Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh cao, phát triển kinh tế tri thức tại Việt Nam có vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ, tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia, hướng tới phát triển bền vững. Phát triển kinh tế tri thức cần được triển khai đồng bộ từ nhiều nguồn lực, trong đó tập trung tập nguồn nhân lực, tài sản trí tuệ và công nghệ để tạo ra giá trị kinh tế.
Phát triển kinh tế tri thức từ yêu cầu thực tiễn
Sau gần 40 năm đổi mới, từ một nước kém phát triển, đến nay, Việt Nam đã và đang từng bước tiến lên trên lộ trình trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Tương quan với sự tăng trưởng của đất nước, kinh tế tri thức vươn lên phát triển mạnh mẽ, trở thành xu thế tất yếu cho thời đại ứng dụng thành tựu mới, tiên tiến và hiện đại trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trên cơ sở thực tiễn, kể từ Đại hội Đảng lần thứ IX, kinh tế tri thức đã được nhắc đến, nhấn mạnh vai trò, vị trí, tầm quan trọng và yêu cầu phát triển như một xu thế tất yếu trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra một trong những nhiệm vụ tổng quát của nhiệm kỳ 2015-2020 là: “phát triển kinh tế tri thức, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ của các ngành, lĩnh vực”. Tại đây, Đảng khẳng định: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu; huy động và phân bổ có hiệu quả mọi nguồn lực phát triển”.
Tiếp nối tinh thần Đại hội lần thứ XII, Đại hội XIII đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Định hướng phát triển tới năm 2030: “Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”.

Kinh tế tri thức ngày càng giữ vai trò quan trọng
Kinh tế tri thức có ảnh hưởng sâu sắc, mở ra cơ hội lớn trong tiến trình thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đem lại đóng góp to lớn cho nền kinh tế đất nước. Kinh tế tri thức nhấn mạnh tầm quan trọng của vốn con người, tài sản trí tuệ và công nghệ thông tin trong việc tạo ra giá trị kinh tế, tập trung ở một số ngành như: Các ngành công nghệ cao, gồm: Công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ thông tin…; các ngành dịch vụ chuyên biệt, gồm: Luật sư, kiểm toán, thiết kế…; các ngành giáo dục y tế, nghiên cứu khoa học và phát triển.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm (GDP) năm 2023 của Việt Nam tăng 5,05% so với năm trước, với xu thế tăng trưởng duy trì đà tăng dần qua từng quý, quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người từ 2.030 USD người năm 2014 đã đạt 4.284 USD, tương đương 101,9 triệu đồng/người vào năm 2023, tăng 160 USD so với năm 2022. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 ước đạt 27%, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với năm 2022). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,12%; khu vực dịch vụ chiếm 42,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,38%.
Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, năm 2023, khoa học và công nghệ đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nông sản đạt trên 53 tỷ USD/năm, thặng dư thương mại ngành đạt hơn 11 tỷ USD, mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước, trong đó có 6 sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt gần 50% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu.
Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã đem lại thuận lợi về môi trường kinh tế và thể chế xã hội cho phát triển kinh tế tri thức. Những thuận lợi cho phát triển kinh tế tri thức tại Việt Nam còn đến từ các yếu tố cơ bản như: Nền giáo dục để tạo ra nguồn nhân lực, chỉ số sáng tạo và công nghệ thông tin. Theo đó, quy mô giáo dục Việt Nam không ngừng được phát triển cả về chất và lượng; cơ sở vật chất được nâng cao, chất lượng đào tạo từng bước đáp ứng yêu cầu về nhân lực. Nhiều chỉ số về giáo dục phổ thông của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực.
Các chỉ số đánh giá kinh tế tri thức của Việt Nam có sự tăng trưởng đáng kể sau một thập kỷ. Theo xếp hạng về Chỉ số kinh tế tri thức (KEI) của World Bank, Việt Nam xếp thứ 104/146 quốc gia và vùng lãnh thổ trong năm 2012 với 3,4 điểm, tăng so với thứ hạng 113/146 vào năm 2000 nhưng vẫn thấp hơn nhiều các nước Đông Nam Á tại thời điểm đó. Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) năm 2012-2013 của Việt Nam là 4,11, xếp thứ 75/144 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, đến năm 2021, thứ hạng của Việt Nam đã tăng lên đáng kể, đứng ở vị trí thứ 64/137 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các số liệu về kinh tế tri thức năm 2021 cho thấy, Việt Nam đứng thứ ba về phát triển kinh tế tri thức trong khu vực ASEAN. Năm 2023, Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2022, xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp. Thêm vào đó, nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghệ cao của kinh tế tri thức đặc biệt được chú trọng, ưu tiên phát triển. Không chỉ từ phía Chính phủ, các doanh nghiệp Việt cũng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư cho nghiên cứu, phát triển triển khoa học và công nghệ.
