Quy trình vận hành thị trường carbon khi hoạt động thí điểm vào năm 2025 tại Việt Nam

07/01/2025 - 02:32 PM

Tóm tắt: Ô nhiễm không khí luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu ở các đô thị trên thế giới khi vấn đề này ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống con người. Tham gia vào Thị trường Tín chỉ Carbon sẽ giúp quốc gia đạt được các mục tiêu giảm phát thải một cách hiệu quả về mặt chi phí. Sự tham gia của các doanh nghiệp không chỉ góp phần lớn vào công cuộc giảm thiểu lượng khí thải nhà kính, mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất cho chính các doanh nghiệp. Trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hóa ở nước ta, xử lý chất thải vẫn là vấn đề tồn đọng, chưa được xử lý dứt điểm dẫn đến nhiều hệ quả môi trường. Dựa trên tổng quan các lịch sử nghiên cứu trước đây, bài nghiên cứu sẽ mô tả cơ chế hoạt động dự kiến của sàn giao dịch thí điểm Tín chỉ Carbon ở Việt Nam.


Từ khoá: Tín chỉ Carbon, Thị trường Tín chỉ Carbon, Sàn giao dịch thí điểm Tín chỉ Carbon.

ABSTRACT: Air pollution is a major concern in urban areas worldwide as it significantly affects human life. Participating in the Carbon Credit Market will help achieving emission reduction targets cost-effectively. The participation of enterprises not only significantly contributes to reducing greenhouse gas emissions but also enhances their production efficiency. During the widespread of industrialization and modernization in Vietnam, waste remains a lingering issue, leading to various environmental consequences. Based on previous research of other countries’ Emission Trading System, the article aims to clarify the operational mechanisms of the Carbon Market in Vietnam, highlighting the mechanisms that businesses can apply in managing and participating in the Carbon Market.

Keyword: Carbon Credit, The Carbon Credit Market, pilot Emission Trading System.

Đặt vấn đề

Đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng và đem lại những tác động đa chiều đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trong đó, tác động xấu từ ô nhiễm môi trường không khí ngày càng trở nên nặng nề. Để giảm thiểu lượng khí thải gây ô nhiễm không khí, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp chính sách để kịp thời ổn định hệ thống quan trắc môi trường không khí [14]. Trong đó, Điều 20 và 16 của Nghị định 06/2022/NĐ-CP đã quy định về trách nhiệm phát triển Thị trường Carbon trong nước, tổ chức vận hành thí điểm và đưa sàn giao dịch Tín chỉ Carbon vào hoạt động song song với nghĩa vụ xây dựng các chính sách, đảm bảo cơ chế hoạt động của thị trường Tín chỉ Carbon, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện hoạt động đầu tư, tham gia sàn giao dịch thí điểm Tín chỉ Carbon [10].

Việc tham gia vào Thị trường Carbon và sàn giao dịch Tín chỉ Carbon sẽ tạo ra nhiều tiềm năng cho Việt Nam về hội nhập phát triển xu hướng thế giới và mục tiêu giảm lượng khí thải trong ngắn hạn và tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Netzero) vào năm 2050. Đây đồng thời cũng là cơ hội để doanh nghiệp tiến tới phát triển bền vững mà vẫn có thể nâng cao hiệu suất môi trường. Vì vậy, nghiên cứu tập trung phân tích, dự đoán cơ chế vận hành của sàn giao dịch thí điểm Tín chỉ Carbon vào năm 2025, từ đó sẽ giúp cho các nhà lãnh đạo cũng như các doanh nghiệp hình dung được bức tranh tổng thể của thị trường cũng như tiềm năng và sự bền vững trong phát triển song song của kinh tế- môi trường.

 

Khái niệm & Cơ chế hoạt động của Thị trường Carbon

Thị trường Carbon là một cơ chế thị trường được hình thành từ các cơ chế linh hoạt của Nghị định 06/2022/ NĐ-CP mà cơ chế mua bán lượng khí phát thải là nền tảng cho sự phát triển của Thị trường Carbon hiện nay [5]. Theo đó : “Tín chỉ Carbon” là một loại chứng nhận có thể được giao dịch thương mại trên toàn cầu, thể hiện quyền được phép phát thải một tấn khí Carbon dioxide (CO2) hoặc một tấn khí Carbon dioxide (CO2) tương đương [8].

Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon là nơi các hoạt động thương mại, kinh doanh hạn ngạch xả thải khí CO2 được thực hiện bởi các tổ chức, quốc gia, bên thừa có thể bán và bên mua là những người cần phải bù đắp lượng khí thải theo tiêu chuẩn quy định môi trường. Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, thông qua cơ chế Thị trường Tín chỉ Carbon, các bên tham gia có thể tăng cường giảm nhẹ phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả và tiết kiệm. Nguyên tắc cơ bản của Thị trường trao đổi Tín chỉ Carbon là bên phát thải lớn sẽ trả phí để nhận thêm các tín chỉ, hạn ngạch phát thải nhằm đạt được các mục tiêu giảm nhẹ [5].

Thị trường Carbon trên thế giới được phân thành hai loại chính là: Thị trường Carbon bắt buộc và Thị trường Carbon tự nguyện. Thị trường bắt buộc (compliance market) được hình thành và vận hành theo các quy định bắt buộc của cơ quan quản lý nhà nước hoặc tổ chức có thẩm quyền. Trong thị trường này, các đối tượng tham gia phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về hạn mức phát thải và thực hiện các biện pháp giảm thiểu theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Thị trường tự nguyện (voluntary market) được hình thành dựa trên sự tham gia chủ động, tự nguyện của các tổ chức, doanh nghiệp không thuộc đối tượng điều chỉnh bắt buộc. Các bên tham gia thị trường này thường là các cơ sở đã đầu tư xanh, quan tâm tới phát triển bền vững, thành công trong giảm thiểu lượng phát thải trong sản xuất và muốn giao dịch lượng hạn ngạch còn dư để tối ưu doanh thu và bên tham gia còn lại là nhóm mua Tín chỉ Carbon để bù đắp lượng phát thải quá hạn ngạch.

 

Tổng quan những nghiên cứu về Thị trường Carbon nước ngoài

Thị trường Carbon Liên minh Châu Âu (EU): Vận hành từ năm 2005, Thị trường Carbon của Liên Minh Châu Âu (European Union Emission Trading Scheme/ EU-ETS) là thị trường thương mại khí phát thải đầu tiên và lớn nhất thế giới (Tạp chí Kinh tế và Quản lý, 2023) [13]. Về cơ chế hoạt động của Thị trường Giao dịch Phát thải của Liên minh Châu Âu (EU ETS) thực hiện theo nguyên tắc “Hạn chế và Giao dịch” (Cap and Trade): Trong đó “Hạn chế” là tổng lượng khí nhà kính mà các nhà máy, doanh nghiệp được phép thải ra trong một giai đoạn nhiều năm và được giới hạn bởi EU. “Giao dịch” là trong quá trình đảm bảo lượng khí thải nhà kính trong hạn ngạch được đặt ra, các doanh nghiệp sẽ có quyền mua thêm hạn ngạch phát thải và có thể bán phần hạn ngạch còn dư, hoạt động giao dịch diễn ra trên sàn giao dịch Tín chỉ Carbon. Hạn ngạch phát thải là “đơn vị tiền tệ” của EU ETS, mỗi hạn ngạch cấp cho chủ sở hữu quyền được phát thải một tấn CO2, khí nhà kính chính, hoặc lượng tương đương của các loại khí nhà kính khác. Và nếu doanh nghiệp không đáp ứng được mức hạn ngạch được đưa ra thì sẽ chịu một mức phí phạt. Về phân bổ hạn ngạch, các doanh nghiệp có thể có được mức hạn ngạch mong muốn bằng cách đấu giá.

Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ phân bổ hạn ngạch cho các doanh nghiệp với quá trình Các ngành sản xuất nhận được một phần hạn ngạch miễn phí, tỷ lệ này giảm dần hàng năm cho đến khi đạt 30% vào năm 2020. Bất kỳ ai có tài khoản trong sổ đăng ký của Liên minh đều có thể mua hoặc bán hạn ngạch, cho dù họ có phải là công ty thuộc EU ETS hay không. Giao dịch có thể được
thực hiện trực tiếp giữa người mua và người bán, thông qua một số sàn giao dịch có tổ chức hoặc thông qua các trung gian hoạt động trên thị trường carbon. Giá hạn ngạch được xác định bởi cung và cầu.

Thị trường Carbon Trung Quốc: Vận hành từ năm 2017, Thị trường Carbon tại Trung Quốc đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng, Chính phủ Trung Quốc đã đặt ra các chính sách tài chính, pháp lý mang mục đích khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới, thúc đẩy phát triển xanh; vốn nhà nước - công cụ điều tiết hiệu quả thúc đẩy phát triển xanh của các doanh nghiệp tư nhân; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tham gia Thị trường Carbon [20]. Bên cạnh đó còn có các công cụ giám sát, quản lý, báo cáo và xử phạt nghiêm ngặt (MRV) buộc các doanh nghiệp phải giảm phát thải như mục tiêu cam kết, đảm bảo hiệu quả [21]. Ngoài ra còn có chính sách áp đặt thuế đối với lượng khí thải carbon, tạo động lực kinh tế trực tiếp cho việc giảm phát thải. Bên cạnh cơ chế chính sách quy định, tương tự với EU ETS, Chính phủ hoặc cơ quan quản lý sẽ phân bổ hạn ngạch phát thải cho các doanh nghiệp tham gia thị trường [21]. Hạn ngạch này đại diện cho lượng khí thải carbon tối đa mà doanh nghiệp được phép thải ra trong một khoảng thời gian nhất định.

ETS Trung Quốc cũng có cơ chế định giá Tín chỉ Carbon qua cung và cầu, đấu giá, chuyển giao hạn ngạch thông qua việc vận hành sàn giao dịch Tín chỉ Carbon [22]. Khác với EU ETS, hệ thống lớn nhất và lâu đời nhất, bao gồm nhiều quốc gia thành viên và nhiều ngành công nghiệp khác nhau, Hệ thống ETS tại Trung Quốc hoạt động muộn hơn và trao cho các tỉnh quyền tự quyết trong việc xác định hạn ngạch phát thải dựa trên đặc thù của địa phương cho một hệ thống quốc gia.

Thị trường Carbon Đài Loan: Ngày 2/10/2024 sàn giao dịch giải pháp Carbon Đài Loan (TCX) được đưa vào vận hành vào[15]. Trọng tâm là những đối tượng dự định thành lập nhà máy mới, cơ chế phí Carbon sẽ dành cho những đối tượng phát thải hơn 25.000 tấn CO2 một năm. TCX đã hoạt động thí điểm từ tháng 12/2023, là nền tảng duy nhất của Đài Loan được chứng nhận để giao dịch Tín chỉ Carbon trong nước và quốc tế [15]. Là nơi các hoạt động giao dịch, chuyển nhượng và đấu giá Tín chỉ Carbon được thực hiện một cách minh bạch. Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon Đài Loan thời gian đầu sau khi chính thức vận hành cần Tín chỉ Carbon từ thị trường quốc tế để bù đắp sự thiếu hụt trong các biện pháp giảm thải trong nước nhưng trong tương lai dài, TCX được kỳ vọng sẽ thúc đẩy một thị trường Carbon tự cung tự cấp. TCX bao gồm những quy định nghiêm ngặt nhằm đảm bảo tính minh bạch và ngăn chặn hiện tượng lợi dụng sàn giao dịch Tín chỉ Carbon theo mục đích tài chính trái pháp luật. Vì vậy, chỉ người bán có các dự án giảm phát thải được giám sát bởi Chính phủ mới có thể đấu giá hoặc bán Tín chỉ Carbon trong nước [15].Tương tự với ETS Trung Quốc, Đài Loan khuyến khích các doanh nghiệp triển khai các sáng kiến xanh, bền vững, góp phần vào mục tiêu quốc gia và toàn cầu trong giảm thiểu khí thải nhà kính.Việc ra mắt TCX dự kiến sẽ có những tác động kinh tế sâu rộng, cụ thể là tiềm năng mang lại khoảng 131 tỷ USD vào năm 2030 và 550.000 việc làm trong các lĩnh vực liên quan đến giảm phát thải và phát triển bền vững [15].

