Phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ: Gỡ “nút thắt” hạ tầng giao thông

13/12/2022 - 03:15 PM
Khu vực Đông Nam Bộ đang có những đóng góp lớn đối với nền kinh tế-xã hội không chỉ với vùng mà còn của cả nước. Tuy nhiên, những hạn chế, bất cập về hệ thống giao thông kết nối đang là những trở ngại lớn kìm hãm sự phát triển chung. Với một loạt dự án hạ tầng giao thông kết nối chuẩn bị được khởi công hứa hẹn sẽ sớm gỡ “nút thắt” về hạ tầng cho vùng kinh tế trọng điểm này.

Phát huy thế mạnh của từng địa phương

Vùng Đông Nam Bộ bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh trực thuộc Trung ương: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Vùng Đông Nam Bộ có vị trí địa lý hết sức thuận lợi, là đầu mối giao lưu quan trọng của các tỉnh phía Nam với cả nước và quốc tế, vùng còn có hệ thống cảng biển nước sâu với năng lực vận chuyển hàng hóa thông qua chiếm 62% khối lượng hàng hóa vận chuyển container qua cảng biển toàn quốc. Đặc biệt, hệ thống cảng Sài Gòn (Tân Cảng Cát Lái, Cái Mép, Hiệp Phước...) đóng vai trò là cửa ngõ của miền Nam trong các hoạt động ngoại thương, đứng trong top 20 cảng lớn nhất thế giới năm 2020. Ngoài ra, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất có lưu lượng vận chuyển hành khách trong nước và quốc tế lớn nhất cả nước, sân bay quốc tế Long Thành đang được khẩn trương xây dựng và sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn 1 năm 2025.

 
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong vùng đã năng động, đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, đạt nhiều kết quả quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. GRDP vùng chiếm 35% của cả nước, đóng góp trên 40% tổng thu ngân sách nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người gấp 1,58 lần so với cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa gấp 1,8 lần cả nước. Vùng đã hình thành trung tâm công nghiệp hàng đầu của cả nước, đóng góp tỷ trọng lớn trong xuất khẩu, tạo việc làm, thu ngân sách lớn; số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao nhất cả nước.

Là hạt nhân của vùng kinh tế Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tập trung các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế; nơi có nguồn nhân lực dồi dào, có kỹ năng, là trung tâm đầu mối dịch vụ, thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế, do đó là địa bàn có môi trường đầu tư hấp dẫn. Trong vùng đã hình thành mạng lưới đô thị vệ tinh, trong một không gian mở thông thoáng, liên kết với nhau thông qua các tuyến trục và vành đai đang được xây dựng. Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang đóng góp khoảng 22% GDP và gần 25% thu ngân sách cả nước. Đặc biệt, thành phố có quy mô các hoạt động tài chính là 119 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 35% cả nước. Tháng 3/2022, lần đầu tiên TP. Hồ Chí Minh - thành phố duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách xếp hạng quốc tế Trung tâm tài chính toàn cầu (Global financial center index).

Tỉnh Đồng Nai được xem là một cửa ngõ đi vào vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ, vùng kinh tế phát triển và năng động nhất cả nước. Về liên kết vùng, Đồng Nai đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trong quy hoạch phát triển vùng; phối hợp với các địa phương bạn tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại...

Nằm ở vị trí tiếp giáp với các địa phương có nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, Tây Ninh được xem là một tỉnh giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh đạt 7,3%. Cơ cấu nền kinh tế năm 2020, khu vực dịch vụ chiếm 30,1%, đạt mục tiêu đề ra; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 43,3%, đóng vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.

