Phát triển nông nghiệp bền vững: Nhìn từ kết quả sử dụng hiệu quả và bền vững đất sản xuất nông nghiệp

05/12/2023 - 03:20 PM
Để phát triển nền nông nghiệp bền vững, chất lượng đất đai được coi là một trong những yếu tố mang tính quyết định cao, có tác động lớn đến tăng năng suất, sản lượng. Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê về chỉ tiêu thành phần tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả và bền vững đã cho thấy bức tranh toàn cảnh về hiện trạng đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, qua đó giúp Chính phủ và các Bộ, ngành điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả và bền vững toàn quốc và của từng vùng kinh tế

Chỉ tiêu đất sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả và bền vững được đặt trong nhóm các chỉ tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đã cho thấy tầm quan trọng của vấn đề này. Theo đó, việc xác định tính hiệu quả và bền vững của đất sản xuất nông nghiệp được thể hiện qua 10 chỉ tiêu thành phần, gồm: Giá trị sản phẩm trên 1 ha, thu nhập ròng, cơ chế giảm thiểu rủi ro, tỷ lệ thoái hóa đất, sự ổn định của nguồn nước tưới, sử dụng phân bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng đa dạng sinh học trong sản xuất, an ninh lương thực theo thang đo trải nghiệm FIES, bảo đảm quyền sử dụng đất. 10 chỉ tiêu này được chia theo 3 khía cạnh đánh giá là: Kinh tế, xã hội và môi trường.

Kết quả tổng hợp chỉ tiêu SDG 2.4.1 của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2020, tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả và bền vững của Việt Nam là 37,77%, trong đó chỉ có 7,67% diện tích đạt mức bền vững cao (có diện tích đất đạt bền vững cao ở cả 10 chỉ tiêu thành phần), 30,10% đạt mức bền vững chấp nhận được và có thể cải thiện trong tương lai; còn lại khoảng 62,23% diện tích đất sản xuất nông nghiệp không đảm bảo bền vững.

 
Phát triển nông nghiệp bền vững: Nhìn từ kết quả sử dụng hiệu quả và bền vững đất sản xuất nông nghiệp
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Trong số 10 chỉ tiêu thành phần, chỉ tiêu Áp dụng hỗ trợ đa dạng sinh học trong sản xuất có mức không bền vững cao nhất với tỷ lệ 62,23%. Một số chỉ tiêu có mức không bền vững cao khác có thể kể đến: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (60,97%), Cơ chế giảm thiểu rủi ro (60,11%), Giá trị sản phẩm trên 1 ha (58,76%), Sự ổn định của nguồn nước tưới (54,61%). Chỉ tiêu thành phần có mức bền vững cao nhất thuộc về chỉ tiêu An ninh lương thực theo thang đo trải nghiệm FIES với tỷ lệ 96,12%. Một số chỉ tiêu có mức bền vững cao gồm: Bảo đảm quyền sử dụng đất (79,36%), Tỷ lệ thoái hóa đất (68,62%).

Tính theo vùng, từ hình 2 có thể thấy, 2 vựa lúa chính của cả nước là Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long hiện có tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp bền vững mức cao thấp nhất trong tổng số 6 vùng kinh tế.

 
Phát triển nông nghiệp bền vững: Nhìn từ kết quả sử dụng hiệu quả và bền vững đất sản xuất nông nghiệp 1
Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê

Đồng bằng sông Hồng có 27,40% đất sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả và bền vững; trong đó chỉ có 2,50% diện tích đạt mức bền vững cao (tỷ lệ thấp nhất trong 6 vùng kinh tế), 24,90% đạt mức bền vững chấp nhận được, có thể cải tạo trong tương lai. Trong khi diện tích đất sản xuất nông nghiệp không đảm bảo bền vững của vùng Đồng bằng sông Hồng lại khá cao, chiếm 72,60% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc chỉ có 21,21% đất sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả và bền vững, thấp nhất trong 6 vùng kinh tế nhưng diện tích đất sản xuất nông nghiệp bền vững cao của Vùng lại đứng thứ 2 với 6,91%. Trong khi đó, tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp không bền vững của vùng Trung du và miền núi phía Bắc cao nhất cả nước với 78,79%.

Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có 7,66% đất sản xuất nông nghiệp bền vững cao, đứng đầu trong 6 vùng kinh tế; có 26,91% diện tích đất nông nghiệp bền vững ở mức chấp nhận được. Đồng thời đây cũng là vùng có tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp không bền vững thấp nhất với 65,43%.

Tây Nguyên đứng thứ 3 về tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp có mức độ bền vững cao với 5,58%; mức độ bền vững chấp nhận được đạt 26,34%; mức độ không bền vững có tỷ lệ thấp thứ 2 trong 6 vùng kinh tế với 68,08%.

Đông Nam Bộ có 3,86% đất sản xuất nông nghiệp có mức độ bền vững cao; còn 22,71% đất bền vững chấp nhận được và 73,43% đất không bền vững.

Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 2,63% đất sản xuất nông nghiệp có mức độ bền vững cao; 22,71% diện tích đất bền vững ở mức chấp nhận được và 73,45% diện tích đất không bền vững.

