Nhìn lại CPTPP sau 1 năm có hiệu lực

31/03/2020 - 10:08 AM
Những tác động tích cực đến nền kinh tế

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bao gồm 11 nước thành viên: Australia, Brunei Darussalam, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiệp định CPTPP tạo nên một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu người dân và chiếm 13% GDP toàn cầu.

 
Nhìn lại CPTPP sau 1 năm có hiệu lực

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Hiệp định CPTPP được ký kết ngày 8/3/2018 và chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định bao gồm Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore. Đối với Việt Nam, Hiệp định có hiệu lực bắt đầu từ ngày 14/1/2019. Theo đó, các nước CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97-100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam. Tùy theo cam kết của từng nước, gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào các nước CPTPP khác sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc theo lộ trình. Ngược lại, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và 86% số dòng thuế sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu từ 5 đến 10 năm.

Theo các chuyên gia kinh tế, CPTPP được đánh giá là “cơ hội vàng” cho kinh tế Việt Nam với con số GDP ước tính đến năm 2035 có khả năng tăng thêm 1,32-2,01%. Có thể kể đến những lợi thế do CPTPP mang lại với các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như: Nông sản, thủy sản, thực phẩm, dệt may, da giày... Ngay sau khi CPTPP có hiệu lực, ngành rau củ, thủy sản Việt Nam bước đầu đã tận dụng được cơ hội để tăng xuất khẩu sang thị trường Australia. Tăng trưởng xuất khẩu rau củ sang thị trường này 5 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 20%. Đặc biệt, Việt Nam đã chiếm lĩnh thị trường cá tra tại Australia với 98% sản lượng tiêu thụ cá tra tại nước này.

Đối với ngành da giày, Việt Nam không có đối thủ cạnh tranh trong khối. Trong các quốc gia thành viên CPTPP, chỉ duy nhất Malaysia có cơ cấu ngành sản xuất, xuất khẩu da giày như Việt Nam nhưng Malaysia lại không phải là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam cho các đơn hàng xuất khẩu sang các nước thành viên trong CPTPP. Do đó, cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu da giày Việt Nam tăng tỷ trọng, tăng cơ hội sang các nước Chile, Australia, New Zealand, Mexico, Canada... khá lớn. Hay như tại thị 
trường Canada, nước này áp thuế nhập khẩu 0% cho cả da giày lẫn túi xách ngay lập tức mà không cần lộ trình là cơ hội không thể tốt hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
 
Tương tự, CPTPP sẽ tạo cú hích lớn và mang đến động lực quan trọng cho sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam, góp phần đưa ngành này lên tầm cao mới trong tương lai gần, mở ra nhiều thị trường xuất khẩu mới, nhất là một số thị trường Việt Nam chưa ký FTA như Canada, Mexico và Pê-ru… Như vậy, việc tham gia hiệp định CPTPP là cơ hội lớn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng như vị thế của Việt Nam trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là cầu nối quan trọng đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Theo Bộ Công thương, mặc dù mới triển khai được một năm, song Hiệp định CPTPP đã mang lại nhiều kết quả tích cực, đặc biệt trong việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đạt kết quả ấn tượng với trên 260 tỷ USD, tăng 8,1% so năm 2018, xuất siêu gần 10 tỷ USD đều có dấu ấn từ việc CPTPP đi vào thực thi. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường của các thành viên của CPTPP có tốc độ tăng trưởng nhanh và cao hơn so với năm trước, đạt 39,5 tỷ USD, tăng 7,2%. Đặc biệt, các thị trường mới trong CPTPP mà lần đầu tiên có FTA với Việt Nam là Canada và Mexico có mức tăng trưởng ở mức 2 con số ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực: Canada đạt 3,86 tỷ USD, tăng 28,2%; Mexico đạt 2,84 tỷ USD, tăng 26,8%; Chi Lê tăng 20,5%, đạt gần 1 tỷ USD; Peru tăng tới 40%, đạt 350 triệu USD.

Điều này cho thấy lợi ích đáng kể của Hiệp định CPTPP trong quá trình đẩy mạnh và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho các hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam. Bên cạnh đó, CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn (hiện nay, Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước ASEAN). Đây cũng là yếu tố then chốt giúp Việt Nam nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế.

