Phát triển tam nông của Nhật Bản và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

10/06/2019 - 03:05 PM
Từ những kinh nghiệm trong phát triển tam nông ở Nhật Bản
 
Nhật Bản là một quốc gia có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, diện tích nhỏ, dân số lớn, song quốc gia này đã có sự phát triển vượt bậc, trở thành nước có nền kinh tế lớn mạnh, đứng thứ 3 trên thế giới với nền nông nghiệp hiện đại. Đời sống nông dân được bảo đảm, các chính sách an sinh xã hội phát triển. Hiện nay, chỉ có khoảng 3% dân số Nhật làm nông nghiệp nhưng đã cung cấp lương thực, thực phẩm chất lượng cao, đảm bảo cho hơn 127 triệu người dân, đồng thời xuất khẩu nhờ nền nông nghiệp công nghệ cao với chuỗi giá trị hiệu quả.
 
Có thể thấy, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Nhật Bản đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Theo Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam, quá trình đi lên trở thành nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới của Nhật Bản bắt đầu từ những thay đổi ở tầm chính sách vĩ mô từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II. Nhật Bản đã đi từ các bước đầu tiên là cải cách đất nông nghiệp để xây dựng nhà nông tự chủ (trong 16 năm), thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ lúa sang sản phẩm có nhu cầu ngày càng cao trên cơ sở luật pháp (trong 30 năm). Từ những năm 90 của thế kỷ XX, Nhật Bản áp dụng mạnh hơn nguyên lý thị trường trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm hài hoà với đời sống nông thôn. Đặc biệt từ năm 2000 trở đi, Nhật Bản thực hiện theo chính sách nông nghiệp “Takebe” (tên của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp giai đoạn này) hướng tới mục tiêu cung cấp lương thực ổn định, ban hành luật pháp về an toàn thực phẩm, luật pháp về giáo dục chế độ ăn uống, bảo đảm hài hoà giữa thành thị và nông thôn, môi trường nông thôn gần gũi với tự nhiên và xác lập cơ cấu nông nghiệp do doanh nghiệp nông nghiệp hoạt động hiệu quả.
 
Để có được sự thành công trong phát triển nền nông nghiệp gắn với nông thôn và nông   dân, Nhật Bản đã xác định gia tăng giá trị cho người nông dân là nhiệm và quan trọng. Ở mỗi giai đoạn, khi đứng trước những vấn đề mới, phức tạp… Chính phủ Nhật Bản đã giải quyết khá thành công thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, như chính sách về đất đai, đầu tư, tín dụng, lao động, khoa học công nghệ và phát triển nông thôn. Cụ thể, ngay từ khi cải tạo đất nông nghiệp, Chính phủ đã đưa máy móc cỡ lớn vào canh tác để nhà nông có nhiều thời gian nhàn rỗi, làm thêm nghề phụ hoặc làm cho các nhà máy. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản khuyến khích người nông dân tham gia hợp tác xã để đủ tài chính sở hữu các kho trữ lạnh, bảo quản tốt nông sản khi tới tay người tiêu dùng. Từ đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
 
Ngày nay, với tâm thế biến nông nghiệp thành ngành công nghiệp thứ 6 tại Nhật Bản,   Chính phủ đã tạo cơ chế để không chỉ sản xuất thông thường mà còn gia công, chế biến   nhiều sản phẩm khác nhau (kể cả sản phẩm du lịch) từ một loại nông sản. Theo đó, các ý tưởng, hình thức triển khai các hoạt động trong sản xuất nông nghiệp được xuất phát từ việc tìm hiểu và đưa ra các cơ chế biến ý tưởng thành khả thi, xem xét các chính sách khi được ban hành sẽ có lợi cho ai, thực hiện chuyển dịch lực lượng lao động dư thừa trong nông nghiệp thành lợi thế của nhà nông và duy trì đất nông nghiệp tối ưu, đa dạng để nông thôn ngày càng phát triển, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu trong việc áp dụng công nghệ cao để sản xuất nông nghiệp ở mỗi vùng nông thôn.
 
