Phát triển nông nghiệp thông minh với cách tiếp cận thông minh

15/02/2022 - 11:18 AM

Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiện đại đang tạo ra những công nghệ hoàn toàn mới trở thành động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp thông minh trên thế giới, ngành nông nghiệp Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này. Tuy nhiên, tùy thuộc vào vùng sinh thái, loại cây trồng, vật nuôi và quy mô sản xuất việc phát triển nông nghiệp thông minh ở Việt Nam cần có những cách tiếp cận thông minh để phát huy hiệu quả phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.

Phát triển nông nghiệp thông minh với cách tiếp cận thông minh

Nông nghiệp thông minh được hiểu là nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (cơ giới hóa, tự động hóa,... ); công nghệ sản xuất, bảo vệ sản phẩm an toàn (hữu cơ, theo GAP…); công nghệ quản lý, nhận diện sản phẩm theo chuỗi... gắn với hệ thống trí tuệ nhân tạo (công nghệ thông tin).

 Phát triển nông nghiệp thông minh với cách tiếp cận thông minh

             Ảnh minh họa 

Theo các chuyên gia nông nghiệp, tham gia vào sản xuất nông nghiệp thông minh sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam tăng khả năng kết nối giữa người sản xuất với thông tin, quản lý sản xuất tốt hơn, giảm bớt sự phức tạp của các thủ tục hành chính nhiều cấp để sử dụng trực tiếp các dịch vụ công của Nhà nước cho nông nghiệp. Điều này cho thấy những lợi ích, giá trị mà nông nghiệp thông minh mang lại cho sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Song để phát triển nông nghiệp thông minh, Việt Nam cần có cách tiếp cận thông minh, phù hợp dựa trên nhiều yếu tố khác nhau để đảm bảo phương thức sản xuất được tối ưu nhất và hài hòa nhất và hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Hiện, ngành nông nghiệp Việt Nam có độ mở lớn với hàng loạt các sản phẩm nông sản được xuất khẩu đi nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, có thể kể đến các sản phẩm như: Cà phê, hồ tiêu, hạt điều, cao su, gạo, thủy sản và các sản phẩm chế biến từ gỗ… Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ngành nông nghiệp Việt Nam nỗ lực vượt qua khó khăn và đạt được mức tăng trưởng. Theo Tổng cục Thống kê, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế trong đại dịch, năng suất lúa tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản đạt khá. Ước 9 tháng năm 2021, ngành nông nghiệp tăng 3,32%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,3%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 0,66%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm.

Để phát triển nông nghiệp thông minh, Việt Nam cần có cách tiếp cận thông minh với thị trường, đây được xem là yêu cầu quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp, bởi những thay đổi về nhu cầu của thị trường như: Chất lượng, khối lượng, thời gian đều ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất. Do đó, tiếp cận thông minh với thị trường, sản xuất nông nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí sản xuất cái gì, lúc nào, khối lượng bao nhiêu và bán đi đâu, trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế so sánh về tài nguyên tự nhiên, khí hậu, con người. Ngoài ra, xuất khẩu vào mỗi thị trường, sản phẩm nông nghiệp cũng cần đảm bảo đáp ứng tốt các yêu cầu về chỉ tiêu chất lượng riêng của thị trường đó. Đây được xem là những yếu tố đóng vai trò quyết định đến định hướng và qui hoạch sản xuất từng loại sản phẩm.

Xét trong mối quan hệ thương mại toàn cầu, để tiếp cận thông minh với thị trường xuất khẩu nông sản, sản xuất nông nghiệp Việt Nam cần đầu tư chế biến sâu với những sản phẩm nông sản không còn nhiều dư địa cho xuất khẩu, thay vì tăng khối lượng. Ngược lại, những sản phẩm còn nhiều dư địa cho phát triển xuất khẩu, Việt Nam vẫn có thể đẩy mạnh sản xuất, tăng thêm sản lượng trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới… Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện đa dạng thị trường, kể cả thị trường trong nước cũng giúp sản phẩm nông sản có độ an toàn cao hơn.

Không chỉ tiếp cận thông minh với thị trường, sản xuất nông nghiệp thông minh còn tiếp cận thông minh trong sử dụng nguồn tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp. Tùy vào các điều kiện đặc thù của tự nhiên, việc sử dụng đất phù hợp với từng loại cây trồng và hệ thống cây trồng đã được các địa phương tiến hành rà soát quy hoạch, cơ cấu các loại cây trồng chủ lực, chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế của các vùng, miền, địa phương, nhu cầu thị trường và điều kiện biến đổi khí hậu. Từ đó, đã giúp ngành nông nghiệp thu hoạch được những sản phẩm nông sản đặc sản, có chỉ dẫn địa lý như: Gạo tám (Hải Hậu, Nam Định); vú sữa Lò Rèn (Vĩnh Kim, Châu Thành, Tiền Giang); bưởi da xanh (Bến Tre)… Đối với loại đất phèn, đất mặn bằng các biện pháp canh tác thông minh như: Lên liếp, kết hợp thủy lợi làm ngọt hóa đất đã không chỉ phục vụ trồng được lúa còn có thể trồng cây ăn quả, cây rau, màu. Tại những nơi vùng đất khó cải tạo vùng ven biển để đạt hiệu quả sử dụng đất, sản xuất nông nghiệp thông minh đã thay đổi phương thức canh tác theo các mô hình kết hợp giữa lúa - tôm, tôm - rừng và lúa - cá. Ngoài ra, phương thức tiếp cận thông minh chuyển từ nền sản xuất “dựa vào đất” sang nền sản xuất dựa vào“công nghệ” cũng góp phần giúp cho hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp tăng lên đáng kể.

