Phú Yên: Nông nghiệp, nông thôn chuyển mình theo hướng phát triển bền vững

05/11/2021 - 02:43 PM
Tinh Phú Yên đã hoàn thành Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020, kết quả của cuộc điều tra cho thấy bức tranh toàn cảnh về kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên những năm 2016-2020 đã có những chuyển biến tích cực và khá toàn diện, với những thành tựu nổi bật.

Là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Phú Yên có diện tích tự nhiên 5.025,9 km2, dân số trung bình năm 2020 là gần 874,3 nghìn người. Dân số thành thị chiếm 32,7%, nông thôn chiếm 67,3% trong tổng dân số. Tại thời điểm 01/7/2020 khu vực nông thôn toàn tỉnh có 83 xã, giảm 5 xã so với năm 2016 (trong đó: 3 xã được chuyển lên thành thị, 2 xã sáp nhập); với 449 thôn, giảm 29 thôn so với năm 2016. Trong đó có 42 xã miền núi chiếm 50,6% và 41 xã đồng bằng trung du, chiếm 49,4%.

Kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 của Phú Yên cho thấy, trong 5 năm qua, công cuộc đổi mới cùng sự đô thị hóa ở nông thôn đã dẫn đến sự chuyển dịch từ khu vực nông thôn sang khu vực thành thị, theo đó cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội có sự thay đổi. Cụ thể:

Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và môi trường khu vực nông thôn được tăng cường cả số lượng và chất lượng

Mạng lưới cung cấp điện được bao phủ hầu khắp khu vực nông thôn, vươn tới nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa. Kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 cho thấy, tại thời điểm 01/7/2020, tất cả các xã và 100% số thôn khu vực nông thôn đều đã có điện, trong đó thành tựu quan trọng nhất về phát triển cơ sở hạ tầng điện nông thôn những năm vừa qua là đưa điện tới vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao. Phú Yên đã cung cấp cho gần 176,8 nghìn hộ khu vực nông thôn sử dụng điện, chiếm tỷ lệ 99,98% tổng số hộ khu vực nông thôn, so năm 2016 tăng 0,17% tỷ lệ hộ sử dụng điện.

Hệ thống giao thông tiếp tục được xây dựng mới và nâng cấp, bảo đảm tính kết nối cao. Tại thời điểm 01/7/2020, tỷ lệ xã có đường ô tô từ trụ sở UBND xã đến trụ sở UBND huyện chiếm 100% tổng số xã khu vực nông thôn, bằng cùng kỳ so với năm 2016. Tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trụ sở UBND xã trên địa bàn nông thôn toàn tỉnh so với tổng số thôn cũng tăng từ 99,16% năm 2016 lên 100% năm 2020. Tỷ lệ xã có đường trục xã trải nhựa, bê tông so với tổng số xã khu vực nông thôn của toàn tỉnh đạt 100%, tăng 3,41 điểm phần trăm so với 01/7/2016.

 
Phú Yên: Nông nghiệp, nông thôn chuyển mình theo hướng phát triển bền vững

Hệ thống thủy nông được đầu tư kiên cố hóa, nâng cao năng lực tưới tiêu. Tại thời điểm 01/7/2020, hệ thống kênh mương thủy nông trên địa bàn nông thôn do xã và hợp tác xã quản lý có tổng chiều dài 1.174,54 km. Chiều dài kênh mương kiên cố hóa đạt trên 506 km, chiếm 43,15%, tăng 7,83 điểm phần trăm so với 01/7/2016. Trên địa bàn nông thôn toàn tỉnh có 96 trạm bơm tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản, tăng 7,87% so năm 2016.

Hệ thống trường, lớp mầm non và giáo dục phổ thông được nâng cấp, chất lượng dạy và học nâng lên đáng kể. Theo kết quả điều tra, toàn tỉnh có 83 xã có trường mẫu giáo, mầm non, chiếm 100% tổng số xã trên địa bàn nông thôn với 87 trường; 83 xã có trường tiểu học, chiếm 100% tổng số xã với 98 trường; 79 xã có trường trung học cơ sở, chiếm 95,18% tổng số xã với 83 trường. Ngoài ra, còn có 284 thôn có trường, lớp mẫu giáo, chiếm 63,25% tổng số thôn. Các cơ sở giáo dục khu vực nông thôn được đầu tư kiên cố hóa với tỷ lệ kiên cố hóa năm 2020 của trường mẫu giáo, mầm non đạt 82,76%, tăng 25,46 điểm phần trăm; trường tiểu học đạt 93,88%, tăng 22,14 điểm phần trăm; trường trung học cơ sở đạt 92,77%, tăng 4,01 điểm phần trăm.