Thị trường Carbon Hàn Quốc: Chuẩn bị từ năm 2011, hệ thống ETS của Hàn Quốc được chính thức vận hành vào năm 2015. Những cơ sở có lượng phát thải hàng năm vượt quá 125.000 tấn CO2 hoặc sở hữu các cơ sở có lượng phát thải hàng năm vượt quá 25.000 CO2 sẽ buộc phải tham gia ETS. Ngoài ra các cơ sở có mức phát thải trung bình và thấp được quyền tự nguyện tham gia ETS. Các cơ sở khi tham gia ETS sẽ buộc phải kiểm kê khí nhà kính, các báo cáo phải được giám sát và thẩm định nghiêm ngặt bởi các cơ quan thẩm định độc lập. Sau khi báo cáo được thẩm định, các cơ sở sẽ vào danh sách đăng ký phân bổ hạn ngạch theo quy định của Chính phủ và được phân bổ một lượng hạn ngạch nhất định. Các cơ sở có quyền mua bán hạn ngạch thừa/ thiếu thông qua hình thức đấu giá. Hệ thống ETS cho phép vay mượn giữa các đơn vị tham gia để đảm bảo lượng Carbon nghĩa vụ phát thải của mình; đồng thời có sàn giao dịch Hàn Quốc cho phép đấu giá và là nơi giao dịch Tín chỉ Carbon. Nếu không tuân thủ mục tiêu cam kết, các cơ sở sẽ bị phạt với mức phạt tương đương 91 USD/tấn CO2 tương đương.


Dự đoán về Thị trường Carbon trong nước

Sự phát triển của Thị trường Carbon trên thế giới là xu hướng tất yếu của mọi quốc gia. Tại Việt Nam, trong giai đoạn thí điểm từ năm 2025 đến năm 2027, Chính phủ chủ yếu sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tham gia Thị trường Carbon; đồng thời khảo sát mức độ chấp hành, tuân thủ các quy định chính sách môi trường về hạn ngạch phát thải áp đặt cho doanh nghiệp. Từ đây, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải tìm ra được mức độ “bắt buộc” mà các doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ, là cơ sở điều chỉnh các quy định chính sách giúp Thị trường Carbon tối ưu hiệu quả hoạt động. Dưới đây, bài báo tập trung dự đoán cơ chế hoạt động của Thị trường Carbon tại Việt Nam giai đoạn thí điểm, từ đó định hình thị trường bắt buộc trong tương lai. Ngoài sự khác biệt về tính khuyến khích trong giai đoạn thí điểm, mọi yếu tố khác trong giai đoạn vận hành chính thức sẽ phản ánh giai đoạn thí điểm một cách hoàn thiện hơn.

Thông qua thị trường carbon của nhiều nước trên thế giới, những dự đoán về quy trình tổng quát quá trình xây dựng, vận hành thị trường Carbon tại Việt Nam sẽ bao gồm:
 