Tài nguyên nước được coi là một trong những yếu tố quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Để tiếp cận thông minh, Việt Nam đã có sự điều chỉnh cơ cấu sản xuất từ cây trồng sử dụng nhiều nước sang cây trồng có nhu cầu nước ít hơn. Trong sử dụng tiết kiệm nguồn nước, Việt Nam từng bước đưa công nghệ vào sản xuất như: Thiết bị phun tưới được kết nối Internet vận hành thông qua điện thoại; các công nghệ trữ nước, tiết kiệm nước.

Nông nghiệp là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết, do đó tiếp cận nông nghiệp thông minh với khí hậu là phương thức sản xuất nông nghiệp có khả năng ứng phó trong việc giảm thiểu và thích ứng trước những biến đổi cực đoan của thời tiết trên các kỹ thuật tối ưu nhất xét cả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường và được người nông dân chấp nhận. Việt Nam hiện đang áp dụng hệ thống cảnh báo tự động về động đất, lũ, lũ quét, sạt lở đất; xây dựng hệ thống đê ngăn lũ, cống ngăn mặn giữ ngọt; các giải pháp thích ứng chuyển đổi khung thời vụ để hạn chế tối đa thiệt hại do thời tiết, khí hậu cực đoan do hạn, mặn, lũ… gây ra.

Kết hợp với hệ thống cảnh báo, sử dụng các loại vật liệu giảm phát thải khí nhà kính, hay hạn chế rửa trôi chất dinh dưỡng làm ô nhiễm và phú dưỡng nguồn nước như: Than sinh học, phân bón hữu cơ… cũng đang là những phương thức canh tác rất thông minh đem lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua.

Hiện, Việt Nam đang theo đuổi xu hướng phát triển nông nghiệp thông minh với việc chọn lọc các kỹ thuật tiên tiến của cách mạng công nghiệp 4.0 ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp sẽ tùy thuộc vào năng lực và điều kiện, nhất là khả năng đầu tư để lựa chọn công nghệ phù hợp và hiệu quả nhất. Việt Nam cũng vẫn khai thác thành tựu của các cuộc cách mạng trước là cơ giới hóa, điện khí hóa, tự động hóa, công nghệ nano, sinh học phân tử, công nghệ vi sinh vật, chuyển gen, vật liệu mới, năng lượng mới… Tại một số vùng, công nghệ truyền thống, lâu đời vẫn sẽ được khai thác để phù hợp với trình độ phát triển của người dân và không làm tăng thêm đầu tư. Những công nghệ chủ chốt được sử dụng trong ứng dụng nông nghiệp thông minh như: Công nghệ IoT với các cảm biến thu thập dữ liệu chính xác về khí hậu, điều kiện sinh trưởng, sức khỏe của cây trồng/ vật nuôi; công nghệ tự động hóa thông minh với các loại robot, máy bay không người lái dần thay thế con người trong các hoạt động canh tác; các công nghệ mới trong thời gian gần đây như trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain bước đầu được ứng dụng giúp nâng cao năng suất và kiểm soát chất lượng sản phẩm trên toàn chuỗi cung ứng. Những công nghệ này không chỉ hướng tới tăng sản lượng và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên mà còn giảm lãng phí và đảm bảo truy xuất nguồn gốc và chất lượng thực phẩm.

Mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh theo cách tiếp cận thông minh được áp dụng trong thực tiễn đang đem lại hưởng lợi cao cho người nông dân, có thể kể đến các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh và an toàn theo chuỗi liên kết của Hợp tác xã (HTX) Mường Động, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Với quy mô 125ha, dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả tại các xã: Tú Sơn, Đú Sáng, Vĩnh Tiến, Bình Sơn đã giúp người nông dân có đất khi tham gia dự án được HTX cung cấp giống cây trồng, kỹ thuật chăm sóc theo các tiêu chuẩn, quy trình VietGAP giúp nâng cao chất lượng sản phẩm trong và sau khi thu hoạch. Ngoài ra, nhiều đơn vị HTX khác của tỉnh Hòa Bình cũng đã triển khai phát triển nông nghiệp theo xu hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng vào các mô hình như: Trồng rau hữu cơ, phát triển cây ăn quả theo hướng VietGAP... Nhờ đó, sản phẩm của các HTX, doanh nghiệp đã được dán tem truy xuất nguồn gốc. Đà Lạt được biết đến là nơi đi đầu trong việc xây dựng hệ thống trồng rau thủy canh hoàn toàn tự động, phục vụ cho việc cung cấp nông sản sạch và tham quan du lịch. Việc tưới nước cho các vườn hoa Đà Lạt hoàn toàn bằng hệ thống tự động đã được thiết lập sẵn, thiết bị cảm biến cho biết độ ẩm, lượng nước tưới và thời gian tưới.

