Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nền kinh tế nước ta có khả năng chống chịu lại với cú sốc tiêu cực và chống chịu ở mức trung bình. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia tương đối thành công trong việc khống chế dịch Covid-19 và giảm tới mức thấp nhất những hệ lụy đối với nền kinh tế. Một số chỉ tiêu đánh giá khả năng chống chịu của nền kinh tế trước dịch Covid-19 như: Tỷ trọng giá trị tăng thêm nông, lâm nghiệp và thủy sản; tính hiệu quả của Chính phủ; chỉ số chất lượng quản trị...
Tỷ trọng giá trị tăng thêm nông, lâm nghiệp và thủy sản (% GDP)
Một nền kinh tế có giá trị tăng thêm nông, lâm nghiệp và thủy sản cao trong GDP sẽ phản ánh nền kinh tế đó có khả năng chống đỡ tốt với các cú sốc từ bên ngoài, đặc biệt là với tác động của dịch Covid-19.
Tỷ trọng giá trị tăng thêm nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP chiếm quyền số 0,12 trong chỉ số tổng hợp phản ánh sức bật của nền kinh tế.
Bình quân giai đoạn 2016-2020, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,54%/năm, trong đó ngành nông nghiệp tăng 1,8%/năm, đóng góp 1,32 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; ngành lâm nghiệp tăng 5%/năm do chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,22 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,8%/năm, đóng góp 0,99 điểm phần trăm.
Dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, việc thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động du lịch, các nhà hàng, khách sạn đồng loạt đóng cửa đã tác động xấu đến tình hình tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp đã tìm ra nhiều giải pháp để phục hồi tăng trưởng. Điểm nhấn của hoạt động sản xuất nông nghiệp năm 2020 phải kể đến đó là ngành nông nghiệp đã thực hiện có hiệu quả các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, đất màu, đất vườn tạp kém hiệu quả sang các mô hình chăn nuôi tổng hợp, trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao như: nuôi thủy sản kết hợp với trồng cây ăn quả, trồng xen kết hợp với làm du lịch... Bên cạnh đó là triển khai sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao; bước đầu tiếp cận với phương thức sản xuất hữu cơ, qua đó nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản.
Với kết quả trên, giá trị tăng thêm toàn ngành nông nghiệp đạt 3,12% so với năm 2019, cao nhất từ trước đến nay, góp phần quan trọng để nền kinh tế của Việt Nam trong năm giữ được mức tăng trưởng dương, đảm bảo đủ lương thực tiêu dùng cho người dân và giữ vững vị trí xuất khẩu lúa gạo trên thế giới.
Năm 2020, trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh, kinh tế gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp, nhà máy, dịch vụ thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân công thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản lại đón nhận những lao động thất nghiệp, giảm sức ép về công ăn việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Ở mọi thời điểm khó khăn của nền kinh tế, khu vực này luôn khẳng định vai trò là nền tảng, là “trụ đỡ”, an sinh, an dân trong đại dịch.
Tính hiệu quả của Chính phủ
Quản trị công tốt là một nhân tố quan trọng giúp nền kinh tế hoạt động hiệu quả và điều này đồng nghĩa với nền kinh tế có sức bật hay khả năng phục hồi cao. Quản trị công ở đây liên quan tới các cơ chế luật pháp, chẳng hạn quy định pháp luật về quyền sở hữu tài sản. Nếu như không có cơ chế luật pháp rõ ràng, các diễn biến bất lợi có thể gây rối loạn nền kinh tế, bất ổn xã hội và ngược lại. Theo Lino Briguglio và cộng sự (2006, 2008), quản trị công tốt có thể được đo lường thông qua các chỉ số thành phần bao gồm: (i) mức độ độc lập của hệ thống tư pháp; (ii) mức độ khách quan của hệ thống tòa án; (iii) bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ; (iv) mức độ can thiệp quân sự vào các quy định luật pháp; và (v) hệ thống chính trị và sự toàn vẹn của hệ thống luật pháp. Hay nói cách khác, quản trị công tốt đồng nghĩa với Chính phủ hoạt động có hiệu quả, có tác động tích cực tới nền kinh tế. Đây là chỉ tiêu phản ánh chất lượng của dịch vụ công, chất lượng của chính sách và thực thi chính sách của Chính phủ; uy tín của Chính phủ trong việc cam kết thực hiện các chính sách đó. Phạm vi của chỉ tiêu này được đo lường trong khoảng -2,5 đến 2,5, trong đó càng gần 2,5 thể hiện Chính phủ hoạt động càng hiệu quả và ngược lại. Tính hiệu quả của Chính phủ đảm bảo phản ứng thành công với dịch Covid-19 và làm tăng tính đàn hồi của nền kinh tế.
