Ngành năng lượng Việt Nam đã, đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi sang năng lượng sạch nhằm hướng đến phát triển bền vững và thực hiện cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Với những ưu điểm về hiệu quả cao trong sản xuất năng lượng và chống phát thải, phát triển điện hạt nhân là một trong những lựa chọn.
Điện hạt nhân giúp giải bài toán năng lượng sạch
Biến đổi khí hậu với xu thế nóng ấm toàn cầu và ô nhiễm môi trường đang làm thay đổi cơ cấu nguồn điện. Năng lượng tái tạo trở thành xu thế và được ưu tiên nhiều hơn, trong khi nhiệt điện than đang giảm dần và bị hạn chế mạnh. Điện hạt nhân với khả năng giải phóng nguồn năng lượng lớn và phát thải thấp đã được một số nước lựa chọn đầu tư khai thác trong nhiều năm, đặc biệt ở các nước tiên tiến.
So sánh các loại năng lượng điện, hệ số công suất của điện hạt nhân đạt tới 85-90%, trong khi điện than, khí, dầu chỉ khoảng 70%, thủy điện và gió ngoài khơi khoảng 50%, gió trên đất liền 35%, mặt trời khoảng 23%.
Ngoài ra, điện hạt nhân có giá thành sản xuất thấp hơn các loại công nghệ phát điện khác. Đáng chú ý là, điện hạt nhân phát thải khí nhà kính thấp nhất trong số các loại năng lượng điện, hầu như không phát thải trong quá trình vận hành. Khác với nhiệt điện than cần đốt lượng lớn nguyên liệu, thủy điện cần tích trữ nước hay năng lượng tái tạo phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, điện hạt nhân được tạo ra do phản ứng phân hạch dẫn đến sinh nhiệt mà không có chất nào bị đốt cháy. Theo các chuyên gia năng lượng hạt nhân trên thế giới, các phản ứng hạt nhân giải phóng một nguồn năng lượng rất lớn chỉ từ một lượng Uranium rất nhỏ. Cụ thể, năng lượng giải phóng từ 1 gam Uranium được cho là tương đương với việc đốt 1 tấn dầu và lượng khí thải CO2 trên 1 đơn vị kWh tính cho cả một chu kỳ sản xuất điện hạt nhân chỉ có 6 gam. Ở điện gió, tính cả xây dựng và lắp đặt thì lượng phát thải CO2 này là 10 gam/kWh; điện mặt trời (tính cả sản xuất và lắp đặt) là 50 gam/kWh; trong khi các nhà máy nhiệt điện khí hiện đại nhất là 400 gam/kWh. Mức độ phát thải còn cao hơn nữa ở các nhà máy nhiệt điện than bởi để sản xuất ra 1 kWh điện, các nhà máy nhiệt điện hiện tại thải 800 gam CO2, riêng với các nhà máy được trang bị ở mức trung bình, con số phát thải có thể lên tới 1.000 gam/ kWh.
Điện hạt nhân góp phần giải bải toán năng lượng sạch và thực hiện cam kết phát thải ròng bằng "0"
vào năm 2050
Thêm vào đó, tuổi thọ điện hạt nhân với loại công nghệ mới (thế hệ III+) lên tới 60 năm và dài hơn, tạo điều kiện cho việc cung cấp nguồn năng lượng sạch, đáng tin cậy, ổn định với giá cả hợp lý để phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, điện hạt nhân được cho là nguồn phát điện phù hợp, có tính kinh tế cao và đặc biệt là thân thiện với môi trường.
Hiện nay, trên thế giới có 32 quốc gia đang dùng năng lượng hạt nhân để phát điện, với trên 437 lò phản ứng, tổng công suất khoảng 390.000 MWe, chiếm khoảng 10% tổng lượng điện năng toàn cầu. Dự kiến đến năm 2035, điện hạt nhân sẽ tăng hơn 30% so với hiện tại và có thêm khoảng 10-12 quốc gia tham gia. Hầu hết các quốc gia phát triển điện hạt nhân hàng đầu đều là các quốc gia phát triển mạnh hoặc đang phát triển, có trình độ khoa học công nghệ và kỹ thuật cao như: Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ, Canada, Ukraine, Nhật Bản...