Nhờ việc áp dụng và triển khai nhiều chính sách phù hợp, mang lại hiệu quả trong phát triển tam nông tại Nhật Bản, các nhà nghiên cứu chính sách đã đưa ra một số bài học kinh nghiệm dẫn đến sự thành công đó, bao gồm:
 
Đối với nông nghiệp: Kinh nghiệm phát triển của Nhật Bản cho thấy quá trình công nghiệp hoá tại quốc gia này được khởi đầu bằng một giai đoạn phát triển đột phá của nông nghiệp. Điều này được cho là khá phù hợp với lịch sử phát triển ở các nước phát triển trên thế giới, khi tăng trưởng nông nghiệp luôn là yếu tố thiết yếu cho tiến trình công nghiệp hoá. sự thành công kỳ diệu nhất của quá trình công nghiệp hoá ở Nhật Bản chính là sự gắn kết thành công giữa công nghiệp và nông nghiệp. Trong đó, công nghiệp luôn phục vụ nông nghiệp phát triển và ngược lại, nông nghiệp trở thành thị trường lớn để tích luỹ cho công nghiệp.
 
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đã tập trung đầu tư phát triển khoa học kỹ thuật nông nghiệp với chính sách phát triển sản xuất có chọn lọc và hoàn thiện cơ cấu nông nghiệp.Theo đó, để việc áp dụng khoa học – công nghệ, cơ giới hoá... có hiệu quả, các viện nghiên cứu đã tăng cường liên kết với các trường đại học, các hệ thống khuyến nông, các tổ chức của nông dân để giúp nông dân tiếp cận công nghệ, trang thiết bị tiên tiến giúp tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo nông nghiệp tăng trưởng ổn định.
 
Tiếp đến, Nhật Bản xác định, nông nghiệp giai đoạn đầu thường tăng trưởng dựa trên thành quả của cải cách ruộng đất. Do đó, đảm bảo tốt quyền sở hữu ruộng đất đã tạo động lực và cơ hội bình đẳng cho phần lớn nông dân. Cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật nông nghiệp, cải cách ruộng đất đã thúc đẩy nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, mở rộng việc mua bán nông phẩmtăng nhanh tích luỹ. Các ngành thực phẩm chế biến phát triển, giúp cho người dân sống nông thôn thêm nhiều việc làm, thu nhập được cải thiện, do đó Nhật Bản đã tạo nên một thị trường nội địa đủ lớn cho hàng hoá công nghiệp tích luỹ lấy đà chuyển sang xuất khẩu. Khi sản xuất hàng hoá lớn phát triển, Nhật Bản tập trung đất đai, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển nông hộ lớn hoặc trang trại để tạo điều kiện cơ giới hoá, tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh.
 
Đặc biệt, hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản là đơn vị sản xuất kinh doanh có vai trò rất  quan trọng trong phát triển nông nghiệp, vì đây là tổ chức được thành lập gắn liền với các  hoạt động, đời sống của người nông dân, với mục đích cải thiện đời sống và làm cho cuộc  sống của người nông dân ngày càng được nâng lên. Chính phủ Nhật Bản rất coi trọng thể  chế hoạt động của chuỗi hợp tác xã này, đồng thời ban hành nhiều chính sách giúp đỡ phát triển và mở rộng, nhằm thông qua đó có thể giúp người nông dân thoát khỏi cảnh đói nghèo và cùng tham gia hội nhập vào nền kinh tế thế giới.
 
Ngoài ra, Nhật Bản luôn có chính sách hỗ trợ kịp thời để khuyến khích phát triển nông nghiệp như: Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp các trang thiết bị, vật tư cho nông nghiệp, cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại, cho vay vốn tín dụng,...
 
Đối với nông thôn: Với phương châm “ly nông bất ly hương”, Nhật Bản đã thực hiện thành công việc đưa công nghiệp về nông thôn. Nhật Bản đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng nhà máy, nhằm thu hút được nhiều lao động nông nghiệp. Cùng với chính sách giữ giá nông sản cao, Nhật Bản đã xoá bỏ được khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và đô thị. Đây là một thành công chưa từng có ở các nước công nghiệp hoá trước đây hiện vẫn đang thách thức lớn đối với nhiều quốc gia trong quá trình công nghiệp hoá.
 
Quốc gia này cũng đã tiến hành xây dựng các tổ chức hợp tác xã dựa trên nền tảng làng xã nông thôn, do vậy Nhật Bản đã phát huy được sức mạnh của các tổ chức cộng đồng cư dân nông thôn, lấy sức mạnh cộng đồng biến đổi tâm lý thụ động, chia rẽ, dựa dẫm của cư dân nông thôn thành tinh thần thi đua, ý thức kỷ luật, thói quen hợp tác. Từng bước giao cho hợp tác xã các chức năng xã hội, tham gia thị trường để các hợp tác xã đẩy mạnh các hoạt động mang tính cộng đồng, cải thiện cuộc sống nông thôn ngày một tốt đẹp hơn.
 