Tính hiệu quả của Chính phủ chiếm quyền số 0,13 trong chỉ số tổng hợp.
Trong giai đoạn 2010-2020, theo WB, chỉ số hiệu quả của Chính phủ của nước ta có giới hạn từ - 0,27 đến 0,2; trong đó chỉ số này trong giai đoạn 2015-2020 đạt cao hơn giai đoạn 2010-2015, cho thấy Chính phủ đã có những nỗ lực để nâng cao hiệu quả hoạt động, đề cao trách nhiệm công vụ, thực hiện chức năng kiến tạo, bà đỡ cho mọi sự phát triển.
Những năm vừa qua, cải cách hành chính tại Việt Nam tập trung vào việc nâng cao năng lực tổ chức và quản lý của bộ máy hành chính nhà nước. Vì vậy, hiện nay, tất cả các yếu tố nền hành chính như hệ thống thể chế, thủ tục, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức hành chính đều được đổi mới. Hệ thống chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ hành chính công nói chung đã ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và phù hợp với khả năng của nền kinh tế. Nhiều nơi đã áp dụng các phương tiện kỹ thuật điện tử, tin học để nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công trong các hoạt động cung cấp thông tin về thể chế, tổ chức, đấu thầu các dự án chi tiêu công, đăng ký cấp phép kinh doanh, cấp phép đầu tư… Người dân và doanh nghiệp được tạo thuận lợi và dễ dàng hơn trong một số việc cần giải quyết với cơ quan nhà nước như đăng ký kinh doanh, làm thủ tục hộ tịch, tìm hiểu luật pháp… Tuy nhiên, việc cung cấp dịch vụ hành chính công những năm qua vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định: Cơ cấu bộ máy hành chính nhà nước vẫn còn bộc lộ nhiều điểm yếu; Có nhiều loại dịch vụ mà người dân có nhu cầu chưa được quan tâm giải quyết đúng mức, như dịch vụ cung cấp thông tin, tư vấn, hỗ trợ việc làm…; chức năng, nhiệm vụ quản lý của bộ máy hành chính chưa được xác định phù hợp; sự phân công, phân cấp giữa các ngành và các cấp chưa thật rành mạch; hệ thống thể chế hành chính vẫn chưa đồng bộ, còn chồng chéo và thiếu thống nhất; thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp; trật tự kỷ cương chưa nghiêm. Phương thức tổ chức bộ máy hành chính chưa khoa học, còn cồng kềnh…
Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời phản ứng với tình hình dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân và duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính phủ đã áp dụng linh hoạt các quy định của pháp luật để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường phân cấp cho các địa phương để bảo đảm tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19; trong quá trình thực hiện được sử dụng các hình thức nghị quyết, chỉ thị, công điện, công văn và các hình thức văn bản khác thuộc thẩm quyền để quy định, tổ chức triển khai các biện pháp cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Chỉ số chất lượng quản trị (regulatory quality)
Chỉ số này phản ánh khả năng của chính phủ trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách, quy định thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển, chỉ số này có giới hạn từ -2,5 đến 2,5. Trong dịch Covid-19, Chính phủ các nước đưa ra nhiều quyết định với mục đích phòng chống dịch bệnh, đồng thời khôi phục và thúc đẩy hoạt động kinh tế. Do đó quản trị tốt là điều kiện cần thiết để thực hiện các chính sách này.
Chỉ số chất lượng quản trị chiếm quyền số 0,12 trong chỉ số tổng hợp.
