Phát triển kinh tế tuần hoàn trên thế giới

04/06/2019 - 09:56 AM
Kinh tế tuần hoàn: Xu hướng phát triển tất yếu nhằm giảm áp lực tài nguyên, chống biến đổi khí hậu hướng đến phát triển bền vững
 
Hiện nay, con người trên trái đất đang sống trong nền kinh tế tuyến tính, nơi hàng hóa được sản xuất từ tài nguyên thiên nhiên, được bán ra thị trường, được tiêu thụ và sau đó thải loại ra môi trường. Do vậy, với mô hình kinh tế tuyến tính sẽ dẫn đến việc nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị khai thác cạn kiệt và tạo ra một lượng chất thải khổng lồ. Theo tính toán, hiện 1 người trên trái đất trung bình thải 3,5 kg rác/ngày. Trong khi đó, báo cáo của  Circle  Economy  (Tổ  chức  phi  lợi  nhuận  -  trụ  sở đặt tại Hà Lan) cho biết, chỉ khoảng 1/10 trong gần 93 tỷ tấn nguyên vật liệu sử dụng hàng năm như kim loại, khoáng chất, nhiên liệu hóa thạch, sinh khối… là được tái sử dụng, phần còn lại đang tồn tại trong môi trường sống xung quanh chúng ta.

 
Phát triển kinh tế tuần hoàn trên thế giới
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Bên cạnh đó, theo thống kê của tổ chức Liên hợp quốc cho thấy, đến năm 2030, nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên tăng gấp 3 lần so với hiện nay và điều này sẽ dẫn tới nguy cơ thiếu hụt tài nguyên nghiêm trọng trong một tương lai không xa. Chính vì vậy, để giảm thiểu tổn hại đến chất lượng cuộc sống, chúng ta cần có giải pháp tái chế chất thải, sử dụng nguyên liệu tái chế làm nguyên liệu đầu vào để tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong trường hợp phải sử dụng tài nguyên thiên nhiên thì phải tiết kiệm và hợp lý. Theo đó, việc quản lý, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên bằng nguyên tắc “Tuần hoàn khép kín”, thông qua việc sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu thô có khả năng tái tạo, quản lý rác thải bằng cách tái chế để tối ưu hoá giá trị sẽ là giải pháp hiệu quả mà nhiều quốc gia trên thế giới đang từng bước triển khai và áp dụng.
 
Các chuyên gia về kinh tế trên thế giới đưa ra định nghĩa nền kinh tế tuần hoàn (Circular economy) là một khái niệm được hiểu thông qua một chu trình sản xuất khép kín, các chất  thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Việc phát triển kinh tế tuần hoàn được đánh giá là giải pháp có thể giúp các quốc gia trên thế giới thích nghi và tiến bước theo cách thân thiện với môi trường. Không chỉ vậy, nền kinh tế tuần hoàn còn mang lại cái nhìn mới về mối quan hệ giữa thị trường, khách hàng và tài nguyên thiên nhiên, từ đó góp phần thúc đẩy các mô hình kinh doanh sáng tạo mới, các công nghệ đột phá giúp doanh nghiệp tăng trưởng cao hơn thông qua cắt giảm chi phí; giảm tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải CO2; tăng cường chuỗi cung ứng và bảo tồn tài nguyên… Theo các chuyên gia, nếu như kinh tế sản xuất thông thường bao gồm ba giai đoạn là khai thác, sản xuất và vứt bỏ, thì kinh tế tuần hoàn sẽ tập trung vào tái sử dụng rác thải để sản xuất sản phẩm khác, qua đó tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng, thay vì tiêu tốn chi phí xử lý và giúp giảm đáng kể lượng rác thải ra môi trường.
 
