Những nét tươi sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội khu vực nông thôn và nông, lâm nghiệp tỉnh Quảng Bình

06/12/2021 - 10:41 AM
Theo Kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 tỉnh Quảng Bình”, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đã được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, điều kiện làm việc của các xã ngày càng được nâng lên; trình độ của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã được nâng lên, cơ cấu ngành nghề và lao động ở nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực và đúng hướng; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 chuyển biến theo hướng tích cực. Bức tranh tổng quát về thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn và nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Quảng Bình từ 2016-2020 là thành tựu to lớn rất cơ bản trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng về đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
 
Khu vực nông thôn khoác màu áo mới
 
Tại thời điểm 01/7/2020, toàn tỉnh Quảng Bình có 8 đơn vị hành chính cấp huyện (huyện, thị xã, thành phố); khu vực nông thôn có 128 xã, 940 thôn, so với năm 2016 giảm 8 xã (giảm 5,88%) và giảm 109 thôn (giảm 10,39%), so với thời điểm 01/7/2011 giảm 13 xã (giảm 9,22%) và giảm 155 thôn (giảm 14,16%).
 
Khu vực nông thôn toàn tỉnh có gần 193,5 nghìn hộ (bằng 1,15% cả nước), so với thời điểm 01/7/2016 tăng gần 9,8 nghìn (tăng 5,32%), so với thời điểm 01/7/2011 tăng 12,3 nghìn hộ (tăng 6,79%), bình quân 1 năm giai đoạn 2016-2020, số hộ nông thôn của tỉnh tăng 1,3%, tăng nhanh hơn giai đoạn 2011-2016 (giai đoạn 2011-2016 tăng 0,28%/năm). Trong đó, số hộ nông thôn tham gia hoạt động nông, lâm nghiệp và thuỷ sản có gần 74,8 nghìn hộ, giảm 36.716 hộ (giảm 32,94%) so với thời điểm 01/7/2016 và giảm 42.647 hộ (- 36,322%) so với thời điểm 01/7/2011. Bình quân 1 năm giai đoạn 2016-2020, số hộ nông thôn tham gia hoạt động nông, lâm nghiệp và thuỷ sản của tỉnh giảm 9,51% (giai đoạn 2011-2016 giảm -1,03%/năm).
 
Số nhân khẩu khu vực nông thôn tăng cao hơn số hộ đã làm cho quy mô hộ ở khu vực nông thôn tăng lên. Tổng số nhân khẩu của các hộ sống ở khu vực nông thôn có tại thời điểm 01/7/2020 là gần 726,7 nghìn nhân khẩu (bằng 1,16% cả nước), tăng gần 82,4 nghìn nhân khẩu (+ 12,79%) so với thời điểm 01/7/2016 và tăng 32,9 nghìn nhân khẩu (+4,74%) so với thời điểm 01/7/2011. Bình quân 1 năm giai đoạn 2016-2020, số nhân khẩu của các hộ sống ở khu vực nông thôn tăng 3,05%, bình quân 1 năm giai đoạn 2011-2016 giảm 1,47%.
 
Tại thời điểm 01/7/2020, quy mô bình quân 1 hộ khu vực nông thôn tỉnh Quảng Bình là 3,76 người, lớn hơn bình quân 1 hộ của cả nước và các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung.
 
Cơ cấu loại hộ nông thôn phân theo ngành sản xuất chính (ngành kinh tế cấp I) năm 2020 so với năm 2011 và 2016 có sự chuyển dịch tích cực giữa các ngành kinh tế với xu thế chuyển dịch tăng các hộ sản xuất phi nông, lâm nghiệp và thủy sản và giảm các hộ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Cơ cấu hộ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tổng số hộ sống ở khu vực nông thôn đã giảm mạnh từ 64,81% trong năm 2011 xuống còn 60,68% trong năm 2016 và đến năm 2020 chỉ còn 38,64%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung cả nước là 40,74% và cao hơn 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
 

