Phát triển doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2022 có nhiều khởi sắc

30/06/2022 - 02:39 PM
Phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm có nhiều khởi sắc

Theo báo cáo về tình hình đăng ký doanh nghiệp của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2022 tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 6 tháng đầu năm lần đầu tiên vượt mốc 100 nghìn DN (116,9 nghìn doanh nghiệp), tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2022 là 76,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,2 lần so với mức trung bình giai đoạn 2017-2021 (trên 64 nghìn doanh nghiệp). Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới trong giai đoạn 6 tháng đầu năm vượt mốc 70 nghìn doanh nghiệp và cũng là mức kỷ lục trong giai đoạn này.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022 là 40,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 55,6% so với cùng kỳ năm 2021 và gấp 1,9 lần so với trung bình giai đoạn 2017-2021 (gần 21 nghìn doanh nghiệp).

Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, có 83,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,0% so với cùng kỳ năm 2021 (thấp hơn mức tăng 24,9% của 6 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020), trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (50,9 nghìn doanh nghiệp, chiếm 60,9%). Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể và đã giải thể có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái;

 Những con số trên đã phần nào cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã dần trở lại sau hai năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

Còn nhiều khó khăn hiện hữu và giải pháp khắc phục

Mặc dù có nhiều nỗ lực, tháo gỡ khó khăn từ phía Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương và tự thân vượt khó của từng doanh nghiệp, song những khó khăn hiện hữu mà các doanh nghiệp hiện nay đang phải đối mặt không hề nhỏ. Đó là: Giá xăng, dầu tăng cao và nguồn nguyên liệu đầu vào khan hiếm làm cho sản xuất bị gián đoạn. Lưu thông hàng hóa ở một số thị trường bị đứt gãy dẫn đến thiếu hụt một số mặt hàng như thực phẩm, thuốc, phân bón, thiết bị y tế và thiết bị công nghệ thông tin trong chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó tác động lan truyền làm tăng chi phí sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực. Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chịu tác động lớn do dịch bệnh Covid-19, luôn trong tình trạng vừa tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vừa sản xuất kinh doanh, vừa tìm kiếm thị trường mới. Bên cạnh đó, thu hút đầu tư vào nhiều ngành vẫn gặp khó khăn, tiến độ thi công một số công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước còn chậm, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc. Ngoài ra, công tác đào đạo nghề và tuyển dụng người lao động vào làm việc tại doanh nghiệp còn gặp không ít khó khăn, nhất là lực lượng lao động có trình độ và tay nghề cao.

Một số giải pháp chủ yếu, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất trong thời gian tới cần được lưu tâm:

Một là, có các biện pháp nhanh chóng bình ổn giá xăng dầu, vì đây là nguyên vật liệu đầu vào quan trọng của các ngành sản xuất.

Hai là, đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hóa diễn ra bình thường, không bị đứt gãy, gián đoạn.

Ba là, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu.

Bốn là, tiếp tục vận động người lao động quay lại làm việc góp phần vào quá trình phục hồi của kinh tế. Chính quyền các địa phương tạo điều kiện và hỗ trợ cho doanh nghiệp về xây dựng chỗ ở cho người lao động khi họ quay lại làm việc.

Năm là, có các chính sách phù hợp để các tổ chức tín dụng tập trung vốn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn, hỗ trợ DN tiếp cận gói hỗ trợ cho vay ưu đãi lãi suất 2% của nhà nước.

Sáu là, triển khai nhanh các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế” theo Nghị quyết 11/NĐ-CP của Chính phủ kịp thời và hiệu quả./.

                                                                                                                                        Phí Thị Hương Nga
                                   Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thống kê Công nghiệp - Xây dựng - TCTK

Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 6 tháng 2022

Từ giữa tháng 10/2021, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đã kịp thời chỉ đạo chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả dịch Covid-19”, chủ động phòng chống dịch bệnh an toàn để ổn định và phát triển SXKD và đầu tư, đã tạo điều kiện thuận lợi để cộng động doanh nghiệp  phục hồi mạnh hoạt động SXKD, thu hút ĐTNN trong các tháng cuối năm 2021 và tiếp đà tích cực này trong 6 tháng đầu năm 2022, là điểm sáng quan trọng để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng 2022.

Tính đến 20/6/2022, tổng vốn đăng ký ĐTNN vào Việt Nam đạt 14,03 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ 2021 (đạt 15,27 tỷ USD). Tuy giảm 8,1% nhưng vẫn thấy xu hướng tích cực trong thu hút ĐTNN (vì trong quý 1/2021 có 2 dự án tỷ USD đăng ký mới: gồm Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II – nhà đầu tư Singapore, tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD và Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II – nhà đầu tư Nhật Bản, tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD).

Vì vậy, nếu loại trừ yếu tố đột biến trong quý 1/2021 (loại trừ 4,41 tỷ USD của 2 dự án tỷ đô cấp mới) thì Tổng vốn đăng ký ĐTNN 6 tháng/2022 vẫn tăng 29,2% so 6 tháng 2021. Một điểm sáng trong thu hút FDI 6 tháng đầu năm là vốn đăng ký tăng thêm của các nhà đầu tư nước ngoài tăng 65,6% (đạt 6,82 tỷ USD).

Đồng thời vốn đầu tư thực hịện của khu vực FDI đạt gần 10,1 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ 2022. Các chỉ số này phản ánh rõ nét xu hướng chung của sự phục hồi mạnh của hoạt động SXKD và đầu tư nước ngoài.

Các giải pháp để duy trì tăng trưởng thu hút ĐTNN trong thời gian tới

Từ số liệu thu hút ĐTNN đã cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn coi Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, có niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh và tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Vì vậy, để tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng trong thời gian tới, một số giải pháp cần được quan tâm thực hiện:

- Tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng.

- Rà soát toàn bộ các khu công nghiệp (KCN): Các KCN cần ưu tiên mở rộng, xây mới, các KCN cần thu hẹp. Công bố danh sách các KCN có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng sẵn sàng ... để thu hút đầu tư.

- Chủ động triển khai các chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư, khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy. Chủ động kết nối, làm việc với các tập đoàn lớn của thế giới để trao đổi, chia sẻ các cơ hội đầu tư tại Việt Nam;

- Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối giao thông thông suốt giữa các tỉnh/TP, các vùng/miền, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, hoạt động SXKD phát triển.
                                   (Nguồn: Vụ Thống kê Công nghiệp - Xây dựng)
  
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top