Hệ thống thiết chế văn hóa được bổ sung hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thụ hưởng văn hóa và cập nhật thông tin của dân cư. Tại thời điểm 01/7/2020, toàn tỉnh có 72 xã có nhà văn hóa xã, chiếm 86,75% tổng số xã trên địa bàn nông thôn, tăng 29,93 điểm phần trăm so với năm 2016; 75 xã có điểm bưu điện văn hóa xã, chiếm 90,36% tổng số xã và tăng 10,82 điểm phần trăm so năm 2016; 25 xã có thư viện xã, chiếm 30,12% và tăng 13,08 điểm phần trăm so năm 2016. Ngoài ra còn có 434 thôn có nhà văn hóa, chiếm 96,66% tổng số thôn, tăng 8,37 điểm phần trăm so với năm 2016 và 32 thôn có thư viện thôn, gấp 8 lần số thôn có thư viện thôn năm 2016. Năm 2020, toàn tỉnh có 83 xã lắp đặt hệ thống loa truyền thanh xã, chiếm 100% tổng số xã khu vực nông thôn, tăng 1,14 điểm phần trăm so với năm 2016. Toàn tỉnh có 69 xã có sân thể thao xã, chiếm 83,13% tổng số xã và tăng 16,09 điểm phần trăm so năm 2016; 42 xã có điểm vui chơi giải trí và thể thao dành cho trẻ em và người cao tuổi, chiếm 50,6% tổng số xã năm 2020 và 370 thôn có khu thể thao thôn và nơi sinh hoạt văn hóa thể thao, chiếm 82,4% tổng số thôn.

Hệ thống y tế được tăng cường cả về cơ sở vật chất và nhân lực. Năm 2020, toàn tỉnh có 83 xã có trạm y tế xã, chiếm 100% tổng số xã khu vực nông thôn; Có 15 xã có cơ sở khám chữa bệnh là bệnh viện, trung tâm y tế khu vực, phòng khám đa khoa và chuyên khoa, phòng khám chữa bệnh đông y, chiếm 18,07% tổng số xã; Có 75 xã, chiếm 90,36% tổng số xã và 201 thôn, chiếm 44,77% tổng số thôn có cơ sở kinh doanh thuốc tân dược.

Năm 2020, toàn tỉnh có 45 trạm y tế xã có bác sỹ, chiếm 54,22% tổng số trạm y tế xã, với 47 bác sỹ. Ngoài ra, hệ thống y tế khu vực nông thôn còn có 221 y sỹ; 110 nữ hộ sinh; 82 y tá và 80 dược sỹ.

 
Phú Yên: Nông nghiệp, nông thôn chuyển mình theo hướng phát triển bền vững 1

Hạ tầng vệ sinh môi trường nông thôn có những mặt được cải thiện. Năm 2020, toàn tỉnh có 10 xã và 37 thôn xây dựng hệ thống thoát nước thải sinh hoạt chung, chiếm 12,05% tổng số xã và 8,24% tổng số thôn. So với năm 2016, tỷ lệ xã có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt chung tăng 9,78 điểm phần trăm; tỷ lệ thôn tăng 7,82 điểm phần trăm. Tỷ lệ xã thu gom rác thải sinh hoạt tăng từ 61,36% năm 2016 lên 83,13% năm 2020; tỷ lệ thôn thu gom rác thải sinh hoạt tăng từ 47,49% lên 66,82%. Tại thời điểm 01/7/2020, toàn tỉnh có 40 xã có bãi rác tập trung, chiếm 48,2% tổng số xã và 43 xã có điểm thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chiếm 51,8% tổng số xã trên địa bàn nông thôn. Tỷ lệ xã xử lý rác thải sinh hoạt chiếm 97,5% tổng số xã có bãi rác tập trung; tỷ lệ xã xử lý chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật chiếm 95,3% tổng số xã có thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Dịch vụ hỗ trợ kinh tế nông thôn và kinh tế phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên có bước phát triển mới.

