Tóm tắt: Trung Quốc đã có sự phát triển đáng kể trong những năm gần đây. Tuy nhiên, sự chênh lệch phát triển giữa các vùng của đất nước đã cản trở sự tiến bộ hơn nữa. Ví dụ, thu nhập và GDP bình quân đầu người ở Biển Đông cao hơn ở vùng Trung Bộ, trong khi vùng Đông Bắc vượt qua vùng Tây Bắc; ngoài ra, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn cũng rất rõ ràng. Bài viết này phân tích kinh nghiệm của Trung Quốc trong phát triển kinh tế vùng và đưa ra những bài học quý giá cho Việt Nam.
Từ khoá: kinh nghiệm, phát triển, kinh tế vùng, Trung Quốc
Regional economic development: China’s experience and lessons for Vietnam
Abstract: China has experienced remarkable development in recent years. However, the development disparity among the country's regions has hindered further progress. For example, income and GDP per capita in the Eastern Sea are higher than those in the Central region, while the Northeast region surpasses the Northwest region; additionally, the income gap is evident between urban and rural areas. This article analyzes China's experience in regional economic development and offers valuable lessons for Vietnam.
Keywords: experience, develop, regional economy, China
|
1. Đặt vấn đề
Định nghĩa khái quát của OECD về phát triển vùng cho rằng, phát triển vùng là những cố gắng trong việc cải thiện an sinh xã hội và mức sống ở mọi hình thức vùng, từ thành phố đến nông thôn, và cải thiện đóng góp của các vùng đó trong sự phát triển của quốc gia. Trong nhiều định nghĩa của các nhà nghiên cứu về vùng trên thế giới, phát triển vùng được đề cập đến như sự phát triển của một vùng/ khu vực cụ thể của một quốc gia. Sự phát triển đó bao gồm phát triển về kinh tế, xã hội, và bị ảnh hưởng bởi những yếu tố như nguồn lực tự nhiên, chất lượng và số lượng lao động, nguồn vốn, văn hóa, cơ sở hạ tầng... (Bærenholdt, 2009; Nijkamp và Abreu, 2009).
Trong những năm gần đây, các nghiên cứu về phát triển vùng không chỉ chú trọng đến nghiên cứu sự phát triển nội tại của từng vùng trong một đất nước, mà còn chú trọng đến vấn đề phát triển giữa các vùng với nhau, khi nhận thấy những chênh lệch trong phát triển trong các vùng có thể ảnh hưởng đến khoảng cách về kinh tế, an sinh xã hội, chất lượng môi trường giữa các vùng (Harmadi và Adji, 2020; Liu và cộng sự, 2022; Manic và Mitrovic, 2021). Do đó, khái niệm liên kết vùng dần được hình thành để chỉ sự phát triển tương hỗ cũng như cạnh tranh lẫn nhau giữa các vùng trong cùng một quốc gia (Henderson, 1974; Porter, 2000).
Các khái niệm, các lý thuyết về vùng và phát triển vùng như lý thuyết về cực tăng trưởng của Perroux, lý thuyết vùng trung tâm - ngoại vi của Friedman, lý thuyết về liên kết vùng xuôi và ngược của Hirchman, tiếp cận phát triển vùng cân bằng và không cân bằng,... ngày càng được sử dụng nhiều trong nghiên cứu về phát triển vùng, cũng như áp dụng trong thực tiễn để xây dựng các chiến lược phát triển vùng của các quốc gia.
Trung Quốc là một quốc gia có sự phát triển nổi bật trong những năm gần đây. Mặc dù vậy, sự chênh lệch trong phát triển giữa các vùng ở quốc gia này đã và đang là rào cản của sự phát triển. Chẳng hạn, thu nhập và GDP bình quân đầu người ở vùng biển phía Đông cao hơn vùng Trung tâm, ở vùng Đông Bắc cao hơn vùng Tây Bắc; chênh lệch thu nhập cũng phân hóa rõ rệt giữa đô thị và nông thôn. Đối với Việt Nam, một quốc gia có sự chênh lệch thu nhập giữa các vùng tương đồng với Trung Quốc thì các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng của quốc gia này sẽ là bài học quý báu cho Việt Nam trong thời gian tới. Bài viết nhằm mục đích phân tích chính sách phát triển kinh tế vùng của Trung Quốc, từ đó rút ra bài học cho Việt Nam.
2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong bài viết này là nghiên cứu tại bàn. Tác giả phân tích kinh nghiệm phát triển kinh tế vùng thông qua các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng của Trung Quốc. Tác giả chủ yếu phân tích và tổng hợp thông tin, số liệu, dữ liệu thu thập được từ các nguồn tài liệu thứ cấp từ các bài viết trên các tạp chí khoa học uy tín, các trang thông tin điện tử trong và ngoài nước.
