Quản lý và xử lý chất thải rắn ở Việt Nam Bài học kinh nghiệm từ các nước phát triển

03/06/2019 - 10:49 AM
Thực trạng quản lý và xử lý chất thải rắn ở Việt Nam
 
Những năm qua, sự gia tăng dân số cùng với phát triển kinh tế - xã hội đã làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng dẫn đến phát sinh lớn lượng chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp ở Việt Nam.
 
Theo Báo cáo môi trường toàn quốc của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm từ rác tiếp tục là một trong những vấn đề môi trường trọng điểm. Trên phạm vi cả nước, CTR phát sinh ngày càng nhiều với tốc độ gia tăng khoảng 10% mỗi năm và sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới cả về lượng và mức độ độc hại. Bộ Xây dựng - cơ quan Trung ương phụ trách trực tiếp về vấn đề quản lý CTR sinh hoạt đô thị và CTR sinh hoạt nông thôn đánh giá, năm 2018, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn cả nước ước tính khoảng 12,8 triệu tấn, trong đó của khu vực đô thị (từ loại 4 trở lên) là 6,9 triệu tấn (khoảng 19 nghìn tấn/ngày). Theo số liệu của Tổng cục Môi trường, lượng CTR thông thường phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp ước tính khoảng 25 triệu tấn/năm, riêng từ các KCN là khoảng 8,1 triệu tấn/năm. Do quá trình gia tăng mức độ công nghiệp hóa và sử dụng hóa chất ngày càng cao, thành phần CTR công nghiệp có thể thay đổi theo hướng gia tăng chất thải nguy hại.


Quản lý và xử lý chất thải rắn ở Việt Nam  Bài học kinh nghiệm từ các nước phát triển

Ảnh minh họa, nguồn Internet
 
Số liệu Niên giám Thống kê cho thấy, năm 2017, bình quân mỗi ngày cả nước thu gom được trên 37,8 nghìn tấn CTR, trong đó, tổng lượng CTR thông thường thu gom được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng đạt trên 31,6 nghìn tấn (chiếm 83,6%, tăng 2,6% so với năm 2016); còn lại gần 6,2 nghìn tấn CTR đã thu gom nhưng chưa được xử lý theo quy định. Công tác thu gom và xử lý CTR ở đô thị qua các năm đạt từ 70-85%, đối với khu vực nông thôn chỉ đạt từ 40-45%. Tính theo vùng kinh tế, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng là 2 vùng có khối lượng CTR được xử lý nhiều nhất (tương ứng 12,8 và 10,7 nghìn tấn/ngày), đây cũng là 2 vùng phát sinh lượng CTR nhiều nhất trong các vùng kinh tế trên cả nước. Những con số nêu trên là số liệu thống kê chính thức lượng CTR được thu gom, còn chưa kể đến khối lượng lớn CTR chưa được thu gom, được thải ra ven đường nông thôn, biển, sông, ngòi hoặc nhân dân tự ý gom đốt mỗi ngày.
 
Trước thực trạng nêu trên, biện pháp giải quyết vấn đề xử lý CTR triệt để luônnhiệm vụ cấp bách hàng đầu được nhà nước quan tâm chỉ đạo nhằm tránh tác động xấu đến môi trường.Việt Nam, có 3 biện pháp chủ yếu được sử dụng để xử lý CTR sinh hoạt và CTR công nghiệp thông thường là ủ sinh học chế biến phân compost, thu khí; tập trung CTR tại các bãi thải để chôn lấp chế biến khí, sản xuất phân compost biện pháp đốt có hoặc không thu hồi năng lượng. Hiện nay, đã có 5 công nghệ xử lý CTR đã được Bộ Xây dựng công nhận, đó là: 2 công nghệ sinh học làm phân hữu cơ (Seraphin Ansinh-ASC); 1 Công nghệ MBT-CD.08 (Tạo viên nhiên liệu RDF); 2 công nghệ đốt (công nghệ ENVICBD-ANPHA). Theo Tổng cục Môi trường, cả nước có khoảng 200 lò đốt CTR thông thường, trong đó đa số là các lò đốt công suất xử lý nhỏ (dưới 500kg/giờ). Tuy nhiên, nếu vận hành không đúng yêu cầu kỹ thuật (không đảm bảo nhiệt độ đốt của lò, khối lượng CTR đốt lớn hơn công suất cho phép...), hoặc công nghệ lò đốt công suất nhỏ, lạc hậu cũng có thể làm phát sinh các loại chất thải độc hại như đioxin, furan... Đối với xử lý CTR bằng hình thức chôn lấp, tính đến năm 2016 có khoảng 458 bãi chôn lấp CTR có quy mô trên 1 ha; ngoài ra, còn có các bãi chôn lấp quy mô nhỏ ở các xã chưa được thốngđầy đủ. Đặc biệt, hiện vẫn tồn tại các bãi chôn lấp CTR không hợp vệ sinh tại các các địa phương, các vùng nông thôn. Với công nghệ ủ xử lý CTR thành phần hữu cơ, các cơ sở xử lý CTR thành phân hữu cơ chủ yếu sử dụng công nghệ hiếu khí hoặc kị khí.