Là nơi hội tụ đầy đủ điều kiện kinh tế - xã hội để phát triển nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao, Hà Nội hiện đã xây dựng được 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội. Các công nghệ, thiết bị lựa chọn ứng dụng của Hà Nội chủ yếu là thông minh trong việc quản lý, điều khiển môi trường nuôi trồng giúp giảm nhân công lao động, tăng chất lượng và sản lượng nông sản từ việc ứng dụng xây dựng nhà màng, nhà lưới có hệ thống tự động hóa trong điều khiển hệ thống tưới, bón phân, điều chỉnh độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng; hệ thống giám sát có thể phân tích đất đai, dự báo năng suất, phát hiện sâu bệnh, dịch hại. Ứng dụng công nghệ kết nối vạn vật IoT, công nghệ không sử dụng đất, công nghệ Blockchain, công nghệ nhân nuôi tế bào thực vật quy mô công nghiệp sử dụng máy bay không người lái trong bón phân và phòng trừ dịch bệnh…

Giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh trong thời gian tới

Tuy nhiên phát triển nông nghiệp thông minh của Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức như: Thiếu các nghiên cứu về các mô hình quản trị số để thiết kế được các nền tảng phần mềm phù hợp với nhu cầu của các chuỗi giá trị; cơ sở dữ liệu số phục vụ nông nghiệp chưa được thiết kế và số hoá đồng bộ; khả năng cung ứng công nghệ cho nông nghiệp thông minh còn hạn chế; thị trường máy móc, thiết bị nông nghiệp còn chưa phát triển; tỷ lệ tự động hóa trong nông nghiệp chưa cao; mỗi doanh nghiệp cung ứng sản phẩm của một nhà cung cấp khác nhau nên các sản phẩm cho nông nghiệp thông minh trên thị trường chưa đồng bộ hoặc không giao tiếp được với nhau; công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật vẫn chưa theo kịp thực tiễn yêu cầu sản xuất; đầu tư cho phát triển nông nghiệp thông minh còn hạn chế; chưa có cơ chế ưu đãi về tín dụng và đất đai cho phát triển nông nghiệp thông minh…

 Phát triển nông nghiệp thông minh với cách tiếp cận thông minh 1

                    Ảnh minh họa 

Để đạt được các lợi ích lớn từ nông nghiệp thông minh mang lại trong thời gian tới cần triển khai tập trung vào một số giải pháp như:

Một là, nông nghiệp thông minh cần được khuyến khích trong phát triển nông nghiệp dựa trên nghiên cứu về thị trường và các nhu cầu thị trường.

Hai là, Chính phủ cần tiếp tục ban hành những chính sách phù hợp với thực tiễn sản xuất, có khả thi cao nhằm huy động các nguồn lực để thực hiện cuộc cách mạng nông nghiệp thông minh, từ đó chủ động đầu tư công nghệ phù hợp vào mô hình nông nghiệp thông minh (để tạo ra những) sản phẩm nông sản độc đáo, an toàn và có khả năng cạnh tranh cao.

Ba là, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung xây dựng được kiến trúc tổng thể của Chính phủ số và kinh tế số của ngành nông nghiệp. Nghiên cứu thiết kế nền tảng số tập trung và khung cơ sở dữ liệu số cho nông nghiệp, đồng bộ giữa các nhóm ngành nghề theo cơ cấu tổ chức. Cần có đầu mối tập trung ở cấp bộ để thiết kế cấu trúc hệ thống công nghệ thông tin.

Bốn là, tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để chủ động trong quá trình tiếp cận nông nghiệp thông minh. Công tác khuyến nông tập trung vào đào tạo kỹ năng thay đổi mô hình kinh doanh số cho các hợp tác xã, doanh nghiệp.

 Năm là, triển khai xây dựng, thu thập cơ sở dữ liệu trực tuyến nông nghiệp, tích hợp, đồng bộ.

Sáu là, khuyến khích thu hút doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phục vụ nông nghiệp. Trước mắt các công nghệ tự động hoá trong sản xuất nông nghiệp, gắn với nền tảng truy xuất nguồn gốc là những lĩnh vực cần được ưu tiên nghiên cứu để có thể ứng dụng ngay trong thời gian ngắn.

Bảy là, tiếp tục làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao để chủ động trong quá trình tiếp cận nông nghiệp thông minh. Tập trung đào tạo kỹ năng thay đổi mô hình kinh doanh số cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ trang trại cũng như các hộ gia đình.

Tám là, thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế để tiếp thu các công nghệ nông nghiệp thông minh phương thức quản trị số phù hợp của thế giới qua đó giúp tăng năng suất lao động không chỉ mang lại hiệu sản xuất quả cao mà còn tiết kiệm được thời gian./.

Minh Hùng


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top