Phát triển ngành Dệt may Việt Nam: Bài học kinh nghiệm từ biến động kinh tế-chính trị-xã hội tại Bangladesh

21/02/2025 - 10:26 PM
Tóm tắt: Trải qua nhiều thập kỉ lớn mạnh không ngừng, ngành Dệt may Việt Nam đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Theo số liệu của WTO, trong năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng dệt, may mặc của Việt Nam đã đạt mốc 40,3 tỷ đô la Mỹ, xếp hạng thứ ba thế giới. Cùng với quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá ngày càng sâu rộng, các ngành kinh tế của Việt Nam nói chung và ngành dệt may nói riêng có thể chịu ảnh hưởng bởi các biến động chính trị - xã hội diễn ra tại các quốc gia khác, ví dụ như Bangladesh. Bài viết làm rõ vai trò của sự ổn định chính trị-xã hội lên sự phát triển của một ngành công nghiệp, phân tích tình trạng bất ổn của Bangladesh trong năm 2024,  từ đó đưa ra bài học kinh nghiệm và các định hướng, đề xuất để bảo vệ sự tăng trưởng cho ngành Dệt may Việt Nam.

Từ khoá:  Bangladesh, sự bất ổn, ngành dệt may, Việt Nam

Summary: During several years of growth, the Textile and Garment industry in Vietnam is indispensable to the development of national economy. According to data collected from WTO , the value of textile export reached 40.3 billion USD, ranking third globally in 2023. Due to the increasing trend of international integration and globalization, Vietnam's industries,in general,and textile sector, particularly, could be affected by social-political fluctuations happened in different countries, such as Bangladesh. The article focuses on the role of social-political stability in the prosperity of an industry, analyzes business case learned from Bangladesh's Textile and Garment industry in 2024, and provides recommendations for Vietnam's Textile industry.

Keywords: Bangladesh, social-political instability, Textile and Garment industry,Việt Nam

Vai trò của sự ổn định chính trị-xã hội lên phát triển kinh tế

Sự ổn định chính trị-xã hội của một đất nước đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển kinh tế quốc gia nói chung và các ngành công nghiệp nói riêng. Sự ổn định này không chỉ tạo nên một môi trường bình ổn thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy quá trình phát triển và thi hành hiệu quả các chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như các chính sách kinh tế của Chính phủ, từ đó góp phần cho sự tăng trưởng bền vững của đất nước (Agheli và Taghvaee,2022).

Yếu tố chính trị-xã hội là một trong các yếu tố  thuộc mô hình phân tích PESTEL: political-chính trị, economic-kinh tế, social-xã hội, technological-khoa học công nghệ, legal-pháp luật, và environmental-môi trường. Đây là một mô hình thường được các doanh nghiệp áp dụng nhằm đưa ra quyết định kinh doanh chiến lược. Các doanh nghiệp khi tiến hành kế hoạch kinh doanh, sản xuất, đầu tư vào một quốc gia sẽ cần tìm hiểu, đánh giá tình hình chính trị-xã hội để đưa ra các kế hoạch có thể tận dụng  những cơ hội cũng như phòng ngừa rủi ro tiềm tàng có thể xảy ra trong tương lai.

Một trong những đặc điểm của sự ổn định về mặt chính trị là sự chuyển giao trách nhiệm lãnh đạo quốc gia được tiến hành một cách hoà bình. Điều này sẽ đảm bảo an ninh xã hội, giảm thiểu các rủi ro cho doanh nghiệp khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn bởi các sự kiện mang tính bạo lực có thể xảy ra. Tuy nhiên, tại Bangladesh, sự ổn định này đã bị phá vỡ khi những cuộc biểu tình diễn biến phức tạp, kéo theo tình trạng bất ổn cả về kinh tế-chính trị-xã hội tại quốc gia này.

