Phát triển bền vững - Con đường để doanh nghiệp vững vàng vượt qua đại dịch và quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng

29/03/2022 - 10:07 AM
Trong 2 năm vừa qua, trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, tuy nhiên nhờ có sự cam kết mạnh mẽ, bền bỉ, kiên trì theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, nên nhiều doanh nghiệp trong nước đã vững vàng vượt qua những khó khăn, thách thức để duy trì ổn định hoạt động và tăng trưởng trong kinh doanh.

Trong năm 2020, sự xuất hiện và diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã khiến sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp có sự giảm sút đáng kể. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020, cả nước có 134,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 2.235,6 nghìn tỷ đồng, giảm 2,3% về số doanh nghiệp và tăng 29,2% về vốn đăng ký. Có 101,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước. Bước sang năm 2021, sự bùng phát của làn sóng dịch Covid-19 từ cuối tháng Tư với biến chủng mới Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương làm cho sức khỏe của các doanh nghiệp tiếp tục có chiều hướng xấu đi. Tính chung cả năm 2021, cả nước có 116,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.611,1 nghìn tỷ đồng, giảm 13,4% về số doanh nghiệp và giảm 27,9% về vốn đăng ký. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2021 chỉ đạt 13,8 tỷ đồng, giảm 16,8% so với năm trước. Nếu tính cả 2.524,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 43,5 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2021 là 4.136 nghìn tỷ đồng, giảm 25,8% so với năm 2020. Với tác động của dịch bệnh, số doanh nghiệp có khả năng quay trở lại hoạt động cũng chỉ là 43,1 nghìn doanh nghiệp, giảm 2,2% so với năm 2020, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2021 lên gần 160 nghìn doanh nghiệp, giảm 10,7% so với năm 2020. Cũng trong năm 2021, gần 55 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 18% so với năm 2020; 48,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,8%; 16,7 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,1%. Bình quân một tháng có gần 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tuy nhiên, nhờ có sự cam kết mạnh mẽ, bền bỉ, kiên trì theo đuổi chiến lược phát triển bền vững (PTBV) nên không ít doanh nghiệp đã vững vàng vượt qua những thách thức, thể hiện sự chống chịu, khả năng thích ứng và tạo ra được “kháng thể” trước cú “sốc” đại dịch, để duy trì ổn định hoạt động và tăng trưởng trong kinh doanh, thậm chí bứt tốc phát triển.

Một trong những giá trị cốt lõi đầu tiên trong hành trình PTBV của doanh nghiệp (DN) là vấn đề an toàn môi trường. Thời gian qua, nhiều DN đã chuyển từ kiểm soát ô nhiễm sang phòng ngừa ô nhiễm. Theo đó, các DN có xu hướng lựa chọn nguyên liệu đầu vào thân thiện với môi trường và tập trung giảm thiểu hoặc loại bỏ chất thải trước tạo ra sản phẩm thay vì xử lý chất thải sau khi chúng được tạo ra. Đơn cử như ngành xây dựng nước ta đang thực hiện cuộc “cách mạng xanh“, đưa sản phẩm tre vốn dẻo dai, bền hơn gỗ sồi nhưng nhẹ hơn bê tông, sắt thép, có tính thẩm mỹ cao, lại thân thiện với môi trường quay trở lại các công trình, để thay thế cho các sản phẩm gỗ đang dần bị khai thác cạn kiệt. Góp mặt trong các công trình xây dựng là các sản phẩm từ ván xây dựng, ván sàn cho đến khung cửa, cầu thang, sản phẩm nội thất và đồ gia dụng được làm từ sản phẩm tấm tre ép công nghiệp.

Các thương hiệu lớn trong lĩnh vực thương mại, khách sạn, bệnh viện như khách sạn Daewoo, khách sạn Lotte, Bảo Sơn Hospital, Vinpearl cũng đã lựa chọn túi sinh học phân hủy hoàn toàn thay thế cho túi nhựa sử dụng một lần để xanh hóa. Hay như với hàng loạt các chuỗi Highlands Coffee, The Coffee House, Trung Nguyên Legend Café, Cheese Coffee, Starbucks Coffee... thay thế ống hút nhựa, túi nhựa, thìa nhựa sử dụng một lần bằng các ống hút sinh học, túi sinh học, thìa sinh học phân hủy hoàn toàn. Còn Lotte Mart đặt mục tiêu trở thành siêu thị đầu tiên tại Việt Nam không sử dụng túi nilon vào năm 2025.

