Những lưu ý khi xác định nhân khẩu thực tế thường trú tại hộ khi lập bảng kê Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025

21/02/2025 - 09:48 PM
Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 sẽ được tiến hành thu thập thông tin bắt đầu từ ngày 1/7/2025. Hiện nay, Tổng cục Thống kê đang tích cực thực hiện công tác chuẩn bị cho Tổng điều tra; và xác định nhân khẩu thực tế thường trú tại hộ là một trong những nội dung quan trọng khi thực hiện lập bảng kê hộ.  

Nhân khẩu thực tế thường trú (NKTTTT) tại hộ là những người thực tế thường xuyên ăn, ở tại hộ tính đến thời điểm lập Bảng kê hộ đã được 6 tháng trở lên; những người mới chuyển đến hộ dưới 06 tháng nhưng xác định sẽ ăn, ở ổn định tại hộ; trẻ em mới sinh trước thời điểm lập Bảng kê hộ và những người tạm vắng, không phân biệt họ có hay không có hộ khẩu thường trú.

NKTTTT tại hộ bao gồm cả những người làm trong ngành công an, quân đội thường xuyên ăn, ở tại hộ nhưng không bao gồm những người đang sống trong khu vực quản lý riêng của quân đội và công an.

Những trường hợp được xác định là NKTTTT tại hộ

(i) Những người thực tế thường xuyên ăn, ở tại hộ từ 06 tháng trở lên tính đến thời điểm lập Bảng kê hộ, không phân biệt họ có hay không có hộ khẩu thường trú, những người tuy đã có giấy tờ chuyển đi khỏi hộ (giấy gọi nhập ngũ, giấy chiêu sinh, quyết định tuyển dụng, thuyên chuyển công tác,...) nhưng đến thời điểm lập Bảng kê hộ họ vẫn chưa rời khỏi hộ để đến nơi ở mới.
 

Ảnh minh họa

Một số trường hợp đã sống tại hộ từ 06 tháng trở lên tính đến thời điểm lập Bảng kê hộ nhưng không được tính là NKTTTT tại hộ, bao gồm: Học sinh phổ thông đến trọ học/ở nhờ; Những người đến thăm, đến chơi; đến nghỉ hè, nghỉ lễ; đến chữa bệnh; đến vì mục đích công tác, đào tạo ngắn hạn dưới 01 năm; Những người nước ngoài chưa nhập quốc tịch Việt Nam, Việt kiều về thăm gia đình.

(ii) Những người mới đến hộ chưa được 06 tháng nhưng xác định sẽ ăn, ở ổn định lâu dài tại hộ, bao gồm: Trẻ em (dưới 06 tháng tuổi) sinh trước thời điểm lập Bảng kê hộ; Những người đã rời hẳn nơi ở cũ đến ở ổn định tại hộ, như: Về ở nhà chồng/nhà vợ để làm dâu/làm rể, đến ở làm con nuôi; cán bộ, công nhân viên chức, bộ đội, công an nghỉ theo chế độ hưu trí, mất sức đã trở về ở hẳn với gia đình…; Những người đã rời gia đình (nơi ở cũ) dưới 06 tháng tính đến thời điểm lập Bảng kê hộ, đến hộ vì mục đích làm ăn và có quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động; Những quân nhân, công an xuất ngũ, đào ngũ, đào nhiệm (đã có giấy báo của đơn vị hoặc có một căn cứ xác đáng khác) hiện đang cư trú tại hộ; Những người đang ăn, ở tạm thời trong hộ nhưng họ không có bất kỳ một nơi thường trú nào khác.

Những người trên không bao gồm học sinh phổ thông đến trọ học/ở nhờ; người nước ngoài chưa nhập quốc tịch Việt Nam, Việt kiều về thăm gia đình.

Những người trên bao gồm các trường hợp đã chuyển cả hộ tới hộ đang phỏng vấn.

