Đặt vấn đề
Năng suất lao động (NSLĐ) là chỉ tiêu hiệu quả sử dụng lao động sống, được xác định bằng cách so sánh giữa kết quả sản xuất (tính bằng tổng sản phẩm trong nước - GDP đối với cả nước hay tổng sản phẩm trên địa bàn - GRDP đối với các tỉnh, thành phố, hoặc tính bằng giá trị tăng thêm đối với các ngành, các doanh nghiệp) và số lượng hoặc thời gian lao động tạo ra kết quả sản xuất đó.
Thông thường khi nghiên cứu quan hệ của NSLĐ tổng hợp chung toàn nền kinh tế (viết gọn là NSLĐ tổng hợp chung) với NSLĐ của các khu vực kinh tế (KV KT): KV Nông, Lâm nghiệp, Thủy sản - NL,TS; KV Công nghiệp, Xây dụng - CNXD và KV Dịch vụ - DV thì NSLĐ tổng hợp chung như là NSLĐ bình quân của các khu vực và biến động của NSLĐ tổng hợp chung chịu tác động của hai nhân tố: Tăng giảm NSLĐ nội bộ các khu vực (biến động của tiêu thức bình quân hóa) và thay đổi cơ cấu lao động (LĐ) giữa các khu vực (thay đổi kết cấu tổng thể). Song trong điều kiện số liệu hiện nay, NSLĐ tổng hợp chung toàn nền kinh tế được tính theo GDP hoặc GRDP có cả thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm (từ đây gọi là thuế sản phẩm), còn NSLĐ của các KV KT lại tính theo GDP hoặc GRDP không có thuế sản phẩm, do đó biến động của NSLĐ tổng hợp chung còn chịu tác động thêm của cả thay đổi tỷ trọng thuế so với GDP hoặc GRDP.
Dưới đây sẽ tiến hành tính toán và phân tích biến động NSLĐ tổng hợp chung toàn nền kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2023, chỉ rõ mức độ tác động của 3 nhân tố: Thay đổi tỷ trọng thuế, tăng giảm NSLĐ nội bộ các KV và thay đổi cơ cấu LĐ giữa các KV đến biến động NSLĐ tổng hợp chung.
Lựa chọn công thức phục vụ cho yêu cầu phân tích biến động NSLĐ tổng hợp chung toàn nền kinh tế
Trong bài báo “Thiết lập hệ thống chỉ số phân tích biến động NSLĐ tổng hợp chung toàn nền kinh tế” (đăng ở Tạp chí Con số và Sự kiện Kỳ II - 4/2019), có công thức tính toán tốc độ tăng NSLĐ tổng hợp chung và tỷ lệ tăng lên của NSLĐ tổng hợp chung do ảnh hưởng của các nhân tố nêu trên và biểu hiện cụ thể như sau:
Lấy tỷ lệ tăng lên của NSLĐ tổng hợp chung do ảnh hưởng của từng nhân tố chia cho tốc độ tăng NSLĐ tổng hợp chung rồi nhân với 100 sẽ được tỷ trọng (di) đóng góp tương ứng của từng nhân tố (di tính bằng %) vào tốc độ tăng NSLĐ tổng hợp chung.
Tính toán các chỉ tiêu NSLĐ và chỉ số phát triển NSLĐ tương ứng qua các năm giai đoạn 2021 - 2023
Từ số liệu về GDP toàn nền kinh tế (có thuế sản phẩm) và của riêng các khu vực NL,TS, CN-XD và DV (không có thuế sản phẩm) theo giá so sánh 2010 cũng như lao động làm việc bình quân năm ở phạm vi tương ứng (có trong Niên giám Thống kê năm 2022 và Báo cáo ước tính Tình hình Kinh tế - xã hội năm 2023 của Tổng cục Thống kê), lập bảng tính toán NSLĐ tổng hợp chung (w) và NSLĐ của từng khu vực (xi) từ năm 2020 đến 2023 như sau:
Bảng 01. Tính toán NSLĐ tổng hợp chung và NSLĐ các KVKT qua các năm
Ghi chú: Khi nghiên cứu biến động theo thời gian thì NSLĐ được tính theo giá so sánh để loại trừ ảnh hưởng của biến động giá cả
Tiếp tục từ số liệu về GDP, NSLĐ và số lao động của các khu vực kinh tế ở Bảng 01, ta tính toán NSLĐ bình quân giữa các KV KT:
Khi có được NSLĐ tổng hợp chung toàn nền kinh tế và NSLĐ bình quân giữa các KV theo yêu cầu nghiên cứu (tính được ở trên), lập bảng tính các chỉ số phát triển NSLĐ qua các năm như sau:
Bảng 02. Tính các chỉ số phát triển NSLĐ qua các năm
Ghi chú: Chỉ số bình quân năm giai đoạn 2021 - 2023 (ở cột 6, 7 và 8) là số bình quân tích của các chỉ số phát triển qua các năm.
