Nông nghiệp Australia thiệt hại nặng nề do biến đổi khí hậu

02/06/2020 - 04:07 PM
Trong vòng hơn một thập niên qua, những đợt hạn hán kéo dài tồi tệ, những cơn lũ lụt càn quét các vùng trồng trọt và các trận cháy rừng tàn khốc đã khiến ngành nông nghiệp Australia bị tổn thương nghiêm trọng. Các chuyên gia môi trường cho biết, biến đổi khí hậu hiện đang là một phần trong cuộc sống tại quốc gia này. Để chống lại tác động bất thường của thiên nhiên, Australia đang hướng tới những giải pháp canh tác mới, xây dựng kế hoạch thích nghi với một chu trình khí hậu hoàn toàn khác biệt.
 
Hạn hán và cháy rừng gây thiệt hại nghiêm trọng

Hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng tăng được cho là nguyên nhân gây ra các vụ hỏa hoạn trên toàn nước Úc. Theo phân tích của nhóm các nhà khoa học về khí hậu hàng đầu thuộc tổ chức World Weather Attribution (WWA), sự gia tăng số lượng và quy mô các đám cháy có liên hệ rõ ràng với hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán và sóng nhiệt gây ra bởi biến đổi khí hậu. Nghiên cứu cho thấy, lượng mưa giảm và nhiệt độ tăng cao vào năm 2019 so với 30 năm trước, đã làm tăng ít nhất 30% nguy cơ cháy rừng ở Australia.

 
Nông	nghiệp Australia thiệt hại nặng nề do biến đổi khí hậu

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Theo Cục Khí tượng Australia, kể từ năm 1910, nhiệt độ trung bình ở đất nước này đã ấm lên hơn 10C, tương đương với mức nóng lên của toàn cầu, khiến sóng nhiệt xảy ra thường xuyên hơn và dữ dội hơn. Theo đó, các đợt sóng nhiệt ở Australia năm 2019 - 2020 hiện nóng hơn gấp 10 lần so với năm 1900. Phần lớn các khu vục ở Australia, đặc biệt là phía Đông Nam đang trở nên dễ cháy hơn do xu hướng thiếu mưa dài hạn và gián đoạn nhiệt độ ở Ấn Độ Dương. Số tuần có nhiệt độ trung bình cao ở Đông Nam Australia trong tháng 12/2019 xuất hiện nhiều hơn gấp 2 lần so với năm 1990.

Biến đổi khí hậu chính là tác nhân gây nên sự kéo dài và dữ dội hơn của các mùa cháy tại Australia. Điển hình gần đây là các vụ cháy rừng trên khắp Australia vào năm 2019 - 2020. Đám cháy khu vực dọc theo bờ biển phía Đông Nam Australia đã gây ra những tổn thất nghiêm trọng, thiêu rụi hơn 11 triệu ha rừng, phá hủy gần 6 nghìn tòa nhà, làm ít nhất 34 người thiệt mạng và hơn 1,5 tỷ động vật bị chết. Ước tính, thiệt hại kinh tế của các vụ cháy rừng có thể lên tới 100 tỷ đô la Úc.

Theo các chuyên gia kinh tế, vụ cháy rừng thảm khốc này khiến ngành nông nghiệp trị giá 2,3 tỷ đô la Úc (tương đương 1,52 tỷ USD của Australia suy giảm đáng kể: Khoảng 52 nghìn gia súc, chủ yếu là cừu, gần 1 nghìn trang trại ong, 19 ha đất trồng nho và hơn 50 ha đất nông nghiệp khác tại bang South Australia đã bị phá hủy sau trận hỏa hoạn lịch sử, kéo dài từ tháng 11/2019.

Tại bang New South Wales, nơi ngành nông nghiệp đóng góp tới ¼ sản lượng kinh tế quốc gia tính trên giá trị, xấp xỉ 11 triệu ha đất, gần 100 trang trại bò sữa với hàng nghìn vật nuôi cũng bị thiêu rụi, gây thiệt hại nặng nề đến ngành nông nghiệp và các hoạt động chăn nuôi.

Bên cạnh hệ lụy của cuộc khủng hoảng cháy rừng, tình trạng hạn hán kéo dài cũng khiến người nông dân Australia lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn. Nếu như trước kia trung bình mỗi 40 năm mới xảy ra một trận hạn hán tại Australia, thì nay hạn hán xảy ra ngày càng nghiêm trọng và gia tăng cả về tần suất và thời gian (các năm xảy ra hạn hán lịch sử là 2002, 2006 và gần đây là 2009). Theo cơ quan Khí tượng Australia, một phần đáng kể của khu vực Thái Bình Dương đã ghi nhận lượng mưa thấp nhất, nằm dưới ngưỡng trung bình hàng năm.