Quy trình vận hành thị trường carbon khi hoạt động thí điểm vào năm 2025 tại Việt Nam
Bảng 1: Quy trình vận hành Hệ thống giao dịch phát thải (ETS) Quốc gia
Cụ thể:
  1. Chính phủ sẽ hoàn thành việc xây dựng hệ thống giao dịch khí thải (ETS).
  2. Nhà nước ban hành các chính sách, quy định, điều luật về các tiêu chuẩn môi trường mới, hướng tới giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính. Đồng thời, xây dựng những chính sách tài chính hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất xanh.
  3. Phổ biến cơ chế vận hành chi tiết tới các doanh nghiệp - đối tượng tham gia và chịu sự quản lý chính từ các nhà hoạch định chính sách.
  4. Chính phủ sẽ triển khai đo đạc, kiểm kê lượng phát thải trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong 6 lĩnh vực trọng điểm phát thải (Năng lượng; Giao thông vận tải; Xây dựng; Các quá trình công nghiệp; Nông nghiệp; Lâm nghiệp; Chất thải) [17].
  5. Chính phủ sẽ công bố danh sách doanh nghiệp phải tham gia ETS. Mức phát thải từ 25.000 tấn CO2 trong 1 năm sẽ bắt buộc phải tham gia ETS và dưới mức đó sẽ thuộc thị trường Carbon tự nguyện.
  6. Các doanh nghiệp buộc phải tham gia ETS sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải trong một giai đoạn và doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ để đảm bảo mục tiêu giảm thải. Hạn ngạch sẽ tự động được Bộ Tài nguyên và Môi trường thu hồi khi các cơ sở dừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản [10].
  7. Các cơ quan quản lý sẽ có hệ thống giám sát, báo cáo (MRV) và quản lý nghiêm ngặt các doanh nghiệp tham gia ETS.
  8. Đối với các doanh nghiệp lựa chọn bù đắp lượng phát thải khí nhà kính sẽ có thể mở rộng hạn ngạch thông qua việc mua Tín chỉ Carbon.
  9. Với các doanh nghiệp tham gia thị trường Carbon tự nguyện và có nhu cầu bán hạn ngạch sẽ cần phải được xác nhận Tín chỉ Carbon và định giá. Về việc định giá Tín chỉ Carbon, ngoài định giá bằng cung và cầu, còn phụ thuộc vào Thị trường Carbon quốc tế.
  10. Đối với các doanh nghiệp áp dụng sáng kiến xanh và có được khoản hạn ngạch dư thừa sẽ tiến hành quy đổi thành Tín chỉ Carbon và tăng nhu cầu tham gia sàn giao dịch Tín chỉ Carbon, đồng thời tối ưu doanh thu. Thủ tục xác nhận Tín chỉ Carbon được giao dịch trên sàn giao dịch của Thị trường Carbon trong nước phải được thực hiện theo tuần tự 3 bước:
Bước 1: Tổ chức, cá nhân có nhu cầu xác nhận Tín chỉ Carbon được giao dịch trên sàn nộp đơn theo Mẫu số 01 của Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP về Bộ Tài nguyên và Môi trường qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

Bước 2: Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xác minh, cấp giấy xác nhận và gửi thông báo cho tổ chức, cá nhân trong thời hạn 15 ngày làm việc; trong trường hợp không cấp giấy xác nhận thì phải nêu rõ lý do.

Bước 3: Giấy xác nhận Tín chỉ Carbon được giao dịch theo Mẫu số 02 của Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP.
  1. Cuối cùng, vào cuối mỗi giai đoạn cam kết sẽ tổng kết quá trình giảm phát thải, các cơ sở phải nộp phí vi phạm cho lượng khí nhà kính vượt quá hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ sau khi đã bù trừ, áp dụng Tín chỉ Carbon. Ngoài phạt hành chính, lượng phát thải khí nhà kính vượt quá hạn ngạch được phân bổ sẽ được trừ vào hạn ngạch cho giai đoạn cam kết sau đó.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ được kiểm kê khí nhà kính định kỳ hàng năm, từ đó sẽ có những điều chỉnh trong hạn ngạch. Các chính sách và quy định môi trường sẽ được linh hoạt điều chỉnh trong suốt quá trình vận hành hệ thống giao dịch phát thải (ETS) sao cho phù hợp với điều kiện khách quan của từng giai đoạn. Nghị định 06/2022/NĐ-CP còn đề xuất cách sử dụng hạn ngạch như sau: Các doanh nghiệp có thể chuyển giao lượng hạn ngạch phát thải khí nhà kính chưa sử dụng hết trong năm trước sang các năm tiếp theo trong cùng 01 giai đoạn cam kết; Các cơ sở có thể vay hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ cho năm tiếp theo để sử dụng trong năm trước đó trong cùng 01 giai đoạn cam kết [10].

