Nhượng quyền thương mại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

05/02/2020 - 09:30 AM

Những năm qua, phương thức kinh doanh nhượng quyền thương mại (NQTM) đã trở thành một kênh đầu tư được giới kinh doanh vận dụng để đưa các doanh nghiệp (DN) nước ngoài mở rộng vào thị trường Việt Nam và ngược lại cũng là mô hình chủ đạo để các DN Việt Nam vươn ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, hoạt động NQTM tại Việt Nam vẫn còn mang tính sơ khai và nhiều thách thức cần được tháo gỡ.

 

Thực trạng nhượng quyền thương mại tại Việt Nam

 

Phương thức kinh doanh NQTM xuất hiện tại Việt Nam từ trước năm 1975, thông qua một số hệ thống nhượng quyền các trạm xăng dầu của Mỹ như: Mobil, Exxon (Esso), Shell. Sau đó, NQTM xuất hiện trở lại vào giữa thập niên 90 của thế kỷ XX. Cùng với tốc độ phát triển của loại hình kinh doanh NQTM, năm 2005, Luật Thương mại (Điều 284) cũng đã đề cập đến NQTM. Trong những năm gần đây, với xu hướng mở cửa hội nhập kinh tế nhanh, Việt Nam trở thành thị trường được các thương hiệu lớn quốc tế và khu vực quan tâm tìm kiếm cơ hội hợp tác NQTM.

Nhượng quyền thương mại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

                                                                               Ảnh minh họa (Internet)

Tính từ năm 2007 đến năm 2018, Việt Nam đã cấp phép cho 213 DN nước ngoài nhượng quyền tại Việt Nam, trong đó có thể kể đến các thương hiệu lớn như: McDonalds, Baskin Robbins (Hoa Kỳ), Pizza Hut, Burger King (Singapore), Lotteria, BBQ Chicken (Hàn Quốc), Swensens (Malaysia), Karren Millen, Coast London (Anh), Bvlgari, Moschino, Rossi (Italia)… Lĩnh vực nhận NQTM từ các thương hiệu nước ngoài nhiều nhất ở Việt Nam là chuỗi thức ăn nhanh, nhà hàng chiếm 41,31%; cửa hàng bán lẻ nội thất, mỹ phẩm, bán lẻ hàng hóa tiêu dùng khác…chiếm 15,49%; thời trang chiếm 14,08%; giáo dục - đào tạo chiếm 11,47%… Riêng năm 2018, Việt Nam đã cấp phép nhượng quyền cho 17 DN nước ngoài với các thương hiệu như: JYSK A/S (Đan Mạch - chuyên đồ gia dụng, trang trí); Puma SE (Đức - giày và quần áo thể thao); Factory Japan Group (Nhật Bản - massage)…

 

Trong nước, các DN Việt Nam cũng đã hình thành mô hình NQTM để phát triển thị trường, nâng cao giá trị thương hiệu. Tiêu biểu cho mô hình NQTM của các DN Việt Nam phải kể đến Trung Nguyên, Phở 24, Kinh Đô Bakery, thời trang Ninomax, Foci, giày dép T&T, kinh doanh cà phê Bobby Brewers … Trong đó, Phở 24, DN tư nhân Đức Triều (kinh doanh sản phẩm giày dép da, túi xách thương hiệu T&T) và Công ty TNHH Vũ Giang (kinh doanh cà phê Bobby Brewers) đã được cấp phép nhượng quyền ra nước ngoài.

