Năm 2024, thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều thử thách và cũng chứng kiến nhiều chính sách kinh tế quan trọng của các nền kinh tế lớn, tác động đáng kể đến kinh tế toàn cầu.
Từ khóa: Thế giới, chính sách, kinh tế, tăng trưởng
In 2024, the world continues to face many challenges and also witnesses significant economic policies from major economies, which have a considerable impact on the global economy.
Keywords: World, policy, economy, growth
Mỹ tăng cường hỗ trợ tiêu dùng trong nước và bảo vệ nền kinh tế trước các đối thủ
Bất chấp lãi suất tăng cao và thị trường lao động “hạ nhiệt”, nền kinh tế Mỹ khép lại năm 2024 với kết quả tăng trưởng mạnh mẽ đáng ngạc nhiên. Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, năm 2024, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng 2,8%, thấp hơn một chút so với mức 2,9% của năm trước đó. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, một trong những động lực giúp nền kinh tế nước này vượt mong đợi trong năm vừa qua chính là tăng sức chi tiêu dùng của người dân Mỹ.
Để hỗ trợ tiêu dùng trong nước, trong năm vừa qua, có tới hơn 20 tiểu bang của Mỹ thực hiện lộ trình tăng lương tối thiểu mạnh mẽ. Ví dụ như từ ngày 01/01/2024, tiểu bang Washington tăng lương tối thiểu lên 16,28 USD, từ mức 15,74 USD trước đó, và đây là mức lương tối thiểu cao nhất của tiểu bang nước này. Xếp thứ hai là California, tăng lên 16 USD từ mức 15,5 USD.
Không chỉ tăng mức lương tối thiểu ở các tiểu bang, ít nhất 40 thành phố và quận của nước này cũng đưa ra mức tăng lương tối thiểu hấp dẫn. Đơn cử như thành phố Tukwila thuộc bang Washington có mức lương tối thiểu là 20,29 USD vào tháng 1/2024, cao hơn nhiều mức lương tối thiểu 16,28 của bang đưa ra. Hay như thành phố Mountain View thuộc bang California tăng mức lương tối thiểu lên đến 18,85 USD, cao hơn đáng kể so mức lương tối thiểu 16 USD của bang này.
Việc tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ đã thực sự cải thiện tích cực tình hình tài chính hộ gia đình, hỗ trợ tiêu dùng, góp phần khuyến khích chi tiêu. Các nhà dự báo của Bloomberg Economics ước tính chi tiêu của hộ gia đình tăng 2,8% trong năm 2024, nhanh hơn năm 2023 và gần gấp đôi so với dự báo của họ vào đầu năm. Bên cạnh đó, dưới thời chính quyền của Tổng thống Joe Biden, trong năm 2024, Mỹ đã tiếp tục đẩy mạnh các chương trình đầu tư vào hạ tầng cơ sở, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Nhờ đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ, tốt hơn so với kỳ vọng bất chấp những khó khăn và thách thức.
Một chính sách quan trọng của Mỹ gây chú ý trong năm vừa qua là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ bằng việc giảm lãi suất 50 điểm cơ bản (0,5%) về 4,75-5% tại phiên họp chính sách vào tháng Chín năm ngoái, trong bối cảnh lạm phát đang dần hạ nhiệt và lo ngại ngày càng gia tăng về sức khỏe của thị trường lao động. Đây là lần đầu tiên cơ quan này hạ lãi suất kể từ tháng 3/2020. Quyết định này nhằm đảm bảo thị trường lao động quốc gia mạnh mẽ hơn trong bối cảnh nền kinh tế có thể đối mặt với những thách thức. Kể từ sau tháng 9/2024 đến hết năm ngoái, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tiếp tục quyết định cắt giảm lãi suất thêm hai lần nữa.
Kinh tế Mỹ được ví như một con tàu lớn, việc Fed xoay bánh lái thông qua hạ lãi suất, khó có thể khiến tàu chuyển hướng trong thời gian ngắn và các nhà kinh tế học cho rằng phải mất ít nhất là một năm, tác động từ việc điều chỉnh này mới rõ rệt trong nền kinh tế. Tuy nhiên, quyết định hạ lãi suất của Fed lại sẽ có tác động lớn trên toàn cầu, mở đường cho nhiều quốc gia khác điều chỉnh theo và xoa dịu sức ép lên tiền tệ các nước mới nổi.
