Phú Thọ - Đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát triển toàn diện và bền vững

18/10/2022 - 10:28 PM
Trong 5 năm giai đoạn 2016-2020, với sự lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND các cấp, cùng sự cố gắng hết mình của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận của nhân dân, kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ đã có bước phát triển vượt bậc, đạt được những thành tựu to lớn. Đặc biệt, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh được cải thiện mạnh mẽ, góp phần thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng đất tổ - Phú Thọ.
 

Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nổi bật là động lực cho tăng trưởng

Giai đoạn 2016-2020, Phú Thọ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm trong điều kiện có những yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen, diễn biến phức tạp hơn so với dự báo, đặc biệt vào năm cuối giai đoạn kế hoạch, đại dịch Covid-19 chưa từng có trong lịch sử xảy ra trên toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh đó, nhờ sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, nhất là trong năm 2020 vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, về tổng thể trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, kết quả Tỉnh đạt được khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, được nhân dân tin tưởng, ghi nhận và đánh giá cao. So với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 08/2015/NQ-HĐND ngày 14/12/2015 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2016- 2020, có 14/17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.


Thành phố Việt Trì ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Hồ Văn Lang, thành phố Việt Trì

Theo đó, kinh tế của Tỉnh tiếp tục tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2016-2020 đạt 7,58%; trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,68%, công nghiệp - xây dựng tăng 10,84%, dịch vụ tăng 6,79%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng của công nghiệp và dịch vụ. Hết năm 2020, cơ cấu GRDP ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 36,5%, dịch vụ 40,5%, nông, lâm nghiệp 23% (tỷ lệ cơ cấu tương ứng năm 2015 là 33,5%-42,4% và 24,1%). Kết quả thực hiện hết năm 2020, tiếp tục khẳng định tỉnh Phú Thọ duy trì tốp đầu về tốc độ phát triển so với các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc; đứng thứ 2 về các chỉ tiêu: Số lượng doanh nghiệp, lực lượng lao động và số xã đạt chuẩn nông thôn mới; đứng thứ 3 về các chỉ tiêu: Quy mô GRDP theo giá hiện hành, chỉ số PCI, thu hút vốn FDI, kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ hộ nghèo và đứng thứ 4 về thu ngân sách nhà nước.


Thanh Sơn Riverside Garden tạo nên sức sống mới cho huyện Thanh Sơn nói riêng, tỉnh Phú Thọ nói chung

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2020 tăng 1,54 lần so năm 2015, tốc độ tăng bình quân 14,8%. Chi ngân sách bình quân tăng 6,5%/năm, cơ bản đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển và sự nghiệp kinh tế. Nguồn vốn đầu tư toàn xã hội tăng trưởng khá, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 128,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,92 lần so với giai đoạn trước; cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch tích cực, giảm tỷ trọng vốn nhà nước từ 33% năm 2015 xuống 20% năm 2020 và tăng tỷ trọng vốn ngoài nhà nước từ 59% lên 61% năm 2020. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư nhanh, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối với các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ tăng cường liên kết vùng. Hạ tầng khu, cụm công nghiệp tiếp tục được đầu tư đồng bộ, tạo quỹ đất sạch để thu hút dự án mới. Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp theo hướng đa mục tiêu. Hạ tầng năng lượng được đầu tư, cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất và tiêu dùng xã hội. Hạ tầng thông tin và truyền thông phát triển khá hiện đại, tạo nền tảng để phát triển nhanh chóng thương mại điện tử và hỗ trợ các dịch vụ công trực tuyến. Hạ tầng giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hoá, thể thao, du lịch được quan tâm đầu tư.


Cao tốc Nội Bài - Lào Cai tạo động giao thương hàng hóa giữa tỉnh Phú Thọ với các vùng miền

Đặc biệt, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tập trung hỗ trợ các thủ tục đầu tư hành chính, cắt giảm rút ngắn thời gian giải quyết, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng, mặt bằng sản xuất kinh doanh; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, ngành, môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Phú Thọ có nhiều tiến bộ; kết quả đánh giá, xếp loại chỉ số PCI tăng 13 bậc so với năm 2015, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 3 trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc; chỉ số cải cách hành chính PAR Index tăng từ vị trí 11/63 năm 2015 lên vị trí thứ 10/63 năm 2020.

