Nhiều tín hiệu tích cực trong bức tranh kinh tế Bình Thuận năm 2022

31/12/2022 - 11:06 PM
Kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh Bình Thuận phát triển tích cực so với năm 2021, nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao như công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ lưu trú, vận tải, bán lẻ hàng hóa; xuất khẩu hàng hóa…Tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp tốt hơn, cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức cũng không ít, đặc biệt còn nhiều yếu tố rủi ro khó lường từ diễn biến dịch Covid-19, lạm phát, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao,... đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tăng trưởng kinh tế

Dự ước tổng sản phẩm nội tỉnh năm 2022, tăng 7,75% so với cùng kỳ năm trước; trong đó giá trị tăng thêm tăng 8,29%, thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,51%. Giá trị tăng thêm nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,5%; công nghiệp xây dựng tăng 6,66% (công nghiệp tăng 5,76%; xây dựng tăng 10,96%); dịch vụ tăng 14,88%.

Cơ cấu kinh tế trong GRDP năm 2022: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 27,72%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,51%; khu vực dịch vụ chiếm 32,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,23%.

Năng suất lao động xã hội tiếp tục có sự cải thiện, dự ước năm 2022 đạt 144,2 triệu đồng/người, tăng 7,53% so với cùng kỳ năm trước. GRDP bình quân đầu người ước đạt 77,3 triệu đồng/người, tăng 9,22% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 51,66 triệu đồng/người, tăng 9,97% so với cùng kỳ năm trước.

Nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 thuận lợi về điều kiện thời tiết. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp với điều kiện, lợi thế của địa phương. Chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng các loài nuôi có giá trị kinh tế, dễ tiêu thụ, có thị trường ổn định đầu ra, phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, phát triển mô hình chăn nuôi tuần hoàn; đẩy mạnh công tác cải tạo giống. Tình hình sâu bệnh trên cây trồng, vật nuôi không diễn biến phức tạp, chỉ xảy ra dưới dạng cục bộ và ảnh hưởng không đáng kể. 

Tình hình chăn nuôi trong năm 2022 tiếp tục được duy trì và phát triển; đàn trâu giảm nhẹ 1,7% so với cùng kỳ năm trước, đàn bò phát triển ổn định, tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước; đàn lợn phát triển khá, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước; đàn gia cầm phát triển thuận lợi, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước; tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, một số trang trại, doanh nghiệp thành lập mới chăn nuôi gà quy mô lớn đã góp phần làm cho tổng đàn gia cầm tăng cao.

Tình hình nuôi trồng thủy sản tính từ đầu năm đến nay tương đối thuận lợi, dịch bệnh nghiêm trọng không xảy ra. Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2022 ước đạt 11.838,5 tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước (chủ yếu là nuôi thủy sản nội địa). Tình hình khai thác thủy sản trong năm nhìn chung tương đối ổn định, ước đạt 231.380 tấn, tăng 0,58% so với cùng kỳ năm trước

Phát triển nông thôn mới

Năm 2022, tỉnh Bình Thuận tiếp tục xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí nâng cao, kiểu mẫu; xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất, giải quyết cơ bản nhu cầu thiết yếu của người dân nông thôn, góp phần quan trọng đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá khu vực nông thôn, là yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững.

Toàn tỉnh triển khai xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, chú trọng đầu tư các công trình hạ tầng cơ bản theo mục tiêu đã đề ra như giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ, trạm y tế, công trình nước sạch; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào các khâu sản xuất và tổ chức liên kết phát triển nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, hiệu quả và bền vững. Triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, sản phẩm, gắn với xây dựng nông thôn mới; trong đó, chú trọng xây dựng mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ gia đình với doanh nghiệp. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có thêm 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 71/93 xã (chiếm 76,34%), trong đó có 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Sản xuất công nghiệp

Hoạt động sản xuất công nghiệp năm 2022 với mức tăng trưởng thấp so với các năm trước đây và có sự chuyển dịch tăng trưởng từ ngành sản xuất và phân phối điện sang ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
 
Năm 2022 chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 1,33% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành khai khoáng và công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao (ngành khai khoáng tăng 25,41%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,07%); ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 3,16%; ngành cung cấp nước hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,2%.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) năm 2022 ước đạt 39.189,71 tỷ đồng, tăng 9,36% so với cùng kỳ năm trước; trong đó công nghiệp khai khoáng 3.138,12 tỷ đồng, tăng 32,18%; công nghiệp chế biến chế tạo 20.740,11 tỷ đồng, tăng 16,67%; sản xuất và phân phối điện đạt 15.065,68 tỷ đồng, giảm 2,48%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải đạt 245,80 tỷ đồng, tăng 4,82%.

