Năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, trong đó có những vấn đề chưa có tiền lệ tạo ra thay đổi mang tính căn bản đến các hoạt động kinh tế - xã hội, quan hệ hợp tác, cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu. Các mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn tiếp tục trở thành xu hướng phát triển tất yếu được nhiều quốc gia lựa chọn, đặt ra những thách thức mới đối với các quốc gia đang phát triển.
Trong bối cảnh đó, kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực đạt được mục tiêu đề ra,... Trong kết quả đó phải kể đến sự đóng góp quan trọng, năng động, hiệu quả của khu vực doanh nghiệp, khu vực chiếm trên 65% GDP. Để đánh giá những kết quả đạt được, đồng thời đáp ứng yêu cầu của các cơ quan nhà nước, các nhà nghiên cứu trong quản lý, hoạch định chính sách phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) đã chủ trì biên soạn và công bố “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2024”. Nội dung ấn phẩm gồm những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp của cả nước năm 2022 và năm 2023. Cuốn sách gồm 3 phần:
Phần I: Bối cảnh và tình hình phát triển doanh nghiệp Việt Nam năm 2023.
Phần II: Phân tích một số chỉ tiêu chủ yếu của doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022.
Phần III: Số liệu về phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016-2023.
Sách Trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2024c cho biết, năm 2023, GDP cả nước ước tính tăng 5,05% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng của các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2021-2023. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, đóng góp 8,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, đóng góp 28,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 62,29%. Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.282.5 USD, tăng 158 USD so với năm trước. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động, tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022; theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện.
Theo số liệu từ cơ sở quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến thời điểm 31/12/2023, cả nước có 921,372 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 2,8% so với cùng thời điểm năm 2022.
Theo khu vực kinh tế, khu vực dịch vụ tập trung nhiều doanh nghiệp đang hoạt động nhất, có 628.036 doanh nghiệp, chiếm 68,2% số doanh nghiệp cả nước, tăng 3,5% so với năm 2022; trong đó, những ngành có số lượng doanh nghiệp tăng nhanh so với năm 2022 là Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, tăng 15,4% và ngành Giáo dục và đào tạo, tăng 13,79%; ngành có số doanh nghiệp sụt giảm mạnh là ngành Hoạt động kinh doanh bất động sản, giảm 7,3%. Khu vực công nghiệp và xây dựng có 281.177 doanh nghiệp, chiếm 30,59%, tăng 1,5%; trong đó ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là điểm sáng của khu vực này, tăng 3,0%. Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 12.159 doanh nghiệp, chiếm 1,3%, tăng 0,5%.
Theo địa phương, có 61/63 địa phương có tốc độ tăng doanh nghiệp đang hoạt động thời điểm 31/12/2023 tăng so với thời điểm 31/12/2022, trong đó những địa phương có tốc độ tăng doanh nghiệp cao nhất cả nước là Lạng Sơn tăng 16,7%; Lào Cao tăng 11,1%; Bắc Ninh tăng 10,9%; Hà Giang tăng 10,6%; Bắc Giang tăng 10,2%; Thái Bình tăng 9,1%; Hưng Yên tăng 8,8%... Có 2/63 địa phương có số lượng doanh nghiệp đang hoạt động thời điểm 31/12/2023 giảm so với thời điểm 31/12/2022 là Sóc Trăng giảm (1,1%) và TP. Hồ Chí Minh giảm (0,4%).
Các địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp nhất cả nước, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh có 273.071 doanh nghiệp, chiếm 29,6% số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước, giảm 0,4% so với năm 2022; Hà Nội có 192.197 doanh nghiệp, chiếm 20,9%, tăng 2.8%; Bình Dương có 43.274 doanh nghiệp, chiếm 4,79%, tăng 6,2%; Đồng Nai có 26.647 doanh nghiệp, chiếm 2,9%, tăng 3,1%; Đà Nẵng có 25.797 doanh nghiệp, chiếm 2,8%, tăng 1,5%; Hải Phòng có 21.037 doanh nghiệp, chiếm 2,3%, tăng 15%.
Năm 2023, bình quân cả nước có 9,2 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân. Có 7/63 địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân cao hơn bình quân cả nước gồm: Thành phố Hồ Chí Minh có 28,9 doanh nghiệp; Hà Nội có 22,4 doanh nghiệp; Đà Nẵng có 20,7 doanh nghiệp; Bình Dương có 15,3 doanh nghiệp; Bắc Ninh có 10,9 doanh nghiệp; Bà Rịa - Vũng Tàu có 10,4 doanh nghiệp; Hải Phòng có 10,0 doanh nghiệp. Có 56/63 địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân thấp hơn bình quân cả nước, trong đó những địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân thấp nhất cả nước gồm: Hà Giang có 1,6 doanh nghiệp; Sơn La có 1,7 doanh nghiệp; Điện Biên có 1,8 doanh nghiệp; Tuyên Quang, Cao Bằng và Bắc Kạn cùng có 2,3 doanh nghiệp; Sóc Trăng có 2,4 doanh nghiệp; Bạc Liêu có 2,5 doanh nghiệp.
Năm 2023, cả nước có 159.294 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 7,2% so với năm 2022; có 58.412 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 2,4%. Tổng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có đăng ký trên phạm vi cả nước là 89.060 doanh nghiệp, tăng 20,7% so với năm 2022; có 18.038 doanh nghiệp giải thể giảm 3,1%. Tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường so với doanh nghiệp gia nhập thị trường chiếm 49,2%, tăng so với tỷ lệ năm 2022 (44,3%).
Riêng với năm 2022, theo số liệu điều tra của ngành Thống kê tại thời điểm 31/12/2022, cả nước có 735.455 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, tăng 2,3% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp có lãi là 44,6%; tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh lỗ là 46,9%; tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn là 8,5%. Ngành công nghiệp và xây dựng và khu vực doanh nghiệp nhà nước có tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi cao nhất; ngành dịch vụ và khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ cao nhất. Doanh nghiệp có quy mô càng lớn có tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh lãi càng cao và tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ càng thấp.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh là 15,3 triệu người, tăng 3,7% so với cùng thời điểm năm trước và tăng 1,3% so với năm 2019. Đây cũng là năm đầu tiên sau dịch Covid-19, số lao động trong khu vực doanh nghiệp hồi phục, tăng cao hơn so với thời điểm trước dịch. Quy mô lao động bình quân 1 doanh nghiệp cả nước là 20,9 người/doanh nghiệp, tăng so với 20,6 người/doanh nghiệp năm 2021.
Có thể thấy, sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - chính trị - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề về việc làm cho người lao động, đóng góp nguồn thu đáng kể vào ngân sách nhà nước, là khu vực tiên phong cho việc phát triển theo các mô hình nền kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn./.
Thu Hiền