Là một huyện nằm ở trung tâm của tỉnh Khánh Hòa, cách trung tâm thành phố Nha Trang 10 km về phía Tây, Diên Khánh được định hướng phát triển theo hướng đô thị sinh thái gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ.
Theo số liệu từ Chi cục Thống kê Huyện Diên Khánh, từ đầu năm đến 15/9/2024, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm ước thực hiện 9 177,7ha, đạt 95% kế hoạch.
Đối với cây lương thực, có diện tích trồng là 7.443ha, đạt 96% kế hoạch. Trong đó, diện tích đất trồng lúa vụ mùa Đông Xuân năm 2023 - 2024 là 3.954ha, giảm nhẹ 0,1% do chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất chuyên dùng, đạt năng suất bình quân 68 tạ/ha và cho tổng sản lượng đạt 26.914,4 tấn, so với vụ Đông xuân 2022 - 2023 năng suất tăng 10,6% và sản lượng tăng 10,4%. Riêng vụ Hè Thu 2024, diện tích trồng là 3.611 ha nhưng do thời tiết khô hạn, thiếu nước kéo dài nên không sản xuất 157 ha, ước tính năng suất bình quân đạt 64 tạ/ha, giảm 0,8% so với vụ Hè Thu năm trước và mức sản lượng chỉ đạt 23.065,6 tấn, giảm 0,9%.
Đối với cây ngô, chủ yếu là trồng ngô thương phẩm với diện tích gieo trồng giảm 12,1%, do hiệu quả kinh tế không cao nên người dân chuyển sang cây trồng hàng năm khác. Cây ngô thu hoạch đạt 103,5ha, cho năng suất bình quân 32,2tạ/ha.
Đối với các loại cây trồng khác, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm là 1.187 ha, bao gồm: Cây chất bột có củ 20 ha, đạt 105,3% kế hoạch; cây thực phẩm 347 ha, đạt 54% kế hoạch; cây công nghiệp hàng năm 733,5ha (trong đó mía 727 ha), cây hàng năm khác 129,8 ha, tăng 13,4% là do tăng diện tích trồng cây thức ăn gia súc để chủ động nguồn thức ăn dùng cho chăn nuôi.
Tổng diện tích thu hoạch cây hàng năm là 1.041 ha/1.187 ha đạt 87,7%, trong đó: Cây khoai lang 4,5ha, sản lượng đạt 27,9 tấn; Cây mía 727ha, sản lượng 37.077 tấn; Cây sắn 5,5ha, sản lượng 96,3 tấn; Cây đậu tương 2ha, sản lượng 5,2 tấn; Cây lạc 4,5 ha, sản lượng 7,3 tấn; Cây rau các loại 286 ha, sản lượng 5357,7 tấn; Đậu các loại 11,5 ha, sản lượng 30 tấn (số liệu Phòng Kinh tế huyện Diên Khánh).
Đối với cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm, diện tích ước tính 9 tháng đầu năm 2024 là 3.145,3ha. Trong 6 tháng đầu năm 2024 cho sản lượng thu hoạch đạt 9.760 tấn (trong đó, sản lượng thu hoạch cây ăn quả là 8.600 tấn; sản lượng thu hoạch cây công nghiệp lâu năm là 1.160 tấn), đạt 105,4% so với kế hoạch của Huyện (số liệu Phòng Kinh tế huyện Diên Khánh).
Kết quả của 9 tháng năm 2024 cho thấy, tỷ lệ sản lượng lúa và các loại cây trồng khác tăng không nhiều so cùng kỳ năm 2023 và năng suất, hiệu quả sản xuất vẫn được duy trì và đạt kế hoạch đề ra. Đạt được kết quả này là do người dân trên địa bàn Huyện đã mạnh dạn chủ động chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả sang những cây trồng ngắn ngày mang lại giá trị kinh tế cao và sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ cho người sản xuất ứng dụng công nghệ cao và tạo được sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh các kết quả trên, lĩnh vực chăn nuôi cũng được UBND Huyện đặc biệt quan tâm, chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả. Nhờ đó, tình hình chăn nuôi của Huyện cơ bản ổn định, không xảy ra dịch bệnh lớn trên đàn gia súc, gia cầm. Tính đến tháng 9/2024, tổng đàn trâu, bò có 4.095 con, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2023; đàn lợn có 40.250 con, tăng 4,5%; đàn gia cầm có 387.700 con, tăng 2,3% do các hộ chăn nuôi bắt đầu tập trung tái đàn chuẩn bị dịp Tết Nguyên đán.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, năm 2023, Huyện đã triển khai chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, tổ chức trồng 53.800 cây phân tán với tổng kinh phí gần 87 triệu đồng, bảo vệ tốt hơn 6.057ha rừng tự nhiên và sử dụng hiệu quả gần 3.825ha rừng trồng.
Trong những tháng đầu năm 2024, Huyện triển khai tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ“ và giao nhiệm vụ cho 11 xã có diện tích trồng rừng sản xuất thực hiện rà soát tiềm năng đất đai tại địa phương và đăng ký số lượng cây giống trồng cây phân tán, trong đó chọn loài cây trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái, tập quán canh tác của từng địa phương, khu vực cụ thể, ưu tiên trồng cây bản địa, loại cây thân gỗ, cây đa mục đích có giá trị bảo vệ môi trường, tác dụng phòng hộ cao.
