Tỉnh Quảng Ninh: Sẵn sàng cho việc triển khai Điều tra thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2024

27/06/2024 - 10:34 AM

Sau hơn một tháng triển khai, Cục Thống kê Quảng Ninh đã hoàn tất các công tác chuẩn bị từ rà soát, cập nhật địa bàn, tập huấn, lập bảng kê, triển khai công tác tuyên truyền,... Tất cả đã sẵn sàng cho việc thực hiện điều tra trực tiếp tại hộ và UBND các xã từ 0 giờ ngày  01/07/2024 trên địa bàn toàn Tỉnh.

Chương trình Điều tra thực trạng kinh tế xã hội 53 DTTS năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
được thực hiện trên địa bàn 56 xã thuộc 11/13 huyện, thị, thành phố với trên 29 nghìn hộ tham gia 

Thực hiện theo Quyết định số 628/QĐ-TCTK ngày 14/7/2023 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về ban hành Phương án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024, Cục Thống kê tỉnh Quảng Ninh đã ban hành  Kế hoạch số 373/KH-CTK ngày 29/5/2024  tổ chức, triển khai thực hiện Phương án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 (sau đây viết gọn là Điều tra DTTS 2024) trên địa bàn Tỉnh.

Đây là cuộc điều tra có quy mô lớn, kết hợp giữa điều tra toàn bộ và điều tra chọn mẫu, nhằm thu thập thông tin phục vụ đánh giá tình hình, xây dựng và hoạch định chính sách liên quan đến công tác dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2026 - 2030. Đến nay, công tác chuẩn bị đã được Cục Thống kê Quảng Ninh triển khai đồng bộ, bài bản, đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng công việc.
Cụ thể, đối với công tác chọn, rà soát và cập nhật xã, địa bàn mẫu điều tra, Tỉnh Quảng Ninh hiện có 177 đơn vị cấp xã, phường thị trấn, trong đó, có 56 xã thuộc khu vực khu vực DTTS (theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025). Tất cả 56/56 xã này đều thuộc khu vực I. Tổng địa bàn được chọn mẫu thu thập thông tin trong Điều tra 53 DTTS năm 2024 là 264 địa bàn trong đó: 35 địa bàn thành thị; 229 địa bàn nông thôn. Có 11/13 huyện, thị xã, thành phố được tiến hành điều tra.

Tỉnh Quảng Ninh hiện có 21 dân tộc thiểu số với hơn 162 nghìn người. Hộ dân tộc thiểu số thường sống ở các địa bàn núi cao, vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn; Mỗi vùng đồng bào dân tộc lại có phong tục, tập quán sinh hoạt khác nhau gây khó khăn cho công tác tiếp cận, trao đổi, thu thập thông tin. Để đảm bảo tính chính xác và hiệu quả công tác điều tra, Cục Thống kê Quảng Ninh quan tâm, chú trọng tuyển chọn điều tra viên (ĐTV), tổ trưởng điều tra (TTĐT) và giám sát viên (GSV) theo đúng tiêu chuẩn quy định. Căn cứ vào số lượng đơn vị điều tra và đặc điểm của địa phương, Cục đã huy động được 88 GSV (cấp tỉnh, huyện) và 272 ĐTV. Cục ưu tiên tuyển chọn ĐTV là người tại địa phương có tinh thần trách nhiệm cao, hiểu văn hóa của người DTTS và am hiểu về địa bàn được phân công thực hiện điều tra.