Trong năm 2024, Mỹ cũng có nhiều chính sách thương mại quan trọng nhằm tăng cường các ngành công nghiệp chủ chốt trong nước như quyết định nâng thuế lên 100% đối với xe điện (EV) và 25% đối với pin xe điện từ Trung Quốc, bắt đầu áp dụng từ đầu tháng 10/2024; áp thuế bán phá giá từ 21,31% đến 271,2% với tấm pin năng lượng Mặt Trời đến từ bốn quốc gia Đông Nam Á, tùy thuộc vào công ty sản xuất; nâng thuế từ 25% lên 50% đối với một số mặt hàng công nghệ khác của Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025…
Bước sang năm 2025, dù Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể triển khai hàng loạt chính sách mới sau khi nhậm chức, song nền kinh tế Mỹ được nhận định là khá lạc quan với triển vọng cải tổ thuế và lời hứa của tân Tổng thống nước này về cắt giảm tình trạng quan liêu.
Châu Âu nỗ lực đưa ra nhiều chính sách quan trọng
Năm 2024, nền kinh tế của “lục địa già” vẫn chưa thực sự thoát khỏi khó khăn dù khu vực này đã có nhiều nỗ lực đưa ra các chính sách kinh tế quan trọng.
Cụ thể, năm vừa qua Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã phải 4 lần thông báo cắt giảm lãi suất để cứu vãn tình hình tăng trưởng kinh tế và lạm phát ở khu vực sử dụng đồng tiền chung eurozone đều yếu đi. Ở lần cắt giảm vào tháng cuối cùng của năm 2024, lãi suất tiền gửi, hoạt động tái cấp vốn chính và biên độ lãi suất cho vay của ECB hiện được ấn định ở mức lần lượt là 3%, 3,15% và 3,4%. Ngoài ra, một lý do khác khiến ECB quyết định cắt giảm lãi suất là nhằm hỗ trợ tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế khu vực chưa thể bứt phá sau đại dịch Covid-19 và khủng hoảng năng lượng sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.
Tháng 3/2024, các nhà lãnh đạo EU cũng đã quyết định một chính sách tài khóa quan trọng, nhất trí thực thi một chính sách tài chính thắt chặt hơn đối với Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) trong năm 2025, nhằm đảm bảo mục tiêu giữ thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP và nợ công dưới 60% GDP. Ngoài ra, 27 quốc gia EU đã thông qua kế hoạch về cách thức thu hút vốn tư nhân vào châu Âu để tài trợ cho quá trình chuyển đổi sinh thái và kinh tế kỹ thuật số, tăng tính cạnh tranh về các công nghệ và nguyên liệu thô quan trọng, với trọng tâm là tạo ra một Liên minh Thị trường vốn (CMU) của EU, giảm bớt các rào cản đối với đầu tư tư nhân xuyên biên giới.
Tiếp đến, tháng 10/2024, EU thông báo chính thức áp thuế lên xe điện sản xuất tại Trung Quốc với mức thuế lên đến 45,3%, có hiệu lực từ ngày 30/10 và kéo dài trong vòng 5 năm. Theo Ủy ban châu Âu (EC), việc áp thuế là cần thiết để bảo vệ ngành công nghiệp xe điện châu Âu trước sự cạnh tranh không công bằng từ xe điện giá rẻ của Trung Quốc khi có tới 55% lượng xe điện xuất khẩu của Trung Quốc hiện đã được đưa sang thị trường này. Quyết định của giới chức châu Âu đã và đang khiến căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn gia tăng.