Tại thời điểm 01/7/2020, toàn tỉnh có 11 xã có ngân hàng, chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân hoạt động, chiếm 13,25% tổng số xã trên địa bàn nông thôn, tăng 3,03 điểm phần trăm so với 01/7/2016. Hệ thống tín dụng, ngân hàng nông thôn đang là nguồn cung ứng vốn quan trọng hỗ trợ kinh tế - xã hội nông thôn phát triển.

Mạng lưới khuyến nông tiếp tục duy trì hoạt động tại các xã, thôn. Năm 2020, toàn tỉnh có 60 xã có cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chiếm 72,29% tổng số xã khu vực nông thôn, tăng 17,74 điểm phần trăm so với năm 2016. Có 74 xã có cán bộ thú y, chiếm 89,16% tổng số xã. Lực lượng cộng tác viên khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và thú y của các thôn cũng khá đông đảo. Tại thời điểm 01/7/2020, có 30 thôn có cộng tác viên khuyến nông, khuyến lâm và khuyến ngư, chiếm 6,7% tổng số thôn và 71 thôn có cộng tác viên thú y, chiếm 15,8% tổng số thôn.

Hoạt động thương mại, dịch vụ hỗ trợ sản xuất và phục vụ dân sinh phát triển đa dạng. Tại thời điểm 01/7/2020, toàn tỉnh có 37 xã có điểm/cửa hàng cung cấp giống cây trồng, chiếm 44,6% tổng số xã trên địa bàn nông thôn, tăng 15,1 điểm phần trăm so với thời điểm 01/7/2016; 5 xã có điểm/cửa hàng cung cấp giống vật nuôi, chiếm 6% tổng số xã; 57 xã có điểm/cửa hàng cung cấp vật tư, nguyên liệu cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 68,7%, giảm 9,7 điểm phần trăm; 54 xã có điểm/cửa hàng thu mua sản phẩm nông, lâm, thủy sản, chiếm 65,1%, tăng 6 điểm phần trăm. Trên địa bàn nông thôn còn có 70 xã có chợ, chiếm 84,34% tổng số xã, tăng 1,38 điểm phần trăm so với thời điểm 01/7/2016 và 9 xã có cửa hàng tiện lợi, chiếm 10,8% tổng số xã.

Trên địa bàn nông thôn toàn tỉnh vào thời điểm điều tra có 53 xã có hộ/cơ sở chuyên chế biến nông, lâm, thủy sản, chiếm 63,86% tổng số xã với 1.786 hộ/cơ sở hoạt động, bình quân có 21,52 hộ/cơ sở thuộc xã có hộ/cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản. Năm 2020 có 25 xã có doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 30,12% tổng số xã khu vực nông thôn.

Làng nghề được rà soát, quy hoạch lại, sản phẩm hàng hóa ngày càng phù hợp với nhu cầu thị trường. Theo kết quả điều tra 01/7/2020, toàn tỉnh có 11 xã và 15 thôn có làng nghề, chiếm 13,25% tổng số xã và 3,34% tổng số thôn khu vực nông thôn, giảm 0,38 điểm phần trăm về số xã so với 01/7/2016.

Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 cũng cho thấy, một số chính sách xã hội ở nông thôn và bộ máy lãnh đạo, điều kiện làm việc của chính quyền cấp xã của Phú Yên được kiện toàn.  Cụ thể, năm 2019, số hộ được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà là 536 hộ, chiếm tỷ lệ 0,3% tổng số hộ nông thôn; số hộ được vay vốn ưu đãi theo các chương trình dự án là 26.589 hộ, chiếm tỷ lệ 15% số hộ ở nông thôn; số vốn bình quân 1 hộ vay được là 29,59 triệu đồng, tăng 8,7 triệu đồng so năm 2015. Số người được cấp miễn phí thẻ BHYT đến ngày 01/7/2020 là trên 184,7 nghìn người, chiếm tỷ lệ 31% tổng số nhân khẩu nông thôn.

Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ 2020 thu thập thông tin về bộ máy lãnh đạo chủ chốt xã với các chức danh: Bí thư Đảng ủy xã, Phó Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã và Phó Chủ tịch UBND xã cho thấy, bộ máy lãnh đạo, điều kiện làm việc của chính quyền cấp xã được kiện toàn. Tại thời điểm 01/7/2020 các xã có 438 cán bộ chủ chốt, bình quân mỗi xã có 5,28 người. Trong tổng số cán bộ xã có 50 cán bộ nữ, chiếm 11,4% tổng số cán bộ chủ chốt xã; bình quân mỗi xã có 0,6 cán bộ chủ chốt là nữ. Trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị của cán bộ chủ chốt đã nâng lên đáng kể. Tỷ lệ cán bộ có bằng cấp đại học và trên đại học tăng từ 86,8% năm 2016 lên 96,4% năm 2020. Tỷ lệ cán bộ trung cấp, cao đẳng giảm từ 13,2% năm 2016 xuống còn 3,6%. 100% cán bộ qua các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, trong đó cao cấp lý luận chính trị chiếm tỷ lệ 23,1%. 

Điều kiện làm việc của lãnh đạo xã không ngừng được cải thiện. Năm 2020 có 100% số trụ sở làm việc của UBND xã được kiên cố hóa, tăng 1,14 điểm phần trăm so với năm 2016. Tỷ lệ trụ sở làm việc của UBND xã có máy vi tính đạt 100%, trong đó 100% số trụ sở có máy vi tính kết nối internet; trong đó có 13 xã, chiếm 15,7% số xã có trang thông tin điện tử.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai rộng khắp và đạt kết quả quan trọng. Số xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM tính đến ngày 01/7/2020 là 55 xã, chiếm tỷ lệ 66,2% số xã toàn tỉnh; Số tiêu chí bình quân toàn tỉnh là 16,7 tiêu chí/ xã. Số xã nông thôn mới nâng cao năm 2020: đạt 5 xã, chiếm 9,1% tổng số xã NTM. Phú Yên đã có 02 huyện đạt chuẩn NTM, trong đó huyện Tây Hòa được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM năm 2018 theo Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 28/6/2019; huyện Phú Hòa được công nhận đạt chuẩn năm 2019 theo Quyết định số 1406/QĐ-TTg ngày 17/10/2019.

Tỷ trọng kinh tế phi nông, lâm nghiệp và thủy sản trong cơ cấu kinh tế nông thôn tiếp tục có xu hướng tăng, thể hiện rõ nhất ở tỷ trọng cơ cấu hộ nông thôn. Tại thời điểm 01/7/2020, toàn tỉnh có trên 85,2 nghìn hộ phi nông, lâm nghiệp, thủy sản, chiếm 48,19% tổng số hộ nông thôn, tăng 1,92 điểm phần trăm so với năm 2016 và tăng 9,56 điểm phần trăm so với năm 2011. Tỷ trọng hộ có nguồn thu nhập lớn nhất từ các ngành phi nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm trong tổng số hộ nông thôn của toàn tỉnh tăng từ 44,31% năm 2011 lên 51,6% năm 2016 và 55,83% năm 2020.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản vượt qua khó khăn về thiên tai và dịch bệnh, phát triển ổn định

Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục được chú trọng đầu tư, có bước phát triển ổn định và khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 3,4%/năm; cơ cấu trong nội bộ ngành chuyển dịch đúng hướng và năm 2020 đóng góp 25,74% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Năng suất, sản lượng một số cây trồng chủ lực của tỉnh tăng khá; lúa 2 vụ phát triển ổn định; đã hình thành một số vùng nguyên liệu tập trung gắn với các cơ sở chế biến như: mía, sắn, cao su, Hồ tiêu... Chăn nuôi tiếp tục phát triển tương đối ổn định; đã hình thành một số mô hình chăn nuôi trang trại, nuôi công nghiệp bước đầu mang lại hiệu quả. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường; trồng mới rừng tập trung bình quân giai đoạn 2016-2020 là 6.600 ha/năm, độ che phủ của tán rừng toàn tỉnh năm 2020 đạt 45%. Sản xuất thủy sản ở một số lĩnh vực có phát triển; các chính sách hỗ trợ ngư dân được triển khai có kết quả, số lượng tàu thuyền công suất lớn tăng nhanh đến cuối năm 2020 số lượng tàu thuyền có công suất từ 250 CV trở lên là 690 chiếc, chiếm 21,7% tổng số tàu thuyền và tăng 12,9% so năm 2016; sản lượng đánh bắt thủy sản hàng năm giai đoạn 2016-2020 đạt trên 60 ngàn tấn.

