Phòng vệ thương mại ở các nước CPTPP

23/06/2022 - 03:09 PM

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đem lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, nhất là những ưu đãi về thuế quan. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, CPTPP cũng đem lại thách thức khiến hàng hóa Việt Nam có thể phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) khi cạnh tranh với hàng hóa sản xuất của các nước đối tác vốn dĩ luôn nhận được nhiều ưu đãi. Vì vậy, việc nắm vững các kiến thức, thông tin về phòng vệ thương mại ở các nước CPTPP được cho là cần thiết để hỗ trợ cũng như bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập nhằm thiết lập môi trường cạnh tranh lành mạnh.


Với việc tham gia Hiệp định CPTPP, Việt Nam trở thành đối tác của 10 thành viên khác, đó là: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore. CPTPP đã chứng tỏ được sức hút mạnh mẽ khi có những nền kinh tế lớn như Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc… bày tỏ mong muốn và nộp đơn xin gia nhập. Đối với Việt Nam, sau hơn 3 năm kể từ khi có hiệu lực, Hiệp định CPTPP đã chứng minh những tác động rõ rệt đối với hoạt động xuất nhập khẩu. Ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng với dịch bệnh Covid-19, thương mại Việt Nam vẫn duy trì được xuất siêu và đạt được những tăng trưởng đáng ghi nhận. Năm 2021, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với 10 nước CPTPP đạt 91,29 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 45,71 tỷ USD, nhập khẩu đạt 45,58, xuất siêu 122,09 triệu USD. Nhật Bản giữ vai trò là đối tác thương mại ở cả 2 chiều xuất nhập khẩu lớn nhất trong nhóm CPTPP của Việt Nam với tổng kim ngạch trị giá 42,77 tỷ USD, chiếm 46,84% tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu trong khối. Tuy nhiên, tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP phát triển cũng đồng nghĩa với việc các quốc gia sẽ tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ những mặt hàng sản xuất trong nước.

So với 3 biện pháp PVTM cơ bản (tự vệ toàn cầu, chống bán phá giá và chống trợ cấp), các thành viên CPTPP đã đàm phán bổ sung 2 biện pháp phòng vệ thương mại nữa là: Biện pháp tự vệ trực tiếp và biện pháp khẩn cấp đối với hàng dệt may. Do đó, Hiệp định CPTPP có tất cả 5 biện pháp PVTM giúp các doanh nghiệp sản xuất của nước sở tại có căn cứ để cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia nội khối. Việc nghiên cứu, nắm rõ các quy định PVTM của các nước đối tác thương mại nói chung và các nước đối tác là thành viên CPTPP nói riêng đóng vai trò quan trọng giúp cho các doanh nghiệp có liên quan có thể theo dõi cũng như hợp tác với cơ quan có thẩm quyền trong quá trình điều tra trong trường hợp xảy ra vụ việc phòng vệ. Theo WTO, tính đến hết năm 2020, 10 nước CTTPP (trừ Việt Nam) đã khởi xướng điều tra 1.108 vụ việc chống bán phá giá, 146 vụ việc chống trợ cấp, 40 vụ việc tự vệ. Trong số các vụ việc được khởi xướng vừa nêu, có 644 vụ việc chống bán phá giá, 77 vụ việc chống trợ cấp và 13 vụ việc tự vệ được áp dụng. Số lượng biện pháp được áp dụng chiếm khoảng 50% số vụ việc được khởi xướng điều tra đã cho thấy, các thành viên đối tác CPTPP đang tỏ ra khá thận trọng trong việc áp dụng biện pháp PVTM nhằm đảm bảo tuận thủ các cam kết quốc tế về lĩnh vực này. Singapore và Brunei chưa từng điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, còn 8 đối tác khác đều đã có kinh nghiệm sử dụng các công cụ PVTM. Riêng Brunei không nội luật hóa các quy định về PVTM cũng như không thành lập cơ quan chuyên trách điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, còn hầu hết các thành viên còn lại đã chủ động xây dựng các văn bản pháp luật nhằm thực thi các cam kết về phòng vệ thương mại. Đứng đầu về số lượng vụ việc PVTM phải kể đến Úc, Canada, Mexico, Malaysia. Điều này cũng chứng tỏ các quốc gia này có khá nhiều kinh nghiệm trong xử lý các vụ việc PVTM.
 