Trong giai đoạn 2010-2020, mặc dù chỉ số chất lượng quản trị đạt giá trị âm nhưng đã có xu hướng tăng. Nếu năm 2010, chỉ số chất lượng quản trị đạt -0,617 thì đến năm 2015 đạt -0,483; năm 2017 đạt -0,397; năm 2019 đạt -0,262 và năm 2020 đạt -0,148. Điều này cho thấy, chất lượng quản trị công ngày càng được chú trọng và cải thiện.
Chất lượng quản trị được cải thiện có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách tạo ra các động lực hữu hiệu và hiệu quả cho khu vực tư nhân. Chất lượng quản trị được cải thiện cũng góp phần làm tăng tính đàn hồi của nền kinh tế theo hướng tạo cơ hội khởi nghiệp cho người nghèo, làm giảm tình trạng tham nhũng, tăng chất lượng dịch vụ công và cải thiện hoạt động của các loại hình dịch vụ, chất lượng lao động.
Chỉ số kiểm soát tham nhũng (Control corruption - CC)
Chỉ số này phản ánh nhận thức về mức độ thực thi quyền lực công đối với lợi ích của khu vực tư nhân.
Chỉ số kiểm soát tham nhũng chiếm quyền số 0,13 trong chỉ số tổng hợp.
Ở Việt Nam, kể từ năm 2016, lĩnh vực kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực công đã được cải thiện đáng kể. Trách nhiệm giải trình với người dân cũng từng bước được cải thiện trong thời gian qua. Ngày càng có nhiều người dân tương tác với chính quyền cấp cơ sở, nhất là với trưởng thôn/tổ trưởng dân phố và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Chỉ số kiểm soát tham nhũng có giới hạn từ -2,5 đến 2,5. Ở mức -2,5 cho thấy chính sách phòng chống và kiểm soát tham nhũng của một quốc gia ở mức độ yếu; ở mức 2,5 là những biểu hiện mạnh mẽ của một chính sách kiểm soát tham nhũng hiệu quả. Chỉ số này ở nước ta mặc dù đã có sự cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp. Năm 2010 đạt -0,624 điểm, năm 2015 đạt -0,426 điểm và năm 2019 đạt - 0,516 điểm; năm 2020 đạt -0,353 điểm.
Tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ so với GDP
Nợ bên ngoài của Chính phủ so với GDP là một thước đo tốt về khả năng phục hồi bởi của nền kinh tế vì một quốc gia có mức nợ nước ngoài cao có thể gặp khó khăn hơn trong việc huy động các nguồn lực để bù đắp ảnh hưởng của các cú sốc bên ngoài. Chỉ số này cũng chỉ ra khả năng phục hồi của nền kinh tế để chống lại cú sốc là dịch Covid-19.
Tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ so với GDP chiếm quyền số 0,04.
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và đổi mới trong công tác quản lý nợ, đặc biệt là quản lý nợ nước ngoài. Kể từ năm 2009, Luật Quản lý nợ công năm 2009 được ban hành đã giúp cho công tác quản lý nợ ngày càng đi vào nề nếp, đến năm 2017 Luật Quản lý nợ công được sửa đổi đã nâng cao hiệu quả quản lý nợ công.
Nhờ đó, nợ nước ngoài của quốc gia trong 5 năm qua không quá 50% GDP, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia dưới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ. Cơ cấu dư nợ nước ngoài của Chính phủ giảm dần, từ 59,7% năm 2010 xuống còn 35,3% trong năm 2020. Nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh cũng đang có xu hướng giảm dần, từ 10,5% năm 2010 xuống 6% năm 2020.
Chỉ tiêu trần nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP được duy trì trong giới hạn an toàn được Quốc hội phê chuẩn. Nợ nước ngoài của khu vực công (nợ Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh) được kiểm soát chặt chẽ. Tỷ trọng nợ nước ngoài của khu vực công có xu hướng giảm nhanh trong cơ cấu nợ nước ngoài của quốc gia, từ 73,6% năm 2010 xuống mức 63,4% năm 2015 và 43,7% năm 2020. Tốc độ tăng dư nợ nước ngoài của khu vực công cũng được kiểm soát chặt chẽ, từ mức trung bình 13%/năm giai đoạn 2011-2015 giảm xuống còn khoảng 3%/năm giai đoạn 2016-2020, góp phần bồi đắp dư địa chính sách, kiềm chế nghĩa vụ nợ trực tiếp và dự phòng của ngân sách nhà nước.
