Phát triển xã hội số một trong những trụ cột vững chắc cho quá trình chuyển đổi số quốc gia

29/03/2022 - 09:38 AM
Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số là ba trụ cột của quá trình chuyển đổi số. Không giống như chính phủ số, kinh tế số được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, xã hội số còn là một khái niệm khá mới mẻ. Có thể hiểu, xã hội số là xã hội tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên và mặc định vào mọi mặt đời sống, người dân có khả năng kết nối, tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, từ đó hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, hình thành thói quen số và văn hoá số.

Trong sự bùng nổ mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0, kinh tế số và xã hội số là hai yếu tố không tách rời của quá trình chuyển đổi số cả ở cấp độ quốc gia và cấp độ địa phương. Bởi phát triển kinh tế số mang lại cơ hội kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hình thành xã hội số. Ngược lại, trong phát triển xã hội số, người dân thành thạo kỹ năng số để có thể truy cập và tương tác với các dịch vụ công và tư về tài chính, giáo dục, y tế, giao thông và nhiều tiện ích khác bất kỳ lúc nào và ở bất kỳ đâu bằng công nghệ số, từ đó sẽ hình thành thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ số.

Tại Việt Nam, dù chưa có đánh giá cụ thể song sự phát triển của xã hội số thời gian qua đã được thể hiện khá rõ qua các yếu tố quyền công dân số, cuộc sống số và thương mại số.

Để thực hiện quyền công dân số, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng như phát triển các kênh kỹ thuật, tạo điều kiện cho người dân truy cập các dịch vụ trực tuyến và giao dịch điện tử như truy cập hồ sơ y tế, xin hộ chiếu hoặc giấy phép kinh doanh, nộp thuế... để tăng cường sự tương tác giữa chính phủ, người dân. Theo số liệu tại Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2021 được tổ chức vào tháng 9/2021, trong 2 năm từ tháng 12/2019 đến tháng 9/2021, Cổng Dịch vụ công quốc gia, đã cung cấp 3.096 dịch vụ công (DVC) trực tuyến (trong đó có 1.696 DVC cho công dân, 1.688 DVC cho DN); có trên 1 triệu tài khoản đăng ký; số hồ sơ đồng bộ trạng thái là 72 triệu.

Việt Nam đồng thời xây dựng thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, góp phần thúc đẩy xây dựng xã hội số cùng với Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số. Tháng 11/2021, quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh cũng chính thức được ban hành. Theo lộ trình của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong năm 2022, thực hiện nhóm tiện ích phục vụ công dân số, bảo đảm xác thực 100% các thông tin thiết yếu, quan trọng trên ứng dụng VNEID hoặc qua thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử như: Thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe... từng bước thay thế các giấy tờ của công dân trong một số giao dịch theo quy định pháp luật; cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thương mại phục vụ tiện ích số của công dân trên ứng dụng VNEID như: Dịch vụ cư trú, căn cước công dân, thương mại điện tử, thanh toán điện tử và các dịch vụ khác...

Với sự tiến bộ của công nghệ số, người dân Việt Nam cũng đã và đang “tận hưởng” cuộc sống số. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn ra trong 2 năm vừa qua là một thảm họa toàn cầu, song đây lại là chất xúc tác để người dân làm quen và thích ứng với môi trường làm việc và học tập từ xa qua nhiều ứng dụng như Zoom, Team microsoft, Google Classroom, Google meet… và sử dụng tốt các nền tảng truyền thông xã hội để giao tiếp, trải nghiệm thực tế ảo như zalo, viber... Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), ước tính đến trước tháng 12/2021, có 7,35 triệu học sinh các cấp đang tham gia học trực tuyến. Đến nay, khi dịch bệnh được kiểm soát thì việc học và làm việc trực tuyến hoặc kết hợp trực tuyến vẫn là lựa chọn an toàn để việc học tập, rèn luyện của học sinh, sinh viên cả nước cũng như công việc của người dân không bị gián đoạn.

Bên cạnh đó, cuộc sống số của người dân cũng ngày một phong phú hơn nhờ công nghệ Internet kết nối vạn vật IoT, kết nối thông minh giữa các thiết bị và đồ dùng qua Internet như điện thoại thông minh, máy tính bảng, thiết bị định vị, theo dõi, màn hình và cảm biến cho phép gửi và nhận dữ liệu. Người dân cũng đồng thời trải nghiệm công nghệ giải trí số đa sắc màu qua nền tảng số hóa tự động các loại hình phim, game shows, video, game (trò chơi trực tuyến, trò chơi tương tác), eSports - thể thao điện tử… Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 của Bộ Công Thương, năm 2020, tỷ lệ người dùng internet sử dụng internet để đọc báo lên tới 63%; xem phim, nghe nhạc là 43%; chơi game 19%...
 

