Ninh Bình đạt nhiều bước tiến trong chuyển đổi số

24/01/2025 - 03:27 PM
Tỉnh Ninh Bình xác định chính quyền số, kinh tế số và xã hội số là 3 trụ cột trong thực hiện chuyển đổi số của Tỉnh. Năm 2024, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân, cả 3 lĩnh vực trên đã đạt bước tiến quan trọng.

Về chính quyền số

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình đã nỗ lực chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực. Quá trình thực hiện, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn Tỉnh chú trọng xây dựng chính quyền số từ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ... Qua đó, làm đổi mới căn bản hoạt động của bộ máy chính quyền, phục vụ tốt hơn nhu cầu người dân và doanh nghiệp.

Đến hết năm 2024, có 100% cơ quan, đơn vị trong Tỉnh đã thiết lập mạng nội bộ để ứng dụng các phần mềm chuyên ngành, nền tảng số; 100% công chức tại các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, 90% cấp huyện, xã có máy tính và các thiết bị phụ trợ khác để thực thi công vụ; 100% cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn Tỉnh đã sử dụng đường truyền số liệu chuyên dùng.

Trung tâm Dữ liệu Tỉnh cơ bản hoàn thành các cấu phần chính; Kho dữ liệu dùng chung đã hoàn thành đầu tư Hệ thống phần mềm lõi và máy chủ phục vụ cài đặt phần mềm; Các hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung; hạ tầng thiết bị, hệ thống truyền dẫn; trung tâm dữ liệu của Tỉnh vận hành ổn định, thông suốt, hoạt động hiệu quả và đảm bảo an toàn, an ninh. Cả năm, toàn Tỉnh đã có 246.605 lượt tra cứu thông tin công dân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC).

Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Tỉnh tại Bộ phận một cửa các cấp đã phục vụ việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 78,21%.

 Về Kinh tế số

Để hỗ trợ thúc đẩy kinh tế số, tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 142/ KH-UBND ngày 31/8/2021 về việc phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030 nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động tiếp cận, xây dựng các sản phẩm và sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số tỉnh Ninh Bình nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn Tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình phối hợp với UBND các huyện, thành phố tích cực triển khai các nội dung, nhiệm vụ tại Kế hoạch số 150/KH-UBND ngày 24/9/2021 của UBND Tỉnh về hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trong đó chú trọng quảng bá, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh; tích cực triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.
 
Nhờ đó, kinh tế số tại tỉnh Ninh Bình trong năm 2024 phát triển mạnh, đóng góp ngày càng nhiều vào mức tăng trưởng chung của Tỉnh. Toàn Tỉnh có 244 doanh nghiệp công nghệ số. Các doanh nghiệp đều quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi số. 99% doanh nghiệp nộp thuế điện tử; Hơn 50% doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử; Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 11,7%; Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt khoảng 60%.

Tổng số sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử postmart.vn là 1.085 sản phẩm. 22.877 sản phẩm đã giao dịch thành công với doanh thu phát sinh đạt 3,62 tỷ đồng.

Về xã hội số

Theo Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu về xây dựng xã hội số đến năm 2025 là: Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh; ít nhất 50% người dân có tài khoản thanh toán điện tử; 90% người dân được tiếp cận với các dịch vụ của chính quyền số, đô thị thông minh...

Bám sát các mục tiêu của Nghị quyết số 01-NQ/TU, các ngành, địa phương trong Tỉnh đã chủ động, tích cực phối hợp triển khai thực hiện kịp thời. Đặc biệt, trong xây dựng xã hội số, Tỉnh đã tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Phát triển kỹ năng số, công dân số, văn hóa số, doanh nghiệp số; đẩy mạnh phát triển thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; phổ cập dịch vụ Internet băng thông rộng đến hộ gia đình và phủ sóng di động 4G/5G. Phát triển kỹ năng số cho người dân thông qua việc tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các dịch vụ số, trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến; dịch vụ số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại...

Chuyển đổi số đã trở thành khái niệm quen thuộc; người dân hiểu, tin và ngày càng sử dụng nhiều dịch vụ số phục vụ công việc và cuộc sống, giúp quá trình xây dựng xã hội số của tỉnh Ninh Bình có bước tiến ấn tượng. Theo đó, năm 2024 tỷ lệ người dân trưởng thành có điện thoại thông minh đạt khoảng 91%; tỷ lệ dân số được phủ sóng mạng di động đạt 100%. Cùng với đó, có hơn 1,6 triệu tài khoản của người dân đã được mở tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác, đạt gần 160% dân số; hơn 96% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử sử dụng trong hoạt động khám chữa bệnh và theo dõi sức khỏe; 99% cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt.

Những kết quả ấn tượng về chuyển đổi số năm 2024 cùng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp là nền tảng để Ninh Bình bước sang năm 2025, tiếp tục tăng tốc, bứt phá, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.

 
Minh Châu
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top