Hình thức sản xuất và quy mô sản xuất được cơ cấu lại phù hợp hơn với thực tiễn và yêu cầu phát triển ưu tiên phát triển những hình thức và quy mô sản xuất có năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị hàng hóa cao. Theo kết quả điều tra năm 2020, toàn tỉnh có gần 108,4 nghìn đơn vị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 2,65% so với năm 2016.

Sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản theo hướng tăng dần số doanh nghiệp, giảm dần số hộ là xu hướng có tính phổ biến trong 5 năm 2016-2020. Tại thời điểm điều tra, ngành nông nghiệp có số hộ, giảm 8,84%; hợp tác xã, giảm 15,94% và doanh nghiệp tăng gấp 2,1 lần so với năm 2016.

Lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản có chuyển biến về cơ cấu. Theo kết quả điều tra, năm 2020 cả tỉnh có trên 204,9 nghìn lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm -14,8% so với năm 2016. Đây là xu hướng tích cực về chuyển dịch lao động ở Phú Yên, phản ánh kết quả thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn của Đảng và Nhà nước.

Kinh tế trang trại tiếp tục phát triển có hiệu quả. Số lượng trang trại tại thời điểm 01/7/2020, toàn tỉnh có 68 trang trại, trong đó: Trang trại trồng trọt 25 trang trại, chiếm 36,8% tổng số trang trại; trang trại chăn nuôi 41 trang trại (trang trại lợn nuôi theo mô hình CP), chiếm 60,3% và trang trại lâm nghiệp 2 trang trại. Tổng giá trị nông, lâm, thủy sản theo giá hiện hành thu được trong 12 tháng trước thời điểm 01/7/2020 của các trang trại đạt 660,59 tỷ đồng, trong đó: giá trị sản phẩm, dịch vụ nông, lâm, thủy sản bán ra đạt 660,53 tỷ đồng, chiếm 99,99% tổng sản lượng hàng hóa. Giá trị nông, lâm, thủy sản theo giá hiện hành bình quân một trang trại thu được trong 12 tháng trước thời điểm 01/7/2020 đạt 9,7 tỷ đồng

Bên cạnh những thành tựu rất quan trọng nêu trên, kết quả điều tra cũng phản ánh rõ hơn về tình hình kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản có những hạn chế, bất cập như: Chưa thực sự đột phá trong khai thác, sử dụng tiềm năng, lợi thế, nguồn lực về lao động, đất đai, thị trường và các nguồn lực khác trên địa bàn nông thôn nói chung và lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản nói riêng; cơ cấu kinh tế nông thôn, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chuyển dịch chậm, cơ cấu lại ngành nông nghiệp chưa đạt mục tiêu, yêu cầu, có những mặt còn lúng túng, nhất là cơ cấu cây trồng, vật nuôi; dự án khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao triển khai chậm, chưa thể hiện được vai trò hạt nhân phổ biến, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Quy mô sản xuất tuy đã được nâng lên nhưng sản xuất nhỏ vẫn phổ biến, nông nghiệp vẫn là chủ yếu. Lực lượng lao động đông đảo nhưng trình độ chuyên môn, tay nghề thấp nên khó sắp xếp và tìm kiếm được việc làm. Hiệu quả sản xuất không cao, có lĩnh vực bị suy giảm. Đời sống một bộ phận dân cư, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao còn khó khăn, thiếu thốn…

Để khắc phục những hạn chế, bất cập Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp: phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản bền vững, theo hướng gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị; tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tập trung chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn. Đăc biệt tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa và triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả sáu nhiệm vụ trọng tâm đột phá, trong đó có nhiệm vụ Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, phát triển sản phẩm theo chuỗi, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao./.
M.T (Tổng hợp từ Cục Thống kê tỉnh Phú Yên)
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top