Biểu 1: Mục đích sử dụng internet tại Việt Nam, năm 2020

Phát triển xã hội số một trong những trụ cột vững chắc cho quá trình chuyển đổi số quốc gia
                                         Nguồn: Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 của Bộ Công Thương

 
Người dân cũng đang tham gia mạnh mẽ vào thương mại số thông qua việc bán hàng, mua sắm online trên các trang mạng xã hội zalo, facebook,… Thậm chí cả người nông dân cũng đã có mặt trên các sàn điện tử nước ta. Báo cáo“Kinh tế Internet khu vực Đông Nam Á năm 2020" của Google, Temasek và Bain & Company cho biết, trong năm 2020, tỷ lệ người mua sắm trực tuyến mới trong tổng số người mua sắm trực tuyến Việt Nam cao nhất trong khu vực với tỷ lệ là 41%. Còn theo số liệu tại Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2021, số lượng người mua tiêu dùng mua sắm trực tuyến đã tăng nhanh từ 32,7 triệu người năm 2016 lên 49,3 triệu người năm 2020. Tỷ lệ này chắc chắn cao hơn trong năm 2021 vừa qua, bởi mua sắm trực tuyến đang dần trở thành một thói quen mua sắm của người dân Việt Nam.
 

Biểu 2: Số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm trực tuyến,
giai đoạn 2016- 2020

Phát triển xã hội số một trong những trụ cột vững chắc cho quá trình chuyển đổi số quốc gia 1
                                     Nguồn: Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 của Bộ Công Thương

Điều này kéo theo sự tăng trưởng nhanh chóng trong thanh toán điện tử ở người dân. Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến thời điểm cuối quý III/2021, tổng số lượng thẻ nội địa đang lưu hành là 100 triệu thẻ, tổng số lượng thẻ quốc tế đang lưu hành là 21 triệu thẻ. Theo ngân hàng nhà nước Việt Nam, chỉ tính riêng 3 quý đầu của năm 2021, tổng số giao dịch thanh toán nội địa qua Internet và Mobile Banking là trên 1.862 triệu giao dịch với tổng giá trị là 33.714 nghìn tỷ đồng. Tổng số giao dịch thanh toán qua ATM, POS/ EFTPOS/EDC là trên 995,9 triệu giao dịch, với giá trị 2.502 nghìn tỷ đồng.

Sự phát triển của xã hội số là nhờ những yếu tố nền tảng chính như: Hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin, kết nối internet và công nghệ di động. Thực hiện chương trình chuyển số quốc gia, những năm qua, các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng và triển khai các chính sách phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng số để làm tiền đề thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đến năm 2020, hạ tầng viễn thông quốc gia đã phủ rộng khắp toàn quốc, kể cả ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Chất lượng hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông ngày càng được nâng cao. Hệ thống băng thông rộng được phát triển mạnh. Theo thống kê của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), từ tháng 1/2020 đến tháng 10/2021, lưu lượng internet băng rộng (gồm di động và cố định) của nước ta đã tăng hơn 40%. Tại thời điểm giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 ở nhiều địa phương tháng 8/2021, tăng trưởng lưu lượng internet băng rộng di động lên tới 95%. Cuối năm 2021, các nhà mạng có 70,9 triệu thuê bao băng rộng di động (tăng hơn 4% so với năm 2020) và 18,79 triệu thuê bao băng rộng cố định (tăng 14,59% so với năm 2020). Số liệu từ Cục Viễn thông cũng cho thấy, đến tháng 10/2021, cả nước có gần 71 triệu người sử dụng internet (chiếm hơn 2/3 dân số). Đây là tài nguyên có giá trị lớn phục vụ cho phát triển xã hội số nước ta. Cùng với mạng tốc độ cao, sự phát triển của công nghệ di động với hàng loạt sản phẩm điện thoại thông minh cũng tạo điều kiện cho người dùng truy cập các dịch vụ kỹ thuật số một cách thuận tiện và an toàn. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong năm 2020, tỷ lệ người dùng truy cập internet qua điện thoại di động lên tới 94% với thời lượng truy cập trung bình mỗi ngày khá cao.

Tuy nhiên, xã hội số Việt Nam cũng đang đối mặt với những tồn tại, hạn chế và thách thức lớn như: Hệ thống thể chế, pháp luật chưa hoàn thiện; Kỹ năng số và nguồn nhân lực số chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của kinh tế số và xã hội số. Hiện đang có độ “trễ” trong cập nhật mô hình, giải pháp về xây dựng một xã hội số, xã hội siêu thông minh cũng như kịch bản có tính hệ thống nhằm thích ứng với những yêu cầu cấp bách, thách thức đặt ra từ quá trình biến đổi xã hội.

Phát triển xã hội số một trong những trụ cột vững chắc cho quá trình chuyển đổi số quốc gia
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Bên cạnh đó, xã hội số mang đến những tiện nghi mới mẻ và hiện đại cho cuộc sống, nhưng cũng tạo ra những thách thức đe dọa đến những quyền căn bản nhất và sự an toàn của chính bản thân con người trong thế giới thực và thế giới số, như an ninh mạng, lừa đảo, tội phạm công nghệ cao, bảo mật đời tư… Mặt khác, xã hội số đã và đang tạo ra những chuyển biến nhanh chóng, sâu sắc về thang bậc hệ giá trị, chuẩn mực văn hóa - xã hội. Đặc biệt, một bộ phận xã hội, nhất là nhóm trẻ, có những suy nghĩ lệch lạc về giá trị đạo đức, giá trị văn hóa gia đình và dân tộc…