Quản lý và xử lý chất thải rắn ở Việt Nam  Bài học kinh nghiệm từ các nước phát triển 1

Ảnh minh họa, nguồn Internet
 
Trong khi đó, việc xử lý CTR từ hoạt động sản xuất đặc thù còn gặp rất nhiều khó khăn. Những năm gần đây, Nhà nước đã có chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp xử lý chất thải sử dụng tro, xỉ, than từ các nhà máy nhiệt điện, xỉ thải từ các nhà máy luyện thép tái chế làm gạch không nung, phụ gia bê tông, phụ gia xi măng, lót đường... nhưng trên thực tế, lượng xỉ thải phần lớn vẫn được xử lý bằng biện pháp chôn lấp gây lãng phí tài nguyên. Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 - Chuyên đề“Môi trường đô thị” của Tổng cục Môi trường cho biết: Tại khu vực đô thị, tỷ lệ CTR sinh hoạt được chôn lấp trực tiếp khoảng 34%, tỷ lệ CTR sinh hoạt được tái chế tại các cơ sở xử lý đạt khoảng 42% và lượng CTR còn lại là bã thải của quá trình xử lý được chôn lấp chiếm khoảng 24%. Ngày nay, biện pháp chôn lấp CTR chưa qua phân loại vào những bãi thải tập trung đã thể hiện nhiều yếu kém do tốn diện tích đất, các bãi thải quá tải, ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước, không khí, đặc biệt là sức khỏe con người. Việc thu gom, xử lý CTR cũng đang là gánh nặng kinh tế cho ngân sách nhà nước, bởi phần kinh phí trả cho các hoạt động này chủ yếu vẫn do nhà nước bao cấp. Phần thu phí vệ sinh tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh mới chỉ đủ hỗ trợ cho hoạt động thu gom tại chỗ.

 
Kết quả Tổng điều tra kinh tế 2017 cho thấy, tính đến 01/01/2017, cả nước có 1.791 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải với hơn 107,6 nghìn lao động. Tuy nhiên, số doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 6% trong tổng số (tương ứng 107 doanh nghiệp) và doanh nghiệp nhỏ chiếm 30,5% (547 doanh nghiệp), trong khi có tới 60,6% (1.086 doanh nghiệp) là doanh nghiệp siêu nhỏ, còn lại là doanh nghiệp vừa.

Đứng trước sức tăng trưởng về nhu cầu năng lượng phục vụ đời sống và phát triển kinh tế - xã hội ngày một tăng, việc sử dụng công nghệ đốt CTR thu hồi năng lượng đang được coi là giải pháp hiệu quả và bền vững đối với tất cả các nước trên thế giới. Theo xu  thế toàn  cầu, Việt  Nam đã đưa vào vận hành chính thức nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ vào cuối năm 2018, sau hơn 3 tháng vận hành thử nghiệm đạt tiêu chuẩn chất lượng về môi trường. Sở Xây dựng Hà Nội định hướng đến năm 2020-2021, thành phố tập trung đầu tư 4 nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (1 nhà máy), Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (2 nhà máy) và Khu xử lý chất thải rắn Đồng Ké - huyện Chương Mỹ (1 nhà máy). Trong đó, Nhà máy Điện rác Sóc Sơn (công suất 4.000 tấn rác/ngày - đêm) đang được Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn thực hiện các thủ tục phê duyệt quy hoạch 1/500, chuẩn bị thủ tục khởi công dự án vào năm nay, phấn đấu hoàn thành xây dựng trong 18 tháng.
 