Ảnh hưởng của những biến động chính trị-xã hội tại Baladesh năm 2024 lên ngành dệt may

Ngành công nghiệp dệt may tại Bangladesh đã có lịch sử lâu đời từ khi khu vực này là một trong những nguồn sản xuất bông và lụa lớn từ thời kì thuộc địa Anh trong thế kỉ 18. Sau khi quốc gia Bangladesh được thành lập, ngành công nghiệp dệt may tiếp tục phát triển thịnh vượng trong các thập kỷ tiếp theo nhờ nguồn lực lao động giá rẻ dồi dào cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ. Ngành công nghiệp này là trụ cột quan trọng của nền kinh tế Bangladesh, đặc biệt là trong mảng sản phẩm may sẵn: ready-to-wear hay còn gọi là ready-made garments (RMG). Ngành RMG tăng trưởng nhanh chóng và là ngành sản xuất đạt giá trị tỷ đô tại quốc gia này. Trong giai đoạn 2002-2012, tốc độ tăng trưởng của mảng sản xuất này lên tới 55% (Udin,2014). Hàng may sẵn đã chiếm hơn 84% tổng kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh vào giai đoạn 2019-2020 (Swazan và Das,2022) và đạt mốc 47 tỷ Đô la Mỹ, đóng góp gần 90% giá trị xuất khẩu năm tài chính 2022-2023 cho quốc gia này (Statista, 2024). Vào năm 2021 và 2022, Bangladesh lần lượt chiếm 5,64% và 6,55% giá trị xuất khẩu các mặt hàng dệt may toàn cầu và là quốc gia xuất khẩu lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.
Bảng 1: Giá trị xuất khẩu hàng dệt may toàn cầu giai đoạn 2012-2022 (%)
Phát triển ngành dệt may Việt Nam: Bài học kinh nghiệm từ biến động kinh tế-chính trị-xã hội tại Bangladesh
Nguồn : Tổng hợp từ nguồn của The Observatory of Economic Complexity (OEC)

Mặc dù các yếu tố an toàn lao động, quyền lợi và sức khoẻ của công nhân, điều kiện làm việc chứa các hoá chất độc hại, ô nhiễm môi trường, rủi ro an toàn lao động…còn nhiều vi phạm và tranh cãi; nhưng thực tế ngành dệt may Bangladesh với hơn 4000 doanh nghiệp đã cung cấp công việc cho hơn 4 triệu lao động nữ và là động lực kinh tế thiết yếu của quốc gia này. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm 2024, tình hình chính trị-xã hội tại Bangladesh đã gặp nhiều biến động và một số cuộc biểu tình đã xảy ra, gây tác động tiêu cực nghiêm trọng lên toàn bộ nền kinh tế và ngành công nghiệp may mặc Bangladesh nói riêng.

Tình hình bất ổn của Bangladesh bắt đầu từ khi các cuộc biểu tình do sinh viên dẫn đầu bùng phát vào tháng 7 năm 2024 và lan rộng trên toàn quốc trong những tháng tiếp sau đó. Các cuộc biểu tình nhằm phản đối quyết định của Tòa án Tối cao Bangladesh về việc khôi phục 30% hạn ngạch vị trí việc làm công chức cho con cháu nhóm Mukti Bahini - Những chiến binh tự do. Trong tình hình kinh tế đất nước suy thoái, tham nhũng phổ biến và tỉ lệ thất nghiệp cao, nhiều sinh viên bất mãn việc họ không thể cạnh tranh có việc làm tốt với những người có hạn ngạch dù năng lực kém hơn. Các cuộc tuần hành và biểu tình đã trở thành các hoạt động bạo loạn và cướp bóc khiến hơn 400 người chết và hàng nghìn doanh nghiệp và cửa hàng phải đóng cửa (Hà Anh,2024). Thủ tướng Sheikh Hasina đã phải từ chức và rời khỏi Bangladesh.