(iii) Những người lâu nay vẫn thường xuyên ăn, ở tại hộ nhưng tại thời điểm lập Bảng kê hộ lại tạm vắng, bao gồm: Những người rời hộ đi làm ăn nơi khác chưa được 06 tháng tính đến thời điểm lập Bảng kê hộ và không có quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động hoặc không có ý định ở lại lâu dài tại nơi hiện đang đi làm ăn; Những người đang chữa bệnh nội trú trong các bệnh viện, cơ sở điều dưỡng (trừ những người đang điều trị tập trung ở các trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần, trại phong, trại cai nghiện,...); Những người đang đi chơi/thăm người thân, bạn bè; đi nghỉ hè, nghỉ lễ, du lịch; đi chữa bệnh hoặc đi công tác, đào tạo ngắn hạn trong nước dưới 01 năm; Học sinh phổ thông đi trọ học/ở nhờ tại các hộ dân cư khác; Những người đi buôn chuyến, đi tàu viễn dương, đi đánh bắt hải sản; Những người được cơ quan có thẩm quyền cho phép đi làm việc, công tác, học tập, chữa bệnh, du lịch ở nước ngoài, tính đến thời điểm lập Bảng kê hộ họ vẫn còn ở nước ngoài trong thời hạn được cấp phép; Những người đang bị ngành công an, quân đội tạm giữ.

Tất cả các “nhân khẩu tạm vắng” đều được tính là NKTTTT tại hộ.

Một số trường hợp đặc biệt trong xác định NKTTTT tại hộ

Những người có 02 hoặc nhiều nơi ở được xác định là NKTTTT tại nơi mà họ có thời gian ăn ngủ nhiều hơn (nơi ở chính). Trường hợp thời gian ăn, ngủ ở các nơi bằng nhau thì quy ước ghi ở nơi chính theo câu trả lời của đối tượng điều tra (ĐTĐT).

Những người ăn một nơi, ngủ một nơi được xác định là NKTTTT tại nơi mà họ ngủ (ngoại trừ trường hợp trẻ em và người già sống phụ thuộc vào bố mẹ/con).

Những người chuyển đi cả hộ được xác định là NKTTTT tại nơi họ hiện đang cư trú.

Những người đã rời hộ (nơi ở cũ) đi làm ăn từ 06 tháng trở lên và tại thời điểm lập Bảng kê hộ họ đang ăn, ở thường xuyên tại nơi cư trú hiện tại chưa được 06 tháng được xác định là NKTTTT tại nơi họ hiện đang cư trú.

Những người hiện tại đang sinh sống trên phạm vi ranh giới ở một xã (ví dụ xã A) nhưng về mặt chính quyền lại do một xã khác quản lý (ví dụ xã B, các khoản đóng góp, chế độ chính sách do xã B trả cho người dân…): được xác định là NKTTTT tại địa bàn họ đang sinh sống (xã A).

Những người gốc Việt không có bất kỳ quốc tịch nào, hiện đang cư trú và có ý định ăn, ở lâu dài tại Việt Nam được xác định là NKTTTT tại hộ họ đang cư trú.

Trẻ em (người dưới 16 tuổi) không có quốc tịch Việt Nam nhưng có bố hoặc mẹ là người Việt Nam; đồng thời, trẻ hiện đang ở Việt Nam và xác định sống lâu dài ở Việt Nam: được xác định là NKTTTT tại hộ đang cư trú.

Những người nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam nhưng thực tế đã sinh sống ở Việt Nam trên 20 năm, họ đã hội nhập cộng đồng, có ý định sinh sống lâu dài ở Việt Nam và những người con của họ dưới 20 tuổi đã sinh ra và lớn lên tại Việt Nam tính đến thời điểm lập Bảng kê hộ:  được xác định là NKTTTT tại hộ họ đang cư trú.

Những người sống bằng nghề trên mặt nước: (i) Nếu họ có nhà ở trên bờ: Nhà ở của họ thuộc địa bàn nào sẽ do địa bàn đó lập Bảng kê hộ; (ii) Nếu họ không có nhà ở trên bờ nhưng có đăng ký bến gốc: Bến gốc của họ thuộc địa bàn nào sẽ do địa bàn đó lập Bảng kê hộ.