Về kết cấu cơ sở hạ tầng nông thôn, mạng lưới điện lưới quốc gia đã được phủ kín trên địa bàn toàn tỉnh, chương trình điện khí hóa nông thôn và đạt kết quả cao, có bước phát triển mới. Lưới điện quốc gia đã phủ kín 100% số xã và 96,7% số thôn trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ thôn có điện đạt 99,89%, số thôn chưa có điện chỉ chiếm 0,11%. Qua kết quả 3 kỳ Tổng điều tra gần đây cho thấy, tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng điện đã tăng lên đáng kể qua các năm: Năm 2011 là 98,9%, năm 2016 là 99,22% thì đến năm 2020 đã tăng lên đến 99,90% so tổng số hộ nông thôn hiện có. Tuy nhiên, vẫn tồn tại vùng đồng bào dân tộc ít người chưa có điện, hệ thống cở sở hạ tầng cần được cải tiến, nâng cấp để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Đến thời điểm 01/7/2020, 100% số xã có đường giao thông chủ yếu từ trụ sở UBND huyện đến trụ sở UBND xã được nhựa, bê tông hóa, 100% số xã có đường xe ô tô từ trụ sở UBND huyện đến trụ sở UBND xã (năm 2011 là 97,87% và năm 2016 là 100%) và 100% số xã có đường xe ô tô đi được quanh năm từ trụ sở UBND huyện đến trụ sở UBND xã. Số thôn có đường xe ô tô đi đến được là 918/940 đạt 97,66% (năm 2016 là 65,14%). Hệ thống đường trục xã, liên xã tiếp tục được rải nhựa, bê tông. Hệ thống đường trục thôn cũng được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp. Mặc dù vậy, hệ thống đường giao thông nông thôn ở vùng biên giới, vùng núi cao, vùng núi vẫn nhiều bất cập, hạn chế, gây không ít khó khăn cho sản xuất, lưu thông hàng hoá, kinh doanh và sinh hoạt của dân cư ở các vùng này.
 
Bên cạnh đó, hệ thống thuỷ lợi, khuyến nông, thú y được chú trọng xây dựng mới và nâng cấp song chưa đồng bộ và chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Toàn tỉnh có 2.154 km kênh mương trên địa bàn các xã. Chiều dài kênh mương do xã, hợp tác xã quản lý được kiên cố hóa là 1.409,7 km, đạt tỷ lệ 69,61% tổng số kênh mương quản lý, tỷ lệ này lớn hơn nhiều so với năm 2016 (năm 2016 đạt 56,21%). Số trạm bơm tưới và tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp ở các xã hiện có 248 trạm bơm.
 
Tại thời điểm điều tra, 81 xã có cán bộ làm công tác khuyến nông, lâm, ngư, chiếm 63,28% tổng số xã, so năm 2016 giảm 48 xã. Số thôn có cộng tác viên khuyến nông, lâm, ngư là 19 thôn, chiếm 2,02% số thôn, so năm 2016 giảm 46 thôn. Số lượng cán bộ tham gia 83 người (giảm 50 người so với năm 2016), trong đó có 27 nữ (chiếm tỷ lệ 32,53%). Như vậy, so với năm 2016, số lượng xã, thôn có cán bộ khuyến nông, lâm, ngư cũng như số lượng cán bộ khuyến nông, lâm, ngư đều giảm mạnh.
 
Tại thời điểm 1/7/2020, toàn tỉnh có 112/128 xã có cán bộ thú y, chiếm 87,5% số xã toàn tỉnh (so với năm 2016 tỷ lệ giảm 9,56%%). Đối với cấp thôn có 101/940 thôn có cộng tác viên làm công tác thú y, chiếm 10,74% (năm 2016 chiếm 31,08% ) số thôn toàn tỉnh.
 
Đồng thời, hệ thống trường học các cấp ở khu vực nông thôn tiếp tục được xây dựng mới, cơ sở vật chất được đầu tư nâng cấp, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của con em ở khu vực nông thôn. Theo kết quả điều tra 01/7/2020, khu vực nông thôn hiện có 469 trường học các cấp, từ mẫu giáo, mầm non đến trung học phổ thông; giảm 25 trường so với thời điểm 01/7/2016 (giảm 5,06%). Trong đó, số trường học đạt chuẩn quốc gia các cấp là 309 trường, chiếm tỷ lệ 65,88% (năm 2016 là 208 trường, đạt 42,11%). Cơ sở vật chất trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp. Tỷ lệ về trường học Cấp học mầm non được xây dựng kiên cố và bán kiên cố đạt 99,34% (năm 2016 là 100%); cấp học tiểu học đạt 100% (năm 2016 là 100%); cấp học trung học cơ sở đạt 100% (năm 2016 là 99,29%); cấp học trung học phổ thông đạt 100%.
 