Xu thế phát triển điện hạt nhân tiếp tục được nhấn mạnh, khi tại Hội nghị Thượng đỉnh Hành động Khí hậu Thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) tại Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vào tháng 12/2023, hơn 20 quốc gia đã kêu gọi tăng gấp ba lần công suất sử dụng năng lượng hạt nhân nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và giảm lượng khí thải khiến Trái đất ấm lên. Các quốc gia này, trong đó có nước chủ nhà UAE cùng Mỹ, Nhật Bản, Ghana và một số nước châu Âu, đã ra tuyên bố khẳng định vai trò quan trọng của giải pháp này trong việc đạt được mục tiêu toàn cầu là trung hòa carbon vào năm 2050.
Mỹ là quốc gia có nhiều tổ máy điện hạt nhân nhất thế giới, đóng góp khoảng 20% sản lượng điện toàn quốc và vẫn tiếp tục phát triển nguồn điện này. Sau khi khắc phục sự cố Fukushima, Nhật Bản đã tái khởi động và tiếp tục vận hành 12 lò phản ứng hạt nhân. Theo kế hoạch, Nhật Bản sẽ duy trì điện hạt nhân ở mức 20-22%, hạn chế tối đa nhiệt điện than, đến năm 2030 sẽ đóng cửa khoảng 100 tổ máy nhiệt điện than. Điện tái tạo, điện khí hóa lỏng (LNG) và điện hạt nhân sẽ là thành phần chính trong hệ thống điện của nước này. Tại Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia khác, điện hạt nhân là một trong những lựa chọn tốt, được vận hành an toàn, là nguồn điện không phát thải khí CO2, không gây ô nhiễm môi trường và tiếp tục được sử dụng song song với năng lượng tái tạo trong thời gian tới.
Năm 2009, Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch phát triển 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên với tổng mức đầu tư dự toán khoảng 200 nghìn tỷ đồng (theo thời giá lập dự toán năm 2008), tổng công suất dự định trên 4.000 MW, sử dụng công nghệ chuyển giao của Nga và Nhật Bản. Tuy nhiên, dự án xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận đã được Quốc hội bỏ phiếu thông qua Nghị quyết dừng vào năm 2016 trên cơ sở xem xét, cân nhắc rất kỹ lưỡng điều kiện kinh tế của Việt Nam tại thời điểm đó.
Đến nay, tiềm lực và nguồn lực đất nước đã có nhiều thay đổi theo hướng phát triển đi lên. Những vấn đề mới về phục vụ đời sống và đáp ứng yêu cầu sản xuất trong bối cảnh tăng trưởng mạnh mẽ của đất nước đặt ra nhiều thách thức đối với việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đòi hỏi cần phải tìm kiếm thêm nguồn năng lượng mới thay thế, nhất là nguồn điện ổn định, có công suất lớn.
Lối mở cho phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam
Hiện nay, chuyển đổi năng lượng không chỉ là nhiệm vụ quan trọng, mà còn là yếu tố then chốt để đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững, đồng thời thực hiện cam kết của Việt Nam với thế giới đưa mức phát thải ròng về không vào năm 2050.
Nhất là trong bối cảnh nguồn than và khí của Việt Nam không đủ để sản xuất điện năng, phải nhập khẩu và phụ thuộc lớn và giá xuất khẩu của thế giới; thủy điện đã được khai thác hết tiềm năng; năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời đang được tập trung phát triển nhưng cũng còn tồn tại một số hạn chế. Một số ngành sản xuất (ví dụ như ngành công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip điện tử là ngành mà Việt Nam đang hướng tới), khi sản xuất cần điện năng ổn định trong thời gian dài. Nếu nguồn điện không ổn định, các mẻ sản xuất bị hỏng sẽ gây ra thiệt hại lớn đến hàng chục triệu USD.
Trong văn bản gửi các bộ, ngành và các bên liên quan đề nghị tham gia ý kiến cho dự thảo báo cáo Thủ tướng về đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch điện VIII đầu tháng 9/2024, Bộ Công Thương cho biết, rất có thể hệ thống điện sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt công suất nguồn điện rất lớn trong giai đoạn 2026-2030, tiềm ẩn rủi ro mất an ninh cung ứng điện. Theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam sẽ không xây dựng các nhà máy nhiệt điện than sau năm 2030, nhà máy điện khí sau năm 2035. Theo đó, các nguồn điện năng lượng tái tạo là điện gió, điện mặt trời tiếp tục ưu tiên phát triển để đảm bảo giảm phát thải carbon và mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26 về trung hòa carbon vào năm 2050.