Đặc biệt, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) triển khai trên địa bàn Huyện đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong năm 2023, toàn huyện Diên Khánh có 8 sản phẩm OCOP được UBND Huyện công nhận đạt hạng 3 sao của 6 chủ thể. Trong 9 tháng năm 2024, Huyện có 24 sản phẩm từ các xã tham gia chương trình (gồm 07 công ty, 01 Hợp tác xã, 02 hộ cá thể), tăng gấp đôi so với năm 2022, trong đó có 19 sản phẩm OCOP được UBND công nhận sản phẩm đạt 3 sao.
Các sản phẩm OCOP của Huyện chủ yếu là các sản phẩm truyền thống, chủ lực của địa phương như: Gạo tươi RVT (Diên Tân), mía nước (Diên Phước), bánh tráng, nước uống đóng chai, rau tươi, nấm ăn, các sản phẩm từ yến (tổ yến chưng đường phèn, tổ yến chưng mật ong, nước yến mật ong, súp tổ yến hải sản, sữa chua sấy khô có tổ yến...).
Các sản phẩm ngày càng khẳng định được vị thế khi ứng dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng, mẫu mã, truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường... Các sản phẩm OCOP của Huyện được phân phối qua nhiều kênh, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, giao lưu kinh tế với các địa phương lân cận như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Phú Yên, Ninh Thuận... và được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Từ năm 2017 đến nay, nhiều phiên chợ nông sản và sản phẩm OCOP tỉnh Khánh Hòa được tổ chức, làm cầu nối giúp Diên Khánh kết nối, tiêu thụ các nông sản chất lượng, đạt tiêu chuẩn sao OCOP của các hộ sản xuất, HTX đến với người tiêu dùng. Đây cũng là dịp để các hộ sản xuất, HTX giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, tăng cường liên kết trong quảng bá tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho nông sản.
Huyện Diên Khánh đẩy mạnh liên kết giữa “4 nhà”, góp phần ổn định giá bán các loại nông sản
Một trong những động lực để nông nghiệp huyện Diên Khánh phát triển trong thời gian qua là sự liên kết giữa “4 nhà” (nhà nông dân, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học dưới sự hỗ trợ của nhà nước) được đẩy mạnh, góp phần ổn định giá bán các loại nông sản trên địa bàn Huyện, mang lại lợi nhuận đáng kể cho người dân khi tham gia vào chuỗi cung ứng. Điển hình là trong vụ Đông Xuân vừa qua, giá bán lúa tăng cao (tăng từ 3.000 - 4.000đ so với cùng kỳ 2023), lợi nhuận sau trừ chi phí sản xuất của người dân đạt 20 triệu đồng/ha.
Cũng nhờ sự liết kết giữa “4 nhà”, kênh tiêu thụ, phân phối các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Huyện đa dạng hơn, qua sự phối hợp giữa các doanh nghiệp, các siêu thị.
Trong sự bùng nổ của công nghệ, song song với tiêu thụ qua các kênh truyền thống như chợ, các cửa hàng bán lẻ, người bán hàng và các HTX nhanh chóng nắm bắt xu hướng, đẩy mạnh phát triển các kênh bán hàng qua mạng xã hội (facebook, zalo, shopee, tiktok...). Trong năm, UBND huyện đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn 2.460 hộ tham gia và kỹ năng bán hàng trên sàn thương mại điện tử như: Khanhhoalink; Postmart.vn, Voso.vn. Huyện Diên Khánh hiện có 115 loại nông sản được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, ký hợp đồng tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử.
Đẩy mạnh công tác dạy nghề cho lao động nông thôn cũng là một trong những giải pháp được Lãnh đạo huyện Diên Khánh chú trọng thực hiện để phát triển nông nghiệp địa phương. Năm 2024, đã có 3.100 lớp tập huấn liên quan đến những kiến thức, kỹ năng về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ thực vật được tổ chức, đào tạo cho hơn 155.000 lượt hội viên, người nông dân. Tổ chức 80 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho hơn 4.200 người tham gia sản xuất để tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất có hiệu quả, như: Quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP; Xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP; kỹ thuật nuôi bò; ứng dụng tưới nước tự động tiết kiệm... nhằm đáp ứng theo nhu cầu của thị trường tiêu dùng về sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Nhìn chung, ngành nông nghiệp huyện Diên Khánh trong 9 tháng đầu năm 2024 đã có những bước tiến đáng ghi nhận so với cùng kỳ năm 2023. Huyện đang nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiêu phát triển Diên Khánh thành thị xã trước năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Để đạt được mục tiêu này, Diên Khánh xác định ngành nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng và trong thời gian tới sẽ chú trọng hơn nữa trong việc ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất, chủ động tiếp cận những hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó, tăng cường tổ chức các lớp đào tạo nghề để nâng cao hơn nữa các nghiệp vụ, kỹ năng đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng khi phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn.
Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng lòng của người dân, kỳ vọng ngành nông nghiệp huyện Diên Khánh sẽ khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo đà cho địa phương bứt phá và phát triển bền vững trong thời gian tới./.
ThS. Phạm Thị Thu Tâm
Trường Đại học Khánh Hòa