Những người không phải là nhân khẩu thực tế thường trú tại hộ

Các trường hợp sau đây không phải là NKTTTT tại hộ:

(i) Các trường hợp không sống tại hộ vào thời điểm lập Bảng kê hộ, bao gồm: Trẻ em sinh sau thời điểm lập Bảng kê hộ; Những người đã chết trước thời điểm lập Bảng kê hộ; Những người đã chuyển hẳn khỏi hộ trước thời điểm lập Bảng kê hộNhững người đi làm ăn, ở nơi khác đã được 06 tháng trở lên tính đến thời điểm lập Bảng kê hộ (không kể những người đi đánh bắt hải sản, đi tàu viễn dương, đi buôn chuyến, đi công tác ngắn hạn...); Những người đi làm ăn, ở nơi khác chưa được 06 tháng tính đến thời điểm lập Bảng kê hộ và có quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động hoặc có ý định ở lại lâu dài tại nơi hiện đang đi làm ănNhững người đã cư trú ổn định ở nước ngoài (có hoặc không có giấy xuất cảnh); những người đã ở nước ngoài quá thời hạn quy định; Sinh viên đi học xa nhà; học sinh phổ thông đi học tại các trường nội trú; Những người bị tạm giam hoặc bắt giữ bởi các cơ quan có chức năng.

 (ii) Các trường hợp đang sống tại hộ vào thời điểm lập Bảng kê hộ, bao gồm: Những người mới chuyển đến ăn, ở ổn định tại hộ sau thời điểm lập Bảng kê hộ (trừ những người không có nơi ở ổn định nào khác); Những người đã rời gia đình (nơi ở cũ) dưới 06 tháng tính đến thời điểm lập Bảng kê hộ, đến hộ vì mục đích làm ăn và không có quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động (trừ những người không có bất kỳ một nơi thực tế thường trú nào khác); Những người đến thăm, đến chơi; đến nghỉ hè, nghỉ lễ; đến chữa bệnh; đến vì mục đích công tác, đào tạo ngắn hạn dưới 01 năm; Học sinh phổ thông đến trọ học/ở nhờ; Sinh viên đi học xa nhà; học sinh phổ thông đi học tại các trường nội trú về thăm gia đìnhNgười nước ngoài chưa nhập quốc tịch Việt Nam đang cư trú tại hộ; Người lao động đi làm ăn xa và thỉnh thoảng về thăm nhà vào dịp cuối tuần; Những người thuộc lực lượng vũ trang đang sống trong khu vực quản lý riêng của quân đội và công an.

Nhân khẩu đặc thù

Trong TĐTNN 2025 không lập bảng kê nhân khẩu đặc thù là những người sinh sống trên các ĐBĐT, gồm: Những người sống trong các nhà dưỡng lão, trại trẻ mồ côi, làng trẻ SOS, các trường/lớp học tình thương, trại phong, trung tâm/trường/trại và các cơ sở xã hội khác đóng tập trung trên phạm vi, ranh giới của xã/phường/thị trấn; bệnh nhân sống trong các trại phong, trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng những người tâm thần, những người đang cai nghiện ở các trại cai nghiện ma túy,...; Học sinh, sinh viên đang ở tập trung (không kể học sinh phổ thông trọ học/ở nhờ tại các hộ dân cư) trong các trường thanh thiếu niên, trường dân tộc nội trú, trường vừa học vừa làm, trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, trường câm điếc; các tu sỹ trong các tu viện; các nhà sư hoặc tu sỹ sống trong các nhà chùa, nhà chung,…; Những người sống trong các khu nhà ở công nhân trong khuôn viên các công ty, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp xây dựng cho công nhân ở theo mô hình tập trung, có phân biệt khu vực cư trú dành riêng cho nam và dành riêng cho nữ (mô hình ký túc xá của các trường đại học), những khu nhà này đủ lớn và thường do doanh nghiệp quản lý tập trung, ĐTV khó tiếp cận để điều tra (chủ yếu là những người độc thân và có ban quản lý, bảo vệ quản lý khu vực này) đóng trên phạm vi ranh giới của xã/phường;  Những người lang thang, cơ nhỡ, không có nhà ở; những người sống bằng nghề trên mặt nước không có nhà trên bờ, không đăng ký bến gốc; những bệnh nhân không nơi nương tựa và không có bất kỳ một nơi thường trú nào khác đang điều trị nội trú trong các bệnh viện.

 
PV
(Theo tài liệu hướng dẫn quy trình phân chia ĐBĐT và thu thập thông tin lập bảng kê đơn vị điều tra)
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top