Rác thải nhựa đại dương những con số đáng báo động

06/06/2022 - 11:01 AM
Lượng rác thải nhựa thải ra đại dương ngày càng lớn, các vấn đề ô nhiễm và ảnh hưởng của ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là hạt vi nhựa trong hệ sinh thái biển đang ở mức báo động. Không chỉ riêng tại Việt Nam mà trên toàn thế giới hiện vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về rác thải nhựa đại dương cũng như những ảnh hưởng, tác hại của rác thải nhựa và các hạt vi nhựa đối với môi trường biển và điều đáng quan ngại là vấn đề quản lý rác thải nhựa nói chung hiện vẫn còn nhiều hạn chế.
 
Báo cáo mới đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, trong năm 2021, thế giới đã sử dụng 460 triệu tấn nhựa, gần gấp đôi so với con số ghi nhận năm 2000. Mặc dù, rác thải nhựa gia tăng, song chỉ có 15% được phát hiện là đã được thu gom để tái chế, nhưng chỉ có 9% được tái chế thực sự, 6% còn lại được xử lý làm chất cặn bã. Nhiều chất dẻo đã bị rò rỉ vào môi trường nước, với 1,7 triệu tấn chảy ra đại dương trong năm 2019. Ước tính có khoảng 30 triệu tấn rác thải nhựa trong đại dương và 109 triệu tấn khác tích tụ trong các dòng sông.

Còn Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) cũng đã công bố báo cáo về thực trạng rác thải nhựa đại dương. Báo cáo của WWF được tổng hợp từ hơn 2.000 công trình nghiên cứu riêng về những tác động tiêu cực của rác thải nhựa đối với các đại dương, đa đạng sinh học và sinh thái biển. Theo đó, WWF cho biết, rác thải nhựa đã xuất hiện ở những vùng xa xôi nhất và những vùng nguyên sinh của trái đất như vùng băng Bắc Cực và trong các loài cá sinh sống tại khu vực sâu nhất của đại dương là Rãnh Mariana.

Cũng theo báo cáo này, mỗi năm có khoảng từ 19 đến 23 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển, trong đó, phần lớn là sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Rác này chiếm tới 60% nguyên nhân gây ô nhiễm đại dương.

Các nghiên cứu cho thấy, rác thải nhựa trong đại dương có nguồn gốc từ đất liền, bị cuốn theo những dòng chảy từ các đô thị, do tràn cống, xả rác, chất thải từ các hoạt động công nghiệp và xây dựng... Ô nhiễm nhựa trên đại dương cũng bắt nguồn từ ngành đánh bắt cá, các hoạt động hàng hải và nuôi trồng thủy sản. Dưới tác động của bức xạ tia cực tím, gió, dòng chảy và các yếu tố tự nhiên khác, nhựa bị phân hủy thành các hạt nhỏ được gọi là hạt vi nhựa hoặc nano nhựa. Kích thước nhỏ khiến chúng dễ dàng bị các sinh vật biển vô tình ăn phải.

Theo một nghiên cứu năm 2021, trong số 555 loài cá được kiểm tra, có tới 386 loài đã ăn phải rác thải nhựa. Một nghiên cứu khác được tiến hành với các loài cá đánh bắt phục vụ thương mại cho thấy, 30% cá tuyết trong một đợt đánh bắt tại biển Bắc chứa hạt vi nhựa trong dạ dày của chúng.

Báo cáo của WWF cho biết, 88% các loài sinh vật biển mà tổ chức này nghiên cứu bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm nhựa rất nghiêm trọng. Ít nhất có 2.144 loài phải sống trong môi trường ô nhiễm nhựa. Báo cáo cũng dự đoán sản lượng nhựa sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040, khiến lượng rác thải nhựa trên đại dương tăng gấp 4 lần. Hiện mỗi năm có khoảng 14 triệu tấn rác thải nhựa trôi ra đại dương.

 
Rác thải nhựa đại dương những con số đáng báo động

Ảnh minh họa: Nguồn internet

 
Thực tế cho thấy, khi ở trong nước, nhựa bắt đầu phân hủy, nhỏ hơn và thậm chí nhỏ đến mức không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Do đó, ngay cả khi các vấn đề gây ô nhiễm môi trường trong đại dương hoàn toàn chấm dứt, lượng vi nhựa tại đây vẫn có thể tăng gấp 2 lần vào năm 2050. Trong khi đó, rác thải nhựa vẫn tiếp tục đổ ra biển với khối lượng tăng gấp 2 lần vào năm 2040 theo ước tính. Cũng trong khoảng thời gian này, WWF dự báo ô nhiễm nhựa tại các đại dương sẽ tăng gấp 3 lần. Và theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), một bi kịch mới được hình thành khi vi hạt nhựa trong đại dương nhiều hơn số sao trong vũ trụ đã biết, lên tới 12.000 vi hạt trên một lít nước.

Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, khi đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu, lượng rác thải nhựa phát sinh do dịch Covid-19 quá tải và việc thu gom, xử lý của các quốc gia càng trở nên khó khăn. Các nghiên cứu cho thấy, đại dịch Covid-19 đã phát sinh khoảng 26 nghìn tấn rác thải nhựa, tương đương với 2.000 xe buýt 2 tầng xả ra đại dương. Trong đó chủ yếu là các thiết bị bảo hộ cá nhân như: Khẩu trang, găng tay.

