Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022: Chất lượng điều hành cấp tỉnh tiếp tục được cải thiện

12/04/2023 - 03:48 PM
Theo báo cáo chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, xu hướng cải thiện chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục được cải thiện theo thời gian. Điểm trung vị PCI 2022 đạt 65,22 điểm, tiếp tục tăng năm thứ sáu liên tiếp.

Quảng Ninh tiếp tục giữ "ngôi vương"

Báo cáo PCI năm 2022 cho thấy, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp lần lượt là các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao trong bảng xếp hạng. Trong đó, Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2022 với 72,95 điểm trên thang điểm 100. Từ năm 2017 đến năm 2022, Quảng Ninh xuất sắc giành vị trí dẫn đầu về chất lượng điều hành kinh tế, với nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính. Nhờ những nỗ lực này, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được các doanh nghiệp đánh giá tích cực trong khảo sát PCI với 93% ý kiến đánh giá “cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả” và 91% ý kiến đồng ý “thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định”.

Không chỉ vậy, những năm gần đây, Quảng Ninh cũng nổi lên là một điểm sáng về đào tạo lao động. 78% doanh nghiệp đánh giá “giáo dục phổ thông tại tỉnh có chất lượng tốt” và 69% doanh nghiệp nhận định “giáo dục dạy nghề tại tỉnh có chất lượng tốt.” Đây là các kết quả tốt nhất trong hai chỉ tiêu PCI này trên toàn quốc.

Xếp ngay sau Quảng Ninh ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng PCI 2022 là tỉnh Bắc Giang với điểm số ấn tượng 72,80. Bắc Giang là hiện tượng mới trong PCI 2022 – lần đầu tiên bước lên top 2, thể hiện bước tiến mạnh mẽ của tỉnh khi cải thiện 29 bậc và 8,06 điểm so với PCI 2021. Các doanh nghiệp đã ghi điểm cho Bắc Giang nhờ các hoạt động tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều kênh, lắng nghe và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc. Bắc Giang cũng ghi điểm ở chỉ số tính minh bạch và thiết chế pháp lý. 92% doanh nghiệp trong tỉnh cho biết cơ quan trợ giúp pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp dùng luật để khởi kiện khi có tranh chấp.

Vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng PCI 2022 thuộc về Thành phố Hải Phòng với điểm số 70,76.

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lần đầu tiên góp mặt trong Top 5 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế của PCI ở vị trí thứ tư với 70,26 điểm. Trước đó, vị trí cao nhất của tỉnh là vị trí 6/63 trong PCI 2011.

Đứng vị trí thứ năm trong bảng xếp hạng PCI 2022 là tỉnh Đồng Tháp với 69,68 điểm. Góp mặt ở các vị trí còn lại trong top 10 PCI 2022 là các tỉnh, thành phố Thừa Thiên - Huế (6), Bắc Ninh (7), Vĩnh Phúc (8), Đà Nẵng (9) và Long An (10). Ngoại trừ Long An tăng 6 bậc từ vị trí 16/63 của PCI 2021, các địa phương còn lại đều có mặt trong top 10 PCI 2021.

Đáng chú ý, năm 2022 các trung tâm kinh tế lớn đều sụt hạng. Hà Nội tụt 10 bậc, từ vị trí thứ 10 năm 2021 xuống vị trí 20 năm 2022; TP.HCM từ vị trí 14/63 tỉnh thành năm 2021 xuống 27/63 tỉnh thành năm 2022. Đà Nẵng vẫn nằm trong top 10 nhưng thứ tự giảm từ vị trí thứ 4 năm 2021 xuống thứ 9 năm 2022.

Với Hà Nội, chỉ số gia nhập thị trường hay tiếp cận đất đai đều ở vị trí khá thấp (đều ở ví trí 59); Hay như tính năng động của chính quyền tỉnh chỉ xếp hạng 53. Còn như TP. Hồ Chí Minh, chỉ số tiếp cận đất đai xếp thứ 54, còn chỉ số chi phí không chính thức ở vị trí 60, tính năng động của chính quyền ở vị trí 62…

 

Điều tra PCI năm 2022 cũng thấy được sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền các tỉnh, thành phố trong năm đầu tiên phục hồi sau đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp trong và nước ngoài tiếp tục có sự trải nghiệm tích cực về thay đổi trong cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và giảm thiểu chi phí không chính thức của các chính quyền địa phương Việt Nam.