Tình hình hoạt động của các khu công nghiệp (KCN)

Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN ổn định, có mặt chuyển biến tiến bộ, đạt kết quả cao hơn năm trước. Nhóm doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng như may mặc, da giày, túi xách, giấy dính cao cấp, gỗ, cơ khí, hải sản, thực phẩm, nhân hạt điều, khoáng sản, vật liệu xây dựng có sự tăng trưởng ổn định, một số doanh nghiệp tuyển thêm lao động để đáp ứng đơn hàng. Các chỉ tiêu về hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN đều tăng cao hơn bình quân chung toàn tỉnh.

Doanh thu các doanh nghiệp năm 2022 ước đạt trên 7.760 tỷ đồng tăng 43,3%; kim ngạch xuất khẩu 220 triệu USD tăng 53% so với cùng kỳ; nộp ngân sách trên 120 tỷ đồng, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước. Giải quyết việc làm cho trên 12.000 lao động, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp thực hiện tương đối tốt các quy định của Nhà nước về chế độ tiền lương, tiền thưởng cho người lao động, ký kết hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân... không để xảy ra đình công, lãn công và khiếu nại, khiếu kiện đông người. Có 331 lao động của 19 doanh nghiệp được chi hỗ trợ theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ với số tiền là 493,5 triệu đồng.

Sau một thời gian dài ảnh hưởng do dịch Covid-19 nên tiến độ đầu tư hạ tầng trong các KCN vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra. Trong năm có 6 KCN tiếp tục triển khai đầu tư hạ tầng với giá trị 55,26/242,21 tỷ đồng, đạt 22,81% kế hoạch cả năm 2022 (chưa tính giá trị chuẩn bị đầu tư của 2 KCN Sơn Mỹ 1, KCN Tân Đức). Có 66 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh/tổng số 85 dự án còn hiệu lực (gồm 44 dự án có vốn trong nước và 22 dự án có vốn đầu tư nước ngoài).

Xây dựng

Năm 2022, ngành xây dựng đã đối mặt với rất nhiều khó khăn từ chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao cho đến thị trường bất động sản gặp vấn đề về huy động vốn... Giá trị sản xuất xây dựng cả năm 2022 (theo giá hiện hành) ước 17.162 tỷ đồng tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước (chiếm tỷ trọng 0,6%) ước đạt 93 tỷ đồng; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước (chiếm 70,7%) ước đạt 12.141 tỷ đồng, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 1,8%) ước đạt 315,5 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước; loại hình kinh tế khác (chiếm 26,9%) ước đạt 4.612,5 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.

Giá trị sản xuất ngành xây dựng cả năm 2022 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 9.888,1 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước; công trình nhà ở đạt 3.204,6 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước; công trình nhà không để ở đạt 1.580,9 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước; công trình kỹ thuật dân dụng 4.295,6 tỷ đồng, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 806,9 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tư phát triển

Trong năm 2022, tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp về giải ngân vốn đầu tư công, kết quả thực hiện đến cuối năm đạt khá so với kế hoạch. Đến hết tháng 11 năm 2022 đã có 35 dự án có quyết định phê duyệt quyết toán, 2 dự án đang trình thẩm tra phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành và 28 dự án hoàn thành nhưng chưa nộp hồ sơ thẩm tra phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành.

Dự ước vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý năm 2022 đạt được 4.685 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 96,4% kế hoạch năm 2022. Trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh là 3.988,5 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 96,2% kế hoạch năm; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện là 616 tỷ đồng, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 98,1% kế hoạch năm; vốn ngân sách nhà nước cấp xã là 80,5 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 98,8% kế hoạch năm. Vốn cân đối ngân sách tỉnh là 970,2 tỷ đồng; vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu là 1.614 tỷ đồng; vốn nước ngoài (ODA) 92,1 tỷ đồng và vốn xổ số kiến thiết là 1.312,3 tỷ đồng.
 