Một điểm nhấn quan trọng trong năm 2024 vừa qua của EU là việc Ủy ban châu Âu (EC) chính thức phê duyệt Luật trí tuệ nhân tạo (AI), đặt nền tảng pháp lý đầu tiên trên thế giới về quản lý lĩnh vực công nghệ mới nổi và các hoạt động đầu tư có liên quan. Luật Trí tuệ nhân tạo được thiết kế nhằm duy trì không gian sáng tạo và cạnh tranh đồng thời vẫn hạn chế hậu quả tiêu cực của một công nghệ mới. Các tác phẩm có được nhờ trí tuệ nhân tạo trợ giúp cũng bắt buộc phải tôn trọng các luật hiện hành bảo vệ nhân phẩm con người và bản quyền sáng tác. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và đổi mới AI, tăng cường quản trị và thực thi hiệu quả luật pháp EU về các quyền cơ bản và yêu cầu an toàn cho hệ thống AI, tạo điều kiện phát triển một thị trường chung cho các ứng dụng AI hợp pháp, an toàn và đáng tin cậy cũng như ngăn chặn sự phân mảnh của thị trường.
Thêm vào đó, cuối năm 2024, Nghị viện châu Âu (EP) chính thức phê chuẩn đề xuất hoãn thực thi 12 tháng đối với Quy định chống phá rừng của EU (EUDR), một trong những trụ cột chính của Thỏa thuận Xanh. Theo đó, EP nhất trí đưa thời điểm luật có hiệu lực mới sang ngày 30/12/2025 đối với các công ty lớn và ngày 30/6/2026 đối với các doanh nghiệp nhỏ. Sự thay đổi này đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, như cà phê, dầu cọ, gỗ… tại các nước đang phát triển có thêm thời gian để thích ứng với quy định mới của EU.
Dự báo 2025, kinh tế châu Âu chông chênh giữa hy vọng và thách thức do đối mặt với nhiều rủi ro, từ căng thẳng địa chính trị, chi phí năng lượng cao, đến tranh chấp thương mại leo thang. Theo giới phân tích, để vượt qua giai đoạn khó khăn này, châu Âu cần tìm cách cân bằng giữa cải cách cơ cấu, đầu tư công và chính sách tài khóa linh hoạt hơn.
Năm 2024, thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều thử thách và cũng chứng kiến nhiều chính sách kinh tế quan trọng
của các nền kinh tế lớn, tác động đáng kể đến kinh tế toàn cầu
Nhật Bản chấm dứt lãi suất âm
Lo ngại về những bất ổn của kinh tế toàn cầu tác động đến kinh tế trong nước, năm 2024, Nhật Bản cũng có những chính sách quan trọng với hy vọng tăng lực đẩy cho nền kinh tế.
Vào tháng 3/2024, các công ty lớn nhất Nhật Bản đồng ý nâng lương cho người lao động thêm 5,28% trong năm 2024. Theo Rengo - công đoàn lớn nhất nước này cho biết, đây là mức tăng mạnh nhất trong 33 năm qua. Việc tăng lương được kỳ vọng sẽ thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình, từ đó kéo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản đi lên.
Cũng trong tháng Ba năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) chính thức ngừng chính sách lãi suất âm sau 8 năm áp dụng với nhiều tranh cãi, đánh dấu bước dịch chuyển lịch sử khỏi chương trình siêu nới lỏng tiền tệ được triển khai để ứng phó tình trạng giảm phát nhiều năm trước. Theo đó, lãi suất ngắn hạn được nâng lên 0-0,1%, thay vì -0,1% như trước. Đây là lần đầu sau 17 năm BOJ nâng lãi suất kể từ năm 2007. Nhật Bản là quốc gia cuối cùng trên thế giới bỏ lãi suất âm, chấm dứt thời kỳ nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng.
Động thái thắt chặt tiền tệ của Nhật Bản trái ngược với các nền kinh tế lớn khác trên thế giới và quyết định này được dự báo từ lâu, khi lạm phát vượt mục tiêu 2% suốt hơn một năm, bào mòn nền kinh tế và gây ra những thách thức tài chính lớn. Quyết định chấm dứt lãi suất âm của quốc gia này được cho rằng có thể khiến nhà đầu tư Nhật rời thị trường nước ngoài để quay về quê nhà. Dù vậy, giới phân tích đánh giá việc nâng lãi chủ yếu mang tính biểu tượng, chưa giúp kéo giá đồng Yên Nhật lên cao như kỳ vọng của nhà đầu tư.
