Sản xuất lúa năm 2022 - Kết quả từ sự thay đổi

11/04/2023 - 10:39 AM
Năm 2022, bất chấp những khó khăn do ảnh hưởng của hậu dịch Covid-19, giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất tăng cao, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn,... song nông nghiệp Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định, trong đó có đóng góp lớn của ngành trồng trọt mà trọng tâm là sản xuất lúa. Từ những kết quả tích cực trong quá trình tái cơ cấu hoạt động sản xuất lúa và triển khai hiệu quả nhiều nhóm giải pháp nhằm nâng cao năng suất, đảm bảo hiệu quả trong gieo trồng, thu hoạch đã giúp cho cây lúa tiếp tục khẳng định tầm quan trọng và đóng vai trò là cây lương thực chính trong mục tiêu phát triển nông nghiệp của Việt Nam, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu.
 
Đánh giá của Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2022 ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, trên 3%. Năng lực sản xuất các sản phẩm nông, lâm, thủy sản hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của gần 100 triệu dân. Trong đó, sản lượng lúa thu hoạch năm 2022 của Việt Nam ước đạt 42,66 triệu tấn, ngoài phục vụ nhu cầu lương thực trong nước, vẫn xuất khẩu 6,5-7 triệu tấn, qua đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Do tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành, chuyển đổi theo kế hoạch diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả hoặc không cân đối được nguồn nước sang trồng rau, màu, cây ăn quả hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản để có hiệu quả kinh tế cao hơn nên diện tích lúa cả năm ước đạt 7,1 triệu ha, giảm 127,7 nghìn ha so với năm 2021. Năng suất lúa ước đạt 60,2 tạ/ha, giảm 0,6 tạ/ha; sản lượng lúa đạt 42,66 triệu tấn, giảm 1,19 triệu tấn; trong đó, giảm 0,89 triệu tấn do giảm diện tích đất trồng lúa và giảm 0,3 triệu tấn do giảm năng suất. Mặc dù vậy, hiệu quả sản xuất trên 1 đơn vị diện tích không ngừng tăng lên qua các năm. Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt năm 2022 đạt 104,2 triệu đồng/ha, tăng 0,6% so với năm 2021.

Diện tích trồng lúa vụ đông xuân 2022 cả nước đạt 2.975,6 nghìn ha, giảm 30,9 nghìn ha so với vụ đông xuân năm 2021; năng suất đạt 67,1 tạ/ha, giảm 1,5 tạ/ha, sản lượng đạt 19.980,3 nghìn tấn, giảm 648,5 nghìn tấn. Kết quả sản xuất lúa đông xuân năm 2022 kém hơn năm 2021 do cả diện tích và năng suất đều giảm. Diện tích gieo trồng lúa đông xuân giảm do các địa phương thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đô thị hóa, hoặc chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Một số địa phương có diện tích gieo cấy lúa mùa giảm nhiều là Hà Nội giảm 3,1 nghìn ha; Hưng Yên giảm 1,4 nghìn ha; Hà Nam giảm 1,1 nghìn ha, Thanh Hòa giảm 1,6 nghìn ha, Nghệ An giảm 4,6 nghìn ha.

 
Sản xuất lúa năm 2022 - Kết quả từ sự thay đổi

 
Ngoài ra, do giá phân bón, thuốc bảo vệ tăng cao nên người dân chuyển sang dùng các loại phân hữu cơ tự chế và giảm lượng phân bón tổng hợp cũng ảnh hưởng tới năng xuất lúa. Thêm vào đó, mưa to và ngập úng ở khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung cuối tháng 3/2022, cùng với xâm nhập mặn vào thời điểm cuối vụ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng là những yếu tố khiến cho năng suất và sản lượng lúa vụ đông xuân giảm.

