Ấn phẩm “Sách trắng hợp tác xã Việt Nam năm 2022” vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì, biên soạn và công bố nhằm ghi nhận những kết quả đạt được của khu vực hợp tác xã trong giai đoạn 2016-2020, đồng thời đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu trong quản lý, hoạch định chính sách phát triển hợp tác xã và người dùng tin khác.
Nội dung ấn phẩm gồm những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển hợp tác xã của cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2020, với 3 phần: Phần I: Bối cảnh và tình hình phát triển hợp tác xã Việt Nam năm 2020 và giai đoạn 2016-2020. Phần II: Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển hợp tác xã của cả nước giai đoạn 2016-2020. Phần III: Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển hợp tác xã của các địa phương giai đoạn 2016-2020.
Ấn phẩm cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, ban hành nhiều quyết sách quan trọng trong công tác chỉ đạo phát triển kinh tế HTX. Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, HTX; các cấp ủy đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm, vào cuộc, tập trung nỗ lực, cố gắng nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật Hợp tác xã năm 2012 và chỉ đạo của Bộ Chính trị. Nhờ đó, khu vực HTX giai đoạn này đã có nhiều chuyển biến tích cực, dần xóa bỏ mô hình HTX kiểu cũ, hoạt động dần đúng bản chất là phục vụ thành viên, góp phần nâng cao đời sống hộ thành viên, ổn định chính trị tại cộng đồng. Số lượng và chất lượng HTX đã ngày càng phát triển. Các HTX hỗ trợ kinh tế hộ thành viên, tạo việc làm và thu nhập cho thành viên và người lao động, góp phần phát kinh tế - xã hội đất nước.
Với những số liệu, thông tin phân tích cụ thể về sự biến động về số lượng hợp tác xã hiện có năm 2020, bình quân giai đoạn 2016-2020; số HTX đang hoạt động có kết quả SXKD do ngành Thống kê điều tra, cập nhật tại thời điểm 31/12/2020 trên phạm vi cả nước cùng những chỉ tiêu trong hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã như: Lao động, nguồn vốn, doanh thu thuần, lợi nhuận… Ấn phẩm đã cung cấp cho người dùng tin bức tranh toàn cảnh về hoạt động của khu vực hợp tác xã giai đoạn 2016-2020. Trong đó, một số kết quả đáng ghi nhận đối với hoạt động của HTX đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước thời gian qua, cụ thể như:
(1) Nhiều HTX đã từng bước thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, xuất hiện nhiều mô hình HTX hoạt động hiệu quả, góp phần tạo được niềm tin của người dân đối với mô hình kinh tế tập thể HTX.
(2) Kinh tế HTX đóng góp vào tăng trưởng kinh tế; ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát; tăng kim ngạch xuất khẩu; tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là trong ngành nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững, đặc biệt trên địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi; phát triển nguồn nhân lực có tay nghề và chất lượng cao; ổn định xã hội; khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo đối với lao động trẻ; góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, nhất là đời sống của hộ thành viên.
(3) Nhiều HTX đã tổ chức lại theo Luật HTX; hoạt động hướng về thành viên, mang lại lợi ích cho thành viên, thành viên gắn bó với HTX hơn. Các HTX phát triển đa dạng hóa các lĩnh vực hoạt động, đã phát triển được một số HTX trên một số ngành, nghề, lĩnh vực mới như y tế, giáo dục, môi trường, khoa học, công nghệ. HTX là một chủ thể quan trọng trong cung cấp dịch vụ và kết nối sản xuất cho hàng chục triệu hộ gia đình để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, gắn kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ, chế biến.
(4) Số lượng các HTX áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, tham gia vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tăng lên; ngày càng nhiều cán bộ HTX trẻ, có trình độ, tâm huyết, giàu kinh nghiệm, nhạy bén với thị trường, mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất để thích ứng với thị trường cạnh tranh.
Bên cạnh những nhận định về một số cơ hội và thách thức trong phát triển hợp tác xã thời gian tới, ấn phẩm cũng đã đưa ra một số giải pháp phát triển hợp tác xã:
Trong đó: Đối với cơ quan quản lý nhà nước các cấp: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của HTX trong điều kiện mới, đặc biệt vai trò của HTX trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Hoàn thiện thể chế, xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh; Củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã; Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực xã hội tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã…
Đối với hợp tác xã: Tổ chức, củng cố lại hoạt động của các HTX theo đúng bản chất của Luật HTX năm 2012 và các văn bản hướng dẫn đồng thời phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của thành viên trong HTX; Tiếp tục thực hiện tốt chính sách đào tạo và thu hút nhân lực có trình độ về làm việc tại các HTX; Tăng cường năng lực quản trị HTX theo hướng công khai, minh bạch; Kịp thời ứng dụng công nghệ - thông tin, những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số,… trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý HTX./.
Thu Hòa