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Thực trạng phân vùng của Trung Quốc
Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập vào năm 1949 đã chấm dứt 100 năm Trung Quốc bị nước ngoài đô hộ. Trong 60 năm kể từ năm 1949, đất nước này đã có những tiến bộ vượt bậc. Từ nền kinh tế kế hoạch, năm 1978, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu thực hiện cải cách mở cửa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Từ năm 1978 đến năm 2021, GPD thực bình quân của Trung Quốc tăng ở mức 9,7% mỗi năm. Thu nhập bình quân đầu người và chi tiêu bình quân tăng nhanh chóng ở tất cả các nhóm cư dân Trung Quốc, và hàng trăm triệu người Trung Quốc đã thoát khỏi cảnh nghèo khổ.
Về mặt địa lý, Trung Quốc được phân chia thành 6 vùng chính: Tây Bắc, Tây Nam, Trung tâm phía Nam, vùng phía Đông, vùng phía Nam, và vùng Đông Bắc. Theo Hiến pháp của Trung Quốc năm 1982, Trung Quốc là nhà nước đơn nhất, với bộ máy nhà nước được phân chia thành 4 cấp gồm: trung ương, tỉnh, huyện, và hương xã. Chính quyền địa phương cấp 1 (ngay dưới Trung ương) gồm có: tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương (Nguyễn Sơn Bách, 2024)
Về mặt phát triển vùng, Trung Quốc thường được phân chia thành ba vùng chính gồm: Phía Tây, vùng Trung tâm và phía Đông, hoặc bốn vùng gồm: Tây, Trung tâm, Đông và Đông Bắc. Trong quá trình phát triển, trong bốn vùng lớn nói chung vẫn có sự phân hóa rõ rệt, vì vậy, nền kinh tế - xã hội Trung Quốc được phân làm 8 vùng chính: Đông Bắc, vùng ven biển phía Bắc, vùng ven biển phía Đông, vùng ven biển phía Nam, vùng trung lưu sông Dương Tử, vùng trung lưu sông Hoàng Hà, vùng Tây Nam và vùng Tây Bắc. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, trình độ và phát triển của các vùng có sự khác nhau, được thúc đẩy bởi các chiến lược khác nhau như chiến lược phát triển cân bằng, hoặc chiến lược phát triển không cân bằng. Đồng thời, phát triển giữa các vùng cũng bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khác như trình độ khoa học kỹ thuật, giao thông, các chính sách, cũng như ảnh hưởng từ phía thiên nhiên, môi trường (Deng và cộng sự, 2022).
3.2. Kinh nghiệm của Trung Quốc trong phát triển kinh tế vùng
Các chính sách phát triển vùng ở Trung Quốc cũng được phân thành một số giai đoạn chính, thể hiện các giai đoạn nhận thức về phát triển vùng của Chính phủ Trung Quốc. Chẳng hạn, giai đoạn từ năm 1953 đến năm 1978 lấy mục tiêu phát triển vùng phía Tây là chủ yếu; giai đoạn từ 1978 đến 1991 tiếp tục hướng tới mục tiêu phát triển phía Tây, đồng thời thay đổi chiến lược phát triển cân bằng đến phát triển không cân bằng và phát triển phối hợp giữa các vùng; giai đoạn từ năm 1992 đến năm 2000 và từ năm 2000 đến năm 2010 thực chiến lược phát triển phối hợp giữa các vùng.
Theo các kế hoạch 5 năm của Trung Quốc từ sau khi giành được độc lập năm 1949, cũng có thể nhận thấy sự thay đổi trong việc xác định các chính sách phát triển vùng ở Trung Quốc sẽ theo hướng cân bằng hay không cân bằng (Deng và cộng sự, 2022). Chính sách, chiến lược liên quan đến phát triển vùng ở Trung Quốc được thể hiện rất rõ các các kế hoạch 5 năm từ năm 1949 đến hiện tại.