Tính toán và phân tích mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến tốc độ tăng NSLĐ tổng hợp chung
Từ số liệu về các chỉ số phát triển NSLĐ có ở cột 6, 7 và 8 Bảng 02, áp dụng các công thức 1, 1a , 1b và 1c ở mục 2, tiến hành tính toán tốc độ tăng NSLĐ tổng hợp chung cũng như tỷ lệ tăng lên của NSLĐ tổng hợp chung và tỷ trọng đóng góp tương ứng do ảnh hưởng của các nhân tố như sau:
*Năm 2021:
-
Tăng NSLĐ tổng hợp chung:
* Bằng cách tương tự, ta tính được tốc độ tăng NSLĐ tổng hợp chung và tỷ lệ tăng NSLĐ tổng hợp chung do tác động của các nhân tố cũng như tỷ trọng đóng góp tương ứng ở các năm còn lại và bình quân năm giai đoạn 2021 - 2023. Kết quả tính toán được hệ thống ở Bảng 03.
Bảng 03. Tỷ lệ tăng lên và tỷ trọng đóng góp của các nhân tố vào tốc độ tăng NSLĐ tổng hợp chung qua các năm
Đơn vị tính: %
Ghi chú: Cột 1 = Cột 2 + Cột 3 + Cột 4 và Cột 5 + Cột 6 + Cột 7 = 100.
Tình hình thực tế và số liệu bảng 03 chỉ ra rằng, ở nước ta năm 2020 bắt đầu bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên GDP của cả nước chỉ tăng 2,87% (năm 2019 tăng 7,26%) và năm 2021 tiếp tục bị ảnh hưởng và ở mức nặng hơn, tốc độ tăng GDP còn là 2,55% và đặc biệt số lượng lao động làm việc giảm mạnh (giảm tới 8,46%), theo đó NSLĐ vẫn tăng và tăng khá (tăng 12,03%). Năm 2022, GDP tăng 8,12% và lao động tăng trở lại (tăng 3,12%) nên NSLĐ còn tăng 4,86%. Đến năm 2023, GDP tăng 5,05% và lao động tiếp tục tăng 1,35% nên NSLĐ còn tăng 3,63%. Bình quân 3 năm (2021-2023), NSLĐ tổng hợp chung của Việt Nam tăng 6,78%.
Phân tích ảnh hưởng của các nhân tố đến tốc độ tăng NSLĐ tổng hợp chung toàn nền kinh tế các năm 2021, 2022 và 2023 cho thấy:
- Tỷ trọng thuế sản phẩm so với GDP của 3 năm liên tiếp giảm đi và đã làm giảm tốc độ tăng NSLĐ tổng hợp chung từ - 0,04% đến - 0,22%, và tỷ trọng đóng góp làm giảm từ - 0,33% đến - 4,66%. Bình quân năm giai đoạn 2021 - 2023 thay đổi tỷ trọng thuế làm giảm NSLĐ tổng hợp chung là - 0,15%, tương ứng với tỷ trọng đóng góp làm giảm là - 2,21%.
