Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu với mục tiêu cốt lõi trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới là không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Để thực hiện hiệu quả Chương trình, tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra các quan điểm, định hướng cùng các nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trong triển khai thực hiện thời gian tới.
Kết quả xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Quảng Ninh, sau 13 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, tỉnh Quảng Ninh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các lực lượng xã hội, chung sức của người dân với nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, đột phá và bán sát chỉ đạo, phù hợp với điều kiện, thực tiễn. Đến nay, Chương trình đã đạt được kết quả với 98/98 xã đạt chuẩn NTM; 56/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 28/98, xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 13/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; Có 02/7 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao là Đầm Hà, Tiên Yên. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 73,9 triệu đồng/người/năm, gấp 1,6 lần so với năm 2020 (năm 2020 là 46,1 triệu đồng/người/năm), vượt mục tiêu theo Nghị quyết 25/2021/QH15 của Quốc hội (mục tiêu đến năm 2025 là 1,5 lần); đạt 80% mục tiêu của Tỉnh theo Nghị quyết 115/NQ-HĐND ngày 09/7/2022 của HĐND Tỉnh (mục tiêu đặt ra gấp 2 lần so với năm 2020 tương đương 92,2 triệu đồng).
Để đẩy mạnh xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tỉnh Quảng Ninh đưa ra các quan điểm định hướng như: Thực hiện Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa của Tỉnh và các địa phương. Bảo đảm phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, địa phương; Người dân nông thôn là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng NTM. Mục tiêu cao nhất là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn theo tiêu chí của “hạnh phúc”. Nông dân Quảng Ninh phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, có ý chí, khát vọng; xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể; môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp an toàn; đời sống văn hóa lành mạnh, là quá trình thường xuyên không có điểm kết thúc; xây dựng NTM đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và bền vững; tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Về mục tiêu, đẩy mạnh xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tỉnh Quảng Ninh đưa ra mục tiêu chung là xây dựng nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả theo mô hình tăng trưởng xanh, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Quảng Ninh; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Tiếp tục khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh, khác biệt của từng vùng, từng địa phương. Tập trung phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn Tỉnh.
Mục tiêu cụ thể của Tỉnh đến năm 2030 có 100% số xã đạt chuẩn NTM bền vững; có 70% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và ít nhất 40% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 100% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; thu nhập của người dân khu vực nông thôn bằng 3 lần so với năm 2020.
Những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đẩy mạnh xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong thời gian tới
Để hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong đẩy mạnh xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như:
Về nhiệm vụ, tỉnh Quảng Ninh tập trung triển khai thực hiện 3 đột phá chiến lược trong xây dựng NTM gồm: (1) Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng; (2) Tập trung phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn gắn với tạo việc làm theo nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp; nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn. (3) Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền cơ sở trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, tiến tới xây dựng NTM thông minh. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Về giải pháp thực hiện Chương trình:
Một là, nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa.
Hai là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị; nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp, lấy đô thị dẫn dắt nông thôn góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn trên cơ sở phân tích cơ cấu nguồn thu nhập của người dân từ báo cáo khảo sát của Cục Thống kế Tỉnh, xác định giải pháp cụ thể với địa chỉ đến xã, thôn để thực hiện mục tiêu nâng cao thu nhập bình quân đầu người của người dân vùng nông thôn theo cơ cấu nguồn thu nhập, phù hợp với lợi thế của từng địa bàn.
Ba là, nâng cao chất lượng y tế và chăm sóc sức khỏe, chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn chất lượng bảo vệ môi trường; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp và an toàn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Quảng Ninh. Tập trung cụ thể hóa, thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về “xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”. Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; phát triển kinh tế du lịch nông thôn.
Bốn là, nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện xây dựng NTM; giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn.
Năm là, rà soát, xây dựng, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình MTQG.
Sáu là, tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình; nâng cao năng lực xây dựng NTM; truyền thông về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng NTM./.
Minh Thư