Hệ thống cơ sở y tế cũng tiếp tục được tăng cường khá toàn diện, thực sự trở thành tuyến chăm sóc sức khoẻ ban đầu quan trọng của dân cư vùng nông thôn. Theo kết quả điều tra, toàn tỉnh có 128 xã có trạm y tế, đạt 100% số xã toàn tỉnh, chất lượng xây dựng, các cơ sở vật chất, các điều kiện về khám chữa bệnh của các trạm y tế xã được cải thiện rõ rệt. Nhờ đó số trạm y tế xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia tăng lên. Toàn tỉnh có 115 trạm y tế xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế cấp xã, so năm 2016 tăng 4 trạm, chiếm 89,84% trong tổng số trạm y tế xã (năm 2016 chiếm 81,62%), một tỷ lệ khá cao so chung cả nước. Tổng số nhân viên đang làm việc tại các trạm y tế xã hiện có 843 người, so với năm 2016 giảm 1,63%. Trong đó có 151 bác sĩ, 176 y sĩ, 156 hộ sinh, 179 y tá/điều dưỡng viên, 130 dược sĩ, 10 dược tá và 41 người có trình độ khác. Dịch vụ khám, chữa bệnh khu vực nông thôn ngày càng phát triển.
 
Cùng với đó, tại thời diểm 01/7/2020 toàn tỉnh có 80 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại 44 xã (chiếm tỷ lệ 34,34% số xã), bình quân toàn tỉnh, 1 xã có 0,6 công trình. Toàn tỉnh có 12 xã có hệ thống nước thải sinh hoạt (tăng 4 xã so với năm 2016), chiếm 9,38% tổng số xã (năm 2016, tỷ lệ này là 5,9%); có 86 thôn đã xây dựng hệ thống thoát nước thải chung (tăng 50 thôn so với năm 2016), chiếm 9,15% tổng số thôn năm 2016 là 3,43%). Mạng lưới thông tin, văn hóa phát triển nhanh, góp phần cải thiện đời sống tinh thần của nhân dân.
 
Cũng tại thời điểm 01/7/2020, toàn tỉnh có 98 xã có chợ, so năm 2016 giảm 2 xã (xã chuyển thành phường), chiếm tỷ lệ 76,56% số xã (năm 2016 chiếm 73,5%). Bình quân 1 xã (chỉ tính xã có chợ) có 1,41 chợ. Chất lượng chợ ngày càng được kiên cố hóa theo yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh hiện có 87/128 xã có chợ được xây dựng kiên cố và bán kiên cố, đạt tỷ lệ 67,97% tổng số xã. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các trung tâm thương mại/siêu thị, cửa hàng tiện lợi là một dấu hiệu tích cực đem lại bộ mặt mới cho thị trường hàng hóa ở khu vực nông thôn.
 
Hệ thống ngân hàng, tín dụng ở nông thôn tiếp tục được tăng cường. Đến năm 2020, khu vực nông thôn cả tỉnh có 46/128ngân hàng/chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn xã, chiếm tỷ lệ 35,94% so với tổng số xã toàn tỉnh (năm 2016 chiếm tỷ lệ 38,97%), tuy nhiên chưa có sự đồng đều giữa các địa phương. Ngoài ra các ngân hàng hợp tác xã/quỹ tín dụng nhân dân cũng hoạt động khá hiệu quả, góp phần thúc đẩy hoạt động tín dụng tại khu vực nông thôn. Cùng với đó, điều kiện làm việc trụ sở UBND xã được cải thiện, trình độ cán bộ chủ chốt của bộ máy xã được nâng cao vì mọi mặt. Các chính sách an sinh xã hội khu vực nông thôn ngày càng đa dạng, toàn diện, bảo đảm tính bền vững, công bằng thể hiện trong việc thực hiện, mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề theo các chương trình dự án.
 
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản chuyển biến theo hướng tích cực

Theo kết quả điều tra, tổng số doanh nghiệp/chi nhánh doanh nghiệp chế biến, chế tạo (viết gọn là doanh nghiệp) tại thời điểm 01/7/2020 trên địa bàn xã có 127 doanh nghiệp, so với thời điểm 31/12/2015 tăng 96 doanh nghiệp (+309,67%). Như vậy, so với năm 2016, số lượng doanh nghiệp tại các xã tăng rất nhanh (gấp hơn 4 lần), đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực chế biến, chế tạo phi nông, lâm nghiệp, thủy sản. Các doanh nghiệp chủ yếu đóng tại các xã vùng đồng bằng, tập trung tại khu vực thành phố, thị xã. Mặc dù vậy, quy mô các doanh nghiệp còn nhỏ, thiếu định hướng, hoạt động còn tự phát, sản phẩm phần lớn mang tính chất gia công, giá trị thấp, thiếu tính canh tranh, do đó kết quả sản xuất kinh doanh đạt thấp và thua lỗ.
 