Bối cảnh kinh tế khó khăn phản ánh rõ trong điều tra PCI 2022 khi mức độ lạc quan của doanh nghiệp vẫn còn thấp, cảm nhận về cải cách trên nhiều lĩnh vực có phần chững lại, bản thân các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn từ vốn, nhân lực, hạ tầng cho đến chất lượng thực thi bộ máy chính quyền cấp cơ sở.

6 xu hướng về chất lượng điều hành cấp tỉnh

Báo cáo PCI 2022 ghi nhận 6 xu hướng về chất lượng điều hành cấp tỉnh:

Thứ nhất, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh có sự cải thiện theo thời gian

Báo cáo PCI sử dụng hai thước đo PCI thường niên và PCI gốc để theo dõi, phân tích những xu hướng thay đổi về chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh theo thời gian.




Hình trên cho thấy, điểm chỉ số PCI thường niên và chỉ số PCI gốc tiếp tục cải thiện qua thời gian. Điểm tổng hợp PCI 2022 có trọng số tại tỉnh trung vị của cả nước đạt 65,22 điểm, tăng 0,48 điểm so với điểm của PCI 2021 và tương đương với mức điểm cao của PCI 2019 – năm trước đại dịch COVID-19 (với tỉnh trung vị đạt 65,13 điểm). Điểm trung vị PCI gốc tiếp tục duy trì xu hướng tăng liên tiếp từ năm 2016 đến nay và đạt 65,67 điểm trong PCI 2022, cao nhất trong các năm khảo sát PCI. Việc điểm PCI gốc tiếp tục gia tăng cho thấy về dài hạn các cải cách vẫn đi đúng hướng và các khía cạnh cơ bản của việc điều hành kinh tế cấp tỉnh có cải thiện qua thời gian.

Trong khi đó, điểm PCI thường niên (có thêm các chỉ tiêu đánh giá mới) thấp hơn so với điểm PCI gốc là chỉ dấu về việc các địa phương cần nỗ lực hơn trong việc cải thiện các khía cạnh khác của hoạt động điều hành kinh tế cấp tỉnh bên cạnh các khía cạnh truyền thống.

Thứ hai, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính có chuyển biến song các doanh nghiệp vẫn báo cáo tình trạng phiền hà ở một số lĩnh vực chủ chốt

Tỷ lệ doanh nghiệp phải dành hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện quy định pháp luật giảm từ mức 26% của năm 2021 về 20% trong năm 2022. 89% doanh nghiệp đồng ý rằng “cán bộ giải quyết công việc hiệu quả”; 87% doanh nghiệp cho rằng “cán bộ thân thiện”. Gánh nặng thanh kiểm tra tiếp tục xu hướng giảm.

Tỷ lệ doanh nghiệp ở tỉnh trung vị phải đón tiếp từ 3 đoàn thanh tra trở lên trong năm qua là 7,39%. Tương tự, tỷ lệ doanh nghiệp ở tỉnh trung vị báo cáo tình trạng trùng lặp nội dung thanh tra, kiểm tra trong năm 2022 là 6,69%, giảm từ mức 13,46% của năm 2017.

Tuy nhiên, qua phản ánh vẫn còn nhiều khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính. Các lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất theo cảm nhận của doanh nghiệp là thuế, phí (35% lượt doanh nghiệp lựa chọn), giải phóng mặt bằng (29%), bảo hiểm xã hội (20%), phòng cháy chữa cháy (13%) và xây dựng (13%).

Trong số các thủ tục hành chính thuế, nhóm doanh nghiệp báo cáo gặp vướng mắc với khâu quyết toán thuế chiếm tỷ lệ lớn nhất với khoảng 49%, tiếp sau là khâu đề nghị miễn, giảm thuế (29%) và hoàn thuế (21%). Tình trạng phiền hà về thuế, phí không chỉ đến từ những khó khăn về tuân thủ mà còn từ các hoạt động quản lý chuyên ngành khác. Số giờ trung vị mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra về thuế trong năm 2022 là 9 giờ, tăng so với kết quả năm 2021 và 2020 (lần lượt là 5 giờ và 8 giờ).

Đáng chú ý hơn, 53,8% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh”, tăng so với mức 47,6% của năm 2021. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế cũng gia tăng đáng quan ngại, từ mức 33,8% của năm 2021 lên mức 54,5% của năm 2022.