Ngoài những cơ hội mới về giao thương và tăng trưởng xuất khẩu, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tham gia Hiệp định CPTPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật kinh tế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Đồng thời, Việt Nam có thêm cơ hội để hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.

Ngay từ khi CPTPP có hiệu lực, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 121/QĐ-TTg năm 2019 về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP nhằm xác định rõ những công việc cụ thể để triển khai việc thực thi Hiệp định. Đặc biệt, trong chương trình Australia hỗ trợ, cải cách kinh tế Việt Nam, dự án hỗ  trợ doanh nghiệp Việt Nam thực thi và tận dụng hiệu quả CPTPP với mục đích doanh nghiệp và các chủ thể kinh doanh trong ít nhất 10 ngành kinh tế quan trọng chịu tác động mạnh từ CPTPP sẽ được hướng dẫn để hiểu về nội dung cam kết CPTPP, cũng như những tác động dự kiến của CPTPP đối với hoạt động và triển vọng phát triển kinh doanh của mình và các cách thức để tận dụng cơ hội vượt qua thách thức CPTPP. Doanh nghiệp và các chủ thể kinh doanh được trang bị các kiến thức cơ bản, xúc tích về các cam kết CPTPP thông qua một cẩm nang tóm lược CPTPP cho doanh nghiệp, cũng như có cơ hội thảo luận với các chuyên gia về các vấn đề liên quan tại 3 hội thảo vùng về CPTPP trong một số lĩnh vực cụ thể.

Đánh giá về kết quả sau 1 năm CPTPP có hiệu lực, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tác động của CPTPP trước hết là tác động về thể chế, giúp thúc đẩy cải cách thể chế của Việt Nam phù hợp yêu cầu của nền kinh tế thương mại toàn cầu và đảm bảo định hướng phát triển bền vững. Về phía cộng đồng doanh nghiệp, thời gian qua đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để tiếp cận thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, biến động khó lường, nhu cầu của thị trường thế giới sụt giảm, nhưng Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 7-8%. Điều này thể hiện các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị bước đầu, đã tận dụng CPTPP để mở ra những thị trường mới mà trước khi có CPTPP chưa tiếp cận được như: Canada, Peru và Mexico, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Đây được coi là những thành công bước đầu của Việt Nam khi đã tận dụng được những cơ hội mà hiệp định này mang lại.

 
Kết quả chưa đạt như kỳ vọng
Mặc dù đã có những kết quả tích cực bước đầu sau 1 năm thực thi hiệp định CPTPP, song trên thực tế tỷ lệ tận dụng được lợi thế từ CPTPP của các doanh nghiệp Việt còn chưa đạt như kỳ vọng. Theo thống kê của Bộ Công Thương, hàng xuất theo mẫu CPTPP chỉ đạt 190 triệu USD trong tổng số 16.400 triệu USD hàng hóa xuất khẩu, tương ứng với việc tận dụng ưu đãi của Hiệp định CPTPP chỉ đạt 1,17%. Tại thị trường Canada, tỷ lệ tận dụng chỉ đạt 6,45%, thị trường Mêxicô, tỷ lệ tận dụng đạt 4,16%.

Mặc dù xuất khẩu sang các thị trường CPTPP nhìn chung đạt mức tăng trưởng tốt và cao hơn, tuy nhiên tăng trưởng xuất khẩu chưa toàn diện, mới chỉ tập trung tại một số thị trường. Nhiều thị trường có mức tăng 
trưởng không đáng kể như Singapore chỉ tăng 1,1%, đạt 3.231 tỷ USD. Thậm chí, xuất khẩu sang một số thị trường còn giảm so với năm trước: Australia giảm 12%, đạt 3.523 tỷ USD; Malaysia giảm 3%, đạt 3.376 tỷ USD.
 
Dệt may, giầy dép, thủy sản, đồ gỗ… là những ngành hàng luôn được đánh giá có khả năng tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nhờ hưởng ưu đãi thuế quan khi CPTPP đi vào thực thi, tuy nhiên, trên thực tế không hẳn như vậy. Theo đánh giá của Bộ Công thương, hầu hết các ngành hàng của Việt Nam đều chưa tận dụng được tối đa lợi ích từ CPTPP, trong đó, hai ngành tận dụng được nhiều nhất là giầy dép và thép cũng chỉ đạt trên dưới 10%; còn lại các ngành thủy sản, nông sản, may mặc chỉ tận dụng được từ 3-4%.

