Những “trái ngọt” sau 20 năm thực hiện Nghị Quyết 13-NQ/TW về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

31/03/2022 - 09:32 AM
Năm 2002, trong bối cảnh khu vực kinh tế tập thể (KTTT) - một trong những thành phần kinh tế quan trọng của đất nước vẫn còn nhiều mặt yếu kém, chưa đủ sức đảm nhiệm tốt vai trò cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa, tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nhằm phát triển KTTT với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX). Đây là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, trong đó phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế là nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với quá trình đổi mới kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, trong 20 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW đã có được những “trái ngọt” và được chứng kiến khu vực KTTT trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau, nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình hợp tác xã HTX kém hiệu quả sang mô hình HTX tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế của đất nước.

Thống nhất nhận thức và quan điểm phát triển, tạo tâm lý xã hội thuận lợi cho KTTT, HTX phát triển

 
Phát triển KTTT là một nội dung lớn trong chủ trương phát triển kinh tế đất nước, do đó ngay sau khi Nghị quyết số 13-NQ/TW được ban hành, Đảng và chính quyền các cấp từ Trung ương, các bộ, ngành cho tới các địa phương đã quyết liệt triển khai thực hiện với việc ban hành hàng loạt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Nhờ đó nhận thức về vị trí, vai trò và quan điểm phát triển KTTT, phát triển mô hình HTX kiểu mới đã từng bước có chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng giúp khu vực KTTT, HTX từng bước thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, giảm bớt tâm lý hoài nghi, mặc cảm đối với mô hình HTX kiểu cũ vốn còn đè nặng trong tư tưởng của phần lớn cán bộ quản lý, các cấp, các ngành và người dân.
 
Việc xác lập môi trường thể chế và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển KTTT, HTX đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện
 
Trong 20 năm qua, môi trường thể chế để KTTT, HTX phát triển đã từng bước được hoàn thiện, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về KTTT, HTX đã được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, trong đó có Luật HTX năm 2003, Luật HTX năm 2012 cùng rất nhiều các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành. Hàng loạt các cơ chế, chính sách về KTTT, HTX đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung như các chính sách về cán bộ và nguồn nhân lực; đất đai; tài chính tín dụng; hỗ trợ về khoa học và công nghệ; hỗ trợ tiếp thị và mở rộng thị trường; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng… Bộ máy và hoạt động quản lý nhà nước đối với KTTT, HTX từng bước được thiết lập, củng cố, đặc biệt là, Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển KTTT, HTX các cấp được tổ chức thành lập, từng bước kiện toàn từ Trung ương đến địa phương, nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết và pháp luật về phát triển KTTT, HTX.

 
Những “trái ngọt” sau 20 năm thực hiện Nghị Quyết 13-NQ/TW
Ảnh minh họa, nguồn Internet

KTTT, HTX đã có bước phát triển mới về chất và lượng
 
Khu vực tổ hợp tác phát triển tương đối đa dạng về hình thức hoạt động, ở rộng khắp mọi miền cả nước và trở thành mô hình phù hợp với nhu cầu của người nông dân, lao động nghèo, đặc biệt ở vùng nông thôn và miền núi.

Theo số liệu báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã Trung ương, dự kiến đến cuối năm 2021, số lượng tổ hợp tác (THT - một hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh thuộc thành phần KTTT) trên cả nước là 69.294 THT (34.871 THT trong lĩnh vực nông nghiệp và 34.423 THT phi nông nghiệp), giảm 24.506 THT (khoảng 26%) so với cuối năm 2001, thu hút 1.096,7 nghìn thành viên tham gia (bình quân một THT có khoảng 15 thành viên), giảm khoảng 9% so với năm 2001. Doanh thu bình quân của 1 THT là 294,85 triệu đồng/năm, tăng 6,5 lần so với năm 2001. Lãi bình quân của 1 THT là 49 triệu đồng/năm, tăng 6,8 lần so với năm 2001. Trong tổng số THT cả nước, có 34.871 THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (giảm 37.177 THT so với năm 2001), trong đó, số THT nông nghiệp có đăng ký chứng thực hợp đồng hợp tác khoảng 25.489 tổ; tổng số thành viên THT nông nghiệp là 627.789 người (giảm 236.844 người so với năm 2001); doanh thu bình quân một THT nông nghiệp là 143,3 triệu đồng/năm (tăng 136 triệu đồng so với năm 
2001); lãi bình quân một THT nông nghiệp là 32,6 triệu đồng/năm (tăng 31 triệu đồng so với năm 2001).
 