Trong giai đoạn này, ngành dệt may Bangladesh đã phải chịu thiệt hại lên tới 150 triệu Đô la Mỹ mỗi ngày trong suốt giai đoạn bạo loạn do lệnh giới nghiêm toàn quốc, sóng điện thoại viễn thông bị cắt đứt và các cơ sở sản xuất tạm ngừng kinh doanh, bị cướp bóc, đập phá, hay nghiêm trọng hơn, phá sản (Phan Trang, 2024). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may Bangladesh cũng phải đối mặt với rủi ro đến từ tiền phạt vi phạm hợp đồng khi các đơn hàng không thể hoàn thành đúng hạn do hoạt động sản xuất bị tê liệt.

Một mắt xích bị phá vỡ sẽ tác động đến toàn bộ chuỗi cung ứng ngành dệt may, đặc biệt là khi tình hình Bangladesh và thế giới trong năm 2024 đã có nhiều biến động. Ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất lên ngành công nghiệp may mặc Bangladesh là việc các khách hàng quốc tế lớn như Zara, H&M chuyển các nhà máy gia công và các đơn hàng lớn sang các quốc gia khác để đảm bảo việc cung ứng hàng hoá đúng thời hạn. Điều này  đồng nghĩa với việc môi trường kinh doanh của Bangladesh bị đánh giá là không an toàn, tỉ lệ rủi ro cao khiến lòng tin của các doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư giảm sút. Niềm tin đã mất của khách hàng về sự ổn định của nền kinh tế rất khó có thể hồi phục trong thời gian ngắn và có thể dẫn đến các hệ luỵ, thiệt hại tài chính và phi tài chính lâu dài trong tương lai như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI giảm, đánh mất thị phần xuất khẩu quốc tế vào các đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ như Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc.

Thực trạng ngành dệt may Việt Nam và ảnh hưởng từ sự kiện bất ổn tại Bangladesh

Tại Việt Nam, ngành dệt may cũng là một trong những ngành công nghiệp quan trọng và đem lại nhiều đóng góp to lớn, góp phần chủ lực vào nguồn thu ngoại tệ quốc gia. Bắt nguồn từ những làng nghề truyền thống, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam có thể đặt dấu mốc từ năm 1897 với sự thành lập của nhà máy dệt Nam Định. Trải qua nhiều thập kỷ phát triển và đổi mới, đặc biệt là sau giai đoạn 1990, các công ty, doanh nghiệp dệt, may được thành lập, tái thiết, mở rộng và phát triển không ngừng. Điều này tạo động lực thúc đẩy ngành Dệt May Việt Nam đột phá mạnh mẽ, đóng góp một bộ phận không nhỏ cho sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Bên cạnh các doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty May Việt Tiến, Tổng Công ty May 10, Tổng Công ty May Nhà Bè…, hàng ngàn công ty may mặc cỡ vừa và nhỏ đang hoạt động sôi nổi để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Thông qua nhiều nỗ lực thúc đẩy và hợp tác giữa các doanh nghiệp và các bộ ngành, cơ quan chính phủ, ngành Dệt May Việt Nam đã nắm giữ tốc độ phát triển nhanh cũng như đạt được kim ngạch xuất khẩu chiếm tỉ trọng cao. Sự tăng trưởng này không chỉ đem lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế mà còn đem lại công việc cho hàng triệu lao động trong phục vụ công nghiệp này cũng như các chuỗi cung ứng liên quan. Điều này đóng góp một phần quan trọng vào sự ổn định xã hội tại các tỉnh thành và toàn quốc. Hiện nay, ngành Dệt May đang sử dụng khoảng 3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng trên 10% lao động công nghiệp cả nước.

