Ninh Thuận: Xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững

25/11/2024 - 09:09 AM
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ để củng cố, nâng cao chất lượng từng tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Từ đó, đưa Chương trình xây dựng nông thôn đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và bền vững.

Phát triển sản phẩm OCOP theo hướng đa dạng, bền vững

Để xây dựng nông thôn mới hiệu quả, Ninh Thuận đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP theo hướng đa dạng và bền vững, bằng cách khai thác tối đa thế mạnh về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa để tạo ra những sản phẩm OCOP đặc trưng, chất lượng cao. Qua đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, địa phương đang tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm; trong đó, ưu tiên sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương.

 
Tỉnh Ninh Thuận đang hướng tới xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu

Mục tiêu là phát huy tối đa nội lực, gia tăng giá trị sản phẩm; đồng thời gắn kết chặt chẽ với phát triển cộng đồng. Tỉnh đặt mục tiêu đến cuối năm 2024 sẽ có thêm 20-30 sản phẩm mới đạt chứng nhận sản phẩm OCOP; trong đó, có ít nhất 2-5 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao; có thêm 1-2 sản phẩm chăn nuôi đạt chuẩn OCOP từ 3-4 sao.

Song song đó, Tỉnh sẽ tập trung củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng; phấn đấu 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định và có ít nhất 50% làng nghề có sản phẩm OCOP. Điểm nhấn trong giai đoạn tới là phát triển sản phẩm OCOP gắn liền với xây dựng thương hiệu mạnh mẽ, đồng thời kết hợp chặt chẽ với phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.

 
Nho là sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận được ngành nông nghiệp phát triển sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, đến nay tỉnh Ninh Thuận đã có 182 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó có 152 sản phẩm đạt 3 sao, 30 sản phẩm đạt 4 sao; có hai sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao là sản phẩm nước mắm CaNa 32 độ đạm và 42 độ đạm.

Các sản phẩm từ nông sản tươi như nho, táo, dưa lưới, rong nho, măng tây đến các sản phẩm chế biến sâu như rượu vang, nước yến, nước mắm, giấm táo và sản phẩm từ nha đam đều được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ chất lượng cao. Các sản phẩm này không chỉ tiêu thụ rộng rãi trong nước mà còn được xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người dân.

Bên cạnh đó, Ninh Thuận đã củng cố, kiện toàn Ban phát triển sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc thù cấp huyện; đồng thời kiện toàn Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện để quản lý, điều hành công việc cùng tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP định kỳ hàng năm; hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP mới và nâng hạng sản phẩm OCOP, xây dựng hồ sơ tham gia đánh giá sản phẩm OCOP; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp quảng bá du lịch gắn với quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Ngoài ra, căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, các huyện đã chủ động xây dựng đề án, kế hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, làng có nghề, văn hóa như: Hỗ trợ xây dựng nhà sàn, nhà vệ sinh, cải tạo cảnh quan môi trường; mở các lớp tập huấn và truyền dạy Mã La, xây dựng các đội văn nghệ, tổ chức giao lưu văn hóa, mua sắm trang phục truyền thống Raglai cho đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng các clip truyền thông nhằm quảng bá, giới thiệu về du lịch cộng đồng tại địa phương...

Huy động nguồn lực, tập trung giải quyết những tồn động trong xây dựng nông thôn mới

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Ninh Thuận, Ninh Thuận đang tăng cường huy động các nguồn lực thực hiện 11 nội dung thành phần và 6 chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm nâng cao đời sống người dân và giải quyết các vấn đề tồn tại trong xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, việc triển khai Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tại các địa phương của Ninh Thuận còn nhiều khó khăn, thử thách. Theo đó, trong 12 xã đã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có 10 xã không còn đạt ở một số tiêu chí theo yêu cầu của Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 như: Tiêu chí thu nhập; tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, địa phương chưa có sản phẩm OCOP; mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao; mô hình phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả theo hướng tích hợp đa giá trị; tỷ lệ bảo hiểm y tế...