 

Thứ ba, chất lượng thực thi chính sách ở cấp sở ngành và cấp huyện còn nhiều không gian để cải thiện

Không gian cải thiện còn đáng kể để rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực thi chính sách giữa các cấp. Nếu như năm 2021, khoảng 31,9% doanh nghiệp đánh giá “các sở ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố” thì giá trị này đã tăng lên mức 45,2% trong năm 2022. Tương tự, 50,4% doanh nghiệp trả lời khảo sát PCI 2022 cho rằng “Chính quyền cấp huyện, thị xã không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố”, cao hơn đáng kể so với kết quả khảo sát năm 2021 (36%).

Thứ tư, tình trạng trả chi phí không chính thức duy trì xu hướng giảm

Khảo sát PCI 2022 cho thấy, khoảng 42,6% doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức, giảm khoảng 23 điểm phần trăm so với kết quả trong khảo sát PCI 2016. Tỷ lệ doanh nghiệp dành hơn 10% doanh thu để trả chi phí không chính thức trong PCI 2022 là 3,8%, giảm mạnh từ mức 9,1% của PCI 2016.

Tuy nhiên, một dấu hiệu đáng lo ngại là tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến” lại gia tăng đáng kể, từ mức 57,4% trong năm 2021 lên đến 71,7% trong năm 2022.

Thứ năm, tiếp cận đất đai vẫn là điểm nghẽn lớn, đòi hỏi những nỗ lực cải cách quyết liệt hơn trong thời gian tới

Nhìn chung, phiền hà trong thực hiện thủ tục đất đai còn phổ biến. Khoảng 42,9% doanh nghiệp cho biết khó khăn với thủ tục đất đai khiến họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2022. Thời gian giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với quy định là vướng mắc mà nhiều doanh nghiệp gặp phải nhất (60,81%).

Những vướng mắc phổ biến khác gồm tình trạng mất nhiều thời gian để xác định giá trị quyền sử dụng đất (30,02%), quy trình giải quyết hồ sơ đất đai không đúng so với quy định (29,31%), hoặc không nhận được hướng dẫn đầy đủ từ cán bộ giải quyết thủ tục hành chính (29,15%).

Thứ sáu, nhiều loại thông tin và tài liệu đã minh bạch hơn so với trước đây nhưng các doanh nghiệp kỳ vọng khả năng tiếp cận thông tin được cải thiện hơn nữa

Điểm trung bình đo lường mức độ dễ dàng tiếp cận với tài liệu quy hoạch có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Năm 2022 là năm đầu tiên mà mức độ dễ dàng tiếp cận với loại tài liệu này đạt mức trên 3 điểm trên thang điểm từ 1 đến 5. Trong khi đó, đối với loại tài liệu pháp lý, điểm số không có xu hướng thay đổi rõ ràng nhưng 2022 cũng là năm điểm số này đạt giá trị cao nhất từ trước đến nay (3,15 điểm).

Dù vậy, dữ liệu PCI qua nhiều năm cũng chỉ ra các doanh nghiệp nhìn chung chưa cảm thấy việc tiếp cận các loại tài liệu nêu trên là dễ dàng (tức là từ 4 điểm trở lên). Mức độ dễ dàng tiếp cận tài liệu quy hoạch và tài liệu pháp lý ở địa phương tốt nhất năm 2022 lần lượt đạt 3,35 điểm và 3,54 điểm. Mức điểm số này vẫn còn khoảng cách khá xa so với mức 4 điểm (tương đối dễ tiếp cận).

Những tài liệu khó tiếp cận nhất với doanh nghiệp lần lượt là bản đồ và các quy hoạch sử dụng đất, các kế hoạch đầu tư công, chính sách ưu đãi đầu tư của địa phương, và kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới. Đây đều là các loại thông tin tài liệu phải công khai theo quy định nhưng trên thực tế hầu như chưa được cung cấp một cách đầy đủ, rõ ràng bởi các địa phương.

Năm 2023 được dự báo là năm có rất nhiều thách thức với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Trên thế giới tiếp tục xảy ra các xung đột quân sự nghiêm trọng, sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, căng thẳng thương mại, nguy cơ bất ổn về tài chính, tiền tệ toàn cầu, những vấn đề an ninh năng lượng, lương thực. Thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh tiếp tục là những thách thức khó lường. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với việc suy giảm thị trường xuất khẩu, chi phí tăng cao, khó khăn trong tiếp cận vốn, đảm bảo khả năng thanh khoản. Trong bối cảnh này, việc tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam chính là yếu tố quan trọng để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua các khó khăn, thách thức, từ đó có thể góp phần tích cực vào sự phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới./.

 
Thu Hường
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top