Về kết quả sản xuất lúa vụ hè thu: Diện tích gieo trồng lúa hè thu 2022 cả nước ước đạt 1.914,7 nghìn ha, giảm 38,1 nghìn ha so với vụ hè thu năm 2021; năng suất đạt 56,6 tạ/ha, giảm 0,5 tạ/ha; sản lượng đạt 10,8 triệu tấn, giảm 304,3 nghìn tấn. Trong đó, tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích gieo trồng lúa hè thu đạt 1.476,1 nghìn ha, giảm 32,9 nghìn ha; năng suất đạt 56,5 tạ/ha, giảm 1,4 tạ/ha; sản lượng đạt 8,34 triệu tấn, giảm 314 nghìn tấn.
 
Diện tích và sản lượng lúa hè thu giảm nhiều nhất từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 77% diện tích và 77,2% sản lượng lúa hè thu của cả nước). Nguyên nhân kết quả sản xuất cây lúa vụ hè thu giảm do giảm diện tích, chi phí đầu vào tăng cao, người dân giảm diện tích xuống giống, chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả, cho năng suất thấp sang các cây trồng khác khác kinh tế hơn như như trồng cây ăn quả (cây dừa, cam sành, ổi, thanh long, mít...), trồng màu dưới chân ruộng, trồng cỏ, nuôi trồng thủy sản và một số diện tích đất do sản xuất lúa kém nên các hộ dân bỏ vụ… Bên cạnh đó, năng suất lúa hè thu giảm còn do mưa lớn và giông gió đã làm ảnh hưởng lúa giai đoạn ngậm sữa - chín bị đổ ngã; các loại sâu bệnh xuất hiện như: rầy nâu, nhện gié, bệnh đạo ôn, bệnh do vi khuẩn, bệnh lem lép hạt xuất hiện nhiều.

Đối với lúa mùa năm 2022: Đây là vụ mùa bội thu của sản xuất lúa. Trong đó, diện tích gieo trồng lúa mùa cả nước năm 2022 đạt 1.553,1 nghìn ha, tăng 11,9 nghìn ha so với vụ mùa năm 2021; năng suất khá cao so với các năm trước, đạt 52,9 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha; sản lượng ước đạt 8,21 triệu tấn, tăng 151,9 nghìn tấn. Năng suất lúa vụ mùa tăng do các địa phương đã chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Măc dù lượng mưa lớn nhưng các địa phương đã chủ động xây dựng kịch bản điều tiết nước; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ công tác chống ngập úng như duy tu, bảo dưỡng trạm bơm điện, máy bơm dã chiến, máy bơm di động... sẵn sàng tham gia phòng, chống úng, hạn cục bộ khi cần thiết để sản xuất vụ mùa đạt kết quả tốt, hạn chế thấp nhất thiệt hại do các yếu tố bất lợi của thời tiết gây ra. Bên cạnh đó, vụ mùa năm 2022 không bị ảnh hưởng nhiều bởi hạn mặn như năm trước, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đối với lúa vụ thu đông tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long: Diện tích gieo trồng lúa thu đông năm 2022 đạt 648,7 nghìn ha, giảm 70,6 nghìn ha so với vụ thu đông 2021; năng suất toàn vụ đạt 56 tạ/ha, giảm 0,1 tạ/ha; sản lượng đạt 3,63 triệu tấn, giảm 390 nghìn tấn so với vụ thu đông năm 2021. Diện tích gieo trồng lúa thu đông 2022 giảm so với cùng kỳ năm 2021 do sản xuất vụ này không được ổn định, nguồn nước không chủ động. Mặt khác vụ lúa thu đông năm 2022 cũng bị tác động tiêu cực bởi giá các loại phân bón, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng, ảnh hưởng bất lợi của tình hình thời tiết... nên người dân bỏ đất hoặc chuyển đổi lúa sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm khác.