Xuất phát điểm từ một tỉnh thuần nông, Bình Dương mạnh mẽ vươn lên trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp cao nhất và năng động nhất Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã thành lập 29 khu công nghiệp, với tổng diện tích quy hoạch trên 12.700 ha. 27 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 10.624,66 ha, các khu công nghiệp đã cho thuê đất trên 6.836 ha, tỷ lệ lấp đầy 90%. Hai khu công nghiệp đang xây dựng hạ tầng là VSIP 3 và Cây Trường với tổng diện tích đất 1.700 ha. Hiệu quả từ các khu công nghiệp đã đưa công nghiệp của tỉnh Bình Dương bứt phá, tạo tiền đề cho thương mại, dịch vụ và đô thị cùng phát triển. Quy mô kinh tế của tỉnh tính đến cuối năm 2021 đạt 408.861 tỷ đồng (gấp 104,3 lần so với năm 1997), đứng thứ 3 cả nước; trong đó công nghiệp tăng 140,6 lần, dịch vụ tăng 112,2 lần, nông nghiệp tăng 14,2 lần. Bình Dương được đánh giá là địa phương không còn hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương; là một trong số những địa phương thuộc tốp đầu cả nước về thu nhập bình quân đầu người, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thu hút đầu tư trong nước, thu ngân sách, đóng góp ngân sách Trung ương... Những kết quả đó đã góp phần đưa tỉnh sớm trở thành địa phương đạt mức thu nhập trung bình cao.

Là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để đầu tư, Bình Phước có ưu thế lớn là diện tích đất đai lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ. Đây là lợi thế quan trọng về không gian phát triển; hạ tầng giao thông khá thuận lợi. Những năm gần đây, tỉnh Bình Phước luôn tích cực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại và đồng bộ, xây dựng hệ thống giao thông kết nối nội vùng và liên vùng tương đối hoàn thiện.

Được xác định là cửa ngõ hàng hải của cả khu vực Đông Nam Bộ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trước đây phụ thuộc nhiều vào dầu khí. Những năm trở lại đây, nhiều lĩnh vực vốn là thế mạnh của địa phương đã có bước phát triển vượt bậc. Hệ thống cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải đã phát huy vai trò là cảng cửa ngõ quan trọng của cả vùng Đông Nam Bộ. Hiện nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 69 dự án cảng, đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động gần 50 dự án cảng với công suất 141,5 triệu tấn/năm, trong đó hàng container bằng tàu biển đạt bình quân 2,93 triệu TEU/năm. Theo quy hoạch tổng thể, cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) và cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) sẽ là những trung tâm logistics lớn của cả khu vực.

Theo các chuyên gia kinh tế, dù các tỉnh của vùng Đông Nam Bộ có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, tuy nhiên, mạng lưới giao thông hiện đang là “điểm nghẽn” khiến khu vực này chưa khai thác được hết tiềm năng vốn có. Hầu như các địa phương của vùng đang đầu tư hạ tầng giao thông theo hướng phát triển trong nội bộ từng tỉnh, thành phố, chưa chú trọng phát triển mạng lưới giao thông liên kết vùng, kết nối các tỉnh - thành trong vùng…Vì vậy, để hướng tới là trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước và khu vực, cần tập trung đầu tư cho Đông Nam Bộ về hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật để vùng luôn giữ vai trò là động lực tăng trưởng của cả nước.

Gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế vùng

Nghị quyết số 24-NQ/TW chỉ rõ "điểm nghẽn" ảnh hưởng đến liên kết vùng Ðông Nam Bộ chính từ mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan tỏa của vùng.

Ðơn cử như tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo quy hoạch, thành phố có năm trục đường bộ và ba tuyến vành đai kết nối với vùng Ðông Nam Bộ. Tuy nhiên, hiện nay ngoài trục quốc lộ 1 được đầu tư cơ bản theo quy hoạch, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây hoàn thành giai đoạn 1, đường cao tốc Bến Lức-Long Thành đang được đầu tư thì các trục kết nối còn lại hiện chưa được nâng cấp mở rộng theo quy hoạch. Các dự án đường cao tốc song hành đều chậm triển khai. Các tuyến vành đai 2, 3, 4 chưa khép kín. Ðây là nguyên nhân các cửa ngõ và trục kết nối Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận thường xuyên tắc nghẽn, đặc biệt vào giờ cao điểm.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, liên kết vùng... chưa thể hoàn thành đầu tư theo quy hoạch. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất là cơ chế liên kết vùng còn lỏng lẻo, hình thức, chưa có thể chế dẫn dắt, mỗi địa phương làm một kiểu, manh mún, chưa đồng bộ. Ðiều này không chỉ gây ra sự quá tải về giao thông tại các tuyến đường cửa ngõ mà còn ảnh hưởng sự phát triển kinh tế của từng địa phương và cả vùng.

