6 tháng đầu năm 2024, nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp của Chính phủ nên về cơ bản kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ duy trì ổn định và đạt được nhiều kết quả tích cực. Sản xuất nông nghiệp đảm bảo tiến độ, công nghiệp tăng trưởng cao, các hoạt động thương mại - dịch vụ đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, chỉ số giá được kiềm chế.
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 (theo giá so sánh năm 2010) ước tăng 8,16% so với cùng kỳ năm trước, đạt tốc độ tăng cao nhất của 6 tháng đầu năm các năm 2020 - 2023[1] (từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025). Trong mức tăng chung của nền kinh tế địa phương, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,17%, đóng góp 0,63 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 13,49%, đóng góp 5,03 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 5,73%, đóng góp 2,08 điểm phần trăm; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) tăng 6,42%.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
Hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản diễn ra trong điều kiện thời tiết cơ bản thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng; chăn nuôi có nhiều tín hiệu tích cực nhờ giá bán sản phẩm tăng; hoạt động lâm nghiệp, thủy sản cơ bản giữ ổn định.
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ đông xuân đạt 65,3 nghìn ha, tương đương cùng vụ năm trước. Năng suất, sản lượng các loại cây vụ đông xuân đạt khá và tăng so với cùng kỳ. Sản lượng hạt lương thực ước đạt 278,7 nghìn tấn, tăng 1%. Sản lượng rau xanh ước đạt 182,2 nghìn tấn, tăng 3,04% so với vụ đông xuân năm 2023. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 110,7 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ.
Tổng diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 8,2 nghìn ha, tăng 1,3%; tổng sản lượng gỗ khai thác các loại ước đạt 484,3 nghìn m3, tăng 3,2%. Tổng diện tích mặt nước thực tế nuôi trồng thuỷ sản ước đạt khoảng 8,5 nghìn ha, tăng 0,8%; Sản lượng thuỷ sản ước đạt 20,7 nghìn tấn, tăng 3,3%.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao nhờ sự đóng góp đáng kể của một số doanh nghiệp quy mô lớn mới đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm truyền thống bước đầu phục hồi đã góp phần tăng trưởng chung toàn ngành, đạt mức 14,58% so với cùng kỳ (tăng chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức 15,51%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2024 tăng 33,84% so với cùng kỳ, xếp thứ 03/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao nhất đạt 35,09%. Các ngành cấp 2 đóng vai trò chính thúc đẩy tăng trưởng toàn ngành công nghiệp gồm: Sản xuất thiết bị điện gấp hơn 28 lần (do có năng lực mới) so cùng kỳ; Sản xuất đồ uống tăng 69,19%; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 45,69%; Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 20,68%; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) tăng 19,28%; Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 14,95%…
Cùng với đó, hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, không xảy ra tình trạng dư thừa hàng hoá, sốt giá và hàng giả, hàng kém chất lượng.
6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn Tỉnh ước đạt 27,8 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ ước đạt 22,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 82,6% tổng mức, tăng 15,7%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 2,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,5% tổng mức, tăng 11,8%; doanh thu dịch vụ lữ hành và dịch vụ khác ước đạt 1,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,9% tổng mức, tăng 4,6%.
Tổng doanh thu vận tải ước đạt 3,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ. Sản lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 26,3 triệu tấn, tăng 4,8%; sản lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 2.837,7 triệu tấn.km, tăng 4,5%. Sản lượng hành khách vận chuyển ước đạt 8,5 triệu lượt hành khách, tăng 4,7%; sản lượng hành khách luân chuyển ước đạt 547,9 triệu lượt hành khách.km, tăng 9,5%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 4,36% so với cùng kỳ, tăng giá ở hầu hết các nhóm hàng hóa: Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 8,73%; hàng hoá và dịch vụ khác tăng 6,8%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 5,71%; đồ uống và thuốc lá tăng 5,53%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 5,5%; văn hoá, giải trí và du lịch tăng 2,71%; giao thông tăng 1,94%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,36%; giáo dục tăng 0,82%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,3%. Riêng nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,39%…
Trong 6 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ; tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa ước đạt 6,9 tỷ USD, tăng 80,8%.
Tình hình thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn Tỉnh trong 6 tháng nhìn chung ổn định. Tổng giá trị vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 21,5 nghìn tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Trong đó: Vốn đầu tư của dân cư và tư nhân ước đạt 12,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 60,4% tổng vốn, tăng 13,8%; vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước ước đạt 4,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,4% tổng vốn, tăng 9,7%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 4,1 tỷ đồng, chiếm 19,2% tổng vốn, tăng 22,6%.
Sau 6 tháng đầu năm, hoạt động xây lắp tăng trưởng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó giá trị xây lắp nhà ở tăng 7,2%; giá trị xây lắp nhà không để ở tăng 31,8%; giá trị xây lắp công trình kỹ thuật dân dụng tăng 9%; hoạt động xây dựng chuyên dụng giảm 10%.
Có thể nói, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có nhiều khởi sắc. Các chỉ số về tăng trưởng kinh tế, công nghiệp, xuất khẩu tăng cao; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung toàn Tỉnh - cao nhất từ đầu nhiệm kỳ tới nay./.
Nguyễn Hiền Minh
Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ
[1] Tốc độ tăng GRDP 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm 2020-2023 lần lượt là: 1,24%; 6,22%; 7,80%; 7,22%.