 Hình 1: Số lượng vụ việc điều tra của các đối tác CPTPP với
hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam theo năm
 
Phòng vệ thương mại ở các nước CPTPP
Nguồn: trungtamwto.vn
  
Với Việt Nam, số lượng các vụ việc điều tra của các đối tác CPTPP đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2021 có sự gia tăng so với giai đoạn trước đó. Điều này khẳng định một thực tế là mức độ chủ động và năng lực điều tra PVTM của các thành viên CPTPP đang ngày càng nâng cao. Các quốc gia đang có xu hướng quan tâm và tích cực sử dụng các công cụ PVTM nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước xu hướng toàn cầu hóa thương mại ngày càng mạnh mẽ. Việt Nam hiện mới là đối tượng điều tra PVTM của 4 đối tác CPTPP. Tuy nhiên, con số này có thể tăng lên nhiều hơn nữa trong quá trình hội nhập kinh tế, nhất là với một số đối tác như Nhật Bản, Chile và New Zaeland là những thành viên rất tích cực sử dụng công cụ PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Tính đến hết năm 2021, các đối tác CPTPP đã khởi xướng 43 vụ việc PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, chiếm 20% trên tổng số 208 vụ việc PVTM được khởi xướng bởi các nước thành viên WTO. Biện pháp chống bán phá giá được khởi xướng nhiều nhất với 30 vụ việc, chống trợ cấp 10 vụ việc và 3 vụ việc tự vệ. Các vụ việc PVTM này đến từ 4/10 quốc gia của khối CPTPP đó là Úc, Canada, Malaysia và Mexico, trong đó, Úc và Canada là hai quốc gia có số lượng lớn các vụ điều tra PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam với lần lượt 16 và 15 vụ việc được khởi xướng điều tra. Da giầy được nhận định là một trong những ngành chịu rất nhiều ảnh hưởng từ CPTPP do Hiệp định này quy định tỷ lệ nguyên liệu nội khối trong sản phẩm lên đến 45-55%.

Trước thực trạng có thể đối mặt với biện pháp PVTM từ các đối tác trong khối CPTPP, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị, hướng dẫn về lĩnh vực phòng vệ thương mại để có ứng phó phù hợp trong trường hợp bị các nước thành viên của Hiệp định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Trước tiên, doanh nghiệp cần có những rà soát và cảnh báo sớm về nguy cơ điều tra các vụ việc PVTM bằng cách nghiên cứu về thị trường xuất khẩu cũng như theo dõi về lượng nhập khẩu hàng hóa xuất khẩu để chủ động có những phân tích cảnh báo cho mình. Việc theo dõi xu hướng điều tra áp dụng các biện pháp PVTM của các nước trên thế giới và các nước xuất khẩu đối tác cũng rất quan trọng do một số thị trường áp dụng biện pháp PVTM với một loại hàng hóa cụ thể có thể dẫn đến việc các thành viên khác cũng xem xét điều tra áp dụng biện pháp PVTM đối với sản phẩm đó.

Ngoài ra, việc tham gia ứng phó một vụ việc PVTM sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực, vì vậy doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược ứng phó phù hợp để đạt được hiệu quả và tránh làm ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp cần cân nhắc, tính toán một số vấn đề, đặc biệt là về nguồn lực cho quá trình ứng phó vụ việc như: Chi phí tiếp cận thị trường cũng như lợi ích kỳ vọng đạt được, chi phí cần thiết để tham gia ứng phó vụ việc, tiên lượng mức độ thiệt hại khi biện pháp PVTM được áp dụng. Khi xảy ra vụ việc điều tra, doanh nghiệp cần phối hợp tham gia đầy đủ vì lợi ích của bản thân doanh nghiệp và lợi ích chung của toàn ngành. Bởi việc doanh nghiệp không tham gia vụ việc điều tra hoặc tham gia không đầy đủ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến thuế suất toàn quốc.

 
Phòng vệ thương mại ở các nước CPTPP 1
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Một lưu ý quan trọng nữa đó là quá trình tham gia vụ việc PVTM, doanh nghiệp cần có sự phối hợp với các bên liên quan. Cụ thể, Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công thương là cơ quan đầu mối thông tin, tham vấn pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tham gia vụ việc điều tra PVTM. Doanh nghiệp cần thường xuyên trao đổi và phối hợp, hợp tác với Cục để đảm bảo việc trả lời các câu hỏi hiệu quả, thống nhất, nhất là với các tham vấn, biện luận gửi tới cơ quan điều tra. Với các thông tin của đối tác nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam có thể phối hợp, liện hệ với Thương vụ Việt Nam tại nước nhập khẩu tiến hành điều tra để có được nguồn thông tin chính thống. Ngoài ra, việc phối hợp với hiệp hội và doanh nghiệp cùng ngành cũng giúp tạo sức mạnh đoàn kết, giúp các doanh nghiệp chia sẻ chi phí cũng như kinh nghiệm trong quá trình ứng phó vụ việc.

Để xảy ra điều tra vụ việc PVTM là điều không quốc gia nào mong muốn, tuy nhiên, để tránh những thiệt hại có thể xảy ra khi bị khởi xướng điều tra, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng mọi mặt để có thể ứng phó phù hợp trong trường hợp bị các nước thành viên CPTPP nói riêng và các đối tác thương mại quốc tế nói chung khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp PVTM. Song song với đó, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực nội tại, đáp ứng đúng, đủ các yêu cầu nhất là các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ và tỷ lệ nội hàm… để tận dụng triệt để lợi ích, ưu đãi của Hiệp định cũng như tránh được việc bị đối tác khởi xướng điều tra vụ việc PVTM./.

 
TS. Nguyễn Văn Giao - ThS. Lưu Thị Duyên
Đại học Thương mại

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top