Sản xuất công nghiệp Quý I/2023 giảm so cùng kỳ năm ngoái

04/04/2023 - 11:13 AM

Trong Quý I năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt những vẫn ở mức cao; kinh tế toàn cầu suy giảm, chi phí đầu vào tăng, lãi suất tăng, đồng đô la lên giá, cầu tiêu dùng suy giảm; trong nước, đơn hàng sản xuất giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm... Vì vậy, ngành công nghiệp cũng bị ảnh hưởng theo xu hướng chung, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo.

Sản xuất công nghiệp Quý I/2023 giảm so cùng kỳ năm ngoái

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Ba ước tính tăng 9,4% so với tháng trước và giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung Quý I năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước (tháng Một giảm 11,1%; tháng Hai tăng 7,2%; ước tháng Ba giảm 1,7%), thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,8% của cùng kỳ năm 2022 và mức tăng 5,7% của cùng kỳ 2021. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước (Quý I các năm 2022, 2021 tăng lần lượt là: 7,3%; 8%), làm giảm 1,6 điểm phần trăm mức tăng chung; ngành khai khoáng giảm 4,4%, làm giảm 0,7 điểm phần trăm; ngành sản xuất, phân phối điện giảm 1,5%, làm giảm 0,13 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 7,8%, đóng góp 0,13 điểm phần trăm mức tăng chung.

Đặc biệt, hai thành phố có quy mô công nghiệp lớn giảm và tăng mức thấp: TP Hồ Chí Minh giảm 0,9%; Hà Nội tăng 0,8%; và có 3/4 số ngành công nghiệp cấp 1 quan trọng đều giảm so kỳ năm trước. Ngành chế biến, chế tạo (ngành chiếm trên 74% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp, quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế) Quý I năm nay giảm 2,4% so cùng kỳ, trong khi cùng kỳ năm trước tăng ở mức cao 7,3%. Nhiều ngành quan trọng thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo Quý I năm 2023 giảm nhiều kỳ năm trước: Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 13,5%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 11,9%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 10,3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 8,7%; sản xuất xe có động cơ giảm 8,2%; sản xuất trang phục giảm 7,7%; sản xuất thiết bị điện giảm 6,9%; dệt giảm 6,5%; sản xuất da và các sản phẩm từ da giảm 4%; sản xuất kim loại giảm 2,4%;... Tuy nhiên, có ngành công nghiệp trọng điểm thuộc ngành chế biến, chế tạo tăng trưởng cao so cùng kỳ như: Sản xuất đồ uống tăng 27,3%; sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế tăng 19,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 11,6%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 7,2%;...

Những nguyên nhân chủ yếu làm cho sản xuất công nghiệp giảm tốc độ tăng trưởng trong Quý IV năm 2022 và giảm trong Quý I năm 2023

Tình hình thế giới biến động khó lường đã ảnh hưởng đến trong nước, chi phí đầu vào đang tạo sức ép lên hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước. Nguyên nhân của vấn đề này đến từ các yếu tố bên ngoài như giá nhiên liệu thế giới bị đẩy lên, chi phí đầu vào gia tăng, đồng USD tăng mạnh, lạm phát tăng cao vẫn còn hiện hữu trên thế giới, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng đầu vào. Kinh tế thế giới có dấu hiệu suy thoái toàn cầu đã ảnh hưởng đến các nhà sản xuất của Việt Nam khi cả số lượng đơn hàng mới và xuất khẩu đều giảm.

Các yếu tố này làm cho cầu nhập khẩu từ Việt Nam giảm mạnh, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị thu hẹp. Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng lên, lãi suất tăng, doanh thu giảm khiến các doanh nghiệp phải giảm quy mô hoạt động. Các động lực tăng trưởng đều suy giảm: Xuất khẩu suy giảm, nhu cầu suy giảm, đầu tư tư nhân suy giảm, giải ngân đầu tư công chậm... Chính phủ ưu tiên chống lạm phát, chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi vay tăng cao.

Các doanh nghiệp có cố gắng đa dạng hoá, mở rộng thêm thị trường xuất khẩu nhưng nhìn chung vẫn khó khăn khi kinh tế thế giới suy giảm. Nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng mới, chi phí sản xuất tăng cao phải đứng trước tính toán thu hẹp quy mô, cắt giảm hàng loạt lao động hoặc giãn việc làm.

Một số giải pháp chủ yếu, hỗ trợ sản xuất công nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất

Một là, Chính phủ, các cấp, các ngành cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Do giá dầu thô, khí đốt trên thế giới tăng cao, chi phí logicstic tăng và nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh.

Hai là, cần có giải pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp, hạ lãi suất cho vay.

Ba là, Chính phủ, các cấp, các ngành thúc đẩy giải ngân nhanh các gói cứu trợ doanh nghiệp kịp thời và hiệu quả. Đặc biệt tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi thuận lợi, nhanh chóng.

Bốn là, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp công nghiệp trong thời kỳ lạm phát các nước tăng cao, suy thoái kinh tế diễn ra là thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp và giảm sút (đặc biệt là xuất khẩu). Vì vậy, doanh nghiệp rất cần Chính phủ, các cấp, các ngành hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm như: Tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu,…

Năm là, về lao động, chính sách hỗ trợ cho người lao động cần rõ ràng, giảm bớt thủ tục, hướng dẫn cụ thể, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Cần có gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động, hỗ trợ các nguồn tín dụng để doanh nghiệp trả lương cho người lao động đối với DN gặp khó khăn.

Sáu là, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải ngân nhanh đầu tư công, tạo điều kiện thúc đẩy SXKD, đặc biệt là ngành xây dựng, công nghiệp phát triển, giải quyết việc làm, thu nhập của người lao động, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế.

Bảy là, đẩy mạnh hoạt động có hiệu quả trong ngăn chặn hàng nhập lậu, chống chuyển giá, gian lận nhãn mác trong các doanh nghiệp;

Tám là, tuyên truyền và đẩy mạnh chính sách tiêu dùng trong nước, kích cầu tiêu thụ trong nước “người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam”./.

   Phí Thị Hương Nga

                   Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng - TCTK

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top