THT đã khắc phục được một số mặt yếu kém của kinh tế hộ đơn lẻ, đồng thời phát huy giá trị tinh thần về xã hội, văn hóa và là cầu nối giữa chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội với người nông dân trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
 
Một điểm nhấn quan trọng trong bức tranh kinh tế tập thể là khu vực HTX đang phục hồi và phát triển khá ổn định với số lượng tăng lên đáng kể, hoạt động đa dạng trên nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Dự kiến đến 31/12/2021, cả nước có 27.342 HTX, thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Số lượng HTX tăng 16.420 HTX (khoảng 2,5 lần) so với năm 2001, số thành viên HTX tăng 465.603 người (khoảng 9%) so với năm 2001. Trong giai đoạn 2001-2021, số lượng HTX thành lập mới là 37.810 HTX, giải thể khoảng 21.390 HTX. Trong đó, giai đoạn 2001-2011 thành lập mới 11.640 HTX, giải thể 6.080 HTX; giai đoạn 2012-2021 thành lập mới 26.170 HTX, giải thể 15.310 HTX. Các con số này cho thấy, thời gian trở lại đây, từ khi có Luật HTX năm 2012, số lượng HTX thành lập mới tăng nhanh qua các năm. Nếu như giai đoạn 2001-2011 trung bình chỉ có 1.164 HTX thành lập mới mỗi năm thì đến giai đoạn 2012-2021 trung bình có 2.617 HTX thành lập mới mỗi năm (tăng gấp 2,24 lần). Tính đến 31/12/2021, số lao động làm việc trong HTX là 1.078 nghìn người, tăng gần 550 nghìn người (gấp 2 lần) so với thời điểm 31/12/2001. Điểm đáng chú ý trong các HTX mới thành lập đã xuất hiện một số mô hình HTX trong các ngành nghề, lĩnh vực mới mà trước đây chưa có: HTX vệ sinh môi trường, HTX kinh doanh, khai thác và quản lý chợ; một số HTX mới được thành lập gắn với việc đáp ứng nhu cầu kinh tế, đời sống của các giới, các nhóm đối tượng khác nhau như HTX của phụ nữ, HTX của thanh niên, HTX của những người tàn tật, HTX của các cựu chiến binh...
 
Xét theo ngành, lĩnh vực kinh tế, trong tổng số 27.342 HTX của cả nước tại thời điểm 31/12/2021 có số HTX hoạt động trong lĩnh vực chiếm cao nhất có 18.327 HTX, chiếm 67,03% nông nghiệp (tăng 12.569 HTX so với thời điểm 31/12/2001), trong đó số HTX hoạt động hiệu quả theo Luật HTX năm 2012 là 7.924 HTX (tăng 6.527 HTX so với năm 2001). Trong lĩnh vực nông nghiệp có khoảng 3,2 triệu thành viên (tăng 473 nghìn thành viên so với thời điểm 31/12/2001), trong đó số lượng thành viên mới tham gia vào HTX 59 nghìn thành viên; số lao động làm việc thường xuyên trong khu vực HTX 549 nghìn lao động (tăng 94 nghìn lao động so với thời điểm 31/12/2001). Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong năm của HTX 36,7 triệu đồng/năm. Doanh thu bình quân 01 HTX NN năm 2021 ước đạt là 1,86 tỷ đồng/01 HTX, tăng 4,2 lần so với năm 2001. Doanh thu và lãi bình quân của 01 HTX nông nghiệp tăng đều qua các năm, giai đoạn 2013-2017 tăng gấp đôi so với giai đoạn 2003-2012, đặc biệt tăng mạnh trong năm 2020.
 
Bên cạnh đó, đến 31/12/2021, cả nước có 9.015 HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp, trong đó có 1.181 Quỹ TDND, 2.474 HTX CN-TTCN; 2.048 HTX Thương mại; 1.833 HTX GTVT, 882 HTX Xây dựng, 479 HTX Môi trường, 118 HTX trong lĩnh vực khác. Các HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp phát triển cả về quy mô, chất lượng, tổ chức sản xuất đa dạng ngành nghề, tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt từ 50%- 83%; phần lớn các HTX có liên kết với doanh nghiệp, chuỗi giá trị thị trường trong nước, nhiều HTX có sản phẩm xuất khẩu.
 