Nhiều tín hiệu tích cực trong bức tranh kinh tế Bình Thuận năm 2022

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện trên địa bàn năm 2022 ước đạt 44.250,2 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn nhà nước đạt 8.757,1 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 19,8% trong tổng số vốn thực hiện; vốn ngoài nhà nước đạt 32.513,1 tỷ đồng tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 73,5% trong tổng số vốn thực hiện; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 2.979,9 tỷ đồng tăng 45,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 6,7% trong tổng số vốn thực hiện.

Đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư

Cả năm 2022 (tính đến ngày 14/12/2022), có 1.504 doanh nghiệp thành lập mới (trong đó có 645 đơn vị trực thuộc), tăng 53,63% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký 9.142,21 tỷ đồng, tăng 0,26%; có 241 doanh nghiệp hoạt động trở lại (trong đó có 55 đơn vị trực thuộc), tăng 6,17%; tạm ngừng hoạt động 381 doanh nghiệp (trong đó có 76 đơn vị trực thuộc), tăng 37,55%; số doanh nghiệp đăng ký thay đổi 1.519 doanh nghiệp (trong đó có 352 đơn vị trực thuộc), tăng 23,3%; chuyển đổi loại hình 88 doanh nghiệp, tăng 29,41% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp đã giải thể 330 doanh nghiệp (trong đó có 207 đơn vị trực thuộc), tăng 50%.

Lũy kế năm 2022 trên địa bàn tỉnh có 18 dự án được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư (giảm 15 dự án so với cùng kỳ năm trước), với tổng diện tích đất 146 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 716 tỷ đồng.

Thương mại, giá cả

Tình hình thương mại năm 2022 có mức tăng trưởng tương đối ổn định; nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, hàng hoá dồi dào, đa dạng. Ước cả năm 2022 tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 74.400 tỷ đồng, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 52.000 tỷ đồng, tăng 15,04%; doanh thu các ngành dịch vụ đạt 22.400 tỷ đồng, tăng 56,97%.

Hoạt động du lịch

Hoạt động du lịch trong năm phục hồi nhanh (chủ yếu quý III) nhưng không đồng đều giữa khách trong nước và khách quốc tế, lượng khách đến tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước (chủ yếu khách nội địa). Ước cả năm 2022 lượt khách du lịch đạt 5.720,2 ngàn lượt khách, tăng 3,2 lần so với cùng kỳ năm trước, ngày khách du lịch ước đạt 10.275,5 ngàn ngày khách, tăng 3,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ hoạt động du lịch dự ước năm 2022 đạt 13.680,3 tỷ đồng, tăng 3,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Năm 2022 dự ước lượng khách quốc tế đạt 87,7 ngàn lượt khách, tăng 3,8 lần so với cùng kỳ năm trước; ngày khách phục vụ ước đạt 346,6 ngàn ngày khách tăng 3,9 lần so với cùng kỳ năm trước.

Xuất, nhập khẩu

Hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh năm 2022 tăng trưởng khá tốt; tuy nhiên sự tăng trưởng giữa các nhóm hàng không đồng đều, trong khi nhóm hàng thủy sản và hàng hóa khác tăng trưởng khá cao do nhu cầu tiêu thụ của thị trường nước ngoài thì nhóm hàng nông sản lại giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2022 ước đạt 775,9 triệu USD, tăng 23,09% so với cùng kỳ năm trước; trong đó nhóm hàng thủy sản đạt 245,88 triệu USD, tăng 42,45%; nhóm hàng nông sản đạt 14,77 triệu USD, giảm 19,47%; nhóm hàng hóa khác đạt 515,25 triệu USD, tăng 17,26%.

Nhập khẩu trong năm 2022 ước đạt 1.341,93 triệu USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu để sản xuất như hàng thủy sản, nguyên liệu dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, giấy các loạithức ăn gia súc,.... Tỷ trọng một số mặt hàng chủ yếu như: Hàng thủy sản chiếm 12,83% tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu; nguyên liệu dệt may, da giày chiếm 12,32%; nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chiếm 71,14%.

 
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top