Kinh tế tuần hoàn cũng sẽ hướng đến việc sử dụng tối đa giá trị của các nguồn tài nguyên và nâng cao hiệu quả quản lý chất thải. Qua đó, sản phẩm sau khi được tiêu thụ, nguyên liệu thô, sản phẩm hết hạn và năng lượng sẽ được tái sử dụng và tái chế thông qua các quy trình phù hợp như tái xử lý nguyên liệu, tái thiết kế, tái tạo giá trị, tái cải tiến sản phẩm và tái sử dụng thông qua mối quan hệ hợp tác với các đơn vị kinh doanh khác nhau. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể giảm thiểu việc sử dụng nguồn tài nguyên mới, tận dụng tối đa tiềm năng của các nguồn tài nguyên và vật liệu cũ, giảm thiểu chất thải nhờ tái chế và sản xuất các sản phẩm chất lượng có độ bền cao. Quy trình này tạo thêm giá trị và tính bền vững cho môi trường, cộng đồng, xã hội cũng như hoạt động kinh doanh.
 
Theo tính toán từ các chuyên gia môi trường, nếu các quốc gia ứng dụng thành công nền kinh tế tuần hoàn có thể thúc đẩy việc sử dụng các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao nhằm tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn tài nguyên. Ứng dụng này sẽ giúp giảm chi phí điều hành doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh và đưa tới cơ hội phát triển toàn cầu trị giá tới 4.500 tỷ USD vào năm 2030.
 
Bên cạnh việc giảm tải lượng chất thải ra môi trường và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, nền kinh tế tuần hoàn còn góp phần tích cực trong công cuộc chống biến đối khí hậu hiện nay. Theo giám đốc điều hành Harald Friedl của Circle Economy nhận định: Với việc sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu từ các loại rác thải có thể hỗ trợ việc hiện thực hóa mục tiêu then chốt trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 20C so với thời tiền công nghiệp. Kinh tế tuần hoàn cũng giúp giảm lượng khí thải carbon, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống trên toàn thế giới theo đúng Thỏa thuận Paris và những mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
 
Theo báo cáo về nỗ lực chống biến đổi khí hậu của các quốc gia được công bố tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP24) diễn ra ở Katowice (Ba Lan) năm 2018, mặc dù thế giới đã đạt được kết quả nhất định thông qua các hành động để ngăn chặn tình trạng nóng lên của Trái đất, song mức tăng nhiệt  độ vẫn còn rất cao. Do đó, các quốc gia trên thế giới cần đưa ra những cam kết mạnh mẽ và quyết liệt hơn, cũng như triển khai những biện pháp để giảm nhẹ và tăng khả năng thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu và hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo. Đồng thời hướng đến một nền kinh tế xanh, sạch - nền kinh tế tuần hoàn. Đây sẽ là giải pháp hiệu quả nhằm đảm bảo phát triển bền vững với các quốc gia trên toàn cầu.
Nỗ lực và hành động nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn trên thế giới
Với nhiều lợi ích và tính tất yếu cần chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn, nhiều tổ chức, quốc gia trên thế giới đã nỗ lực với những hành động thiết thực nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững này.
 
Thông tin từ Hội nghị phát triển bền vững lần 5 được diễn ra tại Thái Lan (năm 2018), kinh tế tuần hoàn được xem là xu hướng mang tính toàn cầu, là kim chỉ nam cho chiến lược phát triển bền vững cho các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển trong khối ASEAN. ASEAN là khu vực gặp nhiều thách thức vì các nền kinh tế tại đây đang trong giai đoạn phát triển, khu vực này cũngtrung tâm sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới. Do đó, ứng dụng thành công nền kinh tế tuần hoàn có thể thúc đẩy sử dụng các sản phẩmdịch vụ công nghệ cao, từ đó tối ưu hoá việc sử dụng các nguồn tài nguyên.
 
Với khoảng 1.000 đại biểu đến từ gần 200 quốc gia và 100 tập đoàn hàng đầu thế giới, hội nghị đã kết nối các bên để đưa toàn khu vực ASEAN cùng bước vào hành trình áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
 
Cùng với đó, trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF6 - tháng 6/2018), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) cùng với các chính phủ và các tổ chức liên quan đã thảo luận về việc làm thế nào để các cách tiếp cận của kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra lợi ích môi trường toàn cầu, dựa trên sự phát triển công nghiệp xanh. Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra những nhận định và đánh giá về lợi ích to lớn của nền kinh tế tuần hoàn. Theo đó, một trong những lợi ích lớn nhất khi thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn là các nguồn lực được sử dụng hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
 
Hiện UNIDO đang xúc tiến thực hành kinh tế tuần hoàn và cung cấp các dịch vụ hướng đến chu trình khép kín dành cho sản xuất, sử dụng và thải bỏ sản phẩm đã qua sử dụng - từ khâu khai thác nguyên liệu thô, đến sản xuất, phân phối, sử dụng, quản lý chất thải cho đến khâu thải bỏ cuối cùng nhằm đảm bảo rằng các tài nguyên được sử dụng liên tục tuần hoàn là kết quả của các hoạt động sáng tạo.
 
