Văn Yên là huyện miền núi, nằm ở phía Bắc của tỉnh Yên Bái. Toàn Huyện có 24 xã và 1 thị trấn (trong đó, có 22/24 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi); có 12 dân tộc sinh sống thành cộng đồng, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% dân số toàn Huyện.
Đồng bào dân tộc Dao, huyện Văn Yên trồng quế mang lại thu nhập cao
Những năm qua, thực hiện Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn I từ năm 2021-2025, huyện Văn Yên đã hỗ trợ làm nhà ở cho 151 hộ nghèo DTTS; xây dựng 9 công trình nước sinh hoạt tập trung thuộc 5 xã khu vực III; 983 hộ DTTS nghèo khó khăn về nước sinh hoạt được hỗ trợ téc nước; 900 hộ được hỗ trợ mua máy móc nông cụ thực hiện chuyển đổi nghề; hỗ trợ trên 19 tỷ đồng để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; xây dựng 29 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi; đầu tư cơ sở vật chất cho 14 trường PTDT nội trú, PTDT bán trú và trường có học sinh bán trú; Thực hiện tốt chính sách về cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế đối với người dân thuộc các xã khu vực III, II, thôn đặc biệt khó khăn.
Nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương
Bên cạnh đó, huyện Văn Yên thực hiện tốt chính sách cho vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, đào tạo nghề, chính sách hỗ trợ tiền điện, chính sách về giáo dục; chính sách đối với người có uy tín; chính sách về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Yên Bái theo Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh giai đoạn 2021-2025; chính sách về công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình theo Nghị quyết số 11 của HĐND tỉnh đầu tư tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025.
Nhờ đó, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn mới đã có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Bình quân vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm 4,07%/năm, đã có 6/10 xã ra khỏi xã đặc biệt khó khăn; có 18/22 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 38,5 triệu, nhưng đến nay đã tăng lên 62 triệu đồng. Hiện, 24/24 xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã, số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 96,7%. Tỷ lệ hộ dân được nghe, xem phát thanh truyền hình đạt 99%. Người dân được Nhà nước hỗ trợ về bảo hiểm y tế trên 33.476 thẻ, nâng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn Huyện lên 95,1%. Có 57/63 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia; Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được tăng cường. Các chính sách hỗ trợ đào tạo, dạy nghề cho người DTTS được tích cực triển khai thực hiện, mỗi năm có trên 2.700 người được đào tạo nghề.
Huyện Văn Yên đánh giá chất lượng các sản phẩm OCOP trên địa bàn
Đặc biệt, đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên từng bước được cải thiện rõ rệt. Các thiết chế văn hóa được tăng cường, cơ sở vật chất, một số di sản văn hóa của vùng đồng bào DTTS đã được Nhà nước công nhận và tôn vinh. Các hoạt động giao lưu văn hóa được quan tâm tổ chức thường xuyên, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn Huyện. Chỉ số hạnh phúc của người dân huyện Văn Yên đạt 69,04% thuộc mức 2 - Khá hạnh phúc.
Nhân dân tham gia trò chơi đánh quay tại Ngày hội văn hóa dân tộc Tày, xã Đại Phác, huyện Văn Yên
Để các chính sách của Đảng, Nhà nước ngày càng phát huy hiệu quả đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện Văn Yên đưa ra một số khuyến nghị sau: Các cơ quan chuyên môn của tỉnh Yên Bái khi tham mưu phân bổ nguồn vốn thuộc các Chương trình MTQG cần bám sát những đề xuất từ phía cơ sở, có như vậy mới sát với nhu cầu thực tế của địa phương. Không đầu tư dàn trải ở nhiều nội dung khác nhau mà nên tập trung hỗ trợ đối với các nội dung người dân đang thật sự cần thiết. Đối với các nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là tín dụng chính sách đề nghị Nhà nước cần nghiên cứu để nâng định mức vốn vay đối với hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Từ đó, người dân mới có đủ nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Tích cực tìm kiếm thị trường, đầu ra cho sản phẩm của người dân, tránh tình trạng “được mùa mất giá” có như vậy nguồn vốn đầu tư của Nhà nước mới thực sự đem lại hiệu quả thiết thực.
Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Văn Yên lần thứ IV, năm 2024
Có thể nói, với những kết quả đạt được nêu trên đã chứng minh những chính sách của Đảng, Nhà nước đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi nói chung, huyện Văn Yên nói riêng thật sự đúng đắn và đã đem lại hiệu quả rất lớn trong công tác xóa đói, giảm nghèo cho Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về mức sống của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với bình quân chung của Huyện./.
Lã Thị Liền
Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên