Năm 2022, tỉnh Quảng Bình bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế cả nước gặp nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù vậy, nhờ tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 cao đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường, Chính phủ tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cũng như UBND tỉnh chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, kinh tế Quảng Bình đã có sự hồi phục và phát triển, đặc biệt là ngành du lịch kéo theo nhiều ngành nghề liên quan tăng trưởng cao.
Một trong những điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội Quảng Bình 9 tháng năm 2022 là hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp tiếp tục khởi sắc và tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, nhất là các doanh nghiệp khai khoáng; sản xuất trang phục; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ; sản xuất và phân phối điện; khai thác, xử lý và cung cấp nước;... đã góp phần đưa chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu, chi phí vận tải, chi phí nguyên vật liệu,… làm ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Theo báo cáo tình hinh kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 của Cục Thống kê tỉnh Quảng Bình, ngành sản xuất và phân phối điện tiếp tục duy trì mức tăng cao103,0% so với cùng kỳ năm trước nhờ cụm trang trại điện gió mới vào hoạt động cùng với điện mặt trời đạt sản lượng khá. Hoạt động khai thác quặng Titan đạt sản lượng lớn, giúp ngành khai khoáng tăng 17,9% so cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,3%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 16,1%.
Chỉ số sản xuất 9 tháng năm 2022 của một số ngành cấp 2 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất và phân phối điện tăng 103,0%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn ghế) tăng 48,8%; sản xuất trang phục tăng 41,9%...
Hình 1. Chỉ số sản xuất công nghiệp tỉnh Quảng Bình 9 tháng năm 2022
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong 9 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước: Quặng titan đạt 55.758 tấn, tăng 22,1%; đá xây dựng đạt 2,6 triệu m3, tăng 8,2%; cao lanh đạt 54.690 tấn, tăng 27,6%; thủy hải sản chế biến các loại đạt 19.482 tấn, tăng 36,2%; tinh bột sắn đạt 2.837 tấn, giảm 65,6%; bia đóng chai đạt 1,6 triệu lít, giảm 34,1%; áo quần các loại (trừ áo sơ mi người lớn) đạt 5,3 triệu cái, tăng 56,2%...
Cũng theo báo cáo, trong 9 tháng năm 2022, hoạt động đầu tư - xây dựng luôn được lãnh đạo tỉnh Quảng Bình triển khai, chỉ đạo quyết liệt nhằm tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, xử lý kịp thời các khó khăn trong công tác giải ngân, nhất là các công trình trọng điểm; các dự án, công trình đã được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 9 tháng năm 2022 đạt 19,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng 9,4% của năm 2021. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện của khu vực nhà nước đạt 3.794,2 tỷ đồng, (chiếm 19,62% tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn) tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư thực hiện thuộc khu vực ngoài nhà nước đạt 15.461,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn (chiếm 79,94%), đồng thời cũng đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 3 khu vực, tăng 47,1% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư thực hiện thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 84,4 tỷ đồng (chiếm 0,44%), giảm 97,5% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh do địa phương quản lý trong 9 tháng năm 2022 là 3,1 nghìn tỷ đồng, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn NSNN cấp tỉnh thực hiện 2.098,2 tỷ đồng, tăng 23,8%; vốn NSNN cấp huyện thực hiện 609,8 tỷ đồng, tăng 60,1%; vốn NSNN cấp xã thực hiện 419,5 tỷ đồng, tăng 60,4% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong 9 tháng năm 2022, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2022 ước tính đạt 35,9 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ, trong đó nhiều nhóm hàng tăng cao trên 10% như: Nhóm xăng, dầu các loại tăng 38,6%; Nhóm nhiên liệu khác tăng 29,7% và nhóm ô tô con tăng 17,6%.
Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhờ thực hiện nhiều giải pháp nhằm kích cầu thị trường, duy trì sự kết nối thường xuyên, liên tục với các thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế, ngành du lịch Quảng Bình đang phục hồi mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả tích cực. Riêng trong quý III/2022 (đặc biệt là tháng 7 và tháng 8), hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động, lượng khách du lịch đến Quảng Bình tăng cao. Tính chung 9 tháng năm 2022, số lượt khách, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành đều tăng rất cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 338,1 tỷ đồng, gấp 4,0 lần so với cùng kỳ; số lượt khách lưu trú đạt hơn 994,7 nghìn lượt khách, gấp 4,2 lần; số lượt khách quốc tế lưu trú đạt gần 21,7 nghìn lượt khách, gấp 3,8 lần; ngày khách đạt trên 1 triệu ngày khách, tăng gấp 3,9.
Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động lữ hành 9 tháng năm 2022 đạt 261,4 tỷ đồng, gấp 4,1 lần so với cùng kỳ. Số lượt khách du lịch lữ hành đạt 385,6 nghìn lượt khách, gấp 3,8 lần. Số lượt khách quốc tế lữ hành đạt gần 19 nghìn lượt khách, gấp 4,9 lần. Doanh thu dịch vụ ăn uống đạt hơn 3,1 nghìn tỷ đồng, tăng 25,6% so với cùng kỳ.
Cùng với sự phục hồi ngành du lịch, ngành dịch vụ khác tăng trưởng mạnh trong 9 tháng năm 2022, đặc biệt trong quý II, quý III. Các nhóm ngành dịch vụ đều tăng do nhu cầu tiêu dùng, vui chơi giải trí, kinh doanh bất động sản.
Sau một thời gian khá dài chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động vận tải tỉnh Quảng Bình cũng đã phục hồi mạnh mẽ và phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao. Trong 9 tháng qua, hoạt động vận tải tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước, cả về vận tải hành khách và vận tải hàng hóa, trong đó vận tải hàng hóa tăng cao hơn. Tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải 9 tháng đạt gần 3,5 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7%; trong đó, vận tải hành khách tăng 18,9%; vận tải hàng hóa tăng 11,4%; dịch vụ hỗ trợ vận tải giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Số lượt hành khách vận chuyển đạt 22,9 triệu hành khách, tăng 17,0%; số lượt hành khách luân chuyển đạt 1.063,8 triệu hành khách.km, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 22,2 triệu tấn, tăng 8,5%; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 1.501,2 triệu tấn.km, tăng 6,8%./.
B.N