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang gấp rút hoàn thiện, trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Dự thảo của Chiến lược đã đưa ra những mục tiêu cho xã hội số. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025:
(i) Phát triển dữ liệu số là cơ sở dữ liệu quốc gia về người dân, doanh nghiệp, đất đai đạt 100%.
(ii) Phát triển danh tính số, tỉ lệ dân số có danh tính số đạt 70%; mỗi danh tính số trung bình phát sinh 100 lượt sử dụng mỗi năm.
(iii) Phát triển thanh toán số, tỉ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt 80%; tỉ lệ thanh toán thương mại điện tử không dùng tiền mặt đạt 50%; tỉ lệ thanh toán hóa đơn điện, nước không dùng tiền mặt đạt 75%.
(iv) Phát triển kỹ năng số, tỉ lệ công nhân tuyển dụng mới được đào tạo kỹ năng số đạt 70%; tỉ lệ công nhân được đào tạo lại, đào tạo nâng cấp kỹ năng đạt 70%; tỉ lệ nông dân được đào tạo về kỹ năng số cơ bản đạt tối thiểu 50%; tỉ lệ học sinh phổ thông, sinh viên được đào tạo kỹ năng số đạt 100%; Tỉ lệ người dân có khả năng sử dụng các kỹ năng số cơ bản đạt 70%; Tỉ lệ người dân mua hàng trên các sàn thương mại điện tử đạt 90%.
(v) Phát triển nhân lực số: Tỉ lệ học sinh phổ thông tiếp cận với STEM/STEAM đạt 70%; Tỉ lệ sinh viên ngành đào tạo liên quan đến STEM/STEAM đạt 30%; Tổng số nhân lực công nghệ số Việt Nam đạt 1,5 triệu người; Triển khai thí điểm 05 đại học số tại Việt Nam.
Dự thảo cũng đưa ra hàng loạt các quan điểm và giải pháp để thực hiện các mục tiêu trên. Ví dụ như, phát triển kỹ năng số theo định hướng phổ cập kỹ thuật số toàn diện để hình thành nên một xã hội số công bằng và bao trùm, khơi dậy tiềm năng, sự tự hào Việt Nam và niềm tin của người dân trên không gian số. Theo đó, sẽ xây dựng và tổ chức triển khai khung đào tạo kỹ năng số quốc gia hướng tới phổ cập kỹ năng số trong toàn dân; xây dựng nền tảng học trực tuyến mở (MOOC) về kỹ năng số phù hợp với Khung đào tạo kỹ năng số quốc gia. Tập trung phát triển kỹ năng số cho người dân thông qua việc tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các dịch vụ số mà trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến và các loại hình dịch vụ số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại điện tử. Đồng thời, xây dựng phương pháp đo lường kỹ năng số, khoảng cách số phù hợp với thông lệ quốc tế. Hàng năm thực hiện đánh giá, công bố và có phương án cải thiện các chỉ số này ở cấp quốc gia và địa phương. Để phát triển kỹ năng số, theo lộ trình của Chiến lược dự thảo, ngay từ năm 2022, các Bộ, ngành và địa phương sẽ tập trung xây dựng và tổ chức triển khai Khung đào tạo quốc gia về công nghệ số, kinh tế số và xã hội số; xây dựng và triển khai Chuẩn kỹ năng số cho người sử dụng; tổ chức đào tạo, phát triển kỹ năng số cho người dân và người lao động trong các doanh nghiệp, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước; đồng thời tổ chức giáo dục kiến thức, kỹ năng số trong các cơ sở giáo dục các cấp…

Đối với phát triển nhân lực số, tập trung phát triển nhân lực công nghệ số đáp ứng kỹ năng mới liên quan đến điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, kiến trúc hệ thống, kỹ nghệ phần mềm, thiết kế giao diện và trải nghiệm người dùng, an toàn, an ninh mạng. Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Rà soát, sửa đổi quy định, chính sách để đảm bảo tỷ lệ tối thiểu thời lượng đào tạo trực tuyến trong tổng thời gian đào tạo; Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai thí điểm mô hình Đại học số đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, an toàn, an ninh mạng; Xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình STEM/STEAM trong giáo dục phổ thông với lộ trình triển khai cụ thể; Xây dựng mạng lưới hệ thống thư viện điện tử, các nền tảng tài nguyên giáo dục mở, thí điểm xây dựng và triển khai chương trình sách giáo khoa mở; Xây dựng và tổ chức triển khai Nền tảng Quản lý nội dung học tập quốc gia dùng chung cho các cơ sở đào tạo tại các cấp học…

Việt Nam có quy mô dân số đông, gần 100 triệu dân và vẫn đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, có lực lượng lao động lớn. Cùng với đó, số người dùng Internet và điện thoại thông minh tiếp tục có xu hướng tăng nhanh, người dân có sự thích ứng nhanh với những thay đổi. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy phát triển xã hội số theo lộ trình Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sau khi được Chính phủ phê duyệt, góp phần thực hiện mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.
Bích Ngọc

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top