Những đột phá tạo động lực tăng trưởng mới cho Hòa Bình

28/11/2022 - 07:35 AM

Hòa Bình có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ vùng Tây Bắc, cầu nối giữa vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Với quyết tâm, khí thế vươn lên xây dựng quê hương, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 – 2025) đã xác định 4 khâu đột phá chiến lược: bao gồm: Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; Lập quy hoạch, quản lý quy hoạch; Phát triển nguồn nhân lực; Phát triển kết cấu hạ tầng đặc biệt là hạ tầng giao thông. Sau hai năm triển khai cụ thể hóa, những kết quả phát triển kinh tế xã hội Hòa Bình đạt được rất khả quan và toàn diện.

Hội nghị phân tích chỉ số PCI năm 2021 và giải pháp nâng cao chỉ số PCI năm 2022 tỉnh Hòa Bình

Hai năm vừa qua, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, song với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Hòa Bình đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa phát triển kinh tế, xã hội, hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, trong đó nhiều chỉ tiêu đạt và vượt. Nổi bật, năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bản tỉnh (GRDP) tăng 2,60% so với cùng kỳ năm trước tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 5.615 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu đạt 1.218 triệu USD. Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch tích cực. Hoạt động xúc tiền đầu tư được đẩy mạnh, môi trường kinh doanh từng bước được cải thiện. Trong năm qua, đã có 44 dự án đầu tư trong nước được cấp mới với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt trên 35.000 tỷ đồng, tăng 105,2% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong năm 2021, Hòa Bình có thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã về đích nông thôn mới đạt 65 xã, chiếm 50,4% tổng số xã, đến nay có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đứng thứ 3 các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, đứng đầu các tỉnh Tây Bắc về xây dựng nông thôn mới).

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, có sự phát triển bền vững. Chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện, công tác phòng, chống dịch bệnh được chú trọng. Các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dại dịch Covid - 19 được triển khai kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,3 điểm %, từ 8,6% năm 2020 xuống còn 6,3% vào năm 2021; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,19%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được bảo đảm.

Đặc biệt, Hòa Bình đã và đang lưu giữ được một số lượng lớn di sản văn hóa rất phong phú, đa dạng với 786 di sản văn hóa phi vật thể, hơn 18 nghìn hiện vật có giá trị của nền "Văn hóa Hòa Bình”. Đây là nét đặc sắc, đặc trưng riêng có của tỉnh Hòa Bình, tập trung phát huy, phát triển gắn với du lịch trong thời gian tới.

Để duy trì và tiếp tục tạo ra động lực tăng trưởng cho Hòa Bình trong nhiệm kỳ này, lãnh đạo tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt 4 đột phá chiến lược, đó là: Làm tốt công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch; phát triển hạ tầng đồng bộ; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động. Trong đó, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông được tỉnh quan tâm, tranh thủ các nguồn ngân sách và hỗ trợ từ Trung ương kếp hợp nội lực địa phương, tập trung phá vỡ các điểm nghẽn, hoàn thành một số công trình trọng điểm mang tính chiến lược như: Đường tỉnh 435 từ thành phố Hòa Bình đi xã Suối Hoa (Tân Lạc); Đường nối QL.6 với đường Chi Lăng (TP Hòa Bình); Cầu Hòa Bình 2; Cầu Hoà Bình 3…

Tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện hữu góp phần rút ngắn thời gian di chuyển giữa Hà Nội - Hòa Bình

Hiện nay, Hòa Bình đang đề xuất triển khai các dự án đột phá mang tính liên kết vùng, thúc đẩy phát triển KTXH sau Covid-19, nổi bật là dự án đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn ngân sách nhà nước; tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km 19 đến Km53, địa phận tỉnh Hòa Bình); Dự án Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu); dự án Đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ kết nối với Quốc lộ 6,... Với dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, tỉnh Hòa Bình đang hướng tới mục tiêu phát triển các vùng động lực của tỉnh và tăng cường phối hợp giữa các địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm.

Song song với hạ tầng, Hòa Bình cũng thực hiện quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Theo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp. Tỉnh đã ban hành các văn bản nhằm phân công và gắn trách nhiệm cho các Sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm cải thiện từng chỉ số thành phần PCI; thành lập tổ công tác hỗ trợ nhà đầu tư; tổ công tác chỉ đạo triển khai các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách và các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh; tổ công tác độn đốc giải ngân vốn đầu tư công… để đẩy nhanh tiến độ dự án. Tuy nhiên, việc tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng luôn là "điểm nghẽn" lớn nhất, các doanh nghiệp mong muốn Tỉnh chỉ đạo quyết liệt công tác GPMB và giảm thiểu các chi phí không chính thức, có như vậy, môi trường kinh doanh của tỉnh sẽ từng bước được cải thiện.

Toàn cảnh thành phố Hòa Bình

Hiện nay, lực lượng lao động trên địa bàn không ngừng tăng về số lượng (khoảng trên 580 ngàn người, chiếm khoảng 68% tổng dân số) tuy nhiên chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 57,5%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 23,1%. Để nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, thời gian qua, Hòa Bình tiến hành rà soát sắp xếp, xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) công lập theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động; tập trung đầu tư các ngành nghề trọng điểm như: Công nghệ ô tô, kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ thông tin; về lĩnh vực du lịch dịch vụ: Nhà hàng, khách sạn, kỹ thuật chế biến món ăn; đẩy mạnh chuyển đổi số trong GDNN, gắn đào tạo nhân lực chất lượng cao với nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp; cân đối hợp lý tỷ lệ về trình độ lao động qua đào tạo, ngành nghề, số lượng đào tạo cho từng lĩnh vực, từng địa phương trong tỉnh; thực hiện tốt phân luồng giáo dục, đẩy mạnh hướng nghiệp sang học nghề đồng thời học văn hóa…

Cùng với thực hiện các giải pháp mang tính đột phá, UBND tỉnh Hòa Bình cũng xác định phải cơ cấu lại kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng cân đối giữa chiều rộng và chiều sâu, tập trung vào những ngành có lợi thế, tạo ra giá trị gia tăng cao và có tác động lan tỏa như đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng; công nghiệp phụ trợ có hàm lượng kinh tế cao; gắn kết tăng trưởng nhanh với tiến bộ xã hội, bảo vệ và chống ô nhiễm môi trường. Để hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu, Hòa Bình tập trung nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng vốn đầu tư, ngân sách nhà nước; phát triển các loại thị trường; đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; tăng cường liên kết vùng và phát huy vai trò của vùng động lực…  

Với những thành tựu đã đạt được trong những năm qua, phát huy truyền thống cách mạng anh hùng cùng với khát vọng phát triển và quyết tâm mới, khí thế mới, Hòa Bình sẽ  thực hiện thắng lợi và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ./.

Thanh Hà

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top