Phát triển mạng lưới đô thị thông minh ASEAN

22/01/2021 - 04:01 PM
Mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên… là những định nghĩa cơ bản về đô thị thông minh mà nhiều quốc gia trên thế giới đang từng bước xây dựng và phát triển trong những năm gần đây. Tại khu vực ASEAN với sáng kiến xây dựng mạng lưới thông minh được đề xuất tháng 4/2018 đã thu hút sự hưởng ứng tham gia tích cực của các quốc gia thành viên. Mặc dù việc xây dựng và phát triển mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực còn nhiều khăn, song Chính phủ các nước thành viên đã có nhiều nỗ lực và hợp tác nhằm phát huy tính hiệu quả của mô hình thành phố hiện đại này.
  
Sáng kiến mạng lưới đô thị thông minh ASEAN (ASEAN Smart Cities Network - ASCN) được triển khai thành lập từ năm 2018 tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 32 tại Singapore nhằm xây dựng một diễn đàn hợp tác của các đô thị cùng chia sẻ những mục tiêu chung về phát triển đô thị thông minh và hướng đến phát triển bềnvững. Theo đó, ASCN là một nền tảng hợp tác, trong đó các thành phố trong mạng lưới sẽ hợp tác cùng nhau, hướng tới ba mục tiêu: Tạo ra nền kinh tế cạnh tranh, môi trường bền vững và chất lượng sống cao, dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ.

Ngay từ khi mới ra đời, sáng kiến xây dựng mạng lưới thành phố thông minh ASEAN đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của giới chuyên gia khu vực. Bởi, theo các chuyên gia, dự báo đến năm 2030 sẽ có khoảng 90 triệu người dân chuyển từ các khu vực nông thôn đến các thành thị trên khắp khu vực ASEAN, dẫn đến áp lực lớn đối với môi trường, cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý rác thải và vệ sinh cơ bản tại các thành phố. Chính vì vậy, xây dựng và phát triển mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực sẽ góp phần quan trọng giải quyết những thách thức khi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng.

Với những nỗ lực trong hợp tác, xây dựng và phát triển, đến nay ASCN đã dần hoàn thiện về cơ chế tổ chức, xác định các mục tiêu phát triển đô thị thông minh ASEAN. Ở giai đoạn đầu, có tổng cộng 26 đô thị thí điểm được chọn từ các quốc gia thành viên để hình thành ASCN.

Năm 2018, ASCN đã xây dựng và thống nhất Khung mục tiêu (ASCF) trong toàn Mạng lưới, tạo nền tảng nhận thức quan trọng về mục tiêu phát triển đô thị thông minh. Theo đó, 3 đầu ra chiến lược của Mạng lưới là mức sống cao, nền kinh tế cạnh tranh và môi trường tự nhiên bền vững. Khung tập trung vào các lĩnh vực: Sự tham gia của công dân và xã hội, sức khỏe và phúc lợi, an toàn và an ninh, môi trường tự nhiên có chất lượng, cơ sở hạ tầng được xây dựng theo hướng công nghiệp và đổi mới.

 
Phát triển mạng lưới đô thị thông minh ASEAN

Ảnh minh họa
 
Để thực hiện được 3 mục tiêu đầu ra trên, 2 nền tảng thúc đẩy là ứng dụng và phát triển hạ tầng kỹ thuật số và nguồn lực tài chính cùng các đối tác.

Năm 2019, ASCN đã thông qua Điều khoản Tham chiếu định hình khung hoạt động chính của Mạng lưới, gồm thúc đẩy các đối thoại giữa các thành viên; Cung cấp các đầu vào chiến lược về sáng kiến đô thị thông minh; Đề xuất giải pháp thực hiện; Chia sẻ các thực tiễn tốt về thúc đẩy đô thị thông minh; Cung cấp mối quan hệ hợp tác với các đối tác để xúc tiến xây dựng đô thị thông minh; Thúc đẩy tiêu chuẩn thành phố thông minh phù hợp đặc điểm địa phương.

Năm 2020, trong bối cảnh của đại dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Hội nghị ASCN 2020 đã được nước Chủ tịch luân phiên Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của hơn 40 điểm cầu chính là đại diện các quốc gia thành viên và đại diện các đô thị thành viên, Ban thư ký ASEAN và các đối tác ngoài Mạng lưới.
 