Dù thuộc nhóm cảng biển có tốc độ tăng trưởng nhanh trên thế giới, với mức tăng khoảng 22%/năm, nhưng cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải đang bộc lộ không ít hạn chế, bất cập, nhất là hệ thống giao thông kết nối cảng với các khu, cụm công nghiệp trong vùng. Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ đánh giá, khó khăn lớn nhất trong phát triển cụm cảng Cái Mép-Thị Vải chính là giao thông kết nối cụm cảng này với các khu công nghiệp, khu chế xuất của vùng Ðông Nam Bộ còn yếu, trong đó tuyến quốc lộ 51 hiện là tuyến đường bộ duy nhất nối Bà Rịa-Vũng Tàu với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực. Dù dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đang được gấp rút triển khai các thủ tục để sớm khởi công nhưng vẫn rất cần thiết xây dựng một tuyến đường sắt kéo dài từ Biên Hòa qua Cái Mép. Ðại diện các cảng lớn trong cụm cảng như: CMIT, Tân Cảng Cái Mép, Gemalink… cũng khẳng định những hạn chế về giao thông đang là "điểm nghẽn" cản trở sự phát triển của cụm cảng nước sâu này.

Ðối với Bình Phước, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong khu vực đã cơ bản hoàn thiện, chỉ duy nhất chưa có tuyến đường nối với Ðồng Nai. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ở Ðồng Nai mở rộng sản xuất và đặt nhà máy gia công tại Bình Phước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà vì tuy khoảng cách địa lý không xa nhưng thiếu các cung đường kết nối, gây cảnh "gần nhà, xa ngõ", đẩy chi phí vận chuyển tăng cao. Chính điều này làm giảm sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư của tỉnh Bình Phước.

Ðể tháo gỡ khó khăn nêu trên, Nghị quyết số 24-NQ/TW xác định: Ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông. Nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ này, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, nhiều địa phương nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông liên kết.

Tỉnh ủy Bình Dương đã có chủ trương và quyết tâm thực hiện công tác giải tỏa theo quy mô quy hoạch và thông tuyến các đường vành đai 3, 4, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành đi qua địa bàn Bình Dương trong giai đoạn 2023-2025.

Tỉnh Tây Ninh cũng đã cân đối, bố trí đủ nguồn vốn từ ngân sách tỉnh và đang phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc Mộc Bài-Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ sớm điều chỉnh những quy định chồng chéo liên quan giữa các lĩnh vực quy hoạch, đất đai, đầu tư; có bộ chỉ tiêu thống nhất về kinh tế-xã hội cho cấp tỉnh; tăng đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, gắn với củng cố quốc phòng-an ninh, đối ngoại khu vực biên giới.

Lãnh đạo UBND tỉnh Ðồng Nai xác định, sân bay quốc tế Long Thành là động lực, cơ hội phát triển mới cho địa phương và vùng Ðông Nam Bộ. Ðể phát huy lợi thế này, tỉnh đang tổ chức lập quy hoạch vùng sân bay và quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định lấy sân bay quốc tế Long Thành làm trọng tâm, xây dựng hệ thống giao thông kết nối, logistics để phát huy lợi thế vùng phụ cận sân bay, tạo động lực phát triển. Trong đó, thúc đẩy hoàn chỉnh đầu tư hệ thống giao thông kết nối sân bay với khu vực nội tỉnh và cả vùng Ðông Nam Bộ về đường bộ, đường sắt, cảng biển; hình thành trung tâm logistics, khu đô thị khu vực chung quanh sân bay để phục vụ sân bay và các hoạt động thông quan. Ngoài ra, tỉnh phát huy các lợi thế chuẩn bị nguồn nhân lực, chuyển đổi nghề nghiệp của người dân trong vùng từ hoạt động nông nghiệp, công nghiệp sang dịch vụ hiện đại.

Ðể phát huy lợi thế này, tỉnh đang tổ chức lập quy hoạch vùng sân bay và quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định lấy sân bay quốc tế Long Thành làm trọng tâm, xây dựng hệ thống giao thông kết nối, logistics để phát huy lợi thế vùng phụ cận sân bay, tạo động lực phát triển.