Tình trạng hạn hán kéo dài và có xu hướng không ngừng tăng đang gây thiệt hại lớn đối với kinh tế trang trại của Australia. Theo kết quả nghiên cứu của Cục Khoa học, Kinh tế, Nông nghiệp và Tài nguyên Australia (ABARES) cho biết, trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay lợi nhuận của các trang trại ở nước này đã giảm 22%, tương đương mỗi trang trại thiệt hại 19 nghìn đô la Úc. Riêng đối với các trang trại chăn nuôi, con số này là 35%, tương đương mức thiệt hại hơn 1 tỉ đô la Úc mỗi năm.

Hỏa hoạn và hạn hán được đánh giá đã tác động sâu sắc tới hệ thống an ninh lương thực của Australia. Dù vậy, đó mới chỉ là hai trong số các vấn đề khí hậu mà ngành này đang phải đối mặt. Bản Báo cáo đánh giá Garnaut về tác động của khí hậu đối với ngành nông nghiệp của Chính phủ Australia đã công bố, biến đổi khí hậu là nguyên nhân đe dọa trực tiếp đến năng lực sản xuất nông nghiệp của “Xứ sở chuột túi”, bao gồm cả cung cấp lương thực trong nước và xuất khẩu. Theo đó, năng suất nông nghiệp trên sông Muray - Darling, nơi cung cấp 40% nguồn lương thực cho cả nước, sẽ bị suy giảm từ 92-97% vào cuối thế kỷ 21, nếu không có các hành động toàn cầu quan trọng về khí hậu.

Theo nghiên cứu của Quỹ bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF), biến đổi khí hậu có thể khiến nước này thiệt hại ít nhất 29 tỷ đô la Úc (tương đương 19,43 tỷ USD) mỗi năm. Dự báo, trong vòng 30 năm tới, kinh tế Australia sẽ bị ảnh hưởng lớn thứ 5 trên thế giới, sau Mỹ, Nhật Bản, Anh và Ấn Độ do không có các hành động đối phó với biến biến đổi khí hậu.

Giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

Thực tế cho thấy, để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu và các điều kiện thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt, đòi hỏi Chính phủ và người dân cần nỗ lực hành động hơn vì môi trường, giảm thiểu khí thải carbon nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên của khí hậu.

Để hỗ trợ ngành nông nghiệp, trong vòng một thập kỷ gần đây, Chính phủ Australia đã chi khoảng 8 tỷ đô la Úc (tương đương 5,28 tỷ USD) kinh phí giải cứu. Trên các phương tiện truyền thông và tại các kỳ họp cấp nhà nước, Chính phủ luôn nhấn mạnh những mục tiêu và giải pháp cần thiết để hỗ trợ ngành nông nghiệp 
phát triển bền vững.
 
Xuất phát từ việc gắn kết biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp bền vững, từ năm 2018, Liên đoàn nông dân quốc gia Australia (NFF) đã hoàn thành một Bản đồ lộ trình cho ngành nông nghiệp quốc gia, xác định mục tiêu là đơn vị đi đầu trong hoạt động chóng biến đổi khí hậu, tập trung vào việc trung hòa carbon và áp dụng khoa học công nghệ trong hoạt động canh tác và chăn nuôi từ nay cho tới năm 2030.

Bên cạnh đó, các giải pháp nông nghiệp mới như thay đổi thói quen canh tác, áp dụng khoa học công nghệ cũng nên được chú trọng để tạo lập nền nông nghiệp bền vững, đủ sức chống lại những thay đổi của thiên nhiên.

Theo ABARES, ngành nông nghiệp Australia cần thực hiện các bước đi thực tế để trở nên kiên cường hơn trong điều kiện khí hậu thay đổi nhanh chóng. Trong tương lai, các chính sách hạn hán và nông nghiệp phải tập trung vào việc xây dựng khả năng phục hồi khí hậu và quản trị rủi ro.

Đa dạng hóa nền nông nghiệp quốc gia, tìm kiếm các sáng kiến đột phá khác như chuyển đổi chu trình canh tác, canh tác tái sinh, xây dựng hệ thống chăn nuôi đi kèm bảo tồn, xây dựng tiêu chuẩn chăn nuôi kiểu mới giảm tiêu thụ nước và thu giữ khí carbon, quan lý áp lực nhiệt với động vật nuôi... chính là hướng đi thích hợp dành cho ngành nông nghiệp Australia và thế giới đđương đầu với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu./.

Tiến Long
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top