Thúc đẩy doanh nghiệp tại Việt Nam tham gia Thị trường Carbon

Về chính sách Chính phủ, các nhà quản lý chính sách và các nhà hoạt động môi trường sẽ gây áp lực tới những doanh nghiệp không tuân thủ các quy tắc, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường [1]. Điều này sẽ gây cản trở doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất và kinh doanh, các thủ tục xử phạt hành chính không chỉ gây ra thiệt hại doanh thu, giảm lợi nhuận ròng mà còn rườm rà và gây mất thời gian cho doanh nghiệp.

Về người tiêu dùng, Việt Nam là thị trường với đa số dân số trẻ và thu nhập có xu hướng tăng song song với nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường khi 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh [1]. Do vậy, đòi hỏi doanh nghiệp áp dụng các phương pháp sản xuất bền vững [6].

Ngoài ra, tham gia Thị trường Carbon, áp dụng các sáng kiến xanh giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí sản xuất nhờ tối ưu hoá quy trình sản xuất hay tránh lãng phí nguyên liệu thô, tăng sức cạnh tranh đáng kể trên thị trường [4]. Việc tăng cường sản xuất xanh cũng sẽ đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường như ISO 14001, ISO 50001 của sản phẩm hay doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Trong bối cảnh xu hướng tiêu dùng xanh, đặt ưu tiên trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, việc tham gia thị trường Carbon không chỉ xây dựng hình ảnh, uy tín cho thương hiệu mà còn đáp ứng nhu cầu tiêu chuẩn về môi trường của người tiêu dùng đạt được phát triển bền vững trong dài hạn.