Có thể thấy, nhìn chung diện tích gieo trồng và năng suất lúa năm 2022 giảm so với năm 2021 đã dẫn đến sản lượng lúa năm 2022 giảm, song sản xuất lúa năm 2022 vẫn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo an ninh lương thực, phục vụ chế biến và xuất khẩu. Sản xuất lúa đã chuyển từ phát triển chiều rộng là tăng năng suất, sản lượng sang phát triển chiều sâu theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bền vững. Đặc biệt, theo đánh giá quá trình tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo đã được triển khai thực hiện rất thành công. Mô hình trồng lúa chất lượng cao được nhân rộng ở nhiều địa phương; vùng lúa chất lượng cao được tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh hợp tác, liên kết theo chuỗi để giảm chi phí, gia tăng giá trị các khâu trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nếu như nhiều năm trước, nước ta chỉ mới cơ cấu 35 đến 40% các giống lúa chất lượng thì hiện nay con số này đã đạt 75 đến 80%, thậm chí tại nhiều địa phương, việc sử dụng giống lúa chất lượng lên đến hơn 90%. Sản lượng các giống lúa có chất lượng cao tiếp tục nâng dần tỷ trọng trong cơ cấu của nhóm sản phẩm. Một số sản phẩm chủ yếu như thóc chất lượng cao, thóc nếp tăng tỷ trọng trong nhóm thóc từ 23,0% năm 2020 lên 28,6% năm 2022 (theo số liệu ước tính năm 2022). Đây là một trong những nguyên nhân chính nâng cao chất lượng gạo, đưa giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên rất nhanh.

Bên cạnh đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của ngành Nông nghiệp, các cơ quan chuyên môn đã có hướng dẫn giúp các địa phương tính toán khung thời vụ phù hợp nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả cao đối với sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng. Tích cực đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật và quy trình canh tác tiên tiến để giảm bớt chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường thông tin, dự báo thời tiết, cập nhật liên tục tình hình lũ, triều cường; hỗ trợ, khuyến khích người dân sản xuất lúa chất lượng cao. Các giống lúa được khuyến cáo ưu tiên sử dụng là giống lúa thơm, chiếm tỷ lệ 30% trong cơ cấu giống như Jasmine 85, nhóm giống ST, Nàng Hoa 9, VD20, Đài Thơm 8... Giống lúa chủ lực xuất khẩu chiếm tỷ lệ 50-60% gồm OM5451, OM6976, OM18, OM 7347, OM4900... Hạn chế xuống giống lúa nếp và nhóm giống giống chất lượng trung bình như IR 50404, OM 576.

Các chuyên gia cho rằng, những thành công từ sự thay đổi trong sản xuất lúa thời gian qua là do đã triển khai áp dụng hiệu quả một số giải pháp, cụ thể như: Chọn giống lúa chất lượng cao, là những giống lúa có khả năng chống chọi tốt, cứng cây, bông chùm, đẻ nhánh khỏe, ít nhiễm sâu bệnh, có mùi thơm nhẹ, dễ tiêu 
thụ trên thị trường; Áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật: chọn thời điểm gieo cấy để cây lúa trổ vào thời kỳ thích hợp nhất, tác động bằng các biện pháp kỹ thuật để cây lúa có số nhánh hữu hiệu cao, cho số nhánh thành bông nhiều nhất, các bông to đều và số hoa tạo thành hạt với tỷ lệ cao nhất, ít hạt lép; bón phân tập trung, kịp thời khi nhánh lúa bắt đầu đẻ nhánh; Phòng trừ các loại bệnh hại ngay từ khi lúa bắt đầu trổ bông; Giữ mức nước trên ruộng đủ ẩm, chỉ nên rút khô ruộng khi lúa đã vào giai đoạn chín; Chọn đúng thời điểm thu hoạch; Lựa chọn yếu tố đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ, lao động...) để hạ giá thành sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, người nông dân cần mua lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phải chọn nơi uy tín, có thương hiệu trên thị trường…/.
Trần Thị Thu Trang
Vụ Thống kê Tổng hợp và Phổ biến Thông tin thống kê-TCTK
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top