 Đối với nông dân: Nhật Bản tạo nhiều điều kiện để nông dân sản xuất giỏi có    thể tích luỹ phát triển quy mô sản xuất, trở thành nông dân chuyên nghiệp sản xuất hàng hoá lớn. Thông qua tổ chức hợp tác, trang bị cho họ kỹ năng sản xuất, quản lý nông hộ, năng lực tiếp thu khoa học – công nghệ và nắm bắt thị trường thành thạo. Ngoài ra, các hợp tác xã và các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp là trợ thủ đắc lực, là công cụ bảo vệ quyền lợi, đào tạo nghề, giúp người nông dân có vị thế trong đời sống chính trị - xã hội.
 
…đến sự vận dụng vào thực tiễn của Việt Nam
 
Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm phát triển đồng bộ toàn diện nông nghiệp, nông thôn, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Đặc biệt, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW Hội nghị Trung ương 7 khóa X về tam nông cũng đã từng bước thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đây là Nghị quyết mang tính lịch sử đầu tiên, đề cập đến toàn diện cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó khẳng định nông dân là chủ thể, xây dựng nông thôn mới là căn bản, phát triển toàn diện nông nghiệp là then chốt. Giải quyết tốt vấn đề tam nông chính là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, không chỉ đến năm 2020 mà còn cho suốt chặng đường phát triển của đất nước.
 
Ngoài ra, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII cũng nhấn mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, phát triển nông  thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa. Chính phủ đã triển khai kế hoạch phát triển tam nông  thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm  nghèo  bền vững. Theo đó, tam nông là vấn đề có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là cơ sở và nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.
 
Hiện nay Chính phủ đã có những chỉ đạo tích cực đối với các giải pháp về: Xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản cho những vùng đặc thù, khó khăn; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản xuất, phấn đấu đến năm 2020 có 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.
 
Vấn đề phát triển tam nông ở Việt Nam đã được gắn kết cùng việc thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm dựa trên hai yếu tố là tổ chức lại sản xuất và tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật. Do vậy, sản xuất nông nghiệp không chỉ phát triển về số lượng mà phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo đó, Chính phủ đã nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong việc dẫn dắt nông dân tổ chức lại sản xuất thông qua các hợp tác xã kiểu mới, các nông trại, gia trại có áp dụng công nghệ cao.
 
Có thể thấy, với nhiều nét tương đồng trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn giữa Việt Nam và Nhật Bản, nên những vấn đề đặt ra đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam hiện nay cũng những vấn đề Nhật Bản đã giải quyết thành công trước đây và hiện tại. Chính vậy, việc học tập những kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Nhật Bản qua đó áp dụng vào điều kiện thực tế tại Việt Namrất thiết thực trong bối cảnh hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng hòa bình và thịnh vượng. Hiện nay, Việt Nam Nhật Bản đang hướng đến triển khai thực hiện Chương trình hợp tác nông nghiệp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm tại Việt Nam trong tầm nhìn trung và dài hạn, với kỳ vọng mục tiêu xây dựng thành cônghình kiểu mẫu về hợp tác nông nghiệp trong khu vực...
 
Đặc biệt, với các cách làm trong triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) hiện nay ở nước ta, được xem là việc tham khảo một trong những kinh nghiệm thành công điển hình trong phát triển tam nông của Nhật Bản từ những năm 80 của thế kỷ XX. Theo đó, bên cạnh việc thực hiện Chiến lược kinh tế-xã hội nói chung, cần chú ý phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, chú trọng các nguồn lực tại chỗ sẵn có làm động lực phát triển như đất đai, tài nguyên, điều kiện địa lý, công nghệ, lòng tự hào dân tộc, cùng khả năng sáng tạo, văn hóa... Bên cạnh đó, các kinh nghiệm về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân ở Nhật Bản, như việc chuyển đổi mô hình bằng cách tăng cường chăn nuôi, trái cây và rau quả, đồng thời ưu tiên phát triển trồng lúa trên quy mô lớn, nhằm nâng cao tính thanh khoản của đất nông nghiệp, cùng các biện pháp nhằm cải thiện năng suất nông nghiệp thông qua việc thành lập các dự án dồn điền đổi thửa, từ đó giảm bớt những hạn chế trong các quy định tiếp nhận các doanh nghiệp nói chung liên quan đến cho thuê đất nông nghiệp… cũng đã giúp cho vấn đề phát triển tam nông ở Việt Nam ngày càng đi vào hiệu quả và thực chất hơn./.

 
Gia Linh

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top