Khuyến nghị giải pháp cải thiện, nâng cao chất lượng đất vì nền nông nghiệp bền vững

Thời gian qua, Chính phủ đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Quan điểm phát triển bền vững cũng được lồng ghép xuyên suốt trong các Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Đồng thời, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản về cơ chế, chính sách liên quan thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đáng chú ý là Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 về Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược). Chiến lược được đánh giá là một trong những chính sách thay đổi tư duy, quan điểm về sản xuất nông nghiệp, tiến tới mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững trong thời gian tới.

Bên cạnh những kết quả đạt được kể trên, đến nay vẫn còn một số vướng mắc, tồn tại đang kìm hãm sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và làm suy giảm chất lượng đất sản xuất nông nghiệp nói riêng. Cụ thể, việc sử dụng phân bón hóa học một cách tràn lan trong thời gian dài đã khiến nguồn đất sản xuất nông nghiệp ngày càng ô nhiễm và thoái hóa nghiêm trọng. Cùng với đó, sự gia tăng chất thải, khí thải và hóa chất bảo vệ thực vật dư thừa trong quá trình sản xuất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường đất và nước, gây tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và môi trường.

Đặc biệt, trong bối cảnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản xuất công nghiệp ngày càng phát triển với quy mô lớn, nhiều nhà máy, khu công nghiệp được xây dựng dẫn đến giảm diện tích canh tác nông nghiệp. Ngoài ra, các yếu tố đến từ môi trường, biến đổi khí hậu cũng khiến đất sản xuất nông nghiệp có xu hướng suy giảm cả về chất và lượng. Vì vậy, để thực hiện thành công mục tiêu SDG 2 nói chung và chỉ tiêu SDG 2.4.1 nói riêng, các chuyên gia đã khuyến cáo về việc sử dụng các cách tiếp cận mới nhằm tăng nguồn cung cấp lương thực, đồng thời bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Một số giải pháp thực hiện có thể kể đến:

Thứ nhất, khai thác triệt để quá trình sản xuất nông nghiệp tự nhiên như tái chế chất dinh dưỡng, tận dụng phế phẩm nông nghiệp để phục vụ sản xuất. Đây cũng chính là cách giúp người dân tiết kiệm chi phí đầu vào và cải thiện môi trường.

Thứ hai, sử dụng phân bón hợp lý, kết hợp phân bón hóa học với các loại phân bón hữu cơ, tăng tỷ lệ phân bón hữu cơ sẽ làm tăng độ phì nhiêu của đất, giúp cải tạo đất hiệu quả và trả lại cho đất lượng hữu cơ đã bị mất. Đây được coi là giải pháp tối ưu nhất để phục hồi đất sản xuất nông nghiệp của nước ta hiện nay.

Thứ ba, đa dạng hóa các hệ thống canh tác, tận dụng tiềm năng sinh học và di truyền của các loài động, thực vật. Thực tế cho thấy, việc thay thế các phương thức canh tác truyền thống bằng một hệ thống canh tác tiên tiến như đa canh, luân canh và canh tác hỗn hợp giúp người nông dân giảm sự phụ thuộc vào các yếu tố đầu vào như phân bón và thuốc trừ sâu hóa học. Mặt khác, sử dụng các chế phẩm sinh học trong canh tác sẽ làm tăng độ phì nhiêu cũng như chất dinh dưỡng cho đất; cải thiện cấu trúc đất, hạn chế sâu bệnh từ đó giảm ô nhiễm môi trường và tăng năng suất cây trồng.

Thứ tư, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới không chỉ cho giá trị kinh tế cao mà còn thân thiện với môi trường. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới ra đời, ứng dụng khoa học kỹ thuật đã cho thấy kết quả kinh tế cao, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên mà không làm hoặc ít gây tổn hại đến môi trường như: Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao... Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình sản xuất mới này cần có sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền trung ương đến địa phương trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ, phối hợp với công tác tuyên truyền để giúp người nông dân sản xuất có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, đào tạo nguồn lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển.

Thứ năm, có biện pháp bảo vệ đất canh tác, nước cho sản xuất nông nghiệp bởi năng suất cây trồng phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng đất và nguồn nước tưới tiêu. Để giải quyết vấn đề trên, trước hết, cần xác định nhu cầu đất cho các ngành, lĩnh vực nhằm phân bổ sản xuất hợp lý, đảm bảo phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Tập trung xây dựng hạ tầng thủy lợi, đảm bảo phân phối đủ lượng nước tưới tiêu, đồng thời áp dụng công nghệ tưới tiêu tiên tiến nhằm tiết kiệm nguồn nước.

Do các mục tiêu SDG có mối quan hệ tương hỗ nhau, việc thực hiện từng mục tiêu sẽ có tác động tới kết quả thực hiện các mục tiêu khác và ngược lại. Vì vậy, thực hiện thành công chỉ tiêu SDG 2.4.1 sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu SDG 2; qua đó đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nền nông nghiệp Việt Nam ngày càng bền vững./.

 
Minh Huyền
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top