Bên cạnh đó, để giải quyết "nút thắt" về hạ tầng giao thông, xây dựng mối liên kết vùng đồng bộ, chặt chẽ, tạo tiền đề huy động các nguồn lực thúc đẩy kinh tế vùng Ðông Nam Bộ phát triển nhanh, bền vững, Nghị quyết số 24-NQ/TW chỉ rõ ba giải pháp trọng tâm là: xây dựng, thể chế hóa cơ chế điều phối và kết nối phát triển vùng; thực hiện thí điểm phân cấp, phân quyền và thí điểm một số cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội...

Theo lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 24-NQ/TW đã chỉ ra những "điểm nghẽn" về liên kết vùng và định hướng tháo gỡ một cách đồng bộ. Ðể triển khai, cần có sự phối hợp đồng bộ và kịp thời giữa các địa phương trong vùng và các bộ, ngành liên quan. Ðầu tiên là sự phối hợp và điều phối chung trong công tác quy hoạch của các địa phương, quy hoạch vùng và triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối. Từ định hướng của Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chủ động phối hợp với các địa phương để xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và vận hành cơ chế liên kết, điều phối, cũng như nghiên cứu đề xuất cơ chế đặc thù phát triển vùng...

UBND tỉnh Ðồng Nai cho rằng, thời gian qua, Ðồng Nai cùng với các địa phương khác trong vùng Ðông Nam Bộ đã triển khai nhiều chương trình hợp tác kinh tế và nhiều dự án phát triển hạ tầng trong quy hoạch phát triển vùng đẩy nhanh tiến độ triển khai, đưa vào sử dụng, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội cho tỉnh nói riêng và cả vùng nói chung. Tuy nhiên, mối liên kết của vùng vẫn còn tồn tại nhiều điểm yếu cố hữu, đặc biệt là thiếu cơ chế đặc thù trong phối hợp liên kết vùng. Chính điều này đã khiến cho mối liên kết vùng vẫn còn lỏng lẻo, gần như các địa phương trong vùng vẫn đang điều hành, thực hiện theo các chức năng nhiệm vụ trong địa phương là chính. Sự chỉ đạo, điều hành của vùng chưa thật sự rõ ràng, do đó chưa tập hợp được sức mạnh về nguồn lực của từng địa phương. Việc phối hợp giữa các địa phương trong vùng đạt hiệu quả chủ yếu là sự hợp tác liên kết phát triển song phương giữa các địa phương. Vì vậy, muốn liên kết vùng Ðông Nam Bộ đạt hiệu quả, quan trọng nhất là phải có một cơ chế chỉ huy đủ mạnh, thực sự có quyền lực. Bởi lẽ, quy hoạch thôi thì chưa đủ mà phải có cơ chế chỉ huy toàn vùng. Vùng phải có nguồn lực sử dụng chung phục vụ phát triển vùng, vì nếu không có nguồn lực chung của vùng mà vẫn phát triển dựa trên nguồn lực riêng của từng địa phương thì sẽ không mang lại hiệu quả, không có tính kết nối vùng. Liên kết vùng phải tạo ra động lực cho mỗi địa phương trong vùng. Hợp tác phải mang lại lợi ích, mang lại động lực cho mỗi địa phương thì mới có thể thúc đẩy các địa phương tham gia, hợp tác hiệu quả.

Mới đây, Chính phủ đã có Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, xác định sẽ đồng hành cùng các địa phương vùng Ðông Nam Bộ, phấn đấu đạt cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đặt ra; tập trung chỉ đạo hoàn thiện thể chế, cơ chế điều phối liên kết phát triển vùng, tiểu vùng; điều chỉnh bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù và phát triển vùng Ðông Nam Bộ; huy động và phân bổ các nguồn lực thực hiện các dự án quan trọng bảo đảm vùng Ðông Nam Bộ phát triển hài hòa giữa kinh tế-xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường gắn với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Quốc hội cũng có Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, khẳng định rõ nhiệm vụ trọng tâm là lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Ðông Nam Bộ; phối hợp cùng Chính phủ xem xét cân đối bố trí vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm có tính chất liên kết vùng.
Ðây là những cơ sở tiền đề quan trọng để vùng Ðông Nam Bộ tiếp tục khai thác tốt các lợi thế về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng. Từ đó tạo bước phát triển bứt phá, phát huy vai trò, vị trí đầu tàu kinh tế cả nước, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Ðại hội Ðảng lần thứ XIII đề ra.

 
Thu Hường
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top