Giai đoạn phát triển cân bằng vùng sau năm 1949 bao gồm 5 kế hoạch 5 năm, từ Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1953-1957) đến Kế hoạch 5 năm lần thứ 5 (1976 1980). Trong giai đoạn này, Trung Quốc tập trung vào xây dựng công nghiệp nặng với sự giúp đỡ ban đầu của Liên Xô, đồng thời khuyến khích ngành thủ công, thành lập các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp để thúc đẩy nông nghiệp của địa phương. Trong những năm này, Trung Quốc đã dần phân chia thành các khu vực có tình trạng phát triển kinh tế khác nhau, chẳng hạn như: Các khu vực ven biển phía Đông với công nghệ công nghiệp tiến bộ được xếp vào khu vực 1; miền Trung và miền Tây có kinh tế phát triển lạc hậu xếp thành hạng hai; trong khi những tỉnh như Quý Châu, Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Cam Túc, Tây Sơn Tây, Tây Hà Nam, Tây Hồ Nam và phần còn lại được xếp vào khu vực hạng 3. Giai đoạn này, mặc dù là phát triển cân bằng vùng nhưng các vùng được chú trọng hơn vẫn là vùng ven biển, và những nơi phát triển công nghiệp nặng.
Phát triển vùng theo chiến lược cân bằng cũng bị ảnh hưởng bởi các định hướng của Chính phủ, gồm có chủ trương hướng tới phía Tây trong giai đoạn đầu khi thực hiện Chiến lược phát triển cân bằng. Chủ trương này được đưa ra để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng phía Tây và Trung tâm Trung Quốc. Các nguồn lực bên cạnh ưu tiên phân bổ cho vùng Đông Nam, mà còn phân bổ cho vùng phía Tây nữa.
Chính sách mạo hiểm “Đại nhảy vọt” của chính phủ Trung Quốc trong những năm 50 đầu những năm 60 đã làm sai lệch các động lực phát triển kinh tế cá nhân: Nạn đói lớn xảy ra trong 3 năm từ năm 1959 đến năm 1962, đồng thời Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của Chính phủ Trung Quốc chỉ đạt được một phần. Sự thay đổi mạnh mẽ chính sách phát triển vùng được thực hiện ngay sau phiên họp đặc biệt của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 8 năm 1964. Chủ trương cụ thể bao gồm: Di dời các công ty công nghiệp, đặc biệt là công ty công nghiệp quân sự ở vùng ven biển được di rời đến các khu vực ở miền Tây để bảo vệ khỏi các cuộc tấn công quân sự tiềm tàng. Từ đó, miền Tây Trung Quốc trở thành nơi tập trung các dự án mới; đồng thời cũng là nơi nhận phần lớn vốn đầu tư của Nhà nước góp phần vào sự phát triển kinh tế ở miền Tây Trung Quốc.
Giai đoạn tiếp theo bị ảnh hưởng bởi Cách mạng Văn hóa, làm cho các hoạt động sản xuất ở Trung Quốc chỉ còn một nửa ở tất cả các vùng. Chiến lược phát triển vùng trong giai đoạn này ứng với Kế hoạch 5 năm lần thứ 3 (1966-1970) và lần thứ 4 (1971-1975), với việc phát triển ưu tiên cho vùng Tây Nam, ưu tiên 2 tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam thuộc miền Trung của Trung Quốc.
Giai đoạn đầu phát triển theo chiến lược phối hợp
Các ý tưởng phát triển phối hợp/hợp tác giữa các vùng được manh nha vào đầu những năm 1990, khi sự phát triển mất cân bằng bộc lộ các nhược điểm của nó, như: Rối loạn thị trường phát sinh từ hệ thống giá song hành, chủ nghĩa bảo hộ địa phương, phân khúc thị trường và từ sự gia tăng chủ nghĩa bảo thủ và tập trung hóa diễn ra vào những năm 1990 (Lu và Deng, 2011). Các định hướng về mục tiêu vừa hiệu quả, vừa công bằng đã dần được xác định trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Kế hoạch 5 năm 1991-1995 đã thực hiện nguyên tắc chỉ đạo của chính quyền Trung ương Trung Quốc: “Quy hoạch tổng thể, phân công lao động hợp lý, lợi thế bổ sung, phát triển cân bằng, cân bằng lợi ích và thịnh vượng chung”. Trong giai đoạn này, Trung Quốc tập trung vào phát triển phía Tây, nhằm tăng tốc phát triển kinh tế cho khu vực này. Đến kỳ Kế hoạch 5 năm lần thứ 9 (1996-2000), các trục giao thông huyết mạch ở các tỉnh, thành phố trung tâm thuộc tỉnh, vủng ở Trung Quốc đã giúp cân bằng và ổn định sự phát triển kinh tế ở các vùng, hình thành 7 vùng kinh tế xuyên tỉnh.