Chính phủ đã có chủ trương và ban hành các quy định pháp luật, chính sách hướng dẫn, chỉ đạo, hỗ trợ các đơn vị trong công tác quản lý, xử lý CTR như: Nghị định số 38/2015/NĐ-CP; Quyết định số 32/2014/QĐ- TTG về cơ chế hỗ trợ các dự án phát điện sử dụng CTR tại Việt Nam; Thông tư số 32/2015/TT-BCT quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện; Công tác quy hoạch các cơ sở xử lý chất thải rắn đã được phê duyệt tại hầu hết các địa phương; Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 về Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, phấn đấu tới năm 2050, tất cả các loại chất thải rắn phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, hạn chế khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp đến mức thấp nhất.
 
Bài học kinh nghiệm từ một số nước có biện pháp quản lý và xử lý CTR hiệu quả
 
Thụy Điển: Đây một trong những quốc gia đi đầu thế giới về xử lý CTR, bảo vệ môi trường hiện nay. Quốc gia này đã sử dụng 52% tổng khối lượng CTR thu gom được để sản xuất nhiệt điện; 42% để tái chế và chỉ có 1% lượng CTR bị chôn lấp. 50% lượng điện năng tiêu thụ của đất nước này đến từ năng lượng tái tạo. Quy trình phân loại CTR một cách khoa học được thực hiện từ những năm 70, mỗi gia đình đều có đến 6-7 loại thùng rác phân loại trong nhà để đáp ứng hiệu quả cho “nhu cầu về rác” của các nhà máy điện. Thậm chí, do “nguyên liệu rác” không đủ, Thụy Điển còn nhập khẩu rác từ các quốc gia lân cận, vừa tận dụng được nguồn tài nguyên rác, vừa thu được một khoản phí thu gom CTR từ các quốc gia đó. Xử lý CTR được coimột ngành kinh tế của Thụy Điển với khoảng 100 doanh nghiệp nhà nước và nhân tham gia. Cùng với đó, chính sách về tái sử dụng toàn quốc được tiến hành rất đồng bộ, chặt chẽ, đồng thời ý thức bảo vệ môi trường của người dân Thụy Điển được đánh giá rất cao.
 
Nhật Bản: Từ một nước đã từng phải đối mặt với những vấn đề môi trường, nguồn nước nghiêm trọng do CTR gây ra trong nhiều thập kỉ của thế kỉ XX, đến nay, Nhật Bản đã trở thành một trong những đất nước sạch sẽ nhất thế giới. Theo thống kê những năm gần đây, bình quân mỗi năm nước Nhật xả ra trên 45 tỷ tấn rác, xếp thứ 8 thế giới. Không có nhiều diện tích đất đai để chôn lấp như nhiều nước cùng khu vực châu Á, Nhật Bản lựa chọn giải pháp đốt CTR bằng công nghệ CFB (công nghệ đốt hóa lỏng tầng sôi) có thể đốt cả những vật liệu khó cháy để lấy năng lượng và giảm lượng khí thải NO và NO2. Đến nay, hơn 70% CTR của Nhật Bản được đốt để sản xuất điện, phần còn lại để tái chế và chỉ một lượng nhỏ CTR ở đô thị được đưa đến các bãi rác. Nhật Bản cũng tìm cách tận dụng các bãi rác một cách hiệu quả bằng cách tập kết CTR vào những bãi rác khép kín trên vịnh Tokyo, dần dần, các bãi rác này biến thành các cụm đảo nhân tạo. Các cụm đảo này được phủ xanh và trở thành cánh rừng có tên gọi Sea Forest, có tác dụng như “máy điều hòa nhiệt độ thiên nhiên” khổng lồ làm mát không khí biển thổi vào Tokyo. Đóng góp vào thành công trong hệ thống quản lý, xử lý CTR của Nhật Bản phải kể đến chính sách của các công ty thu gom CTR và ý thức của người dân trong việc phân loại rác theo nhiều nhóm khác nhau. Nhật Bản cũng là nước có nhiều đăng kí sáng chế liên quan đến công nghệ biến chất thải thành năng lượng nhất trên thế giới. Đứng đầu nộp đơn đăng ký sáng chế trong lĩnh vực này là các công ty Mitsubishi Heavy Industries, Ebara Corporation, NKK Corporation, Kubota, Kawasaki Heavy Industries và Hitachi.
 