 

Việc phát triển kinh doanh theo phương thức NQTM đã giúp các DN NQTM tận dụng được nguồn vốn, nhân lực từ đối tác để mở rộng kinh doanh, đồng thời gia tăng doanh số và lợi nhuận từ nguồn thu chi phí nhượng quyền, nâng cao giá trị thương hiệu và nâng tầm DN. Đối với bên nhận NQTM, mô hình này giúp hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất. Nhờ uy tín của các thương hiệu lớn nhượng quyền, sản phẩm của các DN vừa và nhỏ được tiêu thụ mạnh trên thị trường và được người tiêu dùng biết đến. Các DN cũng tiết kiệm đáng kể chi phí để tạo dựng thương hiệu cũng như quảng cáo, xúc tiến bán hàng. Hoạt động NQTM không chỉ mang lại cơ hội đầu tư kinh doanh lớn cho các chủ đầu tư mà còn là phương cách giúp mở rộng, phát triển thị trường nội địa cạnh tranh lành mạnh. Với việc nhận NQTM từ các DN nước ngoài, các DN Việt Nam được chuyển giao những thương hiệu có uy tín và được học hỏi, tiếp cận cách thức kinh doanh và phương thức quản lý tiên tiến của thế giới. Hiện, ngày càng nhiều DN Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới thông qua NQTM.

 

Hiện xu hướng NQTM tại Việt Nam chủ yếu dừng lại ở mô hình nhượng quyền cấp 1 (gọi là nhượng quyền độc quyền) khi thương hiệu quốc tế trao quyền cho một DN nội địa phát triển hệ thống chi nhánh trên toàn lãnh thổ dưới hình thức tự đầu tư và kinh doanh (gọi là phát triển hệ thống chuỗi). Rất ít thương hiệu quốc tế tại Việt Nam phát triển thị trường qua hình thức nhượng quyền cấp 2 (gọi là nhượng quyền thứ cấp), khi đối tác cấp 1 tiếp tục nhượng quyền từng chi nhánh hoặc từng khu vực cho một đối tác thứ cấp tiếp theo.

 

Với 8.475 chợ, 1.009 siêu thị và 210 trung tâm thương mại, dân số trên 96,2 triệu người (01/4/2019), Việt Nam được các nhà đầu tư ngoại đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho hoạt động NQTM. Ngoài ra, sức tiêu thụ cao, thu nhập của người dân ngày càng tăng và độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn cũng là những yếu tố thu hút DN ngoại tìm kiếm cơ hội, mở rộng thị trường NQTM tại Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động thương mại dịch vụ năm 2018 có mức tăng trưởng khá, sức mua tiêu dùng tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.416,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2017; 9 tháng năm 2019, con số tăng mức bán lẻ đạt 3.634,8 nghìn tỉ đồng, tăng 11,6% so cùng kỳ năm trước. Nhiều thương hiệu đã chọn hình thức nhượng quyền hàng loạt thay vì nhượng quyền từng cửa hàng như trước đây để đẩy nhanh tốc độ nhân rộng. Đồng thời, cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều thương hiệu lớn với phương thức kinh doanh tự phát triển, xây dựng hệ thống cửa hàng trực thuộc trong một thời gian nhất định, sau đó nhượng quyền lại cho đối tác kinh doanh.

 

Theo Hiệp hội Nhượng quyền Quốc tế, Việt Nam đứng thứ 8/12 thị trường hàng đầu được xác định là có giá trị nhất cho việc mở rộng toàn cầu. Các lĩnh vực tiềm năng cho các DN nhượng quyền bao gồm: Thực phẩm và đồ uống, giáo dục, y tế và dinh dưỡng, dịch vụ kinh doanh, khách sạn, thời trang, làm đẹp và chăm sóc da, giải trí, dịch vụ trẻ em và cửa hàng tiện lợi. Việt Nam cũng được dự báo sẽ là điểm đến của các thương hiệu quốc tế, đặc biệt là các thương hiệu khu vực ASEAN.