Các tiếp cận kinh tế tuần hoàn là một động lực thúc đẩy, đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững. Kinh tế tuần hoàn cũng là nội dung được ưu tiên trong chương trình nghị sự toàn cầu thu hút sự chú ý đặc biệt từ các tổ chức quốc tế như Liên minh Châu Âu (EU), với Kế hoạch hành động cho Kinh tế tuần hoàn hay Nhóm Hành động đặc biệt của G20 về Kinh tế tuần hoàn.
 
Thụy Điển là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới về triển khai phát triển nền kinh tế tuần hoàn, thông qua việc xử lý và tái chế rác thải đã áp dụng chính sách tái chế thống nhất trên toàn quốc. Kể từ năm 2011 phần lớn rác thải của quốc gia này đã được xử lý, còn lại chưa đến 1% rác thải từ hộ gia đình của Thụy Điển được chuyển đến bãi đổ rác. Nhờ vậy, Thụy Điển đã trở thành một trong số ít các nước duy trì sự cân bằng trong quá trình tiến hành công nghiệp hóa đất nước, với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đang tiếp tục tăng lên cùng mức phát thải giảm đi. Theo tính toán mức phát thải khí nhà kính tính theo đầu người của Thụy Điển nằm ở mức thấp nhất trong EU và Các nước thuộc tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Vào năm 2013, phát thải khí nhà kính (GHG) của Thụy Điển chỉ còn là 55,8 triệu tấn CO2 so với 71,8 triệu tấn năm 1990 - giảm đến 22%. Trong khi đó, GDP của Thụy Điển đã tăng 58% trong thời gian này.
 
Tại Pháp, Chính phủ nước này cũng đã công bố lộ trình phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, theo đó, quốc gia này sẽ biến rác thải thành nguyên liệu phục vụ cho guồng máy sản xuất. Thủ đô Paris đề ra mục tiêu giảm 50% lượng rác thải trước năm 2025, tận dụng tối đa phế phẩm phế liệu để làm ra những sản phẩm mới. Chính phủ dự kiến trong 7 năm tới sẽ có thêm 300 nghìn việc làm được tạo ra nhờ mô hình sản xuất mới này.
 
Theo nghiên cứu của Cơ quan Quản lý môi trường và năng lượng (ADEME), ở Pháp 70% rác trên toàn quốc do ngành xây dựng thải ra, tương đương 247 triệu tấn. Mỗi năm các hộ gia đình thải khoảng 30 triệu tấn rác, các công ty không kể ngành xây dựng thải 64 tấn. Chính vì vậy, vấn đề then chốt là Chính phủ Pháp cần những biện pháp để khuyến khích các doanh nghiệp chuyển hướng về mô hình sản xuất ít làm tổn hại cho môi trường hơn. Theo đó, lộ trình phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn của Pháp bao gồm 50 biện pháp, xoay quanh 2 nội dung chính: Khuyến khích các nhà sản xuất cung cấp những mặt hàng có độ bền cao, khi hỏng dễ được sửa chữa và khuyến khích các hoạt động tái chế, sử dụng lại nguyên liệu từ những món đồ trước khi chúng được thải ra bãi rác.
 
Để từng bước đạt được mục tiêu trên, Paris đang tìm những phương án để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất ra những mặt hàng càng bền càng tốt. Bên cạnh đó, khuyến khích sử dụng lại nguyên liệu từ những món hàng đã qua sử dụng và bị bỏ đi. Về mặt tài chính, trước mắt Pháp dự trù giảm đánh thuế VAT 5,5% thay vì 20% vào các nguyên liệu tái chế, phạt tiền các ngành nghề không tuân thủ các chuẩn mực mới, tiếp tục thải nhiều rác làm hủy hoại môi trường.
 