Hàn Quốc: Cũng giống như Nhật Bản, Hàn Quốc là một trong những nước phát triển hàng đầu châu Á. Chính phủ Hàn Quốc có một hệ thống quản lý CTR rất khoa học và tiên tiến, yêu cầu khắt khe với vấn đề phân loại CTR tái chế, đồng thời ý thức đổ rác của người dân rất cao. Thêm vào đó, một mức biểu giá cụ thể được áp dụng đối với những loại CTR có kích cỡ lớn. Theo đó, người dân Hàn Quốc phải trả phí cho việc xử lý những loại CTR cồng kềnh như: Đồ nội thất, đồ dùng thiết bị điện, những thứ không đựng vừa túi ni-lông..., các loại túi ni lông dùng để đựng CTR cũng được phân loại theo địa phương và mục đích. Về xử lý, rác hữu cơ nhà bếp một phần được sử dụng làm giá thể nuôi trồng nấm thực phẩm, phần lớn hơn được chôn lấp theo công nghệ hiện đại, liên hoàn khép kín để thu hồi khí bioga cung cấp cho phát điện. Sau khi rác tại hố chôn phân huỷ hết sẽ tiến hành khai thác mùn ở bãi chôn làm phân bón. Biện pháp này đã giúp đem lại lợi ích kinh tế cho Hàn Quốc từ việc tái sử dụng chất thải phục vụ phát điện, giảm khí nhà kính và tăng nguồn thu ngân sách từ việc bán hạn ngạch khí thải do tiết kiệm được. Không chỉ dừng lại đó, Chính phủ Hàn Quốc còn tiếp tục xây dựng công viên với chủ đề môi trường trên chính bãi rác này nhằm sử dụng hiệu quả quỹ đất trống bằng cách xây dựng khu vực vui chơi giải trí, thể thao, khu sinh thái, khu hoạt động môi trường phục vụ sinh hoạt cho cộng đồng.
 
Singapore: Hiện nay, môi trường của Singapore được coi là sạch và xanh nhất thế giới dù đã được đô thị hóa 100% và đã từng trải qua giai đoạn bị ô nhiễm nghiêm trọng khi quốc gia mới thành lập. Chính phủ nước này đã áp dụng một cách cứng rắn những hình phạt nghiêm khắc để nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường và thu gom, phân loại, xử lý CTR đúng nơi quy định. Singapore cũng sử dụng công nghệ đốt rác CFB để đốt được số lượng CTR nhiều nhất nhằm thu năng lượng chạy các tuabin điện. Các chất thải như bụi, khói của quá trình đốt được xử lý bằng hệ thống lọc, trước khi ra ống khói, không khí đã được làm sạch; tro có máy tách kim loại theo nguyên lý nam châm điện trước khi chở đem chôn. Ngoài ra, các bãi chôn lấp CTR của Singapore được lựa chọn là nơi có tầng sét tự nhiên, hoặc xử lý nhân tạo để có tầng sét nhằm tránh nước rỉ từ bãi chôn thấm ra gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Một hệ thống ống dẫn nước từ bãi rác được bố trí dưới đáy hố rác để dẫn nước tiết ra về nhà máy để xử lý. Tại đây, một hệ thống công nghệ của Đức xử lý tổng hợp bằng các phương pháp hóa - lý - cơ học với năng suất 700m3/h để có được nước sạch tuyệt đối trước khi thải ra môi trường tự nhiên.
 
Từ kinh nghiệm xử lý CTR của các quốc gia nêu trên có thể thấy, hiệu quả của các biện pháp xử lý CTR đều bắt nguồn từ việc tuân thủ một cách nghiêm ngặt các quy định về phân loại rác. Đó là điều mà Việt Nam hiện nay đang khá yếu do chưa có các quy định cụ thể, nghiêm ngặt dành cho việc phân loại từ các hộ gia đình đến các cơ sở, doanh nghiệp ở tất cả các ngành kinh tế. Thêm nữa, để đạt được thành công trong việc quản lý, xử lý rác thải như các quốc gia nêu trên, yêu cầu rất lớn về nguồn lực và công nghệ. Do vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa các chính sách hỗ trợ kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa, tập trung đầu tư vào lĩnh vực quản lý, xử lý CTR, nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề CTR với những tác động xấu đến môi trường vốn tồn tại lâu nay./.

 
Minh Hà
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top