Phân tích rõ hơn về số liệu đầu tư thực hiện toàn xã hội và tiêu dùng trong báo cáo kinh tế - xã hội quý IV và năm 2021

21/01/2022 - 07:13 PM
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Tổng cục Thống kê đã tiến hành rà soát, đánh giá lại quy mô GDP theo phương pháp và thông lệ quốc tế nhằm phản ánh sát thực, đầy đủ hơn bức tranh kinh tế của đất nước giai đoạn 2010-2017. Ngày 13/12/2019, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo công bố kết quả đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017 với sự tham dự và xác nhận về việc hỗ trợ kỹ thuật của đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế cho hoạt động này. Theo đó bình quân mỗi năm quy mô GDP tăng thêm 25,4%/năm.

Sau khi đánh giá lại quy mô GDP, Tổng cục Thống kê tiếp tục biên soạn GDP theo quy mô cũ nhằm phục vụ theo dõi, đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2018-2020, đồng thời biên soạn GDP theo quy mô đánh giá lại để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Kết quả này đã được công bố trong Niên giám thống kê năm 2020 và tại cuộc họp báo kinh tế-xã hội Quý I năm 2021.

Từ năm 2021, phục vụ đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm giai đoạn 2021-2025, Tổng cục Thống kê thực hiện biên soạn và công bố GDP quý theo quy mô đã được đánh giá lại. Cùng với đó, Tổng cục Thống kê đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiên thông tin đại chúng về quy mô GDP đánh giá lại, tuy nhiên năm đầu tiên thực hiện biên soạn, công bố chỉ tiêu GDP và một số chỉ tiêu liên quan theo quy mô đánh giá lại vẫn có sự nhầm lẫn từ phía người dùng tin trong việc so sánh không thống nhất giữa quy mô GDP đánh giá lại và GDP cũ. Từ đó có những bình luận, đánh giá không đúng về số liệu thống kê ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của người sử dụng thông tin đối với số liệu Thống kê, gây hoài nghi, hoang mang trong dư luận về những thành tựu kinh tế - xã hội mà đất nước ta đã đạt được.

Trong phạm vi bài viết này, Tổng cục Thống kê làm rõ hơn về số liệu vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội và tiêu dùng cuối cùng năm 2021 như sau:

Số liệu vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2021


Tương ứng với quy mô GDP đánh giá lại, một số chỉ tiêu liên quan được rà soát, điều chỉnh, trong đó có chỉ tiêu vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội. Chỉ tiêu này được Tổng cục Thống kê công bố cùng với quy mô cũ trong Niên giám thống kê năm 2020[1].

Khi so sánh vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2021 với năm 2020 cần phải tính toán vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2020 và năm 2021theo quy mô đánh giá lại để đồng nhất phạm vi so sánh. Theo đó, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quy mô đánh giá lại theo giá hiện hành năm 2020 đạt 2.803,1 nghìn tỷ đồng. Năm 2021, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 2.891,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2020.

Lưu ý, chỉ tiêu “Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội” do Tổng cục Thống kê tính toán và công bố là toàn bộ tiền vốn bỏ ra (chi tiêu) để làm tăng hoặc duy trì năng lực sản xuất và nguồn lực để nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của toàn xã hội trong một thời kỳ nhất định (tháng, quý, năm). Chỉ tiêu này khác hoàn toàn với chỉ tiêu ‘Vốn đăng ký thành lập mới”, thể hiện mức vốn tại thời điểm doanh nghiệp đăng ký thành lập nên không đánh giá đầy đủ được nguồn lực đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Tiêu dùng cui cùng năm 2021 tăng 2,09%

Số liệu ước tính GDP năm 2021 theo phương pháp sử dụng được Tổng cục Thống kê công bố vào ngày 29/12/2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 2,09% so với năm 2020. Tiêu dùng cuối cùng gồm (1) tiêu dùng cuối cùng của nhà nước và (2) tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình.

 
Tiêu dùng cuối cùng của nhà nước tăng 2,9% so với năm trước
Tổng chi thường xuyên ngân sách Nhà nước ước năm 2021 đạt 1.088 nghìn tỷ đồng, tăng gần 2% so với năm trước. Năm 2021, do dịch bệnh Covid-19 và chủ trương cắt giảm chi thường xuyên, chi tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước (chi vận hành bộ máy quản lý Nhà nước) có xu hướng tăng chậm lại. Tuy nhiên, năm 2021, ngoài các khoản chi khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ và hỗ trợ người dân bị thiệt hại như mọi năm, Chính phủ đã chi phí khoảng 30 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tính chung, tiêu dùng cuối cùng của nhà nước theo giá so sánh ước tăng 2,9%.
 
Tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình tăng 1,95% so với năm trước
Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện giãn cách kéo dài, thu nhập của dân cư giảm sút, chi tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình theo đó cũng giảm. Tuy nhiên, tiêu dùng cuối cùng thực tế của hộ gia đình vẫn tăng do được nhận hỗ trợ rất lớn từ Nhà nước và các tổ chức, cá nhân mà hộ gia đình không phải chi để mua dẫn đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm.

Tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình gồm: Chi mua sắm của hộ thông qua Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ; giá trị hàng hóa, dịch vụ do hộ gia đình tự sản xuất để lại tiêu dùng và giá trị hàng hóa, dịch vụ hộ gia đình được nhận từ Chính phủ, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước. Cụ thể tăng, giảm của từng thành tố này như sau:

- Tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình từ tổng mức bán lẻ hàng hóa

Bán lẻ hàng hóa là khâu trung gian từ đại lý bán buôn (hoặc cá biệt từ nhà sản xuất) trực tiếp đến người tiêu dùng. Năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa theo giá hiện hành năm 2021 tăng 0,2%. Ước tính tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình trong tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 0,3% do lương thực thực phẩm (chiếm 35,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ) tăng 10,7% so với năm trước nhưng một số hàng hóa giảm như: Hàng may mặc (giảm còn 90,69%); Đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình (giảm 91,97%); Vật phẩm văn hoá, giáo dục (giảm còn 94,05%). Tính theo giá so sánh, tiêu dùng cuối cùng năm 2021 của hộ gia đình từ tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm 1,6% so với năm trước.

- Tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình từ doanh thu dịch vụ

Ngoài các dịch vụ vận tải, lưu trú ăn uống, vui chơi, giải trí… giảm mạnh (như: dịch vụ vận tải giảm hơn 5,02%; lưu trú, ăn uống giảm 20,81%; nghệ thuật, vui chơi, giải trí giảm 5,47%… so với năm trước) trong mức chi tiêu dùng của hộ năm 2021, hộ gia đình vẫn phải chi phí tăng cho nhiều dịch vụ so với năm 2020 như: Dịch vụ y tế (chiếm khoảng 6% tổng chi tiêu của hộ) tăng 46,8% so với mức chi tiêu dùng năm 2020; Dịch vụ thông tin, truyền thông (chiếm gần 7% tổng chi tiêu của hộ) tăng 6,7%; Giáo dục và đào tạo (chiếm khoảng 4% tổng chi tiêu của hộ) tăng 2,9%; Dịch vụ nhà tự có tự ở (chiếm khoảng 4,3% tổng tiêu dùng của hộ) tăng 3,9%; Chi phí dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (chiếm khoảng 4% tổng chi tiêu của hộ) tăng 9,4%; Dịch vụ chuyên môn khoa học và công nghệ (chiếm 4% tổng chi tiêu của hộ) tăng 5%... Tính chung, năm 2021 tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình từ doanh thu dịch vụ tăng gần 2,5% so với năm trước.

- Tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình từ hàng hóa và dịch vụ khác

Chi phí cho điện sinh hoạt (chiếm khoảng 2% tổng chi tiêu của hộ) tăng 5,4%; Chi phí cho việc sử dụng nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 4,2%. Theo báo cáo từ Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến ngày 15/12/2021 đã hỗ trợ giảm giá điện, giá nước với tổng hỗ trợ lần lượt là gần 2,3 nghìn tỷ đồng và 310,2 tỷ đồng cho Nhân dân trên địa bàn cả nước.

- Tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình từ giá trị hàng hóa tự sản xuất

Hoạt động tiêu dùng này chủ yếu của các hộ sản xuất nông nghiệp và thủy sản hoặc các cơ sở sản xuất phi nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng khoảng 2,7% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Do tình hình dịch bệnh, thời gian giãn cách kéo dài nên sản phẩm hộ gia đình tự sản xuất và tiêu dùng ước tăng khoảng 6% so với năm trước.

- Tiêu dùng cuối cùng của hộ từ giá trị hàng hóa, dịch vụ hộ gia đình nhận được từ Chính phủ, các tổ chức vô vị lợi và cá nhân trong và ngoài nước (tiêu dùng cuối cùng phi thị trường)

Năm 2021, tổng chi hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức vô vị lợi và cá nhân cho công tác phòng chống và xử lý hậu quả của đại dịch Covid-19 ước tính khoảng 83 nghìn tỷ đồng. Đây là các khoản chi chưa có tiền lệ để hỗ trợ trực tiếp cho người dân nhằm đảm bảo ổn định đời sống, an sinh xã hội, khắc phục một phần hậu quả của của dịch bệnh.


Như vậy, dù thu nhập bình quân 1 tháng 1 người năm 2021 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm 73 nghìn đồng so với năm 2020[2] nhưng tiêu dùng cuối cùng thực tế của hộ gia đình vẫn tăng 1,95% so với năm 2020 do phần lớn nhận được hỗ trợ từ Nhà nước, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.

Hiện nay, Tổng cục Thống kê đang kiểm tra, xử lý kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021, sau khi có kết quả chính thức và số liệu quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2020, Tổng cục Thống kê tiến hành biên soạn và công bố số liệu chính thức GDP theo quy mô đánh giá lại cho giai đoạn 2018-2020, đồng thời sẽ công bố dãy số liệu GDP đánh giá lại và các chỉ tiêu liên quan trong Niên giám thống kê năm 2021.
 
TỔNG CỤC THỐNG KÊ

 
[1] https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2021/07/Sach-NGTK-2020Ban-quyen.pdf.
[2] Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2021.

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top