Vận hành hệ thống giao dịch khí thải (ETS) sẽ không chỉ mang lại cho Việt Nam khoản doanh thu tiềm năng to lớn từ việc giao dịch Tín chỉ Carbon với thị trường thế giới mà còn mang lại nhiều cơ hội việc làm cho thị trường Việt Nam. Năm 2022, Việt Nam đã thu về 51,5 triệu USD (1.200 tỷ VNĐ) từ việc bán 10,3 triệu Tín chỉ Carbon cho Ngân hàng Thế giới với mức giá trung bình 5 USD/ tấn CO2 [18]. Dự kiến khi Thị trường Carbon vận hành chính thức, giá Tín chỉ Carbon sẽ tương đương giá trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam hướng tới phát triển bền vững trong dài hạn, đây là cơ hội nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn môi trường khắt khe của thị trường quốc tế; đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam./.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Anh, M. (2024, April 26). Gia tăng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam. Nhịp Sống Kinh Tế Việt Nam & Thế Giới. https://vneconomy.vn/gia-tang-nhu-cau-tieu-dung-san-pham-xanh-tai-viet-nam.htm
  2. Bayer, P., & Aklin, M. (2020). The European Union Emissions Trading System Reduced CO2 Emissions despite Low
Prices. Proceedings of the National Academy of Sciences, 117(16), 8804-8812.
  1. Bekkevold, J. I. (2020). The International Politics of Economic Reforms in China, Vietnam, and Laos. The Socialist Market Economy in Asia, 27-68. https://doi.org/10.1007/978-981-15-6248-8_2
  2. Carter, C. R., Kale, R., & Grimm, C. M. (2000). Environmental purchasing and firm performance: an empirical in- vestigation. Transportation Research Part E: Logistics and Transportation Review, 36(3), 219-228. https://doi.org/10.1016/ s1366-5545(99)00034-4
  3. Environment, U. N. (2023, October 31). Carbon Markets. UNEP - UN Environment Programme. https://www.unep. org/topics/climate-action/climate-finance/carbon-markets
  4. Klassen, R. D., & McLaughlin, C. P. (1993). TQM and Environmental Excellence in Manufacturing. Industrial Manage- ment & Data Systems, 93(6),14-22. https://doi.org/10.1108/02635579310040924
  5. London, J. D. (2020, October 1). China and Vietnam as Instances of Consolidated MarketLeninism.https://doi. org/10.1007/978-981-15-6248-8_3
  6. Luật số 72/2020/QH14 Bảo vệ môi trường 2020. (2020, November 17). Thuvienphapluat.vn. https://thuvienphapluat. vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Luat-so-72-2020-QH14-Bao-ve-moi-truong-2020-431147.aspx
  7. Ma, Z., Cai, S., Ye, W., & Gu, A. (2019). Linking Emissions Trading Schemes: Economic Valuation of a Joint China- Japan-Korea Carbon Market. Sustainability, 11(19), 5303. https://doi.org/10.3390/su11195303
  8. Nghị định 06/2022/NĐ-CP giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn.(n.d.). Thuvienphapluat.vn. https:// thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Nghi-dinh-06-2022-ND-CP-giam-nhe-phat-thai-khi-nha-kinh-  va-bao-ve-tang-o-don-500104.aspx
  9. thanglong.chinhphu.vn. (n.d.).“Báo động đỏ” ô nhiễm không khí ở Thủ đô Hà Nội. Thanglong.chinhphu.vn. https://thanglong.chinhphu.vn/giai-phap- nao-cai-thien-o-nhiem-khong-khi-o-ha-noi-103240323020442481.htm
  1. The EU Emissions Trading System (EU ETS). (2016). https://climate.ec.europa.eu/system/files/2016-12/factsheet_ ets_en.pdf
  2. THỊ TRƯỜNG MUA BÁN PHÁT THẢI CỦA LIÊN MINH CHÂU Âu BÙI VIỆT HƯNG * NGÔ SỸ TIỆP **. (n.d.). Retrieved November 12, 2024,fromhttps://scholar.dlu.edu.vn/thuvienso/bitstream/DLU123456789/206203/1/CVv418S532023094.pdf
  1. thuvienphapluat.vn. (2020, November 7). Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2019 về biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn thành phố Hà Nội. THƯ VIỆN PHÁP LUẬT; thuvienphapluat.vn.https:// thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Chi-thi-19-CT-UBND-2019-han-che-o-nhiem-cai-thien-chi-so- chat-luong-khong-khi-thanh-pho-Ha-Noi-432210.aspx
  2. Tín chỉ Carbon Việt Nam (2016). Tinchicarbonvietnam.vn. https://www.tinchicarbonvietnam.vn/tintuc/dai-loan- ra-mat-san-giao-dich-tin-chi-carbon
  3. Tran. (2023). A cross-cultural comparison of organizational culture: evidence from academic libraries in Vietnam and China. Global Knowledge, Memory and Communication. https://doi.org/10.1108/gkmc-02-2023-0072
  4. Việt Anh. (2024, October 26). Thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam cần có lộ trình phù hợp để phát triển bền vững (Việt Anh, Ed.). Tạp Chí Điện Tử Kinh Doanh và Phát Triển. https://kinhdoanhvaphattrien.vn/co-hoi-de-phat-trien- dung-huong-thi-truong-carbon-tai-viet-nam-39923.html
  5. Việt Nam thu hàng ngàn tỉ đồng từ việc bán tín chỉ. (2024). CÔNG TY CỔ PHẦN SÀN GIAO DỊCH TÍN CHỈ CARBON. https://aseancarboncredit.com/viet-nam-thu-hang-ngan-ti-dong-tu-ban-tin-chi/
  6. WHO. (2019, July 30). Air pollution. Who.int; World Health Organization: WHO. https://www.who.int/health-topics/ air-pollution
  7. Yan, H., Chen, Z., & Yang, Y. (2024). State-owned capital and quality of green innovation: Evidence from Chinese listed private firms. Heliyon, 10(7), e28179. https://doi.org/10.1016/j.heliyon.2024.e28179
  8. Yan, J. (2023). Reference of European Carbon Market to China›s Carbon Market under the Unified National Market. Advances in Economics, Management and Political Sciences, 16(1), 161-168. https://doi.org/10.54254/2754- 1169/16/20230997
  9. Zhao, Y., Wang, C., Sun, Y., & Liu, X. (2018). Factors influencing companies’ willingness to pay for carbon emissions: Emission trading schemes in China. Energy Economics, 75, 357-367. https://doi.org/10.1016/j.eneco.2018.09.001

Nguyễn Quỳnh Ngân - Lê Minh Hải - Đỗ Quang Huy
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top