Bên cạnh đó, theo đuổi chiến lược PTBV, nhiều doanh nghiệp trong nước đã thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, tái tạo tài nguyên theo chu trình khép kín, nhằm giảm thiểu tối đa phát thải ra môi trường. Đây là mô hình kinh tế mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như góp phần giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên, tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ; giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng, tạo dựng niềm tin từ người tiêu dùng. Điển hình là trong thời gian qua, ngành sản xuất vật liệu xây dựng nước ta đã sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào thay thế là các loại phế thải của các ngành công nghiệp khác tham gia vào các công đoạn sản xuất hoặc làm phụ gia ở những công đoạn cuối của quá trình sản xuất và chế tạo. Cụ thể là sử dụng nhiều loại phế thải xỉ hạt lò cao của ngành công nghiệp luyện gang thép vào trong sản xuất xi măng; sử dụng đá mạt, nguồn phế thải của công nghiệp sản xuất cốt liệu bê tông hay sử dụng đất đồi, đất bãi ven sông thay thế cho đất sét dẻo, đất canh tác, đồng thời sử dụng các phế thải xây dựng, gạch vỡ của các nhà máy sản xuất gạch nung, của các công trình xây dựng phá dỡ… để làm gạch xi măng, gạch bê tông. Cùng với đó là các mô hình thu gom tái chế sắt vụn, thu gom tái chế giấy; mô hình vườn - ao - chuồng, vườn - rừng - ao - chuồng, thu hồi gas từ chất thải vật nuôi… trong nông nghiệp; các mô hình sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Đến nay, mô hình kinh tế tuần hoàn đã hình thành nhiều hoạt động quy mô lớn trong xã hội, thậm chí trở thành phong trào lan rộng trong cộng đồng doanh nghiệp, giúp giải quyết những bức xúc của xã hội, bảo vệ môi trường cho nhiều ngành kinh tế nước ta. Đồng thời, để giúp các doanh nghiệp thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2022, trong đó đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp phải triển khai các biện pháp giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải trong suốt vòng đời dự án từ thiết kế sản phẩm, sản xuất, phân phối và tiêu dùng.

Phát triển bền vững Con đường để doanh nghiệp vững vàng vượt qua đại dịch và quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Hướng đến PTBV, các DN còn đẩy mạnh phát triển và sử dụng công nghệ xanh, công nghệ thân thiện với môi trường. Ví dụ như tại Quảng Ninh có nhà máy gạch “không ống khói” nhờ ứng dụng thành công công nghệ sản xuất gạch không nung với nguồn nguyên liệu là tro bay, xỉ than từ các nhà máy xi măng, nhiệt điện..., góp phần tích cực trong việc giảm thiểu tác động xấu tới môi trường của hoạt động công nghiệp. Hay như Công ty CP Viglacera áp dụng công nghệ mới, điều chỉnh chất lượng nguyên liệu, lựa chọn tốc độ lò nung phù hợp và quản lý chất lượng nhiên liệu than, chất lượng dầu trong từng lò nung, thay đổi tỷ lệ phụ gia... để giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm, giảm lượng chất thải, khí thải.

Với những nỗ lực trong hành trình PTBV, nhiều doanh nghiệp đã đạt danh hiệu PTBV đã được vinh danh tại Lễ công bố các DN bền vững Việt Nam lần thứ 6 năm 2021, dựa trên cơ sở đánh giá Bộ chỉ số phát triển bền vững (CSI) 2021 do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) và Phòng Thương mại, Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xây dựng, với 119 chỉ số ở 4 lĩnh vực: Chỉ số kết quả phát triển bền vững; quản trị; môi trường và chỉ số lao động - xã hội. Đứng đầu trong danh sách này là Tập đoàn Novaland, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Unilever, Traphaco... Trong đó, tỷ lệ DN Việt Nam và DN nước ngoài đạt danh hiệu top 10 PTBV lần lượt là 55% và 45%; trong top 100 thì tỷ lệ này lần lượt là 63% và 27%. Tỷ lệ DN Việt Nam đạt danh hiệu PTBV cao hơn đã thể hiện sự sẵn sàng, xu thế chuyển đổi và khả năng đáp ứng kinh doanh theo hướng bền vững của DN nước ta ngày càng mạnh mẽ.

