả rất nặng nề. Hoàn lưu bão số 3 tiếp tục gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, tình hình sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân tại nhiều địa phương miền Bắc và tình hình kinh tế - xã hội của cả nước.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai) tổng hợp từ báo cáo của các địa phương, thống kê sơ bộ tính đến 17h00 ngày 18/9/2024, cả nước có tổng số 333 người chết và mất tích; 1.930 người bị thương; 143,5 nghìn người bị ảnh hưởng; khoảng 235,3 nghìn căn nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái; gần 82,1 nghìn nhà bị ngập; 55 nghìn nhà phải di dời khẩn cấp. Bên cạnh đó, hơn 1.500 trường học bị ảnh hưởng; gần 310 nghìn cây xanh đô thị bị gẫy đổ; 726 sự cố đê điều; trên 307,4 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 03 triệu gia súc, gia cầm bị chết...
Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50 nghìn tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15 điểm % so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%.
Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50 nghìn tỷ đồng
Những ngày trong và sau bão số 3 cùng hoàn lưu sau bão ảnh hưởng đến các tỉnh phía Bắc, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương, các lực lượng chức năng thực hiện khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa bão.
Trong những ngày miền Bắc gánh chịu thiên tai, tình người được sẻ chia và nhân lên gấp bội. Người dân cả nước đã cùng hướng về vùng lũ miền Bắc, chung tay khắc phục thiệt hại hậu quả cơn bão số 3 Yagi gây ra, sẻ chia những mất mát, khó khăn của đồng bào, góp sức giúp nhân dân các địa phương vùng bị ảnh hưởng sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh. Nhiều hoạt động quyên góp cứu trợ đã diễn ra trên khắp cả nước.Tính đến 17h00 ngày 23/9/2024, tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương đã tiếp nhận tổng số tiền là 1.714 tỷ đồng (một nghìn bẩy trăm mười bốn tỷ đồng) để ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão. Hàng loạt chuyến xe cứu trợ từ khắp mọi miền tổ quốc chở nhu yếu phẩm, lương thực, nước uống và vật dụng thiết yếu và cả tấm lòng sẻ chia, nghĩa tình của người dân cả nước đã nối đuôi nhau tiến về miền Bắc.
Nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, tiếp tục phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 khoảng 6,8-7%, ngày 17/9/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP, đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Trong đó, với nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về hỗ trợ khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống Nhân dân, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành xác định mức độ thiệt hại và nhu cầu hỗ trợ của các địa phương, làm cơ sở bố trí dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng. Đồng thời, nâng mức hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn chịu thiệt hại sau bão. Thực hiện nhanh, hiệu quả các chính sách hỗ trợ khẩn cấp đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Đối với nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, Chính phủ chỉ đạo các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch sản xuất linh hoạt, hiệu quả và các biện pháp khắc phục hậu quả để khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau bão, mưa lũ; hỗ trợ giống, thức ăn, hóa chất và các vật tư cần thiết cho các địa phương để khôi phục sản xuất nông nghiệp; khắc phục, sửa chữa ngay các sự cố, hư hỏng về hệ thống đê điều, hồ chứa thủy lợi do bão, mưa lũ.
Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước... cho các đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão, lũ, lụt, sạt lở đất; chỉ đạo các công ty bảo hiểm khẩn trương rà soát, chi trả quyền lợi bảo hiểm cho các khách hàng bị ảnh hưởng theo quy định.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện trích lập dự phòng để xử lý rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3; chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão.