 

Mặc dù tiềm năng thị trường NQTM của Việt Nam là rất lớn, nhưng vẫn còn những thách thức do hoạt động NQTM ở Việt Nam còn mang tính tự phát và thiếu chuyên nghiệp. Môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ. Các DN Việt Nam khi nhượng quyền ra nước ngoài không chỉ cạnh tranh quyết liệt với các nhà nhượng quyền hàng đầu tại thị trường quốc tế mà còn đối mặt với không ít khó khăn như: Thiếu vốn, thiếu trình độ quản lý và kiểm soát, chưa chuẩn hoá được quy trình và thương hiệu, chưa hoạch định chiến lược và mô hình kinh doanh phù hợp nên hầu như chưa thực hiện được mô hình NQTM toàn diện, ít quan tâm đến bảo hộ thương hiệu. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có nhiều thương hiệu nội địa mạnh và uy tín nên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia nhượng quyền, làm giảm khả năng nhượng quyền lẫn nhận NQTM của các DN Việt Nam.

 

Ngoài ra, DN NQTM trong nước cũng gặp khó khăn về chi phí khi thuê mặt bằng kinh doanh. Việc gia hạn hợp đồng thuê không thuận lợi, buộc người nhận NQTM phải chuyển địa điểm kinh doanh, làm mất đi lượng khách hàng quen thuộc đã làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của DN.

 

Giải pháp phát triển thị trường nhượng quyền thương mại tại Việt Nam

 

Để giúp các DN trong nước tận dụng được cơ hội trong hội nhập để phát triển NQTM; đồng thời, tạo môi trường thuận lợi cho các đối tác nước ngoài mở rộng thị trường tại Việt Nam, trong thời gian tới hoạt động NQTM của Việt Nam cần chú trọng triển khai một số giải pháp sau:

 

Một là, Chính phủ cần ban hành các chính sách hỗ trợ NQTM phát triển, hoàn thiện hành lang pháp lý, phù hợp với các cam kết hội nhập mà Việt Nam đang tham gia. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cung cấp thông tin thị trường trọng tâm, tạo điều kiện cho DN tham gia các hội nghị xúc tiến, ưu đãi về vốn để DN trong nước tạo dựng thương hiệu và thị trường ra bên ngoài.

 

Hai là, DN cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm, tiếp cận các kinh nghiệm, kiến thức, pháp luật, các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực NQTM và tuân thủ các quy định của pháp luật về NQTM; có chiến lược xây dựng thương hiệu và hệ thống kinh doanh được tổ chức khoa học, hợp lý, hiệu quả và mang tính đặc thù.

 

Ba là, DN cần xác định tính khả thi của mô hình nhượng quyền đối với ngành nghề DN đang kinh doanh, tái cấu trúc, củng cố và phát triển nội lực DN trước khi chuyển sang áp dụng mô hình nhượng quyền; DN cần xây dựng các nền tảng hỗ trợ thiết yếu trong nhượng quyền như: Nền tảng thương hiệu và tiếp thị; vận hành và cung ứng; nhân lực và đào tạo; phát triển hệ thống nhượng quyền.

 

Bốn là, chú trọng các chương trình đào tạo về NQTM trong bối cảnh hội nhập cho cộng đồng DN và sinh viên tại các trường đại học. Các DN nhượng quyền cần có chính sách đào tạo cho đối tác nhận quyền để triết lý kinh doanh từ DN nhượng quyền mới chuyển giao cho DN nhận nhượng quyền theo đúng quy chuẩn. Xây dựng khung chương trình đào tạo khoa học về các kiến thức của hoạt động NQTM, trong đó bao gồm cả kiến thức pháp luật về NQTM.

 

Năm là, có cơ chế, chính sách để ngân hàng thương mại hỗ trợ cho các bên nhượng và nhận NQTM thông qua việc cung cấp tín dụng có bảo lãnh hoặc thế chấp thương hiệu, thế chấp tài sản tự có.

 

Sáu là, thành lập Hiệp hội NQTM Việt Nam để thúc đẩy hoạt động NQTM phát triển có chất lượng cao hơn, góp phần tháo gỡ khó khăn về tổ chức, điều phối và phát triển có định hướng loại hình NQTM./.

 

ThS. Nguyễn Thị Phương Thảo

Học viện Ngân hàng


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top