Xét theo vùng và lãnh thổ, do khác nhau về điều kiện địa lý, dân số, kinh tế - xã hội, cũng như sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền nên tình hình phát triển và chuyển đổi HTX không đồng đều tại các vùng trong cả nước. Vùng tập trung số lượng HTX lớn nhất cả nước là vùng Đồng bằng sông Hồng (chiếm 27% tổng số HTX cả nước), vùng Trung du miền núi phía Bắc (chiếm 26% tổng số HTX cả nước); tiếp đó là vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (chiếm 21% tổng số HTX cả nước); tập trung ít hơn là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (12%) và ít nhất là vùng Tây Nguyên (chiếm 7%) và Đông Nam Bộ (chiếm 7%).
 
Hiệu quả hoạt động của các HTX những năm gần đây ngày càng ổn định và có xu hướng phát triển. Hiệu quả hoạt động kinh doanh của HTX năm 2021 tăng lên so với thời điểm năm 2001. Doanh thu bình quân của một HTX năm 2021 đạt 2.657 triệu đồng/HTX, tăng 1.644 triệu đồng (gấp khoảng 2,5 lần) so với năm 2001, trong đó doanh thu bình quân của HTX với thành viên cũng tăng từ 1.039,34 triệu đồng/ năm năm 2001 lên 1.765 triệu đồng/năm năm 2021, tăng 726 triệu đồng (khoảng 70%) so với năm 2001; chiếm khoảng 66,5% trong doanh thu bình quân của 1 HTX. Cùng với doanh thu, lãi bình quân của một HTX tăng từ 92,05 triệu đồng/HTX/năm 2001 lên 215,65 triệu đồng/HTX/năm 2021 (tăng 123,6 triệu đồng/HTX/ năm). Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX cũng được tăng lên từ 8,06 triệu đồng/năm năm 2001 lên 51,67 triệu đồng/năm 2021 (gấp 6,4 lần). Thông qua HTX, đời sống của thành viên và lao động trong HTX được tăng lên đáng kể, từng bước cải thiện kinh tế hộ thành viên, góp phần xóa đỏi, giảm nghèo tại cộng đồng. Số lượng các HTX hoạt động hiệu quả chiếm khoảng 52% trong tổng số HTX.
 
Sự phát triển của HTX trong thời gian qua đã góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế hộ và xây dựng nông thôn mới. Cụ thể là mô hình HTX tác động đến kinh tế thành viên thông qua tạo việc làm, giảm chi phí, tăng giá bán, góp phần cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương. Thực tế ở thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, thu nhập của hộ thành viên HTX cao hơn so với các hộ không phải thành viên HTX khoảng 30%, qua đó khẳng định vai trò quan trọng của HTX đối với nông dân. Trong lĩnh vực nông nghiệp, HTX giúp cho thu nhập nông nghiệp của hộ thành viên tăng trung bình 14% nhờ việc giảm giá các vật tư, phân bón đầu vào và tăng giá bán đầu ra các sản phẩm nông nghiệp. Ở nhiều địa phương, HTX đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn phục vụ chế biến, xuất khẩu.
 
Trong xây dựng nông thôn mới, HTX nông nghiệp đóng vai trò nòng cốt trong việc thực hiện các mô hình sản xuất theo quy hoạch; thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập cho nông dân; triển khai các Đề án, Dự án trong xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò của các thành viên trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, liên kết sản xuất, phát triển HTX là một trong 19 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua cả nước đã có 7.015 xã, đạt tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất bằng 78,5% số xã cả nước.
 
Trong thời gian gần đây, số lượng HTX nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng gia tăng, đang dần trở thành phương thức sản xuất tối ưu để phát triển bền vững. Đến năm 2021, cả nước có gần 1.200 HTX tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh. Một số HTX đã chủ động nghiên cứu, mở rộng thị trường, không những trong nước mà còn xuất khẩu.
 
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết, cả nước xuất hiện hàng trăm mô hình HTX, LHHTX nổi bật, điển hình với cách làm mới như: HTX ứng dụng công nghệ cao và ứng phó với biến đổi khí hậu; HTX quy mô toàn xã; HTX chuyên ngành dẫn dắt, hỗ trợ kinh tế hộ thành viên phát triển sản xuất, tham gia chuỗi giá trị; HTX đảm nhiệm nhiều khâu trong chuỗi giá trị; HTX tích tụ, tập trung đất đai để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chuyển đổi cây trồng cho thu nhập cao; mô hình doanh nghiệp trong cùng chuỗi là thành viên HTX; HTX phát triển sản phẩm nông nghiệp bản địa, OCOP kết hợp với du lịch nông nghiệp, nông thôn, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, HTX sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho thành viên và nông dân. Hình thức này đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việc sản xuất hoặc phân phối theo chuỗi giá trị sẽ làm giảm bớt các khâu trung gian, hạ giá thành và gia tăng giá trị sản phẩm, đồng thời nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường, nhờ đó các HTX sẽ thu được lợi ích nhiều nhất từ sản phẩm của mình. Nhiều HTX chuyên ngành được ưu tiên tập trung phát triển để tạo ra sản phẩm phù hợp với lợi thế cũng như sản phẩm chủ lực của từng vùng miền trên cả nước, như: Vùng Miền núi phía Bắc phát triển các HTX sản xuất nông nghiệp, rau, củ, chăn nuôi lợn cao sản, lạp sườn, chanh dây, miến dong... Vùng Tây Nguyên phát triển các HTX về sản phẩm cây công nghiệp cà phê, ca cao, hồ tiêu… Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đồng bằng sông Hồng phát triển HTX trồng lúa, thủy sản, cây ăn trái và sản phẩm chế biến từ nông sản…