Lịch sử xuất khẩu ngành công nghiệp dệt may Việt Nam bắt đầu từ năm 1976 khi lần đầu tiên xuất khẩu sang các quốc gia Liên Xô. Trải qua nhiều biến động thăng trầm của nền kinh tế-chính trị-xã hội trong nước và quốc tế, kể từ giai đoạn 2003-2004, ngành dệt may Việt Nam phát triển vượt bậc và nhanh chóng trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về mặt hàng này. Dệt may Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ với các thị trường xuất khẩu trọng điểm là Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và các quốc gia thành viên của khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP). Hiện nay, ngành dệt may đang chiếm 12 - 16% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia và tiếp tục duy trì tiềm năng phát triển tích cực trong tương lai.
Hình 1: Biểu đồ giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam (Tỷ Đô la Mỹ)
Phát triển ngành dệt may Việt Nam: Bài học kinh nghiệm từ biến động kinh tế-chính trị-xã hội tại Bangladesh 1
Nguồn : CEIC Data (dựa trên dữ liệu của Tổng cục thống kê Việt Nam), 2024

Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng khoảng 5-7% hàng năm trong giai đoạn 2016-2020 (Nguyễn Văn Nghi, 2022). Mặc dù trong năm 2020, ngành Dệt may chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến xuất khẩu hàng hoá giảm 10% so với năm 2019, tuy nhiên trong hai năm tiếp theo đã hồi phục mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng lần lượt là 9% năm 2021 và 14% năm 2022. Năm 2022 đã ghi nhận giá trị xuất khẩu ấn tượng của riêng mặt hàng may mặc với giá trị trên 37,5 tỷ Đô la Mỹ. Tổng cộng giá trị xuất khẩu của các mặt hàng may mặc, vải, xơ, sợi dệt,nguyên phụ liệu may mặc... thêm vào lên tới 44 tỉ Đô la Mỹ (Lê Duy và Lê Thị Kiều Oanh, 2023). Mặc dù trải qua nhiều khó khăn trong năm 2023 do lượng hàng hoá tồn kho toàn cầu lớn, toàn ngành dệt may cũng đạt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu 40,3 tỷ Đô la Mỹ (WTO,2023). Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cũng đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 47 - 48 tỷ trong năm 2025.

Dựa trên thống kê từ Bảng 1, có thể thấy rằng Việt Nam đã nỗ lực không ngừng để vươn lên các vị trí top đầu và chiếm lĩnh nhiều thị phần hơn trên thị trường quốc tế. Trong hơn 10 năm qua, ngành Dệt may Việt Nam đã vượt qua những quốc gia có nền kinh tế phát triển hơn như Mỹ, Đức, Ý, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và hiện nay đang cạnh tranh với một quốc gia xuất khẩu dệt may chủ lực – Bangladesh.
 
Hình 2: Biểu đồ  tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam tại Mỹ và Châu Âu
Phát triển ngành dệt may Việt Nam: Bài học kinh nghiệm từ biến động kinh tế-chính trị-xã hội tại Bangladesh 2

 
Nguồn : McKinsey,2021

Theo phân tích của McKinsey (Berg, Chhaparia, Hedrich, và Magnus, 2021), dù giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam còn thấp hơn Bangladesh, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của Việt Nam lại vượt trội hơn. Trong thập kỉ 2011-2020, tại hai thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU), Việt Nam lần lượt có tốc độ tăng tưởng là 7,1% và 8%, trong khi Bangladesh có tốc độ là 1,7% và 7%. Điều này cho thấy tiềm năng của Việt Nam trong môi trường cạnh tranh xuất khẩu dệt may thương mại quốc tế.