Tại Hà Lan, trong khi nhu cầu về nguyên liệu thô của nước này đang tăng lên và nguồn cung lại phụ thuộc vào các nước khác, Chính phủ Hà Lan đã xác định việc chuyển đổi mô hình kinh tế sang kinh tế tuần hoàn là yêu cầu thiết yếu của quốc gia hiện nay. Theo đó, Hà Lan đang tiến hành phát triển chương trình hậu thuẫn cho nền kinh tế tuần hoàn nhằm mục tiêu đảm bảo cuộc sống và điều kiện làm việc lành mạnh, an toàn, ít gây hại cho môi trường. Chương trình này có sự tham gia của nhiều Bộ liên quan, bao gồm tất cả các chương trình nhằm xử lý nguyên liệu thô hiệu quả hơn: Từ nguồn rác thải đến tài nguyên (VANG), các chương trình phát triển xanh và nền kinh tế trên cơ sở sinh học. Bên cạnh đó, Hà Lan đang tiến hành thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích và đầu tư vào các doanh nghiệp hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn. Trong tiến trình triển khai, Chính phủ đã lựa chọn 5 ngành kinh tế và chuỗi giá trị đầu tiên sẽ được chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. 5 ưu tiên này rất quan trọng đối với nền kinh tế Hà Lan và có ảnh hưởng lớn đến môi trường, bao gồm khí sinh học và thực phẩm, nhựa, ngành công nghiệp sản xuất, ngành xây dựng và hàng tiêu dùng.
 
Các phân tích cho thấy, việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại cơ hội kinh tế mà còn thúc đẩy phát triển khoa học, cắt giảm khí thải CO2, đảm bảo sức khỏe và an toàn. Riêng với Hà Lan, mô hình kinh tế này có thể tạo ra hơn 50 nghìn việc làm, giảm 10% chất thải ra môi trường, tiết kiệm 20% nước sử dụng trong ngành công nghiệp, giảm 25% nhập khẩu các nguồn cơ bản và tạo ra 7 tỷ euro cho nền kinh tế quốc gia. Ngoài ra, Chính phủ nước này cũng cam kết sẽ thực hiện cải cách pháp luật, ưu đãi thị trường trí tuệ, hỗ trợ tài chính, nâng cao tri thức nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế, hướng đến phát triển bền vững.
 
Tại Trung Quốc, Chính phủ đã có những bước đi quan trọng nhằm thông qua Luật thúc đẩy kinh tế tuần hoàn với mục tiêu sử dụng tối ưu tài nguyên, bảo vệ và cải thiện môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững. Theo tính toán, với việc áp dụng các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra những hàng hóa và dịch vụ với giá phải chăng hơn đối với các cư dân đô thị, giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính 23% và tình trạng tắc nghẽn giao thông 47% vào năm 2040. Thống kê cho thấy trong giai đoạn 1980-2010, quy kinh tế Trung Quốc đã mở rộng 18 lần, song tiêu thụ năng lượng chỉ tăng 5 lần. Đây là một trong những thành quả tích cực khiến cho quốc gia đông dân nhất nhì thế giới này tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới.
 
Có thể thấy, nền kinh tế tuần hoàn đã không còn dừng ở khái niệm mới mẻ mà đã được chuyển hóa vào kế hoạch và hoạt động của mỗi quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, để có thể thực hiện thành công nền kinh tế tuần hoàn không chỉ dựa vào  những nỗ  lực của Chính phủ, mà còn cần sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp bản thân mỗi công dân. Từ phía Chính phủ, cần khuyến khích các tổ chức áp dụng kinh tế tuần hoàn vào hoạt động kinh doanh để xây dựng tương lai bền vững cho doanh nghiệp, tổ chức. Bên cạnh đó, người dân cũng cần phải nhận thức tầm quan trọng của việc tiêu dùng trách nhiệm hành động thông qua việc tái sử dụng hoặc tái chế rác thải. Việc áp dụng thành công hình kinh tế tuần hoàn được kỳ vọng sẽ mang lại sự phát triển bền vững cho mỗi quốc gia, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng, từ đó dẫn đến sự phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu./.

 
Gia Linh

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top