Số lượng hợp tác xã, tổ hợp tác có xu hướng tăng, tuy nhiên, hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn thấp và chức năng chủ yếu là hoạt động dịch vụ hỗ trợ. Toàn tỉnh có 91/128 xã thành lập mô hình hợp tác xã (HTX), chiếm tỷ lệ 71,09%. Trong đó, xã có HTX Nông, lâm nghiệp và thủy sản có 77/128 xã, chiếm 60,16%. Tổng số HTX khu vực nông thôn là 211 HTX, tăng 99 HTX (tăng 88,39%), trong đó HTX Nông, lâm nghiệp và thủy sản có 160 HTX, chiếm 75,83%, so với năm 2016 tăng 51 HTX (tăng 46,79%).
 
Những năm qua, mô hình tổ hợp tác (THT) với nhiều tên gọi khác nhau như: tổ hợp tác, tập đoàn, hiệp hội ngành nghề,... đã phát triển mạnh và rộng khắp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Khu vực nông thôn toàn tỉnh đã có 37/128 xã (tỷ lệ 28,91%) và 89/940 thôn (tỷ lệ 9,47%) thành lập mô hình THT.
 
Trang trại ngày càng phát triển và đa dạng các ngành sản xuất. Đến 01/7/2020, tổng số trang trại toàn tỉnh có 350 trang trại, giảm 356 trang trại so với năm 2016 (do có sự thay đổi các tiêu chí công nhận trang trại về quy mô, kết quả sản xuất,... giữa 2 thời điểm điều tra). Lao động thường xuyên của trang trại có 1.540 người, bình quân lao động một trang trại 3,35 người (năm 2016 là 3,13 người). Diện tích đất của các trang trại sử dụng tại thời điểm 1/7/2020 là gần 2,2 nghìn ha, bình quân 1 trang trại 6,25 ha (năm 2016 là 5,02 ha). Tổng thu của trang trại là gần 1.041,9 tỷ đồng; giá trị sản phẩm và dịch vụ nông, lâm nghiệp và thuỷ sản bán ra là 1.030.784 triệu đồng, chiếm 98,93% trên tổng thu của trang trại. Tổng thu bình quân 1 trang trại 2.976,8 triệu đồng, tăng 1.764,8 triệu đồng/trang trại so với năm 2016.
 
Về kinh tế hộ, tại thời điểm điều tra toàn tỉnh có trên 159,4 nghìn hộ có hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trong đó: Khu vực nông thôn có 141.147 hộ, chiếm 88,53%; khu vực thành thị có 18.292 hộ, chiếm 11,47%. Hộ có hoạt động nông nghiệp 92.922 hộ, chiếm 84,32%; hộ lâm nghiệp có 2.893 hộ, chiếm 84.32% và hộ thủy sản có 14.380 hộ, chiếm 13,05%. Tổng số lực lượng lao động của hộ có hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản là trên 364,7 nghìn người. Tổng số lực lượng lao động của hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản là gần 248 nghìn người. Tại thời điểm 01/7/2021, tổng diện tích đất của hộ có hoạt động nông, lâm ngiệp, thủy sản là 79,8 nghìn ha. Tổng diện tích đất của hộ nông, lâm ngiệp, thủy sản là 62,9 nghìn ha.
 
Phương tiện, thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp tuy đã được quan tâm đầu tư mua sắm mới, nhưng nhìn chung còn thiếu, trang thiết bị, máy móc hiện đại còn ít. Theo kết quả điều tra mẫu, bình quân một hộ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản được có 0,02 cái máy kéo, máy cày. Bình quân 1 hộ chăn nuôi lợn được trang bị 0,02 máy chế biến thức ăn gia súc; 1 hộ chăn nuôi gia cầm được trang bị 0,01 máy chế biến thức ăn, Đối với máy ấp trứng gia cầm, bình quân 1 hộ nuôi gà có 0,01 máy/hộ, hộ nuôi vịt có 0,02 máy/hộ; nuôi ngan và 0,02 máy/hộ.
 
Về tỷ lệ đất nông nghiệp sản xuất bền vững và hiệu quả của hộ sản xuất nông nghiệp, kết quả điều tra mẫu của 544 hộ cho thấy, tỷ lệ diện tích đạt bền vững mức độ cao còn thấp, nhiều tiêu chí không đáp ứng mức độ bền vững chiếm tỷ lệ còn lớn.
 
