Asean Key Figures 2021 - Những số liệu chủ yếu ASEAN năm 2021 - là ấn bản lần thứ 4 được Ban Thư ký ASEAN công bố vào tháng 12/2021, cung cấp cho độc giả các số liệu thống kê chủ yếu của ASEAN và các nước thành viên ASEAN về 4 lĩnh vực: Dân số và Phúc lợi; Kinh tế; Kết nối; Năng lượng và môi trường. Với bố cục rõ ràng và các biểu đồ minh họa trực quan, phong phú, ấn phẩm mang đến cho độc giả cái nhìn tổng quan về tình hình hiện tại và sự phát triển gần đây của các nước thành viên ASEAN cũng như cho thấy những tác động của đại dịch Covid-19 đến sự phát triển của các nước và một số chỉ tiêu của Mục tiêu phát triển bền vững.
Phần 1: Dân số và phúc lợi. Phần này gồm các dữ liệu về dân số và phúc lợi; giáo dục; y tế; lao động; nghèo đói và bất bình đẳng.
Theo dữ liệu, ASEAN hiện là khu vực có quy mô dân số lớn thứ ba trên thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ. Trong giai đoạn 1980-2020, dân số ASEAN tăng từ 355,1 triệu người lên 661,8 triệu người với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 1,3%. Quy mô dân số đã tăng gần gấp đôi là do sự gia tăng tự nhiên cũng như sự gia nhập thêm quốc gia thành viên mới. Trong khu vực, Indonesia là quốc gia có số lượng dân cư cao nhất với dân số khoảng 270 triệu người, chiếm hơn 1/3 tổng số dân số ASEAN. Trong 2 thập kỷ qua, tỷ trọng dân số nhóm tuổi 0-19 tuổi trong tổng dân số của khu vực có xu hướng giảm từ 42,0% xuống 33,1%. Ngược lại, tỷ trọng dân số ở nhóm 15-64 tuổi và nhóm tuổi 65 tuổi trở lên có xu hướng tăng.
Về giáo dục, tỷ lệ biết đọc, biết viết của người lớn (15 tuổi trở lên) trong khu vực ASEAN đã được cải thiện trong giai đoạn 2010-2020. Có 6 nước thành viên đã đạt được tỷ lệ này ở mức tương đối cao, 95% trở lên, trong đó Brunei có tỷ lệ biết đọc, biết chữ ở người lớn là cao nhất. Hầu hết các quốc gia thành viên có tỷ lệ trẻ đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học là trên 90% trong nhiều năm gần đây.
Về y tế, tại các quốc gia Brunei, Malaysia, Singapore và Thái Lan có hơn 99% số ca sinh được thực hiện bởi cán bộ y tế có tay nghề. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Lào chỉ là 64,4%. Trong năm 2020, tất cả các trẻ em dưới 1 tuổi ở Lào đều đã được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Tại các quốc gia khác như Brunei, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cũng có tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi ở mức 90%.
Về lao động, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tăng lên tại các quốc gia. Trong đó Malaysia tăng nhiều nhất, từ 63,7% năm 2010 lên 68,4% năm 2020. Một số các quốc gia cũng có mức tăng đáng kể như Campuchia từ 84,4% lên 87,4%; Singapore từ 66,2% lên 68,1%; Indonesia từ 67,7% lên 67,8%. Trong khi đó tại các quốc khác tỷ lệ này giảm. Phần lớn các quốc gia thành viên ASEAN có tỷ lệ thất nghiệp tăng trong năm 2020 do sự gián đoạn của các hoạt động kinh tế do đại dịch gây ra. Năm 2020, Philippines có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất là 10,3%, cao hơn mức 7,4% năm 2010. Tiếp đến là Lào 9,4%, gấp 3 lần tỷ lệ thất nghiệp năm 2010.
Về nghèo đói và bất bình đẳng, trong giai đoạn 2005-2019, các nước trong khu vực ASEAN đều có tỷ lệ nghèo giảm. Thái Lan là quốc gia có tỷ lệ nghèo giảm nhiều nhất, từ 26,8% dân số sống dưới mức nghèo khổ quốc gia năm 2005 xuống còn 6,2% năm 2019. Việt Nam và Indonesia cũng là những nước có tỷ lệ nghèo giảm đáng kể trong giai đoạn này, lần lượt từ 18,1% xuống 5,7% và 16,0% xuống 9,4%. Bên cạnh đó, phần lớn các nước thành viên đã cải thiện tình trạng bất bình đẳng trong thu nhập.
Ảnh: Ban Thư ký ASEAN
Phần 2: Kinh tế. Các nội dụng quy mô và tăng trưởng kinh tế; thương mại hàng hóa quốc tế; thương mại dịch vụ quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài được đề cập đến trong phần này.
Năm 2020, GDP của 10 nước thành viên là 3,0 nghìn tỷ USD, đưa ASEAN trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. Giai đoạn 2000-2019, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009, GDP của các quốc gia đều tăng lên. Đến năm 2020, dù bị ảnh hưởng của đại dịch, song vẫn có GDP gấp 5 lần GDP năm 2000. Bên cạnh đó, GDP bình quân đầu người trong toàn khu vực cũng có xu hướng tăng, ngoại trừ năm 2020. Tính trung bình, GDP bình quân đầu người ASEAN năm 2020 giảm 6,2% so năm 2019. Trong hai thập kỷ qua, nền kinh tế của ASEAN đã tăng trưởng ở mức tăng trưởng bình quân hàng năm 5,0%. Trong số các thành viên ASEAN, Myanmar, Campuchia, Lào và Việt Nam là các nước ghi nhận mức tăng trưởng GDP cao nhất.
Trong hai thập kỷ qua, tổng thương mại hàng hóa ASEAN đã tăng gấp gần 3,5 lần và đạt hơn 2,6 nghìn tỷ USD vào năm 2020. Giá trị xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của khu vực đều có xu hướng tăng cho đến năm 2019. Tuy nhiên, trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu, dẫn đến tổng thương mại hàng hóa ASEAN giảm 8,0% so với năm 2019. Sự sụt giảm thương mại hàng hóa được ghi nhận trong tất cả các nước thành viên. Thương mại nội khối ASEAN tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất của tổng thương mại ASEAN.
Cũng do tác động của đại dịch Covid-19, tổng thương mại dịch vụ của ASEAN giảm từ 872,2 tỷ đô la Mỹ vào năm 2019 xuống còn 637,0 tỷ USD vào năm 2020. Sự sụt giảm đã được ghi nhận ở cả hoạt động xuất khẩu dịch vụ (từ 464,2 tỷ USD xuống 316,0 tỷ USD) và hoạt động nhập khẩu dịch vụ (từ 408,0 tỷ USD xuống 321,0 tỷ USD). Giai đoạn 2005-2015, giá trị nhập khẩu dịch vụ luôn cao hơn hơn giá trị xuất khẩu dịch vụ. Tuy nhiên, sang giai đoạn 2016-2019, giá trị xuất khẩu của dịch vụ tăng trưởng nhanh hơn giá trị nhập khẩu, giúp cán cân thương mại dịch vụ cân bằng hơn. Mặc dù vậy, năm 2020, cán cân thanh toán thương mại dịch vụ ASEAN vẫn thâm hụt 5 tỷ USD.
Trong giai đoạn 2000-2019, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN cũng tăng lên hàng năm. Riêng năm 2020, do những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ASEAN đạt 137,3 tỷ USD, giảm gần 25% so với năm 2019. Mặt khác, FDI vào ASEAN trong nội bộ ASEAN đã tăng 3,5%, từ 22,0 tỷ USD năm 2019 lên 22,8 tỷ USD năm 2020.
Phần 3: Kết nối. Phần này cung cấp các dữ liệu vận tải đường bộ, vận tải hàng không; lượng khách quốc tế đến.