Việc trả nợ các khoản vay của Chính phủ được tổ chức thực hiện chặt chẽ và đảm bảo đúng hạn, bao gồm cả nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ và nghĩa vụ nợ cho vay lại, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn làm ảnh hưởng tới cam kết với các nhà đầu tư. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã tập trung nâng cao chất lượng các đợt làm việc thường niên của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam khiến chi phí huy động vốn nước ngoài của cả Chính phủ và doanh nghiệp sẽ giảm đi.
Để đạt được kết quả giữ nguyên hệ số tín nhiệm của Việt Nam, trước hết phải kể đến thành công của Chính phủ trong việc kiềm chế hiệu quả đại dịch Covid-19 trong nước, qua đó khẳng định tiềm năng phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế nước ta hậu đại dịch. Chính phủ cắt giảm mạnh bội chi và tỷ lệ nợ công, tạo dư địa dự phòng chính sách để ứng phó với rủi ro vĩ mô như nền kinh tế nước ta đang đối mặt trong năm 2020.
Chỉ số giá tiêu dùng
Dịch Covid-19 gây ra cú sốc lớn cả về phía tổng cung và tổng cầu khi phải thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đi lại. Tình hình dịch bệnh gây ra tính bất ổn cho nền kinh tế, gây áp lực lên lạm phát. Khi lạm phát ở mức thấp và ổn định sẽ là một dấu hiệu tốt để giúp nền kinh tế tăng cường khả năng chống chịu với tình hình dịch bệnh.
Chỉ số giá tiêu dùng chiếm quyền số 0,13 trong chỉ số tổng hợp.
Trong giai đoạn 5 năm 2016-2020, tình hình giá cả Việt Nam có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng tiêu cực của các nhân tố như: căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các mặt hàng quan trọng, thiết yếu như dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, xăng dầu, điện… được thực hiện điều chỉnh tiệm cận dần theo giá thị trường, phù hợp trong từng giai đoạn, nhờ đó công tác quản lý điều hành giá, kiểm soát lạm phát của Chính phủ đã đạt được những thành công đáng kể, chỉ tiêu CPI thực hiện đều thấp hơn kế hoạch. Bình quân năm giai đoạn 2016-2020 CPI tăng 3,15%, thấp hơn mức tăng 7,65%/ năm của giai đoạn 2011-2015.
Tỷ lệ thất nghiệp
Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp sẽ giúp nền kinh tế giảm bớt gánh nặng về các phúc lợi xã hội trong bối cảnh dịch bệnh.
Tỷ lệ thất nghiệp chiếm quyền số 0,07 trong chỉ số tổng hợp.
Giai đoạn 2016-2019, tình hình lao động, việc làm của cả nước có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm, số người có việc làm tăng, thu nhập của người lao động làm công hưởng lương có xu hướng tăng. Nhưng dịch Covid-19 xuất hiện từ cuối tháng 01/2020 đã gây tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và việc làm của người lao động, khiến tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ghi nhận mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua với khoảng 74,4% dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ vẫn ở mức thấp. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở mức cao nhất trong vòng 5 năm gần đây. Theo WB, năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi của nước ta là 2,48% và là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2011.
Tỷ lệ thâm hụt tài khóa so với GDP
Ngân sách Nhà nước là một công cụ để đối phó với dịch Covid-19. Một vị thế tài khóa lành mạnh cho phép điều chỉnh chính sách thuế khóa và chi tiêu hợp lý trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, ngân sách Nhà nước được nhận định là thâm hụt do Chính phủ phải chi nhiều để đảm bảo sức khỏe của người dân, phòng chống dịch bệnh.
Thâm hụt tài khóa so với GDP chiếm quyền số 0,13 trong chỉ số tổng hợp.