- NSLĐ nội bộ các khu vực kinh tế ở cả 3 năm đều liên tục tăng lên và đóng góp làm tăng NSLĐ tổng hợp chung ở mức khá và luôn ở vị trí thứ nhất so với hai nhân tố còn lại. Nếu xét riêng các năm thì năm 2021 tăng NSLĐ nội bộ các KV làm tăng NSLĐ tổng hợp chung 8,35%, tương ứng với tỷ phần đóng góp làm tăng là 69,41%; năm 2022 tăng NSLĐ nội bộ các khu vực làm tăng 3,86%, tương ứng với tỷ phần đóng góp làm tăng là 79,42% và năm 2023 tăng NSLĐ nội bộ các khu vực làm tăng 3,35%, tương ứng với tỷ phần đóng góp làm tăng là 91,78%. Bình quân năm giai đoạn 2021 - 2023, tăng NSLĐ nội bộ các khu vực làm tăng NSLĐ tổng hợp chung 5,14%, tương ứng với tỷ phần đóng góp làm tăng là 75,81%.
- Thay đổi hay còn gọi là chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các khu vực kinh tế trong cả ba năm đều chung một xu hướng là chuyển dần lao động từ KV NLTS có NSLĐ thấp đến làm việc ở các KV CNXD và KV DV có NSLĐ cao hơn và đều làm tăng NSLĐ tổng hợp chung. Tuy nhiên mức làm tăng này có xu thế giảm dần, cụ thể: Năm 2021 chuyển dịch cơ cấu LĐ đã làm tăng NSLĐ tổng hợp chung 3,72%, tương ứng với tỷ phần đóng góp làm tăng là 30,92%; năm 2022 chuyển dịch cơ cấu LĐ đã làm tăng 1,22%, tương ứng với tỷ phần đóng góp làm tăng là 25,10% và năm 2023 chuyển dịch cơ cấu lao động đã làm tăng 0,47%, tương ứng với tỷ phần đóng góp làm tăng là 12,88%. Bình quân 3 năm 2021 - 2023, chuyển dịch cơ cấu lao động giữa ba KV KT đã làm tăng NSLĐ tổng hợp chung là 1,79%, tương ứng với tỷ phần đóng góp làm tăng là 26,40%.
Tóm lại: Xét ảnh hưởng của ba nhân tố đến tăng NSLĐ tổng hợp chung toàn nền kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2023, thì hai nhân tố tăng NSLĐ nội bộ các khu vực và thay đổi cơ cấu lao động giữa các khu vực đều tác động làm tăng NSLĐ tổng hợp chung, trong đó tăng NSLĐ nội bộ các khu vực làm tăng nhiều hơn và đó là xu thế rất tốt, phù hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững của đất nước. Riêng nhân tố tỷ trọng thuế sản phẩm so với GDP có xu thế giảm đi và liên tục làm giảm tỷ lệ tăng NSLĐ tổng hợp chung, nhưng ở mức không lớn và yếu tố này một phần phụ thuộc vào chính sách thu thuế của nhà nước.
Để không ngừng nâng cao NSLĐ tổng hợp chung toàn nền kinh tế cần phải tiếp tục đổi mới sản xuất, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, cải tiến quản lý, đẩy mạnh công tác đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...nhằm hướng đến việc tăng thêm về số lượng và đặc biệt là nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến chế tạo với phương châm đảm nhận được ngày càng nhiều công đoạn sản xuất có tỷ lệ giá trị tăng thêm cao (nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tỷ lệ giá trị tăng thêm trong sản phẩm là cơ sở vững chắc để nâng cao NSLĐ) để nâng cao NSLĐ nội bộ các khu vực. Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh thay đổi cơ cấu kinh tế, bằng cách tiếp tục chuyển bớt lao động từ những ngành, những khu vực có NSLĐ thấp sang làm việc ở những ngành, những khu vực có NSLĐ cao để có NSLĐ tổng hợp chung cao hơn./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-
Niên giám Thống kê năm 2022 của TCTK, NXB Thống kê năm 2023.
-
Báo cáo Tình hình Kinh tế - Xã hội quý IV và năm 2023 của TCTK (sơ bộ)
-
Lý thuyết Thống kê do PGS, TS Trần Thị Kim Thu chủ biên, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, năm 2012;
-
Phân tích thống kê - Lý thuyết và ứng dụng do PGS, TS. Tăng Văn Khiên làm chủ biên, NXB Thống kê, Hà Nội năm 2015;
-
Bài báo “Thiết lập hệ thống chỉ số phân tích biến động năng suất lao động chung toàn nền kinh tế” đăng trên Tạp chí Con số và Kiện kỳ II - 4/2019
ThS. Lê Thị Thu Trang
Trường Đại học Lao động - Xã hội