Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 (Chương trình MTQG 1719) là quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển toàn diện vùng DTTS&MN. Tại tỉnh Phú Thọ, Chương trình này đang được tích cực triển khai, từng bước thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS so với bình quân chung của Tỉnh.

Chương trình MTQG 1719 đã và đang góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào DTTS
tỉnh Phú Thọ
Thực hiện đồng bộ các nội dung trọng tâm
Triển khai Chương trình MTQG 1719, tỉnh Phú Thọ đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, chung tay, góp sức của các tầng lớp Nhân dân để thực hiện hiệu quả Chương trình. Trong giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn huy động, phân bổ thực hiện Chương trình MTQG 1719 tại tỉnh Phú Thọ là 1.736 tỷ đồng. Toàn Tỉnh đã giải ngân trên 560 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và trên 200 tỷ đồng vốn sự nghiệp (bao gồm cả vốn Trung ương và địa phương). Đến nay, 100% xã có điện lưới quốc gia; 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã. Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS và miền núi của Tỉnh năm 2023 đạt 37,4 triệu đồng/người; hộ nghèo giảm 1,3%; người DTTS tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 96%.
Tại huyện Thanh Sơn, nơi có 61% dân số là đồng bào DTTS, từ nguồn vốn 219 tỷ đồng của Chương trình MTQG 1719, huyện đã linh hoạt lồng ghép và đầu tư xây dựng 159 công trình hạ tầng thiết yếu. Trong đó, làm mới trên 12km đường giao thông; cải tạo, nâng cấp trên 159km đường; xây mới 46 cây cầu, 241 công trình thủy lợi… Cùng với đó, huyện hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho 1.879 hộ dân; sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư xã Khả Cửu; hỗ trợ người dân phát triển kinh tế với hàng trăm mô hình kinh tế đồi rừng quy mô lớn... Nhờ đó, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Thanh Sơn giảm còn 7,69%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 7,64%.

Công trình cầu vượt lũ Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu đi lại, sinh hoạt và trao đổi giao thương hàng hóa của Nhân dân
Tại huyện Tân Sơn, năm 2024 huyện được giao gần 223 tỷ đồng để thực hiện Chương trình MTQG 1719. Đến nay, việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án cơ bản đảm bảo theo kế hoạch đề ra, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình MTQG 1719 đã đạt kết quả khả quan. Đặc biệt, hạ tầng, giao thông, như cầu, đường giao thông đến trung tâm xã, đường giao thông nông thôn cơ bản đã đảm bảo thông suốt, 100% các xã có đường nhựa đến trung tâm; tỷ lệ giao thông nông thôn được cứng hóa đạt 86,5%; tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố 95,7%; duy trì 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân của người DTTS đạt trên 34 triệu đồng, tăng khoảng 14 triệu đồng so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm 1,7%; tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS giảm 1,94% (đến năm 2023)…
Tại huyện Yên Lập, trong giai đoạn 2021-2025, Huyện triển khai 10 dự án nằm trong Chương trình 1719 với tổng vốn đầu tư trên 264 tỷ 305 triệu đồng. Với sự quyết tâm cao, sau hơn 3 năm triển khai Chương trình 1719 và các chương trình khác, kinh tế- xã hội của huyện ngày càng phát triển ổn định đã thể hiện được những ý nghĩa quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS trên địa bàn.

Thông qua các chính sách hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719 nhiều hộ dân huyện Yên Lập có thêm nguồn lực
phát triển mô hình nuôi dê thương phẩm cho hiệu quả kinh tế cao
Theo đó, từ năm 2023 đến nay, huyện Yên Lập đã hỗ trợ 70 hộ dân xây mới nhà ở; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 302 đối tượng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.035 hộ... Đặc biệt, Yên Lập đã đầu tư xây dựng 2 công trình hạ tầng bố trí, sắp xếp ổn định dân cư xã Mỹ Lương và Lương Sơn; 5 công trình xây dựng nhà lớp học, ký túc xá, nhà công vụ và các công trình phụ trợ tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trung Sơn A; Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS; 3 công trình điểm du lịch trải nghiệm di sản, điểm du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS&MN gắn với di tích lịch sử tại xã Mỹ Lung, Xuân An, Minh Hòa. Chương trình còn phát huy hiệu quả rõ nét với các chính sác dân tộc được thực hiện đúng, đủ, kịp thời giúp ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG 1719
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vẫn còn thấp. Điển hình như ở Tân Sơn, theo báo cáo của UBND huyện, một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần chưa rõ về cơ chế thực hiện, hết đối tượng, do vậy phải đề nghị điều chỉnh nguồn vốn; nhiều nội dung quy định, hướng dẫn còn chậm. Hiện nay, huyện đang khó khăn trong việc bố trí vốn đối ứng đối với nguồn vốn, danh mục dự án thuộc thẩm quyền huyện phân bổ. Một số phòng, ban chuyên môn của huyện còn thiếu cán bộ nên thực hiện công việc hiệu quả chưa cao. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023 chưa đạt kế hoạch đề ra…

Đặc sản bà con đồng bào DTTS của xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập được giới thiệu rộng rãi tại các phiên chợ
Theo ông Trần Khắc Thăng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn: Để bảo đảm tiến độ giải ngân Chương trình MTQG 1719, Huyện đang tập trung chỉ đạo các xã được đầu tư từ Chương trình tiến hành các thủ tục triển khai thực hiện những dự án thành phần theo đúng hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc, UBND tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ. Đồng thời, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng, Người uy tín trong đồng bào DTTS. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động đồng bào hăng hái tham gia phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại Nhà nước, chung tay, góp sức thực hiện có hiệu quả Chương trình.

Hợp tác xã thịt chua Thanh Sơn - Phú Thọ bảo tồn, phát triển nét đẹp văn hóa ẩm thực vùng Đất Tổ.
Đặc biệt, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục lao động địa phương
Theo Lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ, nguồn lực của Trung ương trong việc triển khai Chương trình MTQG 1719 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở địa phương. Do đó, việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư đang là vấn đề bức thiết. Trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa mọi nguồn lực để tập trung hỗ trợ vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Trước mắt, UBND tỉnh Phú Thọ sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ huy động tối đa mọi nguồn lực để tập trung hỗ trợ vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong thực hiện các dự án của Chương trình. Kịp thời ban hành kế hoạch, văn bản hướng dẫn; đồng thời, kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai Chương trình.

Bà Phạm Thị Hạnh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất chè an toàn Long Cốc, huyện Tân Sơn giới thiệu
các sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của HTX
Với những nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, Phú Thọ phấn đấu đến năm 2030 thu nhập bình quân của đồng bào DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 2%/năm. Tỉnh đặt mục tiêu trên 54% số xã và 50% thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã vùng đồng bào DTTS có đường ôtô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông hóa; trên 80% thôn, bản vùng đồng bào DTTS có đường ôtô đến trung tâm được cứng hóa; 55% lao động trong độ tuổi là người DTTS, người Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được đào tạo nghề./.
P.V