Hoạt động thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, nổi bật là số dự án, quy mô dự án cao hơn so giai đoạn trước; trong 5 năm đã thu hút 746 dự án đầu tư, vốn đầu tư 105,5 nghìn tỷ đồng (658 dự án đầu tư trong nước); 88 dự án đầu tư FDI, vốn đăng ký 847,8 triệu USD (nâng tổng số dự án lên 181 dự án, vốn đăng ký 1.670 triệu USD), đến hết năm 2020, có 426 dự án đi vào hoạt động (373 dự án DDI, 53 dự án FDI), nhiều dự án hoạt động sản xuất có hiệu quả, đóng góp tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, tăng kim ngạch xuất khẩu. Việc đầu tư phát triển khu đô thị, khu dân cư nông thôn mới được quan tâm, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai 80 dự án xây dựng khu đô thị, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; đến nay một số dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo ra diện mạo đô thị khang trang, văn minh, hiện đại.

Khu công nghiệp Phú Hà, thị xã Phú Thọ là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư

Các hoạt động văn hoá - xã hội tiếp tục phát triển; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách cho các đối tượng an sinh xã hội. Hoạt động khoa học công nghệ được chú trọng; quản lý tài nguyên và môi trường có nhiều chuyển biến. Công tác cải cách hành chính, thi hành pháp luật được tăng cường và thực hiện có hiệu quả; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được chú trọng. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh trong giai đoạn mới

Tập trung thực hiện khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; xác định lợi thế trong các ngành và lĩnh vực để ưu tiên đầu tư, tạo ra sự phát triển nhanh, bền vững là một trong những mục tiêu chung của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ 5 năm giai đoạn 2021-2025. Chính vì vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã tham mưu, xây dựng kế hoạch cụ thể về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong giai đoạn này. Theo đó, Tỉnh xác định quan điểm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh phải được khẳng định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là mục tiêu hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cơ sở; là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, thống nhất; tạo thuận lợi, giảm chi phí cho tổ chức, cá nhân, tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh chung của tỉnh.


Người lao động trong phân xưởng sản xuất của Công ty TNHH JNTC Vina - Khu Công nghiệp Thụy Vân,
thành phố Việt Trì

Mục tiêu chung của tỉnh Phú Thọ là tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thân thiện để thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Tập trung phát triển công nghiệp và một số lĩnh vực dịch vụ, du lịch; tạo động lực, bước đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt từ 7,5% trở lên; cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng 40,5%; Dịch vụ 41,5%; Nông - lâm nghiệp - thủy sản 18%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt trên 160 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với giai đoạn trước; thu hút vốn FDI đăng ký 2- 2,5 tỷ USD. Đến năm 2025 có khoảng 11.000 doanh nghiệp, tăng bình quân 12%/năm, trong đó có 220 doanh nghiệp FDI. Phấn đấu đến năm 2025 tạo việc làm mới cho 40-50 nghìn lao động. Chỉ số PCI đến năm 2025 xếp hạng nhóm 15/63; chỉ số PAR Index duy trì xếp hạng nhóm 15-20/63; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), tỷ lệ hài lòng chung đạt tối thiểu 90%, chỉ số PAPI xếp trong nhóm “Trung bình cao” phấn đấu đạt ở nhóm “cao nhất” của cả nước.


Dây chuyền sản xuất sản phẩm mì gói của Công ty TNHH Paldo Vina (Hàn Quốc), CCN Đồng Lạng,
huyện Phù Ninh

Theo đó, để đạt được các mục tiêu đề ra, các cấp, các ngành cần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 61-NQ/TU ngày 13/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh giai đoạn 2021-2025; trong đó, cần tập trung để hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau: (1) Công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, hiệp hội doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. (2) Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao tính năng động, tiên phong, quyết tâm của lãnh đạo các cấp, các ngành và nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ. (3) Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý. (4) Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tạo bước đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm, phát triển công nghiệp và các ngành dịch vụ, du lịch. (5) Nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. (6) Chú trọng làm tốt công tác quy hoạch; hoàn thiện sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, thu hút đầu tư. (7) Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, tổ chức lại mô hình, đổi mới nội dung xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. (8) Đảm bảo về an ninh trật tự để tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại. Tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước.


Các đại biểu dự Hội nghị xuc tiến đầu tư giữa tỉnh Phú Thọ và các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Ảnh: TTXVN

Năm 2022 là năm bứt phá để thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, tuy nhiên, Phú Thọ cũng như các tỉnh trên cả nước chịu tác động ít nhiều từ các cuộc xung đột chính trị quân sự, mối nguy cơ về suy thoái toàn cầu cùng các cuộc khủng hoảng lương thực, năng lượng, khí hậu gây ra khó khăn trong quá trình phát triển. Vì vậy, để làm tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra, Phú Thọ cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị Tỉnh, sự đồng lòng góp sức của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn cũng như sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của Trung ương. Tin tưởng rằng, với những nền tảng đã xây dựng được, Phú Thọ sẽ vượt qua khó khăn và hoàn thành tốt các mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra./.

Trịnh Thế Truyền
Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh,
   Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top