Phát triển giao thông xanh gắn với xây dựng đô thị

21/10/2019 - 11:33 AM
Tại Việt Nam, các đô thị lớn đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng và quá tải hạ tầng giao thông. Ô nhiễm từ giao thông đô thị còn là tác nhân gây ảnh ởng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, chất lượng môi trường sống…, đặc biệt tới sức khỏe con người. Chính vì vậy, phát triển giao thông xanh tại các đô thị Việt Nam ngày càng được quan tâm và đây cũng được coi là xu ớng tất yếu ở mọi quốc gia.
 
Thực trạng phát triển giao thông đô thị Việt Nam

Theo Bảng xếp hạng chất lượng cuộc sống do Hãng tư vấn và nghiên cứu thị trường Mercer (Anh) công bố, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh lần lượt xếp thứ 152 và 158 trên tổng số 230 thành phố được khảo sát. Kết quả này chịu nhiều tác động của các vấn đề tồn đọng tại các đô thị, trong đó tình trạng quá tải hạ tầng, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là những nguyên nhân chính.

 
Phát triển giao thông xanh gắn với xây dựng đô thị
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet
 
Những năm qua, kết cấu hạ tầng giao thông đô thị tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng công tác quy hoạch phát triển giao thông vận tải đô thị còn thiếu đồng bộ và nguồn lực thực hiện nên vẫn chưa đáp ứng được đủ nhu cầu đi lại của người dân thành thị. Tại các đô thị Việt Nam, khi mật độ dân số ngày càng đông đã kéo theo số lượng phương tiện giao thông tăng lên đáng kể, đặc biệt là phương tiện cá nhân. Số liệu từ Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho thấy, giai đoạn 2017-2019, các loại phương tiện giao thông đều có sự gia tăng qua các năm. Trong năm 2017, số lượng phương tiện tăng 5,3%, năm 2018 tăng 4,2% và năm 2019 tăng 1,5%. Tính đến Quý 1/2019, Phòng đã quản lý trên 6,6 triệu phương tiện, trong đó, xe máy đang chiếm đến 86% lượng phương tiện giao thông tham gia ở Hà Nội. Đối với loại hình phương tiện xe buýt,
phương tiện giao thông công cộng chủ yếu tại Việt Nam hiện nay lại mới đạt tiêu chuẩn khí thải euro 2, euro 3. Trong khi đó, tại châu Âu, mức tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện hiện đang là euro 4, thậm chí, ở một số quốc gia còn đang áp dụng euro 6, euro 7. Các phương tiện giao thông cơ giới là nguồn phát thải nhiều nhất lượng khí thải CO2 và khói bụi ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống và sức khỏe con người.

Thống kê về tăng trưởng xanh của Việt Nam cho thấy, ô nhiễm không khí ở đô thị do các hoạt động giao thông vận tải chiếm 70%. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, chính quyền và người dân đô thị cần nhận thức được những ảnh hưởng của việc sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đến chất lượng môi trường

sống của bản thân và thế hệ tương lai.


Phát triển giao thông xanh - chiến lược quan trọng
 
Nhìn chung, các đô thị Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển xanh, bền vững trong khi tại các chiến lược phát triển bền vững thì vấn đề môi trường luôn được quan tâm hàng đầu. Vì vậy, xu hướng phát triển giao thông xanh để giảm, tránh tác động đến môi trường có ý nghĩa đặc biệt trong xây dựng đô thị theo hướng xanh và bền vững, đồng thời tạo nên tính cạnh tranh giữa các đô thị.

Theo các chuyên gia, bản chất giao thông xanh là xây dựng và duy trì hệ thống giao thông đô thị phát triển bền vững nhằm thỏa mãn nhu cầu đi lại của mọi người. Hệ thống giao thông phải có đủ các đặc trưng cơ bản: Có chiến lược giao thông phát triển bền vững, hiệu quả hoạt động giao thông cao với chi phí xã hội thấp, hài hòa môi trường đô thị, phù hợp với mô hình sử dụng đất đô thị và hạt nhân của giao thông xanh là ưu tiên phát triển giao thông công cộng.

Theo đó, giao thông xanh hiện nay chính là khái niệm giao thông sử dụng phương tiện giao thông ít gây ô nhiễm và thân thiện với môi trường nhằm hướng tới một hệ thống giao thông hội tụ các điều kiện: Thông suốt, trật tự, an toàn, tiêu hao ít năng lượng và ít ô nhiễm môi trường. Đây cũng chính là một trong những tiêu chí quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển đô thị xanh. Trong đó, các tiêu chí đánh giá giao thông đô thị bền vững, giao thông đô thị xanh là: Quy hoạch đô thị và xây dựng hệ thống giao thông bền vững về mặt môi trường; phát triển hệ thống giao thông công cộng, đi xe đạp và đi bộ; thắt chặt dần tiêu chuẩn môi trường; cải tiến công nghệ sản xuất xe; xây dựng hệ thống các trạm kiểm tra nguồn thải của xe và trạm bảo dưỡng sửa chữa xe.