Một trụ cột khác để DN tăng trưởng bền vững là chuyển đổi số. Thời gian qua, trước tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số đã diễn ra ở hầu hết các loại hình doanh nghiệp và ở các mức độ khác nhau. Kết quả khảo sát“Thực trạng chuyển đổi số trong doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19” do VCCI thực hiện năm 2020 cho thấy, các DN Việt Nam đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào các khâu, như quản trị nội bộ, mua hàng, marketing và bán hàng trực tuyến, thanh toán điện tử... Trong đó, điện toán đám mây là công cụ kỹ thuật được nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nhất trong lĩnh vực quản trị nội bộ với 60,6%, tăng 19,5% so với thời điểm trước đại dịch Covid-19. 30% số doanh nghiệp ứng dụng hệ thống hội nghị trực tuyến, hệ thống quản lý công việc ở thời điểm trước khi có đại dịch Covid-19 và xấp xỉ 19% số doanh nghiệp bắt đầu sử dụng các công cụ này từ khi có dịch bệnh. Quá trình chuyển đổi số được thể hiện khá rõ nét ở ngành ngân hàng với việc ứng dụng Internet vạn vật (IoT), cho phép khách hàng truy cập sử dụng dịch vụ ngân hàng, kết nối với các hệ sinh thái số khác trên nền tảng Internet hoặc cung ứng các dịch vụ ngân hàng thông qua ứng dụng được cài đặt ngay trên điện thoại di động. Bên cạnh đó là sự nở rộ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gọi xe như Grap, Uber, Be, FastGo... Hay sự sôi động của một loạt các sàn thương mại điện tử là Lazada, Shopee, Sendo... Qua triển khai thực tế, việc chuyển đổi số dựa trên những ứng dụng công nghệ mới, như Big data, IoT, điện toán đám mây,… để thay đổi phương thức điều hành, quy trình làm việc và văn hóa lao động đã giúp các DN tăng tốc độ thị trường, tăng vị trí cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, tăng năng suất lao động, mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.

Tuy nhiên, đánh giá chung trong toàn cộng đồng DN Việt Nam thì số lượng DN đi theo con đường PTBV chưa nhiều do chưa nhận thức một cách đúng đắn về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, chuyển đổi số và chậm thay đổi những thói quen cũ trong quản lý và sản xuất. Bên cạnh đó, nước ta có tới 97% DN có quy mô vừa và nhỏ, vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh không cao, trình độ phát triển khoa học công nghệ (nhất là nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ) còn thấp. Trong khi đó, chi phí để xây dựng hệ thống xử các chất thải, sử dụng công nghệ cao để bảo vệ môi trường và thực hiện quá trình chuyển đổi số còn khá cao.

Trong bối cảnh bình thường mới và tương lai số hóa, để có thể PTBV trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, tái thiết nền tảng quản trị, xây dựng văn hóa và tập trung đầu tư nguồn lực cho PTBV. Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp thì rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước trong việc tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN hướng tới thể chế phát triển bền vững; có các chính sách và kế hoạch tăng cường vai trò và sự tham gia của DN trong các hoạt động PTBV, các thông lệ tốt từ các mô hình kinh doanh bền vững, sáng tạo, cũng như đưa ra các kiến nghị chính sách để thúc đẩy PTBV DN, chung sống an toàn với dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu... Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, áp dụng và lan tỏa Bộ Chỉ số phát triển bền vững (CSI) trong quản trị DN, thiết lập hệ thống liên kết mạng lưới các DN bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh, nghiên cứu, xây dựng bộ chỉ số CSI cho từng ngành, từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh…

Có thể nói, đại dịch Covid-19 dường như là “cú hích” quan trọng để các doanh nghiệp thay đổi tư duy, có sự chuẩn bị và đầu tư tốt hơn để theo đuổi chiến lược PTBV, từ đó tạo nền tảng vững vàng để các DN nhanh chóng khôi phục sau đại dịch và quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng./.

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Anh
Đại học Công nghiệp Hà Nội


 

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top