 
Những “trái ngọt” sau 20 năm thực hiện Nghị Quyết 13-NQ/TW 1
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Số lượng Liên hiệp HTX tăng đáng kể và hoạt động có hiệu quả.
 
Đến năm 2021, cả nước có 103 LH HTX (79 LH HTX nông nghiệp và 24 LH HTX phi nông nghiệp), tăng gấp 9,3 lần so với năm 2001. Số LH HTX tăng chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp (tăng 77 LH HTX). Các LH HTX thành lập chủ yếu ở các vùng: Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long… Các LH HTX thu hút 668 HTX thành viên, tạo việc làm cho trên 17,9 nghìn lao động với thu nhập bình quân khoảng 60-80 triệu đồng/năm. Doanh thu bình quân 01 LH HTX là 1,5 tỷ đồng/năm và lãi bình quân 01 LH HTX khoảng 128 triệu đồng/năm. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng cả nước cũng có nhiều LH HTX hoạt động thực sự hiệu quả, có lãi, tạo việc làm ổn định cho người lao động, an sinh xã hội và làm tốt vai trò đầu mối kết nối các thành viên với các đối tác để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ theo nhu cầu của thành viên và thị trường như: LH HTX thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Coop), LH HTX nông sản an toàn tỉnh Sơn La, LH HTX tiêu thụ an toàn nông sản Việt Nam, LH HTX dịch vụ - nông nghiệp - tổng hợp Đồng Nai (Dona Coop), liên hiệp HTX chế biến- xuất khẩu thanh long Bình Thuận (TP Đà Nẵng), Liên hiệp HTX Artemia (tỉnh Sóc Trăng), LH HTX số 1 (tỉnh Lâm Đồng)…
 
Bên cạnh đó, các LH HTX trong lĩnh vực nông nghiệp chịu trách nhiệm thu gom, tiêu thụ nông sản cho thành viên của các HTX thành viên thông qua các hợp đồng ký kết với các đối tác. Các liên hiệp được thành lập đều gắn với sản phẩm chủ lực của từng tỉnh như: lúa gạo, cà phê, cây dược liệu, cây ăn trái… Chính vì vậy, vai trò của LH HTX nông nghiệp hiện nay là rất lớn trong việc cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ sản xuất, kỹ thuật cho HTX thành viên.
 
Hiện nay và trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tham gia ngày càng sâu rộng vào tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập với khu vực và thế giới với hàng loạt hiệp định thương mại được ký kết. Việc thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới sẽ tạo cơ hội mở rộng, đa dạng hóa thị trường với mức ưu đãi cao, tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng, mạng lưới sản xuất toàn cầu, góp phần tích cực vào quá trình đổi mới đồng bộ và toàn diện, khơi dậy tiềm năng đất nước và của các thành phần kinh tế, trong đó có KTTT. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, thuận lợi, KTTT nước ta đang đứng trước những thách thức, khó khăn. Về khách quan, đó là sự bất ổn ở nhiều khu vực trên thế giới; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Về chủ quan, đó là năng lực nội tại hạn chế; số HTX quy mô lớn, làm ăn có hiệu quả còn ít; lợi ích đem lại cho thành viên chưa nhiều; đóng góp của KTTT chiếm tỷ trọng thấp trong tổng sản phẩm xã hội,… Điều này đòi hỏi khu vực KTTT là phải phát huy nội lực vươn lên thoát khỏi những tồn tại yếu kém căn bản, đổi mới phương thức quản lý kinh doanh; ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu hội nhập, toàn cầu hoá nền kinh tế và đảm nhiệm tốt vai trò nền tảng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để làm được điều này, Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã Trung ương đã đưa ra những quan điểm, mục tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTTT phù hợp cho những năm tiếp theo./.
Bích Ngọc

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top