Giai đoạn phát triển phối hợp toàn diện và cân bằng các vùng
Kế hoạch năm năm lần thứ 10 (2001-2005) nhấn mạnh sự phát triển của các vùng phía Đông, miền Trung và phía Tây. Khu vực phía Đông tiếp tục mở cửa với thế giới để thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh chóng. Miền Trung tận dụng lợi thế vùng và tài nguyên thiên nhiên phong phú, phía Tây tiến hành theo các điều kiện riêng, quy hoạch tổng thể, phát triển khoa học và cả thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia vào viện phát triển và xây dựng khu vực.
Kế hoạch năm năm lần thứ 11 (2006-2010) đã vạch ra kế hoạch triển khai chiến lược vĩ mô cho sự phát triển kinh tế khu vực của Trung Quốc cho thời gian tiếp theo, khuyến khích phía Đông là khu vực đi đầu trong phát triển kinh tế. Khu vực này cần tăng cường đổi mới khoa học và công nghệ, hoàn thiện cơ chế thị trường, góp phần phát triển kinh tế khu vực miền Trung và miền Tây, đồng thời phát triển chính khu vực miền Đông.
Giai đoạn triển khai toàn diện chiến lược phát triển điều phối vùng kể từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 18 (2012) của Trung Quốc đã nhấn mạnh vào chiến lược bố trí không gian lấy sự phát triển phối hợp của các nền kinh tế khu vực làm trung tâm. So với chiến lược phát triển cân bằng, trong đó nhấn mạnh đến việc thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, phát triển phối hợp đòi hỏi nhiều sự cạnh tranh và hợp tác ngầm giữa các vùng liên quan để đạt được các bên cùng có lợi (Deng và cộng sự, 2022).
Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020), chiến lược phát triển vùng phía Tây dựa trên ít nhất ba chủ đề quan trọng để phát triển, đồng thời mở rộng liên kết, phối hợp vùng, không chỉ trong biên giới Trung Quốc mà còn ở ngoài biên giới Trung Quốc. Chủ đề đầu tiên là phối hợp các hành lang kinh tế Bắc Kinh - Thiên Tân - Hồ Bắc, hành lang kinh tế sông Dương Tử hoặc Một vành đai một con đường (BRI). Với BRI, chính quyền Trung ương lên kế hoạch xây dựng hành lang kinh tế dọc theo các quốc gia như: Trung Quốc, Mông Cổ và Nga; một hành lang giữa Âu và Á; một hành lang giữa Trung Quốc, Trung Á và Tây Á; một hành lang giữa Trung Quốc và Bán đảo Đông Dương; một hành hang kinh tế giữa Trung Quốc và Pakistan; và một hành lang kinh tế giữa Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ và Myanmar (Deng và cộng sự, 2022; Lu và Deng, 2011).
Chủ đề thứ 2 là để trải nghiệm mô hình không gian mới mang tên “Năm chân trời, hai chiều dọc và một vành đai” cho sự phát triển của vùng phía Tây, dưới sự điều hành của Chủ tịch Tập Cận Bình. Năm chân trời bao gồm: Bắc Kinh - Tây Tạng, Sông Dương Tử - Tứ Xuyên - Tây Tạng, hành lang Thượng Hải - Côn Minh và hành lang Châu Giang - Tân Cương. Hai Chiều dọc bao gồm hành lang Bao Đầu - Côn Minh và hành lang Hồi Hột - Nam Ninh. Một vành đai là cả biên giới phía Tây của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc có mục tiêu tăng cường không chỉ mật độ của mạng lưới giao thông của đường sắt, đường cao tốc, đường hàng không và đường thủy ở vùng phía Tây, mà còn tăng cường số lượng sân bay dân dụng, chức năng của cảng sông và cảng biển dựa trên mô hình không gian.
Chủ đề thứ 3 là tạo ra khu vực thể hiện đổi mới kinh tế và công nghiệp, khu vực dẫn đầu phát triển xanh và khu vực thể hiện sự mở cửa ở nội địa và biên giới, từ đó dẫn dắt sự phát triển của khu vực phía Tây và những khu vực ở phía Tây khác.
Cùng với BRI, chính phủ Trung Quốc đã công bố Hành lang Đất liền - Biển phía Tây vào năm 2019, một khía cạnh khác của Chiến lược phát triển vùng phía Tây, đóng vai trò cầu nối cho Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa và Đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21. Hành lang này nhấn mạnh những lợi thế bản địa sẵn có trong hợp tác với Đông Nam Á, Nam Á, Trung Á, Tây Á và châu Âu, bao gồm cả dự án G2G Singapore - Trung Quốc lần thứ 3 (sáng kiến kết nối Trùng Khánh) và Hành lang thương mại đất liền - biển quốc tế mới (gồm Trung Quốc - Singapore), Dự án đường ống dẫn khí đốt Trung Á, Hành lang kinh tế Trung Quốc - Trung Á - Tây Á và Đường sắt cao tốc Trung Quốc - châu Âu.
Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) đối với phát triển vùng phía Tây Trung Quốc nhấn mạnh vào việc tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các ngành công nghiệp mới nổi và có lợi thế. Đồng thời, chiến lược phát triển vùng phía Tây còn được Chính phủ Trung Quốc tăng cường thông qua việc tích hợp chiến lược với việc thành lập Một vành đai, một con đường, cùng với việc đảm bảo các dự án bảo vệ sinh thái lớn. Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 đối với phát triển vùng phía Tây, thành phố Chengyu được xác định trở thành trung tâm kinh tế và công nghệ quốc gia, thành phố Quảng Châu có vai trò kết nối khu vực Tây Bắc và Tây Nam của Trung Quốc.
Nhìn chung, phía Tây Trung Quốc vẫn là khu vực được chú trọng phát triển nhất bởi điều kiện tự nhiên tương đối nghèo nàn, tỷ lệ chuyển đổi vốn đầu tư thấp và các dự án trung và dài hạn gặp khó khăn trong việc mang lại lợi ích ngắn hạn (Deng et al., 2022). Đánh giá phát triển vùng của Trung Quốc trong toàn bộ quá trình từ năm 1949 đến hiện tại, có thể tóm tắt thành từ phát triển ở cấp thấp, không cân bằng, đến trạng thái cao, cân bằng.
4. Bài học cho Việt Nam
Mặc dù các chiến lược phát triển vùng ở Trung Quốc ở hình thức nào cũng đều có ưu điểm và nhược điểm riêng biệt và đây cũng chính là những bài học rất đáng quý cho phát triển vùng ở Việt Nam. Cho đến nay, phát triển vùng theo xu hướng phối hợp hài hòa giữa các vùng đang dần trở thành chiến lược mang lại ưu thế lớn nhất. Một số gợi ý cho Việt Nam có thể được rút ra từ chiến lược phát triển vùng của Trung Quốc như sau:
- Xây dựng chiến lược phát triển vùng tổng thể gắn chặt với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
- Khi xác định phối hợp giữa các vùng, các địa phương, cần đánh giá cụ thể các lợi thế cạnh tranh của vùng/địa phương đó. Ngoài ra, việc đánh giá tình trạng giao thông, cơ sở hạ tầng của các vùng và giữa các vùng cũng rất quan trọng.
- Tránh việc đầu tư dàn trải (như chiến lược phát triển cân bằng), cũng như đầu tư quá nhiều vào cho một vùng/địa phương (như chiến lược phát triển không cân bằng). Thay vào đó, tăng cường vai trò điều phối và định hướng của Nhà nước trong phát triển giữa các vùng.
Tài liệu tham khảo
Bærenholdt, J. O. (2009). Regional Development and Noneconomic Factors. International Encyclopedia of Human Geography, 9, pp. 181-186.
Deng, X., Liang, L., Wu, F., Wang, Z., and He, S. (2022). A review of the balance of regional development in China from the perspective of development geography. Journal of Geographical Sciences, 32(1), pp. 3-22.
Harmadi, S. H. B. and Adji A. (2020). Regional inequality in Indonesia : Pre and post regional autonomy analysis. The National Team for The Accelerationof Poverty Reduction, pp. 1-35.
Henderson, A. (1974). The sizes and types of cities. American Economic review, 64(4), pp. 640-656.
Liu, W., Liu Z., Wang L., Liu H., and Wang Y. (2022). Regional Social Development Gap and Regional Coordinated Development Based on Mixed Methods Research: Evidence From China. Frontiers in Psychology, 13, pp. 1-17.
Lu, Z., and Deng X. (2011). China’s Western Development Strategy: Policies, Effects and Prospects. The Evolution of Economic and Innovation Systems, 35201, pp. 1-26.
Manic, E. and Mitrovic D. (2021). Unbalanced Development - Regional Disparity Analysis in Serbia. Economic Themes, 59(1), pp. 45-60.
Nijkamp, P. and Abreu M. (2009). Regional Development Theory. Serie Research Memoranda 0029, VU University Amsterdam, Faculty of Economics, Business Administration and Econometrics.
Nguyễn Sơn Bách (2024). Sự đa dạng của chính quyền cấp tỉnh ở Trung Quốc. Tạp chí Quản lý Nhà nước, 338, tr. 116-120.
Porter, M.E (2000). Location, competition and economic development: Local clusters in a global economy. Economic Development Quarterly, 14(1), pp. 15-34.
TS. Nguyễn Danh Nam
Trường Đại học Thành Đông