 

Ninh Thuận đầu tư xây dưng hạ tầng để phát triển kinh tế
 
Đáng chú ý, hai huyện Ninh Phước và Ninh Hải đạt chuẩn theo tiêu chí cũ giai đoạn 2016-2020 cần hoàn thiện một số nội dung ở các tiêu chí chưa đạt theo yêu cầu của Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025. Cụ thể: Huyện Ninh Phước còn 1/9 tiêu chí chưa đạt (Tiêu chí 7); huyện Ninh Hải còn 2/9 chưa đạt (Tiêu chí 7 và 9). Các nội dung chưa đạt chủ yếu như phải xây dựng mô hình tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp quy mô cấp xã trở lên và xây dựng công trình xử lý nước thải sinh hoạt áp dụng biện pháp phù hợp.  

Đại diện UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Tỉnh đang tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ để củng cố, nâng cao chất lượng từng tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 để đưa Chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và bền vững.

Tỉnh cũng tăng cường huy động các nguồn lực để thực hiện 11 nội dung thành phần và 6 chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề tồn tại trong xây dựng nông thôn mới. 6 chương trình chuyên đề được Tỉnh đặc biệt chú trọng gồm: Môi trường, an toàn thực phẩm, nước sạch nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo, thực hiện Chương trình OCOP, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch nông thôn…

Bên cạnh đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, Tỉnh chú trọng phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế tập thể, thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho các hộ nghèo, cận nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.  

Đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền tạo sự đồng thuận, khơi dậy sức dân trong xây dựng nông thôn mới. Các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực triển khai xây dựng nông thôn mới, củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí trọng tâm như: Thu nhập, hộ nghèo, bảo hiểm y tế, tổ chức sản xuất, môi trường và an toàn thực phẩm, an ninh trật tự. Các sở, ngành, hội, đoàn thể được phân công hỗ trợ các xã chủ động phối hợp với các huyện kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các xã tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; trong đó, tập trung hỗ trợ các tiêu chí chưa đạt để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm.

 
Thôn văn hóa Thái An, xã Vĩnh Hải đạt chuẩn nông thôn mới

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Thuận cho biết, năm 2024, Tỉnh phấn đấu có thêm 2 - 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 - 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

UBND tỉnh đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện, yêu cầu từng địa phương phải xác định rõ tiêu chí trọng tâm của Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025; trong đó, chú trọng đến các tiêu chí liên quan trực tiếp về đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Ninh Thuận đang dồn lực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội để làm nền tảng trong xây dựng nông thôn mới. 9 tháng đầu năm 2024, với hơn 65 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và gần 49 tỷ đồng ngân sách tỉnh hỗ trợ đối ứng thực hiện, các ngành, các địa phương ở Ninh Thuận đã phân bổ, triển khai đầu tư mới 20 công trình với tổng vốn đầu tư hơn 89 tỷ đồng; thực hiện 6 công trình chuyển tiếp với tổng nguồn vốn gần 8,5 tỷ đồng, đồng thời thanh toán 22 công trình đã hoàn thành với tổng nguồn vốn hơn 16 tỷ đồng.

Cũng trong 9 tháng đầu năm 2024, Ninh Thuận đã huy động hơn 690 tỷ đồng để thực hiện các chương trình trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 88 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 79,5 tỷ đồng, vốn lồng ghép hơn 272 tỷ đồng, vốn tín dụng 238 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp hơn 1,8 tỷ đồng, cộng đồng dân cư đóng góp hơn 2,5 tỷ đồng, vốn khác hơn 8 tỷ đồng.

Ngoài nguồn vốn Trung ương phân bổ trực tiếp cho chương trình, các địa phương đã lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn các chương trình, dự án khác trên địa bàn để hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn; huy động người dân đóng góp tiền, ngày công, hiến đất… để xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, diện mạo nông thôn trên địa bàn ngày càng thay đổi rõ rệt.

Hiện nay, toàn tỉnh có 2/6 huyện (huyện Ninh Phước và Ninh Hải) đạt chuẩn nông thôn mới; 32/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các huyện đã công nhận 82 thôn đạt chuẩn nông thôn mới và 7 thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu.  /.

 
Trúc Linh

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top