Về kết quả sản xuất của hộ, chăn nuôi tập trung theo mô hình kinh tế gia trại và trang trại càng nhiều hơn; nhiều gia trại, trang trại chăn nuôi vừa mở rộng quy mô vừa đẩy mạnh thâm canh, tăng hệ số xuất chuồng. Theo đó, tính chất hàng hóa trong sản xuất chăn nuôi ngày càng rõ nét hơn. Tại thời điểm điều tra 01/7/2020, toàn tỉnh có 185.500 hộ có hoạt động sản xuất chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm chủ yếu (trâu, bò, lợn, gà, vịt, ngan). Trong đó: có 11.330 hộ chăn nuôi trâu, chiếm tỷ trọng 6,11%; có 30.690 hộ chăn nuôi bò, chiếm 16,54%; có 27.684 hộ chăn nuôi lợn, chiếm 14,92%; có 91.992 hộ chăn nuôi gà, chiếm 49,59%; có 10.995 hộ chăn nuôi vịt, chiếm 5,93%; có 12.809 hộ nuôi ngan, chiếm 6,91%.
 
Trong những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Quảng Bình đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tại thời điểm điều tra, toàn tỉnh có 10.363 hộ nuôi trồng thủy sản, trong đó khu vực nông thôn có 8.883 hộ, chiếm 85,72%; khu vực thành thị có 1.480 hộ, chiếm 14,28%. Hình thức nuôi chủ yếu của hộ là nuôi trong ao, hồ; các hộ nuôi lồng, bè chỉ chiếm tỷ lệ 10,4%. Theo sản phẩm nuôi, các hộ nuôi cá nước ngọt chiếm đại bộ phận với tỷ trọng 71,14%; các sản phẩm còn lại chiếm 28,86%. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của hộ có 4.380,9 ha, khu vực nông thôn 3.827,9 ha, chiếm 87,38; khu vực thành thị có 553 ha, chiếm 12,62%. Diện tích nuôi trồng thủy sản bình quân 1 hộ là 0,46 ha, khu vực nông thôn 0,47 ha/hộ; khu vực thành thị 0,40 ha/hộ.
 
Cùng với sự ra đời của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhiều làng nghề đã được khôi phục và phát triển, thu hút được nhiều nguồn vốn trong dân cư, tạo được việc làm tại chỗ cho hàng ngàn lao động và tham gia đào tạo, bồi dưỡng những lao động phổ thông thành lao động có kỹ thuật. Đến năm 2020, khu vực nông thôn có 26 làng nghề, tăng 3 làng nghề so với năm 2016. Trong đó: Số làng nghề được công nhận 26 làng, chiếm 100% tổng số làng nghề (năm 2016 tỷ lệ này là 95,6%); số làng nghề truyền thống 25 làng, chiếm 96,15% tổng số làng nghề, so với năm 2016 tăng 7 làng nghề. Quy mô các làng nghề được mở rộng, theo đó số cơ sở sản xuất tham gia tăng nhanh cả về loại hình lẫn số lượng. Toàn tỉnh có 4.298 cơ sở sản xuất của làng nghề, trong đó có 4.298 hộ, 1 tổ hợp tác, 5 hợp tác xã và 4 doanh nghiệp tham gia sản xuất trong các cơ sở. Số người tham gia lao động thương xuyên trong các làng nghề toàn tỉnh có 6.549 người.
 
Mặc dù nền kinh tế - xã hội nông thôn tỉnh Quảng Bình so với các năm trước đã có bước phát triển mới, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc so những năm trước nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế, một số mục tiêu quan trọng còn chưa đạt yêu cầu đặt ra. Trong thời gian tới, để thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo thế và lực mới thúc đẩy tỉnh Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững, một số giải pháp được đặt ra:
 
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp;
 
Thứ hai, đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển ngành nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại và chuyển dch cơ cấu kinh tế nông thôn.
 
Thứ ba, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất, đặc biệt là các ngành nghề có nhiều thế mạnh; quan tâm xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng, như hệ thống đường giao thông, hệ thống công trình thủy lợi,… đảm bảo tính bền vững lâu dài;
 
Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông thôn.
 
Thứ năm, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất.
 
Thứ sáu, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng dần tỷ trọng hàng hóa nông sản có khả năng cạnh tranh;
 
Thứ bảy, thực hiện tốt các chính sách trong nông thôn, nông nghiệp.
 
Thứ tám, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn./.
P.V
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top