Sau khi dự tập huấn cấp Trung ương, Cục Thống kê Quảng Ninh đã tổ chức tập huấn cho các Giám sát viên, điều tra viên, các ban ngành có liên quan công tác lập bảng kê chuẩn bị điều tra. Đến nay, Cục tổ chức 01 cuộc tập huấn cấp tỉnh và 22 cuộc tập huấn cấp huyện tại 11 địa phương, đảm bảo 100% lực lượng GSV, ĐTV, TT tham gia cuộc điều tra đều được tập huấn nghiệp vụ và phương pháp ghi phiếu điều tra trên theo đúng quy trình, phương án điều tra của Tổng cục Thống kê quy định. Thông qua buổi tập huấn, các điều tra viên nắm bắt và thực hành thuần thục các nội dung điều tra quan trọng như cách xác định thông tin về nhân khẩu học, giáo dục, di cư, việc làm, nhà ở và điều kiện sinh hoạt của hộ, đất ở, đất sản xuất của hộ…

Công tác lập bảng kê bắt đầu ngay sau các lớp tập huấn dành cho ĐTV đảm bảo theo đúng kế hoạch và phương án đề ra. Cụ thể, từ ngày 01/6/2024 đến ngày 25/6/2024, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành việc lập bảng kê tại tại 264 địa bàn (tương đương 29.184 hộ), trong đó: 25 địa bàn điều tra toàn bộ (tương đương 2.695 hộ) và 239 địa bàn mẫu (tương đương 26.489 số hộ).

Để hạn chế sai sót, ngay từ những ngày đầu rà soát lập bảng kê, Cục thống kê Quảng Ninh đã tăng cường công tác kiểm tra GSV các cấp trong công tác rà soát địa bàn lập bảng kê chuẩn bị điều tra thu thập thông tin. Cục liên phương án giám sát trực tuyến trên website, trang điều hành tác nghiệp xuyên suốt quá trình lập bảng kê, để kiểm tra tiến độ lập bảng kê, kịp thời trao đổi cùng GSV cấp huyện, ĐTV những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện nhập trên phiếu điều tra CAPI.

Để người dân hiểu được ý nghĩa của cuộc điều tra và tích cực tham gia cung cấp thông tin, công tác tuyên truyền được Cục thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng khu vực, từng địa bàn khu dân cư như: Phát sóng MP3 hỏi - đáp về cuộc Điều tra trên hệ thống loa phát thanh xã, phường bằng các thứ tiếng dân tộc phù hợp với đặc điểm tình hình đồng bào dân tộc thiểu số của mỗi địa bàn điều tra; treo khẩu hiệu, poster tuyên truyền lên bảng LED của Cục Thống kê, Ban Dân tộc tỉnh,...
Cục Thống kê Tỉnh cũng chủ động, tích cực trong việc cung cấp bài viết, thông tin, tư liệu để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, truyền thông như: Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử… Xây dựng nội dung tuyên truyền, lồng ghép nội dung tuyên truyền vào Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội  6 tháng đầu năm 2024 để lãnh đạo chính quyền các cấp trong Tỉnh nắm được ý nghĩa và tiến độ triển khai, từ đó có quan tâm và chỉ đạo phối hợp kịp thời.

Cục đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố, Đồn Biên phòng, công an các xã, thị trấn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để tuyên truyền trực tiếp cho cuộc Điều tra nhất là xã, thị trấn trọng yếu, miền núi, biên giới. Ban Dân tộc tỉnh cũng tham gia tích cực công tác truyền thông, tuyên truyền đến các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số để họ tích cực tham gia vận động Nhân dân cung cấp thông tin cho ĐTV.

Một điểm thuận lợi cho việc triển khai Điều tra DTTS năm 2024 của ngành Thống kê, đó là sự đồng thuận, ủng hộ của Lãnh đạo địa phương từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Tỉnh có văn bản bản chỉ đạo các địa phương, nhất là các UBND xã, phường, thị trấn, tích cực phối hợp, cử người đại diện am hiểu thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương phối hợp cung cấp thông tin Phiếu xã cho ĐTV của cuộc Điều tra theo quy định.

Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị cho việc tiến hành điều tra thu thập thông tin thực trạng Kinh tế - Xã hội của 53 DTTS năm 2024 đã cơ bản hoàn tất, đảm bảo sẵn sàng cho công tác thu thập thông tin tại địa bàn đạt tiến độ, chất lượng ./.

Trịnh Long



Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top