Chủ đề xuyên suốt cho các hoạt động của ASCN 2020 là “Đô thị thông minh - hướng tới cộng đồng, bản sắc và phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Theo đó, các hoạt động được tổ chức hướng tới mục tiêu: Thúc đẩy sự đa dạng trong sự thống nhất; Thúc đẩy sự tham gia tích cực và hợp tác thống nhất của các thành viên; Thúc đẩy các chương trình nghị sự với các đối tác ngoài khối; Thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân; Duy trì và phát triển các đối thoại của Mạng lưới.

Tại Hội nghị ASCN 2020, trên cơ sở những nguyên tắc được lựa chọn, các nước thành viên đã thảo luận và thông qua một số văn kiện. Theo đó, 26 đô thị tham gia trong ASCN sẽ xây dựng cho mình một tầm nhìn trung hạn; lập và triển khai kế hoạch hành động của mỗi năm phù hợp với điều kiện địa phương, đảm bảo phát huy bản sắc riêng của từng đô thị, từng quốc gia và đóng góp cho bản sắc chung của ASEAN.

Các chuyên gia cho rằng, việc thành lập ASCN và những nỗ lực sau đó của các nước thành viên ASEAN sẽ ngày càng thu hút đầu tư từ các nền kinh tế lớn. Thông qua ASCN, các thành phố thông minh ở khu vực ASEAN sẽ có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn và thị trường lớn hơn, đồng thời khẳng định vai trò trung tâm của khu vực ASEAN.

Ngoài những lợi ích kinh tế trên, ASCN cũng giúp các nước thành viên ASEAN tận dụng được các nhân tố thuận lợi như tri thức, công nghệ và quan trọng nhất là dữ liệu. Sự chuyển giao công nghệ và tri thức này sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi các nước thành viên ASEAN tiếp cận với lĩnh vực công nghệ cao cấp hơn từ các nền kinh tế như Trung Quốc, Mỹ và các nước phát triển khác. Hơn nữa, khả năng chuyển giao công nghệ và tri thức được dự báo đem lại cơ hội tốt cho việc học hỏi chính sách giữa các nhà hoạch định chính sách đô thị của ASEAN.

Trong khuôn khổ hợp tác ASCN, nhiều quốc gia thành viên ASEAN đã triển khai hiệu quả các dự án thành phố thông minh tại nước mình. Trong đó, Singapore với vai trò tiên phong đã có nhiều nỗ lực nhằm mở rộng hợp tác phát triển thành phố thông minh và ngoại giao kinh tế số mới. Theo đó, năm 2014, Singapore đã công bố kế hoạch trở thành quốc gia thông minh và tiến hành đầu tư hàng tỷ USD vào công nghệ và cơ sở hạ tầng để đạt được mục tiêu này.

Trang Smart Nation Singapore cho biết, để thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi các công nghệ kỹ thuật số và thiết bị điện tử thông minh trên khắp quốc gia, Chính phủ Singapore đã xác định 5 dự án chiến lược quốc gia, bao gồm: Hệ thống nhận diện số quốc gia (cơ sở dữ liệu thống nhất lưu giữ thông tin công dân, được tích hợp với các hệ thống của chính phủ, cho phép các cơ quan, doanh nghiệp và công dân dễ dàng truy cập và tương tác); thanh toán điện tử (cho phép mọi người thực hiện thanh toán đơn giản, nhanh chóng và an toàn); cảm biến thông minh quốc gia (triển khai các thiết bị cảm biến và thiết bị kết nối internet để thu thập dữ liệu về mọi lĩnh vực, từ giao thông đến chất lượng nước); giao thông đô thị thông minh (tận dụng dữ liệu và công nghệ kỹ thuật số, bao gồm trí tuệ nhân tạo và các phương tiện tự hành, để tăng cường giao thông công cộng); Moments of Life (ứng dụng di động giúp chính phủ chuyển các dịch vụ phù hợp đến công dân một cách kịp thời. Với ứng dụng này, cha mẹ có thể đăng ký khai sinh cho con, xin trợ cấp sinh con, tìm kiếm trường mẫu giáo, truy cập hồ sơ y tế của trẻ và nhận thông tin về nuôi dạy con cái).

Còn tại Thái Lan, quốc gia này cũng đang từng bước thúc đẩy kế hoạch chuyển đổi nền kinh tế thành hệ thống sinh thái số hóa, với mục tiêu xây dựng hơn 100 thành phố thông minh trong hơn hai thập niên tới. Thành phố Phuket, một trong ba thành phố tham gia ASCN của Thái Lan, đang áp dụng các biện pháp an ninh dựa trên ứng dụng thông minh như lắp đặt hệ thống camera theo dõi trên đường phố hay trên biển, lắp đặt hệ thống cảm biến đo được sự thay đổi về môi trường biển… Trong khi đó, tại Indonesia, có 10 thành phố đã áp dụng thẻ thông minh để cung cấp các dịch vụ xã hội tích hợp.