Trong thập kỷ qua, các nước ASEAN đã liên tục cải thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, tổng chiều dài đường bộ tăng 80,0%, từ 1,4 triệu km năm 2010 lên hơn 2,5 triệu km vào năm 2020, mỗi năm tăng trung bình 6,7%. Thái Lan có sự cải thiện đáng kể nhất, với mức tăng chiều dài đường bộ trong giai đoạn 2010- 2020 là 206,2%, từ 229,4 nghìn km lên 702,5 nghìn km, tăng bình quân 11,8% mỗi năm. Tiếp theo là Việt Nam với tổng mức tăng là 101,6% và mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 7,3%. Tỷ lệ này ở Malaysia lần lượt là 94,6% và 6,9%, Myanmar là 73,5% và 5,7%. Bên cạnh đó, lượng xe cơ giới đăng ký của khu vực cũng tăng lên, năm 2020 là 233,0 triệu chiếc, tăng 68,7% so với năm 2010, trung bình mỗi năm tăng 5,4%.
Vận tải hàng không là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Do tình hình dịch bệnh phức tạp, các quốc gia thành viên áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại, nên lượng khách di chuyển bằng đường hàng không năm 2020 giảm mạnh 70,8% so năm 2019, từ 331,6 triệu lượt người năm 2019 xuống còn 96,7 triệu lượt người năm 2020. Tất cả các nước thành viên đều có lượng khách di chuyển bằng đường hàng không sụt giảm mạnh. So năm 2019, lượng khách di chuyển bằng đường hàng không ở Thái Lan năm 2020 giảm 41,9%; Philippines giảm 78,8%.
Cũng do tác động của dịch Covid-19, tổng khách quốc tế đến ASEAN giảm mạnh, từ 143,6 triệu vào năm 2019 xuống chỉ còn 26,2 triệu vào năm 2020. Trong năm 2020, Thái Lan có số lượng khách quốc tế đến cao nhất trong khu vực với 6,7 triệu lượt khách, tiếp theo là Malaysia và Indonesia với khoảng 4 triệu lượt khách. Trong khi đó, tại các quốc gia thành viên khác chỉ ghi nhận dưới 4 triệu lượt khách quốc tế đến.
Bên cạnh đó, trong hai thập kỷ vừa qua, số lượng người sử dụng Internet ở ASEAN đã tăng lên đáng kể. Vào năm 2020, tổng số thuê bao Internet toàn khu vực ASEAN đạt 62,9 trên 100 dân số, gấp gần 3,5 lần và 25 lần so với năm 2010 và 2000. Năm 2020, Brunei có số lượng người sử dụng internet cao nhất với hơn 90,0 người đăng ký internet trên 100 dân số. Tiếp theo là Singapore và Malaysia lần lượt là 92,0 và 89,6 thuê bao trên 100 dân số. Trong khi đó, số lượng người đăng ký internet ở Campuchia chỉ là 78,8 trên 100 dân số, tiếp theo là Việt Nam ở mức 70,3; Myanmar và Lào ở mức 52,1 trên 100 dân số.
4. Năng lượng và môi trường.
Phần này gồm các thông tin số liệu về việc sử dụng điện và môi trường của khu vực. Ngoại trừ Campuchia, Myanmar và Philippines thì ở 7 nước thành viên còn lại có hơn 90% dân số được sử dụng điện. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2016-2019, Lào là quốc gia có số người chết, mất tích và bị ảnh hưởng trực tiếp từ những thảm họa thiên tai liên quan đến khi hậu cao nhất, với hơn hơn 10.000 người trên 100.000 dân và con số này có xu hướng gia tăng kể từ năm 2016. Đứng thứ hai là Philippines với 9.000 người trên 100.000 dân vào năm 2019.
Trong khu vực, Brunei có tỷ lệ diện tích rừng trên tổng diện tích đất là cao nhất với 72% trong năm 2019. Trong khi đó, Indonesia và Malaysia chỉ có hơn một nửa diện tích đất có rừng bao phủ./.
Minh Hữu