Chính phủ đồng thời chỉ đạo các Bộ, ngành bổ sung nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay các chương trình tín dụng đang được thực hiện tại Ngân hàng Chính sách xã hội, đặc biệt là cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc; nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ khôi phục nhanh chóng các cơ sở logistic và kho bãi bị hư hỏng để đảm bảo không bị gián đoạn chuỗi cung ứng; cho phép cơ sở kinh doanh du lịch tại địa phương bị ảnh hưởng được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến tháng 6/2025…
Chính phủ chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân,
đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát
Ở nhóm nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các Bộ, ngành, địa phương được giao nắm chắc tình hình thị trường, giá cả hàng hóa để có giải pháp phù hợp, hiệu quả ổn định thị trường; thúc đẩy sản xuất, bảo đảm cung ứng đầy đủ nguồn hàng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai quy định về quản lý giá, ổn định giá mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu cho đời sống của Nhân dân và sản xuất kinh doanh; xử lý nghiêm theo pháp luật các hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá, thao túng giá.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, nhất là vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão, lũ, thiên tai, tuyệt đối không để xảy ra thiếu lương thực, thực phẩm trong những tháng cuối năm. Đẩy mạnh tiết kiệm chi, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn lực bảo đảm cho an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ người dân và đầu tư phát triển.
Song song với các giải pháp trên là tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, ưu tiên khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký; thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA mới, mở rộng các thị trường mới. Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; tranh thủ tối đa các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới như bán dẫn, năng lượng sạch, Hydrogen... Tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt, kịp thời, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố và các dự án vướng mắc, tồn đọng khác, đặc biệt là tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và mưa lũ sau bão.
405 nghìn tỷ đồng vốn tín dụng lãi suất thấp để tái thiết sau bão số 3
Bão số 3 cũng gián tiếp ảnh hưởng đến ngành ngân hàng khi nhiều khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân chịu ảnh hưởng bão, dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ, không đáp ứng các điều kiện vay mới. Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng do bão lũ, sạt lở đất tính đến nay là khoảng 116.000 tỷ đồng.
Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, yêu cầu các TCTD rà soát dư nợ ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, chủ động thực hiện các giải pháp như miễn giảm lãi, giãn, hoãn nợ… phối hợp với các địa phương để hỗ trợ DN, người dân.
Tại Hội nghị Triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 diễn ra vào ngày 20/9 mới đây, Lãnh đạo NHNN đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ đối với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố của 26 tỉnh/thành bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại địa phương.
Theo Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, đã có 32/40 ngân hàng đăng ký các gói tín dụng mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với tổng số tiền lên tới 405.000 tỷ đồng, lãi suất giảm từ 0,5-2% để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu tác động bởi cơn bão số 3.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là một trong những ngân hàng đầu tiên chủ động triển khai phương án hỗ trợ khách hàng, thực hiện giảm 0,5-2% lãi suất cho các khách hàng vay vốn sản xuất kinh doanh ở khu vực bị thiệt hại do bão, từ ngày 6/9 đến hết năm nay. Chính sách này áp dụng cho dư nợ hiện hữu và vay mới. Vietcombank ước tính gần 20.000 khách hàng với tổng dư nợ 130.000 tỉ đồng được hạ lãi suất, tương ứng mức hỗ trợ 100 tỉ đồng.
Theo thống kê của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) – ngân hàng chuyên cho vay lĩnh vực nông nghiệp, cho biết khoảng 12.000 khách hàng với dư nợ 21.000 tỉ đồng bị ảnh hưởng do bão và mưa lũ. Ngân hàng Agribank sẽ giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng với từng mức độ từ 0,5 - 2% và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ 6/9 – 31/12/2024 cho khách hàng hiện hữu. Đồng thời, đối với khoản vay mới phát sinh từ ngày 6/9 đến 31/12/2024, Agribank giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay theo từng đối tượng, lĩnh vực, áp dụng trong thời gian tối đa 6 tháng kể từ ngày giải ngân.