Trong những năm gần đây, với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã theo đuổi chính sách thâm hụt ngân sách có định hướng. Phân tích về thực trạng thâm hụt ngân sách Việt Nam trong thời gian qua cũng đã chỉ ra một số vấn đề cần lưu ý, cụ thể là: Thứ nhất, mặc dù thu NSNN liên tục tăng, nhưng chi ngân sách luôn vượt thu ngân sách, điều này dẫn tới tình trạng thâm hụt ngân sách triền miên và có mức độ ngày càng gia tăng. Kể từ năm 2010, để hạn chế gia tăng nợ công, vấn đề giảm thâm hụt ngân sách đã bắt đầu được quan tâm xử lý. Đây là năm đầu tiên trong nhiều năm thâm hụt thực tế ở mức 5,5% GDP, thấp hơn so với mức 6,2% GDP Quốc hội cho phép. Từ năm 2011, nguyên tắc sử dụng số tăng thu ngân sách hàng năm để xử lý thâm hụt đã được đưa vào nghị quyết của Quốc hội. Mức thâm hụt ngân sách năm 2011 là 4,9%, thấp hơn so với mức 5,3% GDP Quốc hội thông qua. Đây có thể coi là thành công bước đầu trong việc giảm dần thâm hụt ngân sách hiện nay.
Tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước năm 2016 theo Luật ngân sách Nhà nước năm 2015 đạt 5,5% GDP (tăng so với dự toán chủ yếu do GDP theo giá hiện hành năm 2016 đạt thấp hơn mục tiêu kế hoạch đề ra); năm 2017 là 3,48%; năm 2018 là 3,5%; năm 2019 là 3,4%; năm 2020 ước tính dưới 4%. Tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP có xu hướng giảm trong giai đoạn 2016-2019. Riêng năm 2020 bội chi ngân sách mặc dù tăng so với dự toán năm nhưng vẫn ở mức hợp lý do phải tập trung nguồn lực đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, khắc phục kịp thời hậu quả bão lũ, thiên tai và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh, góp phần duy trì và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Nhìn chung, tình hình cân đối ngân sách Trung ương và địa phương được đảm bảo, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát. Bên cạnh đó, nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19, Quốc hội nước ta đã phê duyệt và tổ chức thực hiện các gói kích thích tài khóa: Giảm thuế, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ tiền mặt cho đối tượng khó khăn, hoãn đóng bảo hiểm xã hội, giảm giá điện…
Theo đó, Việt Nam đã đưa ra gói kích thích tài khóa tương đương 4,3% GDP bao gồm giảm thuế và tiền thuê đất có quy mô 180.000 tỷ đồng, tương đương 3,0% GDP; 11,7% thu ngân sách; 10,3% chi ngân sách và 88% mức thâm hụt ngân sách. Việt Nam cũng đã thực hiện khoản chi tiền mặt cho an sinh xã hội với quy mô 61,1 tỷ đồng, giảm giá điện với tổng trị giá 11.000 tỷ đồng và hoãn đóng bảo hiểm xã hội trị giá 9.500 tỷ đồng.
Chỉ số phát triển con người (HDI)
Phát triển xã hội là một thành phần quan trọng để đánh giá khả năng chống chịu của nền kinh tế.
Chỉ số phát triển con người chiếm quyền số 0,13 trong chỉ số tổng hợp.
Việt Nam hiện đã đứng trong nhóm các nước có HDI ở mức cao trên thế giới. Năm 2019, HDI của Việt Nam là 0,704, xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 1 bậc so với năm 2018. Từ năm 1990 - 2019, chỉ số HDI của Việt Nam đã tăng 45,8%, nằm trong số các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới.
Tuổi thọ trung bình của Việt Nam khi sinh tăng 4,8 năm, số năm đi học trung bình tăng 4,4 năm và số năm đi học dự kiến tăng 4,9 năm. Tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người của Việt Nam tăng hơn 370% trong khoảng 1990-2019.