Tập trung phát triển kinh tế tri thức với trọng tâm là nguồn nhân lực
Trong thời đại hội nhập, việc đặt kinh tế tri thức Việt Nam vào bản đồ kinh tế tri thức thế giới được coi là tất yếu; qua đó tạo cơ hội để nắm bắt, vận dụng tri thức, công nghệ mới để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để phát triển kinh tế tri thức, Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển các ngành thuộc kinh tế tri thức. Hỗ trợ các điều kiện cần thiết để phát huy vai trò của khoa học và công nghệ, hướng đến kinh tế tri thức. Tạo ra môi trường pháp lý lành mạnh, thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo, khuyến khích các chủ thể kinh tế phát huy tối đa tiềm năng của mình, trong đó nhấn mạnh các vấn đề về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, bản quyền…
Thứ hai, đầu tư hơn nữa cho khoa học và công nghệ, giải quyết mối quan hệ giữa khoa học - công nghệ và tri thức; khuyến khích mạnh sự sáng tạo và ứng dụng các thành tựu tri thức, khoa học - công nghệ vào thực tiễn vào tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, tạo nền tảng cho nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ, qua đó, khơi dậy mọi tiềm năng, nội lực trong nước. Tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thương mại quốc tế có chọn lọc, hướng vào chuyển giao tri thức, nâng cao trình độ công nghệ trong nước, tham gia vào các phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu…
Thứ ba, phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Chú trọng nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực. Tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội, có tác động lan tỏa, dẫn dắt việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu cầu thực tiễn thông qua khuyến khích đội ngũ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, cán bộ quản lý, sản xuất kinh doanh, kỹ sư, công nhân bậc cao trong các ngành kinh tế mũi nhọn tự trau dồi kiến thức, kỹ năng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, không chỉ đáp ứng yêu cầu của công việc mà còn định hướng phát triển bền vững các lĩnh vực trong tương lai. Trong đó, để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế tri thức như hiện nay, phải tạo được chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo bằng cách nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực cho kinh tế tri thức. Bên cạnh đó, cần có chính sách đặc biệt phát triển mạng lưới kết nối nhân tài người Việt Nam, thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài, kết hợp nội lực để bắt kịp xu thế phát triển khoa học - công nghệ tiên tiến, phục vụ cho mục tiêu hiện đại hóa lực lượng sản xuất của đất nước.
Trong các giải pháp vừa nêu, phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ tri thức được đặt vào vị trí trung tâm của các giải pháp phát triển kinh tế tri thức tại Việt Nam. Để xây dựng được nền kinh tế tri thức, phát triển nguồn lực con người được coi là một trong những giải pháp mang tính quyết định, ảnh hưởng đến sự thành công của cả tiến trình. Phát triển nguồn nhân lực cũng được nhấn mạnh tại văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII: “Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị doanh nghiệp; nhân lực quản lý xã hội và tổ chức cuộc sống, chăm sóc con người”.
Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới xác định quan điểm: “Đội ngũ trí thức là lực lượng lao động trí óc, có trình độ học vấn cao, chuyên môn sâu về một lĩnh vực, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo;… có trách nhiệm tiên phong, tạo ra sản phẩm tinh thần, vật chất chất lượng cao cho xã hội, là nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Với vai trò và tầm quan trọng kể trên, phát triển kinh tế tri thức tại Việt Nam cần có sự đồng bộ từ nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó cần chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Qua đó phát huy nguồn lực, đồng thời xác định rõ thời cơ, thách thức để tận dụng cơ hội phát triển, góp phần nhận diện nền kinh tế tri thức Việt Nam trên bản đồ kinh tế tri thức thế giới./.
ThS. Nguyễn Phương Tú
Đại học Công nghiệp Hà Nội