Đáng chú ý, đối với hàng dệt may, tỷ lệ tận dụng ưu đãi của Hiệp định CPTPP chỉ đạt 0,03%. giải về tỷ lệ tận dụng ưu đãi Hiệp định CPTPP của hàng dệt may chỉ đạt 0,03%, các chuyên gia cho rằng, quy tắc xuất xứ của CPTPP đánh vào điểm yếu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Bởi có đến 80% nguyên liệu vải của Việt Nam được nhập từ các nước không thuộc CPTPP. Trong đó, khoảng 55% từ Trung Quốc, 16% từ Hàn Quốc, 12% từ Đài Loan và 6% từ Nhật Bản.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Việt Nam nhập khẩu nguyên phụ liệu trong khối CPTPP chỉ đạt 1,6 tỷ USD/18 tỷ USD nhập khẩu, chiếm 8,8% tổng nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu của cả ngành dẫn tới thách thức cho ngành dệt may trong đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”. Nếu giải được nút thắt về nguyên liệu thì Việt Nam sẽ tận dụng được tối ưu những ưu đãi từ hiệp định. Ngoài ra, khó khăn nữa khiến ngành dệt may khó tận dụng được cơ hội từ CPTPP là khâu nhuộm còn yếu, cũng khiến Việt Nam khó đáp ứng được quy tắc xuất xứ trên.

Kết quả thực thi CPTPP chưa đạt kỳ vọng một phần do các doanh nghiệp chưa chủ động nghiên cứu, tìm hiểu về những cơ hội thị trường trong CPTPP. Theo khảo sát của VCCI thực hiện điều tra đối với 8.600 doanh nghiệp đầu năm 2019 về sự quan tâm của doanh nghiệp với Hiệp định CPTPP cho thấy, mặc dù 26% số doanh nghiệp có tìm hiểu về CPTPP nhưng vẫn còn tới 70% doanh nghiệp chưa rõ về CPTPP. Kết quả điều tra cũng chỉ ra khó khăn, cản trở lớn nhất để tận dụng Hiệp định CPTPP được các doanh nghiệp đưa ra là: 84% doanh nghiệp thiếu thông tin về cam kết và cách thực hiện; 81,48% doanh nghiệp bất cập trong tổ chức thực thi của cơ quan nhà nước; tiếp theo là những vấn đề về năng lực cạnh tranh thấp hay quy tắc xuất xứ quá khó... Còn theo Bộ Công thương, kể từ khi CPTPP có hiệu lực, số lượng câu hỏi, sự quan tâm của doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở 12 câu hỏi. Điều này còn quá khiêm tốn so với cộng đồng doanh nghiệp đông đảo của Việt Nam.

Với các cơ quan nhà nước, sự chủ động cũng chưa cao. Cộng đồng doanh nghiệp cũng cho rằng, các kế hoạch hành động của các bộ, ngành địa phương đều chậm nửa năm so với yêu cầu. Các đầu mối thông tin, phổ biến tuyên truyền về CPTPP cho cán bộ nhà nước, doanh nghiệp cũng chậm. Theo nhận định của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, những thông tin cung cấp từ các cơ quan chức năng mới chỉ dừng lại ở những thông tin cơ bản, trong khi điều mà doanh nghiệp cần chính là những thông tin cụ thể của thị trường xuất khẩu gắn với từng lĩnh vực, ngành hàng mà doanh nghiệp đang trực tiếp sản xuất kinh doanh. Với những doanh nghiệp ở địa phương cũng ít được cung cấp thông tin hơn so với các doanh nghiệp ở các thành phố lớn…

Như vậy có thể nói, mặc dù đã có những kết quả tích cực bước đầu song để tận dụng tốt hơn những lợi thế từ Hiệp định CPTPP, rất cần sự vào cuộc và nỗ lực hơn nữa từ phía Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp để cải cách các thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao trình độ quản trị, tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra thương hiệu riêng để có thể gia tăng xuất khẩu tới các thị trường trong CPTPP./.

 
Thu Hường

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top