UNDP đánh giá cao chủ trương phát triển lấy con người làm trung tâm của Việt Nam để ưu tiên phát triển con người và thúc đẩy bình đẳng trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo báo cáo mới nhất của UNDP về HDI, Việt Nam ở Nhóm phát triển con người cao với mức độ bất bình đẳng tương đối thấp. Đáng chú ý, mức giảm giá trị HDI của Việt Nam do bất bình đẳng vào năm 2019 là 16,5%; giảm thu nhập do bất bình đẳng là 19,1% và hệ số GINI (dùng để biểu thị độ bất bình đẳng trong thu nhập trên nhiều vùng miền, tầng lớp của một đất nước) ở mức 35,7 - là một trong những mức thấp nhất trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Từ 9 chỉ số trên, phân tích và tính chỉ số tổng hợp phản ánh tính chống chịu của nền kinh tế trước dịch Covid-19 dựa trên quyền số của các chỉ số. Các giới hạn của chỉ số: Từ 0-0,4 (khả năng chống chịu của nền kinh tế ở mức thấp); 0,4-0,6 (khả năng chống chịu ở mức độ trung bình); >0,6 (khả năng chống chịu ở mức độ cao) .
Trên cơ sở chuẩn hóa min - max các chỉ số thành phần, chỉ số tổng hợp phản ánh khả năng chống chịu của nền kinh tế (biểu 2) khi có dịch Covid-19 xuất hiện là:
0,476 x 0,13 + 0,466 x 0,13 + 0,597 x 0,12 + 0,482 x 0,12 + 0,506 x 0,04 + 0,271 x 0,13 + 0,492 x 0,07 + 0,446 x 0,13 + 0,503 x 0,13 = 0,468.

Kết quả này cho thấy trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nền kinh tế nước ta có khả năng chống chịu lại với cú sốc tiêu cực và chống chịu ở mức trung bình. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia tương đối thành công trong việc khống chế dịch Covid-19 và giảm tới mức thấp nhất những hệ lụy đối với nền kinh tế. Bên cạnh những chỉ đạo sát sao và định hướng kịp thời của Chính phủ, kết quả này có một phần quan trọng là từ những cải cách mạnh mẽ và liên tục trong những năm trước đó, qua đó góp phần cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô và sức chống chịu của nền kinh tế. Theo nhận định của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia được xem là thành công trong việc khống chế dịch Covid-19 và giảm tới mức thấp nhất những hệ lụy đối với nền kinh tế.
Giải pháp tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế
- Điều hành kinh tế ứng phó với các cú sốc không nên cứng nhắc. Thay vì quá chú trọng theo đuổi các chỉ tiêu kinh tế đã đề ra trước khi xảy ra biến động, cần linh hoạt điều chỉnh chính sách định hướng tăng trưởng đi kèm với đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì và cải thiện dư địa chính sách kinh tế vĩ mô để ứng phó với những tình huống bất lợi, đảm bảo duy trì đà tăng trưởng trong dài hạn. Cần chủ động, linh hoạt tranh thủ nắm bắt thời cơ để thực hiện cải cách (khi có cơ hội), để cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện cải cách nền tảng kinh tế vi mô để chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi của nền kinh tế, hay nói cách khác, thực hiện đẩy mạnh cải cách, tạo lập các cơ sở thể chế, cơ cấu bền vững cho quá trình tăng trưởng lâu dài.
- Các chính sách kích thích kinh tế, nếu được áp dụng, cần được thực hiện đồng bộ, hài hòa với liều lượng phù hợp, đúng thời điểm, đúng đối tượng, trên cơ sở đánh giá tác động có thể có và/hoặc tham vấn các nhóm đối tượng liên quan nhằm hạn chế những tác động gây méo mó thị trường; có mục tiêu rõ ràng, có tiêu chí cụ thể về đối tượng khuyến khích, có điều kiện ràng buộc trách nhiệm, được giám sát, đánh giá và điều chỉnh thường xuyên, kịp thời.
- Vai trò của nhà nước và thị trường cần được phối hợp hài hòa. Các cuộc khủng hoảng tài chính khu vực và thế giới cho thấy sự vận hành của thị trường là không đủ, nếu thiếu vai trò giám sát và điều tiết hữu hiệu của Nhà nước. Hơn nữa, Nhà nước cần thể hiện vai trò tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng và tăng cường thêm lợi thế cạnh tranh, động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.
(Nguồn: Tổ Phân tích và dự báo Thống kê - TCTK)