Trong giai đoạn 2019-2024, ngành Dệt may Việt Nam đã phải đương đầu với nhiều khó khăn, biến động về kinh tế, chính trị, xã hội trong khu vực và trên thế giới như Đại dịch Covid-19, sự căng thẳng leo thang tại Biển Đỏ - một trong những khu vực trọng tâm của vận tải hàng hải toàn cầu, chiến dịch quân sự đặc biệt giữa Nga - Ukraine,... Trong khu vực, Bangladesh, một trong những đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ của Việt Nam trong xuất khẩu dệt may, đã trải qua tình trạng bạo loạn với nhiều cuộc biểu tình trên toàn quốc nửa cuối năm 2024. Tình trạng trên đã dẫn đến các thiệt hại nghiêm trọng cho ngành dệt may nói riêng và nền kinh tế Bangladesh nói chung.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đánh giá Việt Nam sẽ đón nhận một số lợi thế nhất định từ tình trạng này khi tiếp nhận các đơn hàng bù đắp cho hoạt động sản xuất hàng dệt may bị giảm sút vào giữa các tháng cuối năm cao điểm. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn dệt may của Việt Nam như Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, Công ty Cổ phần May Sông Hồng, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đều có giá trị cổ phiếu tăng trưởng trong giai đoạn này. Đà tăng giá còn xuất hiện tại nhiều mã cổ phiếu vốn hóa nhỏ như VGG của May Việt Tiến, ADS của Công ty cổ phần Damsan. Thậm chí, cổ phiếu STK của Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ cũng tăng trưởng trở lại dù đã giảm giá liên tục từ 19/7/2024 và báo cáo lỗ nghiêm trọng trong suốt quý 2 năm 2024 (Dương Thuỳ, 2024).

Bài học kinh nghiệm và kiến nghị

Qua dòng sự kiện 6 tháng cuối năm 2024 đầy biến động của Bangladesh, Việt Nam có thể đúc kết được nhiều kinh nghiệm để đảm bảo môi trường phát triển thịnh vượng cho ngành dệt may Việt Nam trong tương lai.

Thứ nhất, về mặt ngắn hạn, linh hoạt cơ cấu để tiếp đón và hoàn thành tốt đẹp các đơn đặt hàng của làn sóng chuyển dịch từ Bangladesh về Việt Nam. Việc thành công đáp ứng nhu cầu của thị trường sẽ gây dựng lòng tin về năng lực sản xuất và chất lượng hàng hoá của nước ta. Về mặt dài hạn, niềm tin vào một môi trường kinh tế ổn định và an ninh khu vực sẽ thu hút thêm các đơn hàng quốc tế cũng như dòng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài về Việt Nam không chỉ cho ngành dệt may mà còn cả các ngành công nghiệp khác. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng để thể hiện tiềm lực phát triển trong bối cảnh toàn cầu có nhiều biến động đa chiều và phức tạp.

Ngành dệt may Việt Nam cần tiếp tục quá trình chuyển đổi phát triển từ mô hình gia công CMT - Cut - Make - Trim đơn giản sang chủ động đầu tư phát triển hoạt động sản xuất, chủ động nguồn nguyên vật liệu, quảng bá và phân phối sản phẩm hoàn thiện đến tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế, tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nền kinh tế lớn. Thông qua những nỗ lực đó, các doanh nghiệp có thể chủ động đón đầu những biến động bất ngờ của môi trường kinh tế vĩ mô cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thứ hai, bài học từ Bangladesh cho thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo sự ổn định chính trị-xã hội để phát triển kinh tế. Quá trình cải cách gây tranh cãi cùng với nhiều khó khăn, thiếu sót trong quá trình tuyên truyền các chính sách của chính phủ Bangladesh dẫn tới sự bất đồng ý kiến sâu sắc trong nội bộ công dân. Điều này trở thành ngòi nổ cho các hoạt động biểu tình và bạo lực sau đó. Bên cạnh đó, tổ chức các sinh viên trẻ của Bangladesh là một trong những tác nhân quan trọng gây nên tình hình bất ổn tại quốc gia này. Họ phải đối mặt với áp lực tìm kiếm việc làm khắc nghiệt, sở hữu vốn kinh nghiệm sống còn non trẻ, dễ bị định hướng sai lệch, thậm chí bị lôi kéo tham gia các sự kiện tuần hành cực đoan và các hoạt động ngăn chặn, phá hoại hoạt động sản xuất sau đó. Các hành động này có tác động tiêu cực nghiêm trọng đến nền kinh tế trong ngắn hạn lẫn dài hạn và trở thành một vòng tuần hoàn chết, tiếp tục thu hẹp cơ hội việc làm của những người lao động Bangladesh trẻ tuổi.