Trước tình hình kể trên, Chính phủ và các Bộ, ngành đã có những động thái mới, xem xét đến khả năng nghiên cứu, tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế, trong đó có điện hạt nhân. Bộ Công Thương đã đề xuất phương án tăng phát triển điện mặt trời, nghiên cứu giải pháp phát triển năng lượng hạt nhân lò phản ứng mô-đun nhỏ, bao gồm nhà máy điện hạt nhân nổi.
Đáng chú ý, kết luận tại cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện khí, gió ngoài khơi ngày 12/9/2024, Thường trực Chính phủ đã đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân của các nước trên thế giới. Từ đó, đề xuất phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam trong thời gian tới, bổ sung điện nền, giảm thiểu rủi ro thấp nhất về môi trường, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Một số luật liên quan đang được lấy ý kiến rộng rãi cũng nhắc đến khả năng phát triển điện hạt nhân. Trong đó, dự thảo luật Điện lực (sửa đổi) đang lấy ý kiến cũng có đề cập tới phát triển loại hình điện này và xác định điện hạt nhân là một trong những loại năng lượng mới. Góp ý dự thảo luật Điện lực sửa đổi, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cũng cho rằng, Việt Nam có tiềm năng về phát triển điện hạt nhân và thời gian qua đã chuẩn bị bước đầu tư cơ bản.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, Việt Nam bước đầu đã có sẵn một số căn cứ để có thể tiến hành nghiên cứu phát triển điện hạt nhân. Cụ thể, về điều kiện pháp lý, Việt Nam đã có hệ thống pháp quy hạt nhân, Luật Năng lượng Nguyên tử (2008), đã xây dựng được một số văn bản pháp quy hạt nhân cho quá trình triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Bên cạnh đó, Việt Nam có mỏ Uran tiềm năng khá, cần được đánh giá đầy đủ với độ chính xác cao hơn nếu đưa vào sử dụng. Về quan hệ quốc tế và thị trường, Việt Nam có quan hệ hợp tác với nhiều cường quốc hạt nhân, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Hợp tác với các quốc gia lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Nga, hay Hàn Quốc trong lĩnh vực điện hạt nhân… sẽ củng cố quan hệ với các đối tác “chiến lược toàn diện” của Việt Nam, trong bối cảnh thị trường điện hạt nhân đang phục hồi. Về chi phí, theo nghiên cứu của Quy hoạch điện VIII, trong 11 phương án phát triển nguồn điện, tổ hợp nguồn điện với thành phần điện hạt nhân có tổng chi phí toàn hệ thống nằm trong 3 phương án thấp nhất. Bên cạnh đó, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM) đã xây dựng đội ngũ nghiên cứu mạnh về công nghệ, phân tích an toàn hạt nhân. Theo VINATOM, trong 50 năm qua, Việt Nam đã đào tạo đội ngũ cán bộ hạt nhân khoảng 1.000 người, qua nhiều thời kỳ, trong đó gần đây (2005-2020) đào tạo tổng cộng khoảng 400 cán bộ điện hạt nhân mới. Nguồn nhân lực này đến nay vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nổi trội, nhược điểm của điện hạt nhân là có thể gây thiệt hại lớn nếu xảy ra sự cố nghiêm trọng. Vì vậy, yếu tố an toàn và bền vững luôn là ưu tiên hàng đầu trong toàn bộ quá trình xây dựng và vận hành nếu điện hạt nhân được triển khai. Do đó, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ với các giải pháp và ứng dụng thực tiễn về nguồn nhân lực, năng lực công nghệ, an toàn điện hạt nhân, hệ thống pháp quy, cơ sở hạ tầng, quản lý… Bên cạnh đó, cần có chủ trương sớm cho phép khôi phục lại các quan hệ hợp tác về điện hạt nhân với các nước, trên cơ sở đó đẩy mạnh đào tạo nhân lực, nghiên cứu công nghệ, an toàn hạt nhân, xây dựng năng lực quốc gia để có thể thực hiện thành công chương trình điện hạt nhân nếu Việt Nam triển khai. Đây cũng là một trong những nỗ lực của Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050./.
Tài liệu tham khảo
1. Thông báo số 412/TB-VPCP ngày 12/9/2024 về kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về việc tháo gỡ khó khăn cho các Dự án điện khí, điện gió ngoài khơi;
2. Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
3. Điện hạt nhân trên thế giới và đề xuất tại Việt Nam, Tạp chí Con số và Sự kiện, 2020, https://consosukien. vn/dien-hat-nhan-tren-the-gioi-va-de-xuat-tai-viet-nam.htm
Thu Hiền