Năm 2025 sẽ đầy thử thách đối với kinh tế Nhật Bản khi nước này phải đối mặt với những lo ngại ngày càng tăng về triển vọng tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là sau khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ và đưa ra những đe dọa nâng thuế quan. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết, kinh tế Nhật Bản dự kiến sẽ tăng trưởng vững trong hai năm tới, khi việc tăng lương thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Nhật Bản mong chờ vào con đường của Thủ tướng Ishiba hướng đến là sẽ tái khởi động chương trình “Tái thiết địa phương 2.0”, nhằm phát huy tối đa tiềm năng của các địa phương, với khẩu hiệu “địa phương chính là động lực tăng trưởng,” đồng thời cam kết tăng gấp đôi quỹ hỗ trợ cho các địa phương trong ngân sách cơ bản. Trong bối cảnh dân số giảm nhanh dẫn tới sức phát triển của cả nền kinh tế sa sút, Chương trình mục tiêu phát triển các địa phương không chỉ đơn giản là nhằm phục hồi tăng trưởng của từng địa phương riêng lẻ mà còn được đánh giá là chính sách quan trọng để vực dậy nền kinh tế của cả đất nước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Ishiba sẽ sớm xây dựng các biện pháp kinh tế, tập trung vào ba trụ cột chính là: Khắc phục tình trạng giá cả leo thang; tăng trưởng nền kinh tế quốc gia và từng địa phương; đảm bảo an toàn và sự an tâm cho người dân. Các biện pháp này bao gồm hỗ trợ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp bị ảnh hưởng bởi giá cả tăng cao và cải thiện môi trường tăng lương cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như củng cố cơ sở hạ tầng quốc gia để phòng chống thiên tai. Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản cũng đặt mục tiêu tăng mức lương tối thiểu trung bình trên toàn quốc lên 1.500 yen/giờ (10,25 USD/giờ) trong giai đoạn 2020-2030, sớm hơn mục tiêu vào giữa giai đoạn 2030-2040 của Chính quyền tiền nhiệm.
Trung Quốc chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình tăng trưởng bền vững dựa vào tiêu dùng nội địa và đổi mới sáng tạo
Trong năm 2024, với nỗ lực phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và đầu tư sang mô hình tăng trưởng bền vững dựa vào tiêu dùng nội địa và đổi mới sáng tạo.
Trước sức ép áp thuế từ những thị trường nhập khẩu, với sự hỗ trợ của Chính phủ, trong đó có Quỹ đầu tư ngành công nghiệp mạch tích hợp Trung Quốc (Big Fund) do nhà nước hậu thuẫn, các ngành công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng vươn mình ra thị trường quốc tế, như lĩnh vực xe điện, pin xe điện, pin Mặt trời, tua-bin gió…
Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc còn thực hiện hàng loạt các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường địa ốc sau thời gian khủng hoảng, như hạ lãi suất cho vay đối với các khoản thế chấp mua nhà, nới lỏng quy định về mua căn nhà thứ hai, mua lại nguồn cung căn hộ dư thừa…
Cùng với các chính sách cứu trợ bất động sản, Trung Quốc còn tung nhiều giải pháp kích thích thị trường tài chính. Đơn cử là gói kích thích tài khóa trị giá 10.000 tỷ nhân dân tệ (1.400 tỷ USD) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua vào tháng 11/2024, tập trung vào các biện pháp hỗ trợ các chính quyền địa phương tái cơ cấu nợ. Tiếp sau đó, tháng 12/2024, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã đề xuất thực hiện chính sách tiền tệ “nới lỏng hợp lý”, đánh dấu lần điều chỉnh chính sách tiền tệ đầu tiên của Trung Quốc kể từ năm 2011.
Ổn định bất động sản, giải quyết nợ chính quyền địa phương và đối phó nguy cơ Mỹ tăng thuế là 3 bài toán lớn cho kinh tế Trung Quốc năm 2025. Các chính sách kinh tế đưa ra năm 2024 được tin tưởng là sẽ giúp Trung Quốc giải quyết tốt các bài toán trên và có sức chống chọi với cơn gió ngược./.
Ngọc Linh