Tại Việt Nam, ngay sau khi tham gia ASCN vào năm 2018 (với sự tham gia thí điểm ASCN của 03 thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Phát triển đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030”, với 3 nhóm nội dung ưu tiên gồm: Quy hoạch đô thị thông minh; quản lý đô thị thông minh và tiện ích đô thị thông minh. Trên nền tảng cơ sở dữ liệu liên thông, hiện nay nhiều đô thị ở Việt Nam đã có những thành công bước đầu trong việc cung cấp các tiện ích thông minh trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, xây dựng, môi trường... từng bước tối ưu hóa quản lý phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống cư dân đô thị và tạo ra cơ hội phát triển con người, không bỏ lại ai phía sau.

Đặc biệt, với vai trò là thành viên tích cực của Mạng lưới Đô thị Thông minh ASEAN cũng như nhận thức sâu sắc xu hướng thời đại, Việt Nam đã có nhiều chính sách và nỗ lực phát triển đô thị thông minh, như: Coi xây dựng đô thị thông minh là 1 trong 3 nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia; phát triển đô thị thông minh bền vững đến 2025 và tầm nhìn 2030, bắt đầu từ Quy hoạch thông minh gắn với quản lý thông minh, cung cấp tiện ích thông minh, tạo thuận lợi cho các giao dịch giữa chính quyền/nhà quản lý - người dân - nhà đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng để hoàn thiện và phát triển các đô thị thông minh tại Việt Nam việc phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt chẽ với hạ tầng thông tin mạnh, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình phát triển đô thị Việt Nam. Phát triển 
đô thị thông minh phải trên cơ sở cân nhắc cơ hội và rủi ro, thách thức gắn với nhu cầu và năng lực của địa phương, không thực hiện theo phong trào, đồng thời cần làm từng bước, có chọn lọc, theo lộ trình.
 
Việc tiếp cận đô thị thông minh cần theo hướng hiệu quả, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của 35 năm đổi mới, đồng thời phát triển những giá trị gia tăng do công nghệ, kỹ thuật mới đem lại, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng riêng của khối ASEAN và đặc thù của các quốc gia thành viên. Các địa phương cùng với việc phát triển các tiện ích thông minh thì cần chú trọng xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu thông minh phục vụ đưa ra các quyết định thông minh; thúc đẩy quy hoạch và các giải pháp quản lý đô thị thông minh.

Song, cần thu hút sự tham gia mạnh mẽ của khối tư nhân, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo; tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Đẩy mạnh các chương trình chiến lược khoa học, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết hài hòa các chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và định hướng phát triển đô thị thông minh bền vững.

Có thể thấy, với ASCN, các quốc gia ASEAN đã tạo được động lực phát triển các đô thị thông minh để tăng cường đầu tư vào công nghệ nhằm giải quyết những thách thức của đô thị cũng như tạo ra nguồn lực tăng trưởng mới. Đây là cơ hội tốt để các quốc gia ASEAN phát huy nội lực của các đô thị đồng thời tận dụng sự hỗ trợ từ các đối tác ngoài khối nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, con đường xây dựng mạng lưới các thành phố thông minh tại ASEAN hiện còn nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó phải kể tới sự khác biệt về trình độ công nghệ ở mỗi quốc gia sẽ là một rào cản lớn, bởi đây là yếu tố bắt buộc để các quốc gia ASEAN triển khai và phát triển mạng lưới đô thị thông minh.

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cũng và một vấn đề cần quan tâm, bởi hầu như các nước trong khu vực đều trong tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ cao. Đây sẽ là lý do khiến ASEAN gặp khó khăn trong việc khai thác cơ hội từ nền kinh tế kỹ thuật số. Đặc biệt, tiến trình xây dựng mạng lưới thành phố thông minh tại ASEAN được dự báo sẽ phải đối mặt với các thách thức về an ninh mạng. Bởi vấn đề an ninh và bảo mật là những quan ngại chính đối với mỗi quốc gia trong tiến trình xây dựng và phát triển đô thị thông minh.
Do đó, để hiện thực hóa những cơ hội là xây dựng thành công các thành phố thông minh tại Việt Nam thì rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ các nước, sự chung tay góp sức của khu vực tư nhân, cũng như sự phát triển trong nhận thức của cộng đồng dân cư mỗi quốc gia trong khu vực./.
 
Gia Linh
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top