Tại Việt Nam, Chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đặt ra yêu cầu cơ bản về phát triển giao thông công cộng. Mục tiêu đặt ra là nhanh chóng phát triển phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn đối với các đô thị lớn; đảm bảo tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng từ 25-30% đến năm 2020; phát triển vận tải ở các đô thị theo hướng sử dụng vận tải công cộng là chính, đảm bảo hiện đại - an toàn - tiện lợi; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng phương tiện cá nhân…


Giải pháp phát triển giao thông xanh
 
Mặc dù phát triển giao thông xanh là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đô thị bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ở các đô thị, tuy nhiên, mục tiêu về phát triển giao thông xanh hiện nay đang vấp phải không ít khó khăn, thách thức. Điển hình là các vấn đề về: Quy hoạch phát triển đô thị; phương tiện cá nhân gia tăng nhanh chóng và vượt kiểm soát; kết cấu hạ tầng tuy đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu... Bên cạnh đó, Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia đến năm 2030, trong đó đề cập đến những nội dung về phát triển đô thị xanh, đô thị bền vững tuy có nhắc đến vấn đề giao thông đô thị nhưng lại chưa đề cập đến phát triển giao thông xanh và chưa coi giao thông xanh là một bộ phận quan trọng của phát triển đô thị xanh. Bởi vậy đến nay, Việt Nam chưa có những tiêu chí đánh giá giao thông xanh và những chính sách, quy định cụ thể để phát triển giao thông xanh tại các đô thị. Thiếu sót này dẫn đến nhiều hạn chế cả về pháp luật và chính sách mang tính chủ trương nhằm định hướng và nâng cao ý thức cho các tổ chức, cá nhân về giao thông xanh. Do đó, Việt Nam cần có các giải pháp, hành động cụ thể hơn nữa trong tương lai.

Thứ nhất, cần thay đổi nhận thức của các nhà quản lý, các doanh nghiệp và người dân về giao thông xanh, coi đó là vấn đề trọng tâm của phát triển đô thị. Theo đó, các cơ quan chức năng cần tạo ra một môi trường giao thông vận tải đa dạng, trong đó ưu tiên các phương tiện vận tải thân thiện với môi trường, từng bước thay đổi thói quen của người tham gia giao thông theo hướng xanh và bền vững. Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đô thị kết hợp với trồng cây xanh góp phần làm xanh hóa cảnh quan đô thị. Song song với đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về chất lượng phương tiện, cách thức và những kỹ năng tham gia giao thông.

Thứ hai, phát triển hoàn thiện hệ thống mạng lưới giao thông theo quy hoạch được duyệt; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào thiết kế, xây dựng khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng
giao thông theo hướng thân thiện với môi trường; tăng cường năng lực quản lý và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường giao thông vận tải… Cùng với đó là phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng, kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông, điển hình là phương tiện xe buýt. Việc đưa phương tiện xe buýt có chất lượng tốt, tiêu chuẩn khí thải cao, sử dụng năng lượng sạch vào hoạt động là một trong những yếu tố quan trọng của mỗi đô thị để phát triển giao thông xanh và bền vững. vậy theo lộ trình, các doanh nghiệp vận tải sẽ từng bước phải loại bỏ dần các phương tiện xe buýt tiêu chuẩn euro 1, euro 2, thay thế sang phương tiện tiêu chuẩn euro 3 và tiến tới đưa vào hoạt động các phương tiện xe buýt đạt tiêu chuẩn euro 4.

Thứ ba, thực hiện xây dựng các tuyến phố đi bộ, khuyến khích cộng đồng tham gia giao thông bằng các phương tiện phi cơ giới như xe đạp, xe điện và đi bộ, đồng thời khuyến khích việc đầu tư phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn sử dụng năng lượng sạch, ít gây ô nhiễm môi trường như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao và xe buýt nhanh… Cần tăng cường bổ sung các phương tiện thân thiện với môi trường, từng bước bỏ nhiên liệu hóa thạch và dùng các nhiên liệu thay thế như động cơ CNG, nhiên liệu khí hóa lỏng, động cơ hybrid, điện lai với động cơ diesel, hoặc động cơ chạy điện hoàn toàn.

Thứ tư, tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước và các cơ quan liên quan trong việc đưa chiến lược phát triển giao thông xanh trở thành vấn đề trọng tâm là một xu hướng phát triển quan trọng đối với phát triển đô thị bền vững. Từ  đó đưa ra cách thức vận động và những quy định riêng cũng như những hướng dẫn cụ thể để xây dựng và phát triển giao thông xanh.

Để Việt Nam có thể thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính theo đúng cam kết đã đề ra với Liên hợp quốc thì bên cạnh việc kiểm soát lượng ô nhiễm từ sản xuất công nghiệp, các hoạt động đô thị, cần đặc biệt giảm lượng phát thải từ hoạt động giao thông. Quá trình phát triển đô thị xanh, giao thông xanh là định hướng mang tính chiến lược, cần có sự quan tâm vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương tới địa phương và toàn thể cộng đồng. Với tư duy đúng, lộ trình phù hợp và những giải pháp sáng tạo, phát triển đô thị xanh, giao thông xanh sẽ đóng góp một phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia./.

 
Thu Hiền
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top