Việt Nam, trong thời gian tới, cũng sẽ phải đối mặt với nhiều sự thay đổi trong chính sách, luật pháp để bắt kịp với sự thay đổi và tiến bộ của xã hội và tình hình thế giới. Vì vậy, Chính phủ, các Bộ, Ban ngành, cơ quan địa phương cần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, đảm bảo các chính sách được giải thích và thi hành rõ ràng, minh bạch, nâng cao hiệu quả áp dụng và phát triển kinh tế-xã hội. Các cơ quan cần làm tốt vai trò cầu nối giữa người lao động, doanh nghiệp và Chính phủ để có thể giải quyết những vướng mắc về chính sách, cơ chế có thể xảy ra trong tương lai. Đặc biệt, tăng cường xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp nước ngoài, quảng bá hình ảnh về một môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh, có tiềm năng phát triển thịnh vượng tại Việt Nam. Các bộ, ban, ngành cần theo dõi sát sao, định hướng xã hội và thị trường để có thể đảm bảo sự phát triển thuận lợi cho doanh nghiệp, ngăn chặn rủi ro tiềm tàng dẫn đến tình trạng bất ổn tương tự như Bangladesh.

Thứ ba, một phần nguyên nhân của tình trạng bất ổn tại Bangladesh bắt nguồn từ hệ thống quản lý còn nhiều bất cập, tình trạng thiếu minh bạch kéo dài, quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng và điều kiện làm việc độc hại, thiếu an toàn. Công nhân trong ngành dệt may Bangladesh đa phần có trình độ giáo dục và đào tạo chưa cao. Họ chịu mức lương thấp và trong nhiều doanh nghiệp nhỏ, quyền của người lao động hầu như không được đảm bảo. Điều này làm gia tăng mâu thuẫn giữa người lao động và doanh nghiệp và khiến các công ty càng dễ bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực trong thời điểm các cuộc biểu tình trở nên bạo lực và hệ thống quản lý chính phủ Bangladesh sụp đổ.

Rút kinh nghiệm từ Bangladesh, Việt Nam cần phát huy tối đa thế mạnh của lao động dồi dào, sở hữu kỹ năng sản xuất dệt may tốt. Các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao chất lượng môi trường công tác, đảm bảo và tăng cường phúc lợi cho người lao động. Đồng thời tổ chức đào tạo nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng cho nguồn nhân lực theo định hướng áp dụng khoa học kỹ thuật tự động, trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng khác của Cách mạng công nghiệp 4.0.

 Cuối cùng, các doanh nghiệp dệt may cần phát triển chiến lược để bắt kịp xu thế và đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng nghiêm khắc về nguồn nguyên vật liệu và quy trình sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường từ các thị trường trên thế giới như Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ,… Các doanh nghiệp cần ưu tiên đầu tư công nghệ mới, giảm phát thải, tăng cường tái chế và tăng cường áp dụng các nguồn lực tái tạo, ưu tiên phát triển nguồn cung nguyên liệu “xanh”, nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, định hướng phát triển trách nhiệm đạo đức xã hội,…để tiến đến hoàn chỉnh toàn bộ chuỗi cung ứng xanh và phát triển bền vững./.
 
ThS. Nguyễn Quỳnh Anh
Viện Đào tạo quốc tế - Học viện Chính sách và Phát triển 
 

Tài liệu tham khảo

1. Agheli,L., Taghvaee,V.M.(2022), Political stability effect on environment and weak sustainability in Asian countries, Sustainability Analytics and Modeling, Volume 2, 2022, 100007, ISSN 2667-2596, truy cập ngày 5/2/2025  từ  https://doi.org/10.1016/j.samod.2022.100007.  