Các nhà khoa học dự đoán rằng vào cuối thế kỷ này, gần như toàn bộ lượng rác thải nhựa liên quan đến đại dịch Covid-19 sẽ trôi dạt trên mặt biển hoặc nằm sâu dưới đáy đại dương. Đáng chú ý, các loại chất thải nhựa chủ yếu từ nguồn chất thải y tế trong các bệnh viện. Thực tế này đã đặt ra bài toán lâu dài trong việc bảo vệ môi trường biển, đặc biệt trên bề mặt đại dương và khu vực trầm tích ven biển.

Nghiên cứu của Trung Quốc cho thấy tỷ lệ quá tải lượng rác thải nhựa phát sinh do đại dịch Covid-19 cao nhất ở khu vực châu Á với 46%, nguyên nhân hàng đầu do sử dụng lượng khẩu trang khá lớn, tiếp theo sau là châu Âu ở mức 24%, Bắc và Nam Mỹ là 22%.

WWF cho hay, hiện không có đủ bằng chứng để ước tính những hậu quả tiềm ẩn của tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở các đại dương đối với con người. Tuy vậy, báo cáo phát hiện sự tồn tại của các chất có gốc là nhiên liệu hóa thạch ở mọi khu vực của biển cả, từ mặt biển đến đáy sâu đại dương, từ các cực đến đường bờ biển của những hòn đảo xa xôi nhất, phát hiện ở cả những sinh vật phù du nhỏ nhất cho đến cá voi - loài lớn nhất sinh sống ở biển. Với mức độ ô nhiễm nhựa đang ở quy mô toàn cầu, chi phí loại bỏ nhựa ra khỏi môi trường là rất lớn. Do đó, đa số giải pháp cho vấn đề ô nhiễm nhựa đều tập trung vào việc ngăn chặn rác thải nhựa hoặc hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa.

Tại Việt Nam, tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa hiện cũng đang ở mức báo động. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), năm 2018, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất trên thế giới, với khối lượng rác thải nhựa ra biển dao động trong khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/ năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia cao nhất. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3,8 kg/năm/người năm 1990, tăng lên 54 kg/năm/người vào năm 2018, trong đó 37,43% sản phẩm là bao bì và 29,26% là đồ gia dụng (Hiệp hội nhựa Việt Nam, 2019).

Một số thành phố ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều chất thải nhựa trôi nổi trên biển từ các nguồn chất thải đô thị, sinh hoạt, nông nghiệp, bệnh viện, nuôi trồng thủy sản và giao thông vận tải biển. Chỉ tính riêng tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), mỗi ngày cơ quan chức năng thu gom khoảng 7 tấn chất thải rắn để đưa vào bờ xử lý. Sau 3 chiến dịch thu gom rác từ năm 2016 đến năm 2019, tại 4 km của Vịnh Hạ Long đã thu được 4 tấn rác thải, chủ yếu là chất thải nhựa và túi nilon.

Tại Cát Bà (Hải Phòng), trên 50% số lượng phao xốp nuôi trồng hải sản trong tình trạng cũ hỏng, rách vụn, trôi nổi xung quanh khu vực nuôi trồng thủy sản; 4,1% chất thải nhựa từ các nhà hàng và 7,9% chất thải nhựa từ các khách sạn không thể tái chế. Huyện Cát Hải thu vớt lượng 10 m3/ngày rác trôi nổi trên Vịnh, trong đó có 70% là nhựa.

Trước những con số đáng báo động về ô nhiễm môi trường đại dương do rác thải nhựa, WWF đã đưa ra nhận định rác thải nhựa đang là mối nguy đối với hệ sinh thái biển tại nhiều nơi, trong đó đáng lo ngại nhất, rác thải nhựa đang làm ô nhiễm toàn bộ mạng lưới thức ăn của các động vật biển.

Các chuyên gia cũng cho rằng, tương tự cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay, để giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa ở các đại dương, cần cắt giảm lượng khí thải carbon để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu. Ngoài ra, cũng cần đặt ra các mục tiêu hạn chế rác thải nhựa đổ ra biển. Hiện, một số vùng biển trên thế giới như Địa Trung Hải, Hoàng Hải đã chạm ngưỡng giới hạn về rác thải nhựa. Do đó, cần nhanh chóng có hành động nhằm đạt được mục tiêu trung hòa khí thải, trung hòa ô nhiễm trong thời gian sớm nhất. Mới đây, tại kỳ họp Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA) diễn ra tại Kenya tháng 3/2022, 175 quốc gia đã thông qua nghị quyết khởi động đàm phán hướng tới hiệp ước quốc tế đầu tiên về chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa. Theo đó, một ủy ban liên chính phủ được thành lập để đàm phán với mục tiêu đến năm 2024, hoàn tất một thỏa thuận ràng buộc pháp lý liên quan rác thải nhựa.

Theo khung hiệp ước để đàm phán, các nước sẽ thảo luận cách thức hiệu quả nhằm giảm và loại bỏ rác thải nhựa ở mọi dạng thức, không chỉ là chai, ống hút và vật dụng nhựa dùng một lần thải ra đại dương, mà cả hạt vi nhựa có trong không khí, đất và thức ăn.

Tại Việt Nam hiện cũng đã và đang thực thi nhiều chiến lược để giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường. Năm 2020, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.

Cùng với đó, theo Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 75% rác thải nhựa đại dương; 100% số ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn không còn rác thải nhựa…/.
Gia Linh
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top