Mới đây nhất, ngày 23/9, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố giảm lãi suất tối đa lên đến 2%/năm tùy theo mức độ thiệt hại và kỳ hạn vay vốn của các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Tổng quy mô dư nợ áp dụng giảm lãi suất là 100.000 tỷ đồng. Trong đó, 40.000 tỷ đồng dành cho các khoản vay hiện hữu và triển khai gói tín dụng quy mô 60.000 tỷ đồng cho các khoản vay mới. Thời gian hỗ trợ giảm lãi suất từ ngày 20/09/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
Chia sẻ khó khăn với các khách hàng chịu thiệt hại từ siêu bão Yagi, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng dành gói hỗ trợ quy mô đến 100.000 tỷ đồng để cho vay ưu đãi lãi suất với mức giảm lên đến 2%/năm, áp dụng đến hết năm 2024. Với vị thế là ngân hàng trụ cột của nền kinh tế, VietinBank cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ cũng như đồng hành cùng khách hàng khắc phục hậu quả sau bão, lũ.
Hàng loạt ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do bão số 3
Để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của bão, lũ, HDBank dự kiến dành gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất thấp hơn thông thường từ 1-2%. Ngân hàng cũng sẽ giảm 1% lãi suất của các khoản vay hiện hữu phục vụ sản xuất kinh doanh của khách hàng. Đối với các khoản vay sản xuất kinh doanh mới, lãi suất sẽ được giảm 2% trong 3 tháng đầu tiên so với lãi suất hiện hành, hoặc 0% cho tháng đầu tiên.
Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cũng sẽ giảm 1% lãi suất của các khoản vay hiện hữu phục vụ sản xuất kinh doanh của khách hàng. Đối với các khoản vay sản xuất kinh doanh mới, lãi suất sẽ được giảm 2% trong 3 tháng đầu tiên so với lãi suất hiện hành hoặc 0% cho tháng đầu tiên. Dự kiến gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của bão lũ là 10.000 tỷ đồng.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) giảm đến 2%/năm lãi suất cho vay trên dư nợ hiện hữu hoặc dư nợ mới. Đồng thời, giảm thêm 50% phí dịch vụ và miễn phí tất toán trước hạn. Tổng dư nợ giảm lãi suất ước khoảng 27.500 tỷ đồng với số tiền giảm gần 100 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng dành hơn 2.000 tỷ đồng hỗ trợ cho khách hàng cá nhân với mức giảm lên đến 50% tiền lãi hiện tại, đồng thời mức lãi suất ưu đãi này sẽ được giữ cố định đến muộn nhất là 31/1/2025. Với khách hàng doanh nghiệp, TPBank dành 2.000 tỷ đồng; trong đó có 1.200 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho khách hàng hiện hữu và 800 tỷ đồng dành cho khách hàng vay mới với lãi suất giảm tối đa đến 2%.
Các chương trình tương tự hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của bão lũ cũng được nhiều ngân hàng khác triển khai như: Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank), Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank), Ngân hàng Shinhan Việt Nam...
Bên cạnh mức giảm lãi suất phổ biến từ 0,5-2%/năm dành cho cả khách hàng hiện hữu và khách hàng vay mới, đáng chú ý có một số ngân hàng còn "mạnh tay" giảm 50-100% tiền lãi phải trả cho khách hàng từ nay đến hết năm 2024. Đơn cử như Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) sẽ miễn giảm 50% lãi phải trả của khách hàng hiện hữu bị thiệt hại từ ngày 1/9 – 31/12/2024. Thậm chí, căn cứ vào tình hình thiệt hại thực tế, SHB có thể giảm tới 100% lãi phải trả, nhất là những khách hàng là nông dân, hộ kinh doanh...
Có thể nói, trong thiệt hại, mất mát mà thiên tai gây ra, chúng ta lại được thấy những hình ảnh đẹp tỏa sáng. Đó là sự đồng lòng, chia sẻ của mọi miền đất nước cùng nhau vượt qua bão lũ. Đó là sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các Bộ, ngành, địa phương không ngại khó, không ngại khổ để chăm lo cho Nhân dân; cùng Nhân dân và các doanh nghiệp tái thiết cuộc sống, hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là niềm tin, niềm tự hào để người dân cả nước cùng nắm tay nhau vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục hiện thực hóa khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, văn minh, có vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế./.
B.N