2. CEIC Data , Vietnam, truy cập ngày 8/2/2025 từ https://www.ceicdata.com/en/country/vietnam 

3. Dương Thuỳ (2024), Cổ phiếu ngành dệt may sẽ hưởng lợi từ thị trường Bangladesh , Tạp chí Diễn đàn Doanh Nghiệp truy cập ngày 8/2/2025 từ https://diendandoanhnghiep.vn/co-phieu-nganh-det-may-se-huong-loi-tu-thi-truong-bangladesh-10140261.html

4. Hà Anh (2024), Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Bangladesh , Báo Nhân Dân, truy cập ngày 16/12/2024  từ https://nhandan.vn/cuoc-khung-hoang-nghiem-trong-o-bangladesh-post823246.html

5. Lê Duy và Lê Thị Kiều Oanh (2023), Đẩy mạnh phát triển ngành dệt may Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, truy cập ngày 8/2/2025 từ https://kinhtevadubao.vn/day-manh-phat-trien-nganh-det-may-viet-nam-27425.html

 
6. McKinsey&Company (2021), What’s next for Bangladesh’s garment industry, after a decade of growth?, truy cập ngày 8/2/2025 từ  https://www.mckinsey.com/industries/retail/our-insights/whats-next-for-bangladeshs-garment-industry-after-a-decade-of-growth
7. Nguyễn Văn Nghi (2022), Thực trạng ngành Dệt May Việt Nam hiện nay và những thách thức trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 , Tạp Chí Công Thương, truy cập ngày 8/2/2025 từ https://tapchicongthuong.vn/thuc-trang-nganh-det-may-viet-nam-hien-nay-va-nhung-thach-thuc-truoc-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-4-0-88667.htm

8. Phan Trang (2024), Doanh nghiệp dệt may trở lại đường đua xuất khẩu ,Báo Điện tử Chính Phủ, truy cập ngày 11/1/2025  từ https://baochinhphu.vn/doanh-nghiep-det-may-tro-lai-duong-dua-xuat-khau-102240813211202897.htm

9. Statista (2024), Export value of ready-made garments (RMG) in Bangladesh from 2014 to 2023, truy cập ngày 6/2/2025  từ https://www.statista.com/statistics/987707/bangladesh-export-value-garments/

10. Swazan,I. và Das,D.(2022), Bangladesh's Emergence as a Ready-Made Garment Export Leader: An Examination of the Competitive Advantages of the Garment Industry, International Journal of Global Business and Competitiveness, truy cập ngày 6/2/2025  từ

11. The Observatory of Economic Complexity OEC(2025) , Textiles , truy cập ngày 5/2/2025  từ https://oec.world/en/profile/hs/textiles

12. Tổng Cục Thống kê Việt Nam, truy cập ngày 8/2/2025 từ https://www.gso.gov.vn/xuat-nhap-khau/

13. Uddin, Mohammad Nazim.(2014), Role of Ready-Made Garment Sector in Economic Development of Bangladesh, Journal of Accounting, Business and Management (JABM), [S.l.], Volume 21, ISSN 2622-2167, truy cập ngày 6/2/2025  từ https://journal.stie-mce.ac.id/index.php/jabminternational/article/view/185


14. WTO (2023), Ngành dệt may bứt phá kỷ lục về thị trường xuất khẩu trong năm 2023 , truy cập ngày 8/2/2025 từ https://trungtamwto.vn/thi-truong-duc/25010-nganh-det-may-but-pha-ky-luc-ve-thi-truong-xuat-khau-trong-nam-2023#:~:text=Kim%20ng%E1%BA%A1ch%20xu%E1%BA%A5t%20kh%E1%BA%A9u%20d%E1%BB%87t